Làng tỷ phú nhờ “khai tử” xe máy
Lối đi vào làng Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội) ngập tràn xác xe máy chất đống hai bên đường. Người dân ở đây nổi tiếng với nghề “khai tử” xe máy. Nhờ buôn bán xác xe máy mà Xà Cầu là một làng quê trù phú, người người ăn nên làm ra từ nghề này.
Lên đời
Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội) được coi là điểm đến cuối cùng của các loại xe máy cũ. Từ những chiếc xe máy cổ có mặt ở Việt Nam nhiều thập niên trước như Simson, Honda 67, 81… cho đến những loại xe máy tân thời, tất cả đều được chất thành đống ở đây. Trong vô vàn xác xe máy phơi thây ở đây, xác xe máy Trung Quốc chiếm đa số.
Nếu như ở Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) được biết đến là nơi “mổ” xe ô tô của cả miền Bắc thì làng Xà Cầu lại là nơi “phanh thây” xe máy nổi tiếng nhất.
Ông Hoàng Tiến Thông, người xã Quảng Phú Cầu, cho biết, nghề “phanh thây” xe máy xuất hiện ở Xà Cầu đã vài chục năm nay. “Trước khi chuyển sang nghề “hóa kiếp” xe máy, Xà Cầu đã nổi tiếng về nghề buôn đồng nát. Nổi đến mức, người dân bắt tay làm ăn với dân Trung Quốc. Có trường hợp người Trung Quốc sang tận Quảng Phú Cầu thuê nhà, thuê xưởng để thu mua đồ sơ chế phế liệu trực tiếp của dân Xà Cầu để đưa về nước. Sau này, xe máy nhiều, đặc biệt là xe máy Trung Quốc kém chất lượng phổ biến trong đời sống người dân thì cũng từ đó, nghề “phanh thây” xe máy bùng phát mạnh mẽ. Người dân Xà Cầu giàu lắm. Những gia đình làm nghề “khai tử” xe máy có tiền tỷ, thậm chí vài chục tỷ đồng trong tay là chuyện bình thường”, ông Thông kể.
Những xác xe được chất đống lãn ra cả đường đi Ảnh: Quang Thành
Hàng ngày, rất nhiều chuyến xe tải từ làng tỏa đi khắp nơi để đưa về hàng trăm chiếc xe máy cũ. Ông Thông cho biết, những xe máy này sau khi mang về Xà Cầu được thợ tháo rời mọi chi tiết, đồng, sắt, nhựa… phân loại thành từng nhóm. Sau đó, chúng được bán cho mối thu mua đồng nát. Mỗi chiếc xe máy hỏng, thường được mua với giá chưa đến 1 triệu đồng. “Có những chiếc, người ta chỉ mua nửa triệu đồng, thậm chí thấp hơn. Nhưng lợi nhuận bán ra thì gấp đôi, thập chí gấp ba, bốn lần giá nhập”, ông Thông nói.
Nghề “ăn” xác xe
Video đang HOT
Đi dọc đường dẫn vào làng, chúng tôi như lạc vào bãi xác xe khổng lồ với không biết cơ man nào là xe máy. Hầu hết, chúng được mổ bung ra, khung nằm đường khung, lốp nằm đường lốp… lấn ra cả lối đi.
“Lò” mổ của Đức – một chủ “lò” – nằm ngay đường lớn vào làng. Lúc chúng tôi đến, Đức đang cùng với 2 thợ khác hì hục tháo rời chiếc Dream ra từng bộ phận. Mọi chi tiết nhỏ nhất từ cục điện, đoạn giây điện, đèn xi-nhan đều được ê kip của Đức tháo rời, phân loại một cách chuyên nghiệp và cẩn thận.
Vừa làm Đức vừa giới thiệu: “Con Dream này mình mua với giá 400.000 đồng. Nó đã hỏng. Nếu như tháo ra chỉ bán với giá sắt vụn đơn thuần thì lời lãi chẳng được bao nhiêu. Chủ yếu, trong quá trình tháo, bộ phận nào còn sử dụng được, bọn mình giữ lại, rồi ký gửi ở các cửa hàng sửa chữa xe máy, hoặc có người đặt hàng từ trước”. Với gần chục năm trong nghề, một chiếc xe máy thông thường được 3 thợ tháo rời chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, cơ bản là xong.
Những bộ phận nào còn dùng được sẽ được tận dụng tối đa, trong “lò” sẽ có một bộ phận chịu trách nhiệm mông má lại rồi bán cho các cơ sở sửa chữa xe máy. Những bộ phận vành, nan hoa, khung sắt, lốc máy được phân loại rồi bán cho các cơ sở sắt vụn. Những đồ nhựa của xe được bán cho các đại lý nhựa tái chế. Khi hỏi lợi nhuận, Đức chỉ cười xòa: “Nghề này cũng chỉ lấy công làm lãi”. Thực tế, sau khi “phanh thây” chiếc xe, nếu gặp may có khi chủ “lò” lãi đến vài triệu đồng. Nếu không còn bộ phận nào tái sử dụng được thì họ cũng lãi thấp nhất vài trăm nghìn đồng.
Theo Đức, nghề “phanh thây” xe máy không cần vốn đầu tư nhiều mà việc làm quanh năm. Tuy nhiên, không phải ai, ở đâu cũng có thể bắt chước mà làm được. Anh kể: “Nhiều thôn trong xã Quảng Phú Cầu, thậm chí các địa phương khác thấy dân Xà Cầu kiếm được với nghề này nên học theo nhưng được thời gian ngắn đã bỏ cuộc”. Lý do vì sao? Đức lý giải đơn giản: “Buôn có bạn, bán có phường. Bọn mình có mối lấy hàng, mối nhập từ cái thời còn buôn đồng nát. Vấn đề “mánh” làm ăn người ra không dễ bày cho người khác được”.
Đức cho hay, anh đặt mối thu mua xe không chỉ ở loanh quanh Hà Nội này mà còn ở rất nhiều tỉnh thành khác, từ Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng cho đến Thanh Hóa, Nghệ An…
Bên cạnh đó, nhiều chiếc xe giá trị chỉ 1-2 triệu đồng vi phạm luật giao thông bị lực lượng CSGT bắt giữ, tạm giữ thì chủ xe cũng “vứt” đi luôn, những chủ lò cử người tìm đến để mua hàng thanh lý rồi đưa về các cơ sở “khai tử” xe máy cũ ở đây. Người làm nghề càng có nhiều nguồn xe cũ để tháo dỡ.
Nhìn thấy cuộc sống con cháu người làng Xà Cầu ngày càng ấm no, nhưng ông Thông không khỏi băn khoăn, âu lo. Ông nói: “Lo nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Không biết có phải tại môi trường sống độc hại hay không mà thời gian gần đây số người mắc bệnh đường hô hấp, bệnh nan y nhiều hơn trước”.
Được biết, chính quyền địa phương đã tính đến cách tập trung các hộ làm nghề thành cụm công nghiệp để sản xuất xa khu dân cư, nhưng ý tưởng đó còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong khâu thu hồi đền bù đất.
Tuy nghề “ăn” xác xe máy cũ đang giúp người dân Xà Cầu kiếm bộn tiền, nhưng mối lo về rác thải gây ô nhiễm môi trường thực sự đáng lo ngại và cần được giải quyết sớm.
“Trước đây, sau những ngày mùa làm lụng ngoài đồng, người ta đổ đi tứ xứ thu mua phế liệu. Bây giờ, họ chuyển sang thu mua xe máy. Xà Cầu làng nông nghiệp xưa kia bây giờ thành làng chứa xác xe máy. Sự đổi thay hoàn toàn”. Anh Đinh Mạnh Hùng – một trong những thợ “phanh thây” xe máy có nghề ở Xà Cầu.
Theo 24h
Nơi người dân nói như chim hót
Nếu hai người Diêm Điền (Quảng Bình) nói chuyện với nhau bằng 100% từ ngữ và giọng điệu của họ, người ngoài dù lắng tai nghe cũng không hiểu. Họ nói líu lo và rất nhanh, nghe như chim hót.
Người làng Diêm Điền thuộc phường Đức Ninh Đông (TP Đồng Hới, Quảng Bình) có gốc gác ở các tỉnh phía Bắc như Thanh Hoá, Thái Bình... di cư vào Đồng Hới từ hơn 400 năm trước. Làng nằm trên doi đất dài, như ngón chân con chim khổng lồ duỗi ra. Nhiều người nói vui là có lẽ do vậy nên người Diêm Điền mới có tiếng nói tựa như... chim hót.
Ngay người làng Diêm Điền cũng thừa nhận là họ nói líu lo và rất nhanh. Họ phát âm sai nhiều từ, ngữ âm, thổ âm quá nặng, khi nói lại lên bổng xuống trầm, nhấn mạnh, đãi dài ra... liên tục. Nếu hai người Diêm Điền nói chuyện với nhau bằng 100% từ ngữ và giọng điệu của họ, người ngoài làng dù có lắng tai nghe cũng không hiểu.
Ông Hoàng Mạnh Châm, người làng Diêm Điền, giải thích người làng không nói đúng được các chữ có từ đứng đầu như s, tr, d... Với các từ này họ sẽ nói sang th, t, r. Hoặc chữ l, n thì nói như một số tỉnh phía Bắc sang n, l. Thanh ngang nhiều lúc họ phát âm như thanh huyền, như không thành ra khồng, ăn thành ằn, ba thành bà... Ngược lại, trong một số trường hợp, đôi khi chữ có thanh huyền họ phát âm ra thành thanh ngang, như ngày lại nói thành ngay...
Chữ có dấu hỏi, dấu ngã là khó nói nhất nên người dân thường phát âm chữ hỏi thành ra lơ lớ giữa hoi, hói, hòi, hoặc chữ ngủ nghe na ná chữ ngù, ngũ, ngụ... như đang luyến láy một nốt nhạc. Bởi vậy, người Diêm Điền đi ra khỏi làng hoặc khi tiếp xúc với người khác thường chuyển sang nói bằng giọng Bắc, hay giọng các làng khác ở Đồng Hới. Người đi làm việc cho Nhà nước, hay đi làm ăn xa cũng phải vậy để giao tiếp được dễ dàng hơn.
Nhưng dù có đi xa, người Diêm Điền luôn ý thức giữ gìn giọng nói của mình. Nhà bà Hoàng Thị Hường (81 tuổi) nằm sát ngay ranh giới hai làng Diêm Điền và Nam Lý (thuộc phường Nam Lý) và chỉ cách nhau cái ngõ nhỏ. Vậy nhưng chưa bao giờ bà quên giọng nói gốc gác Diêm Điền của mình. Khi "sang" chơi với người Nam Lý bà nói giọng Nam Lý, về nhà bà lại nói với cháu con giọng gốc của mình. "Quê ai lói giọng quê lấy, khồng có chuyện tháo tộn qua nại chi hết", bà Hường nói.
Chính việc phát âm sai chính tả và ngữ điệu, âm điệu như chim của người Diêm Điền mà có biết bao chuyện vui được truyền tụng trong cộng đồng. Ông Phạm Phước, người Diêm Điền, vốn vẫn hay trào lộng về tiếng nói của làng mình, kể: "Có cô gái người làng Diêm Điền đi chơi với người yêu ở làng khác, nói chuyện với bạn trai cô nói toàn giọng Bắc. Chơi một lúc, anh con trai với tay ôm cô gái, cô hoảng quá, quên mất mình là người Diêm Điền đang nói giọng Bắc, vậy là nói luôn giọng Diêm Điền: khồng được khồng được, thả tớ ra kẻo vê nha mạ tớ mắng, đánh tớ u tôốc thì nàm thao (không được không được, thả tớ ra kẻo về nhà mẹ tớ mắng, đánh tớ u đầu thì làm sao)!".
Người Diêm Điền có nghề truyền thống là xây và mộc. Ảnh: báo Quảng Trị.
Ông Hoàng Mạnh Châm kể tiếp chuyện vui: "Có chàng trai người Diêm Điền hẹn hò với cô gái khác làng dưới ánh trăng, bất ngờ chàng nói tiếng làng mình: Hồm này tời thao thưa, tăng tháng thủa em hè" (Hôm nay trời sao sưa, trăng sáng sủa em nhỉ)! Té ra anh chàng vì quá hồi hộp nên quên mất tiếng... phổ thông. Năm 1972, một lần đơn vị mình hành quân đêm giữa rừng, mình phát hiện tước mặt có một cái hố thâu, bèn tuyền ra thau hang quân là phía tước có hố! Chẳng hiểu giọng nói của mình nàm thao mà các bố nính nại tưởng là mình nói phía tước có hổ, thế nà cả bọn ho nhau chạy tán noạn cả".
Một thợ xây người Diêm Điền góp chuyện, thợ Diêm Điền ở trên mái nhà nói với một thợ người làng khác đứng phía dưới là "May ném cho tớ cái rựa (như dao quắm) với!". Anh thợ ở dưới cứ nói với lên: "Khi nãy tao bỏ một cái trên đó rồi, ngay dưới chân mi đó". Nói qua nói lại không được, tìm quanh tìm quất mãi vẫn không thấy cái rựa đâu, anh thợ người Diêm Điền phải trèo xuống lấy lên. Té ra do giọng nói của anh thợ người Diêm Điền ở tiếng "rựa" đã được nhấn mạnh, nặng nề nghe cứ na ná như "rưa", "rửa", "rữa"... nên anh kia cứ tưởng là đang cần... bật lửa hút thuốc.
Và đây là câu chuyện có thật. Một thanh niên làng bên lấy cô gái người Diêm Điền. Một lần đưa cô đi khám bệnh đau bụng, ra khỏi phòng khám nước mắt cô vòng quanh. Tưởng mắc bệnh gì nặng lắm, hỏi mãi cô mới nói: "Họ hoi lúc tháng đã ằn uống nhi chưa để nàm xét nghiệm máu. Nói với họ nà có đi uống nhiều nần nước tong (nước trong) rồi. Rứa ma họ cứ bóp bụng nói nà đã bị tiêu chảy vi ngộ độc thức ăn. Em bảo nà không phải, lói mãi lói mãi thi họ mắng: đã đi ra nước tong tỏng rồi mà còn khồng phải nà tiêu chảy!".
Nghiên cứu về văn hóa dân gian, ông Nguyễn Văn Tăng, Chánh văn phòng Hội Di sản văn hóa văn nghệ tỉnh Quảng Bình, cho rằng trong từng vùng đất vẫn có nhiều giọng nói, lẫn lộn và xen kẽ nhau... Theo gia phả của người Diêm Điền, họ di cư từ phía Bắc vào, mang theo thổ ngữ của vùng đất mà họ sống từ xa xưa. Đã bao đời họ sống giữa lòng thành phố Đồng Hới nhưng vẫn giữ được tiếng nói và ngôn ngữ gốc, điều đó cho thấy tính bền vững của ngôn ngữ gốc.
"Khi đi làm ăn xa, người Diêm Điền phải giữ được tiếng nói, ngôn ngữ riêng của mình, nếu mất đi họ sẽ mất gốc. Sự gắn kết cộng đồng của người làng rất chặt chẽ, tính quần cư của họ rất cao. Đó là yếu tố quan trọng để họ có tiếng nói khác lạ với xung quanh như hiện giờ", ông Tăng giải thích.
Theo VNE
600 năm bạc mặt vì bạc Nghề chạm bạc từng một thời bị xếp vào "xó bếp" rồi cũng lận đận ngoi ngóp góp mặt trên thị trường kim hoàn. Người trong nghề kim hoàn chạm bạc nước ta thực chẳng ai mà không biết Đồng Xâm ở Kiến Xương, Thái Bình. Đây không chỉ là cái nôi của nghề chạm bạc danh bất hư truyền mà còn là...