Lãnh đạo ASEAN có thể sắp thăm Myanmar
Chủ tịch và Tổng thư ký ASEAN được cho là sẽ tới Myanmar trong tuần này, trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hậu đảo chính tại đây.
Các nguồn tin ngoại giao giấu tên hôm nay cho biết Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Erywan Yusof, nước chủ tịch ASEAN năm nay, và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, cũng đến từ Brunei, dự kiến gặp các tướng quân đội Myanmar cùng những bên liên quan khác trong chuyến thăm nước này.
Tuy nhiên, nguồn tin cảnh báo kế hoạch có thể bị hoãn hoặc hủy nếu gặp trở ngại về hậu cần và ngoại giao vào phút chót.
Chưa rõ hai lãnh đạo của ASEAN có kế hoạch gặp phe đối lập với chính quyền quân sự Myanmar hay không, khi nhiều người đang bị giam hoặc ẩn náu. Phát ngôn viên ASEAN và nhóm Chính quyền Thống nhất Quốc gia, do phe đối lập Myanmar thành lập, chưa bình luận về thông tin.
Tòa nhà thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia, hôm 23/4. Ảnh: Reuters .
Video đang HOT
Hơn 5 tuần trước, các lãnh đạo ASEAN tuyên bố đạt đồng thuận gồm 5 điểm nhằm chấm dứt bạo lực tại Myanmar, thúc đẩy đối thoại, cung cấp viện trợ, chỉ định một đặc phái viên, cử một phái đoàn do đặc phái viên này dẫn đầu đến Myanmar để gặp “tất cả các bên liên quan”.
Tuy nhiên, chưa có ai được chỉ định làm đặc phái viên do nội bộ ASEAN vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc người hoặc nhóm người nào thích hợp nhất với vị trí này, cũng như nhiệm vụ và thời hạn nhiệm kỳ của đặc phái viên.
Nguồn tin cho biết theo đề xuất được Brunei gửi đến các nước ASEAN tháng trước, đặc phái viên chỉ giữ chức vụ này đến hết năm nay, sau đó Campuchia, chủ tịch tiếp theo của ASEAN, sẽ tiếp tục xem xét. Ngoài ra, Brunei cho rằng nhiệm vụ của đặc phái viên là làm trung gian, không cần lưu trú ở Myanmar.
Một số nước đánh giá những đề xuất này làm suy yếu vị thế và vai trò của đặc phái viên, nhưng Brunei chưa phản hồi những lo ngại, nguồn tin nói thêm. Trong khi đó, ASEAN hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận.
Myanmar rơi vào khủng hoảng từ đầu tháng 2, sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và lật đổ chính quyền dân sự, do cáo buộc gian lận bầu cử hồi tháng 11/2020 không được giải quyết. Diễn biến này làm bùng phát các cuộc biểu tình trên cả nước khiến hàng trăm người chết, nền kinh tế sụp đổ và dẫn đến làn sóng tị nạn ngày càng tăng.
Các ngoại trưởng ASEAN dự kiến gặp mặt tại Trung Quốc vào tuần tới, trong hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa ASEAN và Trung Quốc. Nếu khi đó bất đồng về đặc phái viên chưa được giải quyết, các nguồn tin cho biết họ hy vọng vấn đề sẽ được hoàn tất bên lề hội nghị.
Myanmar giải tán đảng của bà Suu Kyi
Ủy ban bầu cử Myanmar sẽ giải tán đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi với cáo buộc gian lận bầu cử.
"Hành vi gian lận bầu cử của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) là bất hợp pháp, nên chúng tôi sẽ phải hủy đăng ký của họ", hãng tin Myanmar Now dẫn lời Thein Soe, chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên minh (UEC) do chính quyền quân sự Myanmar hậu thuẫn, cho biết hôm nay.
"Những người làm chuyện đó sẽ bị coi là kẻ phản bội. Chúng tôi sẽ hành động", Thein Soe đề cập tới cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020. Phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar và nhóm Chính quyền Thống nhất Quốc gia, gồm các thành viên NLD, chưa bình luận về sự việc.
Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tham dự phiên tòa ở Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan, hồi tháng 12/2019. Ảnh Reuters.
Quân đội Myanmar bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và lật đổ chính quyền dân sự hôm 1/2, với lý do cáo buộc gian lận bầu cử không được giải quyết. Sau chiến thắng áp đảo của đảng NLD, ủy ban bầu cử khi đó đã bác bỏ các khiếu nại của quân đội.
Những người phản đối quân đội Myanmar đã thành lập nhóm Chính quyền Thống nhất Quốc gia, hoạt động bí mật hoặc thông qua các thành viên đang ở nước ngoài. Họ tuyên bố đang thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân nhằm thách thức chính quyền quân sự.
Cuộc đảo chính làm dấy lên làn sóng biểu tình rộng rãi trên cả nước, khiến lực lượng an ninh phải sử dụng nhiều biện pháp mạnh để trấn áp. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, một nhóm giám sát tại địa phương, lực lượng an ninh đã giết hơn 800 người kể từ sau đảo chính. Giao tranh cũng nổ ra giữa quân đội Myanmar và các nhóm du kích dân tộc thiểu số.
Tình trạng bất ổn khiến các nước láng giềng của Myanmar, cũng như cộng đồng quốc tế, tỏ ra lo ngại. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy các tướng lĩnh có ý định thỏa hiệp với phong trào ủng hộ dân chủ.
Nhật Bản, nước viện trợ hàng đầu cho Myanmar, đã đình chỉ tất cả viện trợ mới sau khi bà Suu Kyi bị bắt. Trong cuộc phỏng vấn hôm nay, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi cảnh báo về khả năng đóng băng toàn bộ viện trợ cho Myanmar.
"Chúng tôi không hề muốn làm vậy, nhưng buộc phải nói rõ rằng sẽ rất khó để tiếp tục với tình hình như hiện nay. Là một quốc gia ủng hộ quá trình dân chủ hóa Myanmar theo nhiều cách, và với tư cách một bằng hữu, chúng tôi phải đại diện cho cộng đồng quốc tế và truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng", ông nói.
Sợ hãi và bế tắc ở Myanmar 100 ngày hậu đảo chính Quân đội Myanmar đã gieo rắc sợ hãi và trì trệ khắp nước trong 100 ngày sau đảo chính, nữ tu từng quỳ xin cho người biểu tình cho biết. Hình ảnh nữ tu Ann Rose Nu Tawng, 45 tuổi, hai lần quỳ trên đường phố, dang tay cầu xin cảnh sát đừng bắn "những đứa trẻ" được chia sẻ rộng rãi hồi...