Làng sống thọ
“Quê tôi tuy nghèo nhưng nhiều người sống thọ, cả xã có gần 1500 hội viên hội người cao tuổi, trong đó có 350 cụ trên 80 tuổi, 135 cụ trên 85 tuổi…”, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Ngọc – huyện Diễn Châu, Nghệ An, tự hào kể.
Là xã nghèo, diện tích chưa đầy một cây số vuông nhưng dân số ở xã Diễn Ngọc lên đến hơn 20 ngàn người, sống chủ yếu dựa vào nghề đi biển, diện tích đất nông nghiệp rất ít. Mặc dù vậy trong những năm qua đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở đây không ngừng được nâng cao và vùng quê nghèo này cũng là nơi có nhiều người sống thọ bậc nhất ở xứ Nghệ.
Cả xã hiện có gần 1500 cụ là hội viên người cao tuổi, sinh hoạt ở 12 chi hội khác nhau với 12 câu lạc bộ dưỡng sinh, 12 câu lạc bộ văn nghệ.
“Người cao tuổi nhất xã là cụ Thái Thị Bích, năm nay đã 107 tuổi, ngoài ra, trong đại gia đình cụ Bích còn có 17 cụ khác đều trên tuổi 70″, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Ngọc – ông Vũ Sỹ An, 76 tuổi – phấn khởi kể.
Ông Vũ Sỹ An – Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Ngọc – đang thăm hỏi cụ Thái Thị Bích (107 tuổi), nhiều tuổi nhất xã. Ảnh: Trường Long.
Cách Diễn Ngọc không xa, người dân xã Diễn Nguyên cũng tự hào với những kì tích sống thọ của các cụ cao niên. Trong dịp lễ Đại yến lão cho gần 1000 cụ cao tuổi năm 2010 vừa qua, ông Ngô Sỹ Hạnh, Chủ tịch xã đưa ra thống kê rằng, cả xã hiện có gần 1000 người trên tuổi 60, 160 cụ trên tuổi 80, gần 40 cụ trên tuổi 90 và 2 cụ đã sống qua 3 thế kỷ.
Ông Đàm Văn Hướng, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Nguyên cho biết, cứ 5 năm một lần chính quyền địa phương đều mở đại lễ yến lão cho các cụ cao niên. Đây là dịp các cụ ông, cụ bà và con cháu, dâu rể trong toàn xã tề tựu về quê hương để chúc thọ ông bà, cha mẹ và người thân. Vào ngày đại lễ, các cụ sẽ được mặc những bộ đồ truyền thống làm bằng gấm lụa màu đỏ, vàng, được con cháu rước đến hội trường bằng lọng vàng, và được hàng trăm quan khách cùng người thân mừng trầu, chúc rượu thọ.
Video đang HOT
Lễ đại yến lão cho các cụ cao tuổi đã trở thành truyền thống ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Cảnh Yên.
Việc tổ chức ngày đại lễ là dịp để các cụ được gặp nhau, thăm hỏi chuyện trò và đã trở thành nét văn hóa truyền thống, người dân quê hương, dù đi đâu, về đâu đều nhớ đến ngày này.
“Nếu như dịp đại lễ 2005, cả xã chỉ có 9 cụ trên tuổi 90 thì đến năm 2010, con số ấy tăng lên 40. Chúng tôi đang sợ rằng trong dịp lễ tiếp theo, hội trường của xã sẽ không có đủ chỗ để các cụ ngồi”, ông Hướng hóm hỉnh tâm sự.
Nói về nguyên nhân sống thọ của các cụ cao niên, ông Đậu Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho rằng, ngoài việc đời sống vật chất tăng lên thì yếu tố tinh thần là vô cùng quan trọng. Hằng năm xã đều tổ chức đại yến lão mừng thọ cho hàng trăm cụ có tuổi chẵn; tất cả các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho người già đều được xã thực hiện đầy đủ, dân chủ và công khai. Chăm sóc, phụng dưỡng người già đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây…
Còn ông Vũ Sỹ An lại quả quyết rằng sở dĩ người dân quê mình sống thọ là bởi họ ăn rất nhiều cá: “sinh ra ở vùng biển nên thức ăn chủ yếu của họ là cá. Từ đời này qua đời khác, dù già hay trẻ, trong mọi bữa ăn của người dân quê tôi đều có cá”.
Nhiều cụ cao tuổi thì lý giải rằng, thì sở dĩ người dân ở đây sống thọ là bởi ngay từ khi còn trẻ, họ đã được thử thách với sóng gió, bão bùng, con trai thì theo cha ra biển, con gái thì theo mẹ bán cá, đan lưới. Khi lớn lên họ đều trở thành những ngư dân dạn dày kinh nghiệm, phải có sức khỏe phi thường mới trụ được trước biển cả bao la.
Theo vnexpress
Vào 'xứ thần tiên' gặp người sống qua 3 thế kỷ
Xã Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hoà Bình), được gọi là "xứ thần tiên" bởi ở mảnh đất mây ngàn gió núi này, những cụ già hưởng "tuổi giời" sống vắt qua vài ba thế kỷ rất nhiều.
Ông Hà Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Lũng Vân cho biết, tuy cả xã chỉ có hơn 400 hộ gia đình nhưng các cụ tuổi bách niên thì ngồi chốc lát không thể nhớ hết họ tên. Bởi thế, năm nào cũng vậy, cứ khi Tết đến Xuân về, chính quyền xã lại đi chúc thọ những cụ già mà giời ban cho tuổi ấy. Ngoài phần lụa của Chủ tịch nước tặng thì xã cũng có quà riêng. Vòng từ bản này sang làng khác, đi cả ngày vẫn không hết lượt.
Cao và sâu nên Lũng Vân bốn mùa lạnh giá. Chính vì cái lạnh thường trực ấy mà tài sản lớn nhất của người Mường ở đây là những chiếc chăn dày cộp. Ông Thọ bảo, thời gian gần đây thời tiết có ấm lên nên người dân cũng bớt khổ. Chứ ngày trước, cứ hễ mùa lạnh là mặt nước đóng băng, lúa cấy dưới ruộng héo tàn rũ rượi, học trò tới trường phải lấy gậy gỗ để dò, đi cho khỏi ngã.
Vợ chồng ông Hà Văn Xuân ở bản Bách tất bật theo các con, cháu đi nương. Năm nay, cả hai vợ chồng ông đã ở tuổi 70. Mẹ ông, cụ Hà Thị Ìn đã sống qua 108 mùa nương rẫy. Gia đình ông "tứ đại đồng đường" ở chung trong căn nhà sàn chênh vênh ngay mép đại ngàn.
Ảnh: Gia đình & Xã hội.
Cụ Ìn đang dùng bữa cùng vợ chồng người cháu. Cụ ngồi trên giường, nhai cơm bỏm bẻm. Cháu cụ, anh Hà Văn Thủy bảo, bà anh tuy có tuổi nhưng còn minh mẫn lắm. Không ra khỏi nhà nhưng việc làng, việc xóm cụ đều biết. Bây giờ, chân yếu, việc nhà cụ không còn quán xuyến được như trước nữa. Mấy năm trước, vợ chồng anh cũng thoải mái đi nương, bởi việc cơm nước, bảo ban các chắt... đều do một tay cụ xoay sở, lo toan. Thậm chí, khi nhà hết củi, cụ vẫn vào rừng và chỉ một loáng sau, cụ về với gùi củi nặng trĩu.
Cụ Ìn giờ chỉ ngồi một chỗ, đến bữa, các cháu mang cơm đến tận nơi. Tuy nhiên, những việc cá nhân, dù cháu con có xắn tay làm giúp nhưng cụ không nghe. Cụ bảo, sức cụ còn làm được thì chưa phải cậy nhờ. "Kính già già để tuổi cho", anh Thuỷ vẫn thường răn bảo vợ con mình thế! Lẽ sống ấy, anh học từ chính bố mình.
Nhắc đến những bậc "trường thọ" ở Lũng Vân, không thể quên cụ Định Hệu, năm nay đã 112 tuổi nhưng mắt vẫn sáng, tai vẫn tỏ, trí tuệ vẫn minh mẫn. Hơn một năm trở lại đây, chân không còn khỏe, cụ Hệu ít xuống khỏi 9 bậc cầu thang nhà sàn. Cụ chỉ quanh quẩn trong nhà và khi rảnh thì ngồi bên bếp lửa. Dù tóc đã bạc trắng như mây nhưng da dẻ cụ vẫn hồng hào và đặc biệt, sự nhanh nhẹn, mẫn tuệ vẫn hiển hiện trên nét mặt.
Cụ Hệu sống cảnh lẻ bóng đã ngót 40 năm nay. So với người mình má ấp môi kề, trời cho cụ ông ít thọ hơn. Cụ ông khuất núi khi vừa qua 76 mùa mận chín. Cụ Hệu có tới 8 người con. Từ khi cụ ông không còn nữa, cụ về ở hẳn với vợ chồng người con thứ 6. Năm nay, tuổi họ cũng ngấp nghé 70.
Mế Đinh Thị Linh, người con dâu đã sống với cụ Hệu gần nửa thế kỷ nhớ lại, ngày trước theo chồng nhiều người cứ bảo mế là về nhà cụ Hệu sẽ khổ bởi cảnh nhà chồng đông người. Thế nhưng, sự lo lắng ấy của mọi người đã thừa. Về nhà chồng, việc gì nặng nhọc, mẹ chồng mế đều giành lấy phần mình. Lên nương xa, nương gần, xuống ruộng cạn, ruộng sâu, vào rừng kiếm củi hay lặn lội tìm lá thuốc, mẹ chồng mế cứ nằng nặc đòi làm.
Mế bảo, dường như sức lực của mẹ chồng mình là vô tận. Chẳng thế mà khi mẹ chồng tuổi đã xấp xỉ bách niên, mế theo lên rừng hái thuốc, nhìn cụ thoăn thoắt vượt suối băng khe, mế theo mà thấy hơi thở tức căng lồng ngực, thấy cái chân chẳng còn nghe theo sự sai khiến của mình.
Người con trai thứ 6 của mế Hệu vốn là một thầy lang có tiếng trong vùng. Ông học nghề ấy từ cha mình. Ông bảo, người Mường ở đất này sống thì là bạn với thiên nhiên nên nghề thuốc hầu như ai cũng biết bởi đã quen mặt, nhớ tên tất thảy những loài cây cỏ trong rừng.
Theo như bố ông kể lại thì thuở trước, ở Lũng Vân, cứ bước ra khỏi nhà là gặp thảo dược quí hiếm, hái cả ngày không hết. Có lẽ, sống cạnh những cây thuốc quí đó mà những người sinh ra từ 2 thế kỷ trước như mẹ của ông đều sống lâu và khoẻ mạnh.
Điều này cũng đã được mẹ ông xác nhận. Cụ Hệu bảo, ngày ấy, người Mường ở thung mây này khổ. Đường xá đi lại khó khăn nên lúa ngô trồng được thì ăn, không trồng được thì cả mùa cứ "đánh bạn" với cháo bẹ, rau rừng. Mà rau rừng ở Lũng Vân này nhiều vô kể, mọc um tùm ở khắp nơi. Cứ khi đói, nhoáng nhoàng ra bờ suối là cả nhà đã có những "suất ăn thiên nhiên", khiến cái bụng tạm quên đi cơn đói.
Bây giờ, cuộc sống khá lên, lúa ngô đã chất đầy nhà, bữa ăn đã có nhiều thịt, nhiều cá tôm. Thế nhưng với cụ Hệu, từ khi 100 tuổi, những đồ ăn ấy cụ không "khoái khẩu". Cụ bảo, một phần vì ăn không quen, phần vì răng đã rụng hết từ mấy chục năm trước, bùng nhùng không nhai được. Mỗi bữa, theo khẩu phần cụ tự định sẵn cho mình là một gạt cơm, một bát rau xanh và một chén rượu có ngâm thảo dược. Nghe mế Linh nói, rượu ấy, cụ uống để phòng bệnh phong thấp cho mình.
Ngồi nhẩm một lúc lâu nhưng mế Linh vẫn chẳng thể "liệt kê" số cháu, chắt, chút, chít của cụ Hệu, chỉ biết rằng chúng đông lắm. Mỗi khi nhà có việc, chúng kéo đến, 5 gian nhà sàn vốn rộng thênh thênh này cũng chẳng đủ chỗ cho chúng ngồi. Con lợn 2 người khênh khệ nệ, thịt ăn một bữa là sạch nhẵn. Cứ nhìn vào phong thái của mẹ chồng mình, mế bảo, chắc chắn cụ sẽ có tới 5, 6 đời cháu.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Thỏ nổi tiếng nhờ biệt tài giữ thăng bằng Một con thỏ đã trở nên nổi tiếng trên internet nhờ biệt tài giữ thăng bằng các đồ vật trên đầu. Oolong tỏ ra kiên nhẫn khi chủ nhân Hironori Akutagawa đặt các đồ vật trên đầu nó để chụp ảnh. Những hình ảnh ngộ nghĩnh chứng minh khả năng giữ thăng bằng của Oolong sau đó đã được tải trên trang web...