Làng xây nhà bằng tiểu sành “trộn” mật ong
1 ngôi nhà có đến vài ba chục đàn ong sinh sống nhưng không bao giờ chủ nhà được lấy mật.
Ong chê tường trát vữa
Những chiếc tiểu sành (đựng hài cốt) vỡ, sứt không bán được, người dân làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên-Bắc Giang) đem về xây nhà.
Tiểu sành làm thành tường nhà ở làng Thổ Hà
Mỗi chiếc tiểu đều có 2 lỗ nhỏ, dù được dùng để làm nhà nhưng mặt có lỗ vẫn hướng ra ngoài, bên trong rỗng.
Lũ ong mật rất thích sinh sống trong những bức tường bằng tiểu sành này. Có nhà đến hai, ba chục đàn ong làm tổ trong tường.
Nơi sinh sống lý tưởng cho những đàn ong mật.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Dinh (79 tuổi) cho biết: Tường này bố tôi làm từ thời tôi lên 10, từ đó đến nay vẫn tốt, chưa phải sửa chỗ nào. Khi làm xong được vài tháng thì thấy một đàn ong về sinh sống, sau đó càng ngày càng nhiều. Nhưng chúng chỉ đến ở nhiều vào mùa hè, mùa đông một số đàn lại bay đi. Có khi các cháu nó đếm rồi khoe: “tường nhà mình có 30 đàn ong bà ạ”.
Mỗi chiếc tiểu có hai lỗ nhỏ, là lối đi ra đi vào của đàn ong
“Nhà tôi cũng được xây bằng tiểu sành nhưng năm nay không hiểu sao chỉ có vài đàn ong về. Mọi năm tầm này phải hàng chục đàn là ít. Chắc là năm ngoái mình mới trát lại bên trong nhà còn hơi vữa nên chúng không ở” – ông Cáp Trọng Nga tâm sự.
Dù trong tường nhà ông Cáp Trọng Tốn có tới hơn 30 đàn ong sinh sống nhưng ông vẫn phải mua mật về dùng. Nhiều người trêu: “Ông chủ ong lại đi mua mật ong…”.
Ông Tốn cũng không hiểu vì sao ông bà tổ tiên lại không cho lấy mật của những đàn ong sinh sống trên tường nhà mình. Các cụ dặn con cháu cứ để đàn ong thích đến thì đến, thích đi thì đi.
Trộm mật, ong đuổi cho chối chết
Ông Tốn kể: “Có lần tôi sang nhà hàng xóm chơi, về đến ngõ thì thấy hai thanh niên ôm đầu chạy hùng hục trở ra, phía sau là cả đàn ong đang đuổi theo.
Về đến nhà thấy tường bị đập vỡ, đồ nghề bọn trộm để lại là búa, can đựng mật…
Không được lấy mật trong những bức tường này
Chuồng gà nhà ông Tốn cũng được xây bằng sành tiểu và cũng có ong ở. Một hôm vợ chồng ông đến nhà con trai, đến tối về thì thấy có cái bao tải trước cửa chuồng gà nhà mình và trong bao có tới 4 con gà.
Kì lạ là đếm trong chuồng thì thấy gà nhà mình vẫn đủ. Hỏi hàng xóm mới biết có mấy kẻ đi trộm gà, qua nhà mình thấy có tổ ong, định trộm luôn ít mật, không ngờ bị ong đuổi đốt, bỏ chạy chối chết, không kịp cả vác theo mấy con gà mới trộm được.
“Đặc tính của ong mật là rất dị ứng với mùi bột giặt, xà phòng tắm, nước rửa bát… Chỉ cần trên người có mùi của những hóa chất đó mà lai vãng gần tổ thì kiểu gì cũng bị ong đốt. Lũ ong mật chỉ thích mùi tự nhiên thôi – Ông Tốn tếu táo.
Theo Bee.net.vn
Giòn thơm bánh đa dừa Thổ Hà
Làng Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) khi xưa nổi tiếng với nghề làm gốm, thì nay nổi danh với nghề tráng bánh đa. Bánh ở đây với công thức chế biến đặc biệt nên có vị ngon riêng, khác hẳn với bánh đa thông thường. Nếm một chiếc bạn sẽ cảm nhận được điều đó.
Bánh đa Thổ Hà có 2 loại: bánh đa vừng và bánh đa dừa, mà đặc sản là loại bánh đa dừa ngọt cao cấp. Để làm bánh đa dừa rất công phu, ngay từ việc chọn nguyên liệu. Đầu tiên, gạo làm bánh đa dừa phải là loại gạo ngon, vừng trắng được đãi kỹ, không sạn. Lạc chọn loại già, nhân to, mẩy, dừa già, cùi dày, và sau cùng là đường kính hoặc đường phên.
Vị bùi của lạc, vị ngọt giòn của dừa già khiến bánh đa Thổ Hà có điều lạ khó cưỡng với du khách.
Trước tiên, người ta ngâm gạo 1-2 tiếng để ráo nước, sau đó đổ vào cối xay, vừa xay vừa đổ nước, để nước có độ vừa phải không loãng mà cũng không đặc quá. Sau đó lọc bột bằng vải. Trước khi tráng, người ta đun chảy đường hòa với bột cho đều.
Các nguyên liệu khác được sơ chế như sau: Vừng đem ngâm, xát vỏ; Lạc nhân thái thật mỏng sau đó xẩy sạch vỏ; Dừa nạo sợi dài, mỏng.
Cuối cùng là công đoạn tráng bánh:
Đổ nước sạch vào nồi khoảng 2/3 dung tích. Khi đun, lửa phải giữ ổn định trong suốt qúa trình tráng bánh. Khi nước sôi để khuôn lên miệng nồi múc một muôi bột đổ lên khuôn, dùng muôi dàn đều trên mặt khuôn. Đối với bánh đa thông thường chỉ cần tráng một lần là được, nhưng với bánh đa dừa khi tráng lần thứ nhất rắc đều vừng, lạc, dừa lên mặt bánh. Sau đó tiếp tục múc một muôi bột nữa đổ lên láng đều kín nhân, đậy vung lại khoảng 1-2 phút mở vung ra, lúc này bánh đã chín, dùng ống nứa lấy bánh ra trải vào phên tre.
Nếu như người làng bánh đa Kế cho cơm nguội, khoai lang, thì người Thổ Hà cho thêm một ít bột mỳ để bánh có độ xốp giòn, kết hợp với vừng, lạc, dừa tạo cho bánh có vị thơm ngon, hấp dẫn. Bánh khi phơi phô xong được cất vào cót theo từng chồng.
Người làm bánh đa ở đây không phải đem bán mà đều có người đến lấy tận nhà. Bánh đa Thổ Hà đã theo chân thương lái đến nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, như một món quà của ngôi làng ven sông Cầu thơ mộng.
Bài và ảnh Ngô Thị Thu Hường
Theo vnexpress