Lạng Sơn: Bắt xe chở lợn giống chưa kiểm dịch đang mang đi bán
Số lợn con giống được mua tại tỉnh Hải Dương về tập kết tại xã Tân Mỹ, TP.Bắc Giang, sau đó vận chuyển lên huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn bán kiếm lời. Đặc biệt số lợn giống này không có giấy kiểm dịch động vật nên nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất cao.
Cụ thể ngày 24..4 Đội Quản lý thị trường số 9 phối hợp với Công an huyện Văn Lãng, Trung tâm Dịch vụ Nông Nghiệp huyện Văn Lãng tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 98C – 094.96 do ông Lương Văn Huy (SN 1960, trú tại Tổ 6, phường Trần Nguyên Hãn, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) điều khiển khi xe đang di huyển qua đoạn xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Số lợn giống bị thu giữ tại cơ quan chức năng.(QLTT)
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 20 con lợn giống (loại từ 10-15kg/con) có tổng trọng lượng 250kg không có giấy kiểm dịch động vật. Điều đặc biệt, số lợn giống này vận chuyển từ tỉnh Hải Dương đến Lạng Sơn tiêu thụ đã trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng và vận chuyển qua địa bàn huyện Hữu Lũng vào địa bàn huyện Văn Lãng để tiêu thụ. Trong khi đó, Văn Lãng và Hữu Lũng là 2 huyện mà tỉnh Lạng Sơn đã công bố có dịch tả lợn châu Phi.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Lương Văn Huy cho biết ông chỉ là lái xe vận chuyển thuê cho bà Thân Thị Cúc (thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Bà Cúc là chủ hàng toàn bộ số lợn con giống nói trên. Số lợn con giống được bà Cúc mua tại tỉnh Hải Dương về tập kết tại xã xã Tân Mỹ, TP.Bắc Giang sau đó vận chuyển lên huyện Văng Lãng tỉnh Lạng Sơn bán kiếm lời. Đội Quản lý thị trường số 9 đã ra Quyết định tạm giữ phương tiện và bàn giao toàn bộ số lợn con giống cho Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn vừa có Công văn số 505/SNN-TSKTTH, ngày 18.4.2019, chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sở này cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20.2.2019 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 1237/CĐ-BNNPTNT ngày 22.2.2019, Công văn số 175/UBND-KTN ngày 27.2.2019 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Các địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để mọi người chăn nuôi, cả xã hội cùng kiểm soát, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan, tuyên truyền người chăn nuôi không thả rông lợn, không mua, bán, giết thịt, ăn thịt lợn bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh, hướng dẫn người dân không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán vận chuyển lợn, sản phẩm lợn nhập lậu vào địa bàn tỉnh tiêu thụ, đẩy mạnh xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh…
Video đang HOT
Công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn qua địa bàn, tăng cường quản lý việc giết mổ, xử lý lợn mắc bệnh. Chi cục Thú y tỉnh tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, triển khai kỹ thuật phòng chống dịch tại nơi đang có dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động lưu thông, ra vào địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo Danviet
Dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Ninh : Bất an tại ổ dịch Nhân Thắng
Không chốt kiểm dịch, phòng dịch lơ là, xử lý lợn bệnh chậm, ẩu... là tình trạng đang diễn ra tại ổ dịch tả lợn châu Phi ở xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Điều này không khỏi khiến người chăn nuôi địa phương hoang mang, lo lắng.
Lợn chết 2 ngày, cán bộ thú y mới kiểm tra
Theo phản ánh của người dân thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, số lượng lợn ở thôn bị chết do nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi đang tăng nhanh, tuy nhiên do lực lượng cán bộ thú y ít nên xử lý không xuể, dẫn đến tình trạng có hộ báo lợn chết trong chuồng 2 ngày mới thấy cán bộ thú y đến kiểm tra, đưa đi tiêu hủy.
Ông Vũ Đình Bạch ở thôn Hương Triện huy động người hỗ trợ đưa lợn bị dịch tả lợn châu Phi của gia đình đi tiêu hủy. Ảnh: Trần Quang
"Tính đến thời điểm này, toàn huyện Gia Bình đã tiêu hủy hơn 2.000 con lợn trên tổng số khoảng 30.000 con của huyện. Dù số lượng lợn tiêu hủy ít nhưng chúng tôi xác định không chủ quan mà vẫn sẽ tiếp tục làm quyết liệt hơn để ngăn chặn dịch bệnh, giúp bà con sớm ổn định lại sản xuất".
Ông Nguyễn Văn Quyện
Ông Vũ Đình Bạch (ở thôn Hương Triện) cho biết, nhà ông nuôi hơn 10 con lợn, trong đó có 1 con bị phát hiện ốm chết từ đêm 17.4. Vợ chồng ông nhiều lần gọi điện báo lên xã nhưng đến gần trưa ngày hôm sau (18.4) vẫn không thấy cán bộ đến xử lý. Ông Bạch bức xúc đã định kéo con lợn chết lên xã hỏi chuyện...
Chia sẻ với phóng viên, bà Bùi Thị Dung (vợ ông Bạch) bảo: "Từ khi lợn bị dịch đến giờ, ngày nào vợ chồng tôi cũng cãi nhau đôi ba trận, khổ lắm chú ạ!".
Vừa lúc trao đổi với phóng viên thì có cán bộ thú y xã đến, ông Bạch càng bức xúc hơn.
"Tôi gọi điện nhiều lần nhưng cán bộ thú y xã bảo gia đình phải tự kéo điện chích chết hết số lợn còn lại mới được đem đi tiêu hủy khiến chúng tôi rất bức xúc. Của đau, con xót vợ chồng tôi không nỡ xuống tay với vật nuôi của mình đâu" - ông Bạch ngậm ngùi nói.
Sau một hồi suy nghĩ, ông Bạch đành phải gọi điện nhờ hàng xóm sang chích điện xử lý lợn giúp. Rồi vợ chồng ông phải chờ đến chiều cùng ngày mới có cán bộ thú y địa phương đến thống kê số lượng lợn và đưa đi tiêu hủy.
Cùng hoàn cảnh, gia đình ông Vũ Đình Khương (ở Hương Triện) còn phải tự mua vật dụng, thuốc khử trùng, vôi bột và thuê người mất gần 1 triệu đồng để tiêu hủy con lợn nái hơn 200kg tại vườn nhà. "Do nuôi ít nên xã bảo gia đình tự tiêu hủy, vì thế chúng tôi đành phải chủ động xử lý thôi" - ông Khương nói.
Ông Bùi Thế Quế - Trưởng thôn Hương Triện cho hay: Sau nhiều ngày xuất hiện ổ dịch, đến thời điểm này lợn ở địa bàn thôn đang chết nhiều nên cán bộ thú y xã, huyện phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm không xuể. "Do lực lượng mỏng, số lợn bị nhiễm dịch bệnh lại nhiều nên xử lý không kịp, có hộ báo lợn chết từ ngày hôm trước nhưng sang đến hôm sau mới có người đến đưa đi tiêu hủy" - ông Quế nói.
Để công tác phòng, chống dịch của địa phương tiến hành nhanh, đảm bảo hơn, ông Quế kiến nghị huyện và tỉnh tăng cường thêm lực lượng xuống địa bàn giúp bà con Hương Triện phun tiêu độc, khử trùng và tiêu hủy lợn. "Trong các ngày tới, nếu vẫn không có thêm người hỗ trợ chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn"- ông Quế khẳng định.
Dập dịch sơ sài vì thiếu người?
Ngoài việc xử lý lợn dịch chậm chễ, theo ghi nhận thực tế của phóng viên trong ngày 18.4, trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm ở Nhân Thắng không hề có chốt kiểm dịch nào được lập. Điều đáng nói là lực lượng xử lý dịch, tiêu hủy lợn ở Nhân Thắng hiện rất mỏng, chỉ có 2 - 3 cán bộ thú y vừa lo đi thống kê, xử lý lợn dịch, vừa lo điều xe tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng...
Chính vì thế mà các công việc phun tiêu độc khử trùng, chôn lấp, tiêu hủy lợn dịch ở đây được thực hiện rất sơ sài, thậm chí cán bộ còn không có đồ bảo hộ, có người còn dùng tay không để làm. Đáng chú ý là việc vận chuyển lợn dịch đi tiêu hủy ở thôn này không có sự giám sát của lãnh đạo địa phương.
Trong ngày 18.4, phóng viên Báo NTNN cũng đã nhiều lần bắt gặp cảnh xe công nông, xe máy tự chế kéo vận chuyển xác lợn dịch nhưng không được đảm bảo theo đúng quy định. Theo đó, các xe chở lợn chỉ được phủ bạt sơ sài khiến phân, máu của vật nuôi rơi vãi dọc đường dẫn ra khu tiêu hủy.
Chứng kiến tình trạng này, bà Nguyễn Thị Hòa- chủ trại lợn hơn 60 con ở thôn Hương Triện tỏ ra rất bất bình. Bà Hòa cho biết, hiện đàn lợn của gia đình bà chưa bị dịch nhưng do nằm gần các trại có lợn bị dịch ở thôn nên vợ chồng bà đang đứng ngồi không yên.
"Nếu cán bộ thú y xã không thay đổi cách xử lý lợn dịch cẩn thận, đảm bảo hơn thì đàn lợn của tôi và một số hộ còn lại e rằng khó thoát được "án tử". Người chăn nuôi chúng tôi sẽ buộc phải tiêu hủy đàn vật nuôi của mình, thiệt hại là vô cùng lớn" - bà Hòa nói.
Phân trần với chúng tôi, ông Phạm Công Quyện - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gia Bình cho hay: Do dịch xảy ra tại nhiều nơi, đàn lợn lại đông và lực lượng thú y mới có sự thay đổi, bị cắt giảm, sát nhập nên việc xử lý dịch bệnh ở địa phương còn nhiều thiếu sót và chưa hoàn thiện. "Hiện, chúng tôi đã nắm bắt được tình hình và sẽ chấn chỉnh lại để đảm bảo công tác phòng, dập dịch, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi hiệu quả hơn" - ông Quyện nói.
Theo Danviet
Quảng Ngãi: Mô hình "Cánh đồng lúa mẫu lớn" hiệu quả cao Ngoài giảm các chi phí đầu tư, mô hình "Cánh đồng lúa mẫu lớn trong sản xuất lúa" đã triển khai tại xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh so với ruộng đại trà trên cùng diện tích đạt lợi nhuận cao hơn 2,5 triệu đồng/ha. Sáng 11.4, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh đã tổ chức hội nghị tham quan,...