Làng phong xoay xở mưu sinh: Những mối tình lặng lẽ
Làng phong Quy Hòa có 255 căn nhà của nhiều tổ chức từ thiện xây dựng cho bệnh nhân. Mỗi căn chỉ rộng khoảng 40 m2, phần lớn đổ nát nhưng vẫn là mái ấm yên bình cho những người yêu thương nhau bất chấp bệnh tật.
Trước hiên một căn nhà mái đã sụp nát hướng ra biển Ghềnh Ráng, anh Lương Thành Tân và vợ – chị Lê Thị Thu – ngồi bên nhau vá lưới, chuẩn bị cho buổi đánh bắt ban đêm. Trước sân, cu Bin – 6 tuổi, con trai của anh chị – chơi bắn bi một mình.
Vợ chồng anh Lương Thành Tân và chị Lê Thị Thu luôn bên nhau
Đám cưới không họ hàng
Buổi trưa mùa gió Tây Nam, dù nhà ở gần biển nhưng vẫn cứ hanh nồng. Thỉnh thoảng, anh Tân lại dừng tay, cầm chiếc quạt nan quạt cho mình và vợ. Chị Thu thì chốc chốc liếc mắt nhìn qua chân phải của chồng, xem có con muỗi nào lai vãng bên một bộ phận cơ thể đã không còn cảm giác vì bệnh phong của anh hay không.
“Tôi phát hiện bị bệnh phong từ năm 13 tuổi, được gia đình gửi vào đây chữa trị. Tôi lớn lên trong sự bảo bọc của các y – bác sĩ và những người bệnh phong. Năm 20 tuổi, tôi gặp Thu. Cô ấy cũng là một bệnh nhân phong, không muốn trở về quê vì sợ những ánh mắt thương hại” – anh Tân nhớ lại.
Lúc ấy, những khi ra khơi hay đi biển về, anh Tân lại thấy chị Thu ngồi lặng lẽ ở bến dõi theo. Thế là chàng trai ở xứ đầy nắng gió Tháp Chàm (Ninh Thuận) đem lòng yêu cô gái xứ dừa Tam Quan (Bình Định). “Đám cưới của tụi tôi không dám báo tin cho gia đình vì ngại, chỉ có Ban Hội đồng bệnh nhân Quy Hòa đứng ra tổ chức và hầu hết bệnh nhân phong đến chung vui, chúc mừng” – chị Thu tâm sự.
Ở làng phong Quy Hòa, các cư dân đã bầu ông Trần Công Nghĩa làm Trưởng Ban Hội đồng bệnh nhân. Trò chuyện cùng những bệnh nhân phong ở đây, chúng tôi được biết ông Nghĩa không chỉ nhiệt tình, thường quan tâm đến người khác mà còn làm thay đổi một phần cái nhìn kỳ thị của một số người về bệnh nhân phong.
Ông Nghĩa vốn ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, được gia đình đưa đến Quy Hòa chữa bệnh phong năm 14 tuổi rồi ở lại luôn. Trong những lần trùm mũ giấu mặt ra bên ngoài làng chơi, ông gặp được bà Nguyễn Thị Hạnh – một phụ nữ buôn bán nhỏ ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.
“Ngày ấy, định kiến của nhiều người về bệnh phong còn nặng nề lắm. Gia đình Hạnh kịch liệt phản đối tôi. Không biết bao lần tôi đã quỳ trước gia đình Hạnh để xin cưới cô ấy. Cha mẹ Hạnh vẫn một mực bảo không là không. Không chỉ sợ lây bệnh, họ còn lo con gái cưới một người như tôi – 2 bàn tay co rút, 1 chân mất cảm giác vì bệnh – thì không có cách gì để sinh sống” – ông Nghĩa kể.
Video đang HOT
Thế nhưng, cuối cùng, ông bà cũng vượt qua được mọi sự cấm đoán. “Tôi quyết đến với anh ấy. Lấy nhau là lo cho nhau chứ đâu thể dựa dẫm vào ai” – bà Hạnh thổ lộ. Giận con gái, ngày cưới của họ, gia đình phía bà Hạnh không ai dự. Ông Nghĩa lặng lẽ kết hôn nên gia đình ông cũng không hay biết. Ban Hội đồng bệnh nhân Quy Hòa đứng ra tổ chức hôn lễ, khách chủ yếu vẫn là bệnh nhân phong và vài người bạn chí thân của cô dâu.
Nương tựa bên nhau
Trời tờ mờ sáng, nhiều phụ nữ ở làng phong Quy Hòa lại lục đục kéo nhau ra bến Ghềnh Ráng đợi chồng đi biển về. Gần 5 giờ, thuyền anh Nguyễn Hữu Trí về bến.
Với chân trái cà nhắc do mất hết ngón và không còn cảm giác vì bệnh phong, một mình Trí không thể đẩy được chiếc thuyền lên bãi cát. Vợ anh, chị Trần Thị Nguyệt, đang đợi sẵn trên bến, bước vội ra phụ chồng. Anh vác lưới, chị xách mớ cá chồng đánh bắt được trở về. Họ hầu như không nói với nhau câu nào. Anh chỉ đưa mắt dịu dàng nhìn chị, còn chị thì đưa bàn tay đã rụng gần hết ngón phủi phủi mớ cát còn dính trên lưng chồng.
“Những cặp vợ chồng ở làng phong Quy Hòa này đúng nghĩa là chung sống nương tựa nhau. Vợ mất tay, chồng mất chân, họ cần nhau để sống. Một người làm không nổi thì 2 người. Cứ thế, họ gắn kết luôn bên nhau” – ông Trần Công Nghĩa nhìn nhận.
Theo ông Nghĩa, cũng như các gia đình bình thường, con cái là sự kết tinh của tình yêu trong mỗi tổ ấm của bệnh nhân phong. Tuy nhiên, để giữ được hơi ấm trong mỗi mái nhà là điều không dễ. Nhiều trẻ sinh ra ở làng phong sau khi học hết tiểu học ở Quy Hòa đành bỏ ngang. Ít có em nào dám bước qua khỏi đèo Ghềnh Ráng để ra bên ngoài học vì mặc cảm.
Người con đầu của ông Nghĩa cũng phải chịu cảnh ấy. Nhưng rồi, bằng sự động viên, bằng nỗ lực chứng tỏ mình không tàn phế của những bậc cha mẹ đã dần xóa đi mặc cảm của các em. Từ vài em, giờ đây, làng phong Quy Hòa đã có nhiều bóng áo trắng gò lưng trên những chiếc xe đạp vượt đèo đến trường. “Nhiều cháu đang bước vào ngưỡng cửa đại học, cao đẳng. Gia đình tôi cũng có 2 con đang học cao đẳng” – ông Nghĩa tự hào.
Bên trong mỗi mái ấm, việc giữ cho các con không bị lây bệnh từ cha mẹ là cả quá trình đong đầy nỗi lo và cả nước mắt. “Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt, cả kem đánh răng của cu Bin, đều được để riêng để tránh lây lan bệnh phong qua đường hô hấp. Vậy mà sáng qua, trên chân Bin nổi một số mẩn đỏ, một bên gót không còn cảm giác. Tôi lo đến phát sốt, không biết con mình có giống cha mẹ hay không” – chị Lê Thị Thu lo lắng.
Tĩnh lặng, mong manh Một cảm giác rất lạ nếu ai đó lần đầu đến làng phong Quy Hòa. Tất cả đều tĩnh lặng. Bến cá nơi khác vốn xô bồ nhưng ở đây không hề rộn ràng mua bán. Người quen gặp nhau trong làng chỉ chào hỏi đủ nghe. Trong mỗi mái nhà, tiếng cười cũng chỉ đủ ấm. “Cái gì ở đây cũng dễ vỡ. Tình yêu, lòng tự trọng và cả tính mạng con người cũng mỏng manh. Chính họ và cả chúng tôi đang cố giữ cho sự mỏng manh ấy không vỡ. Vì thế mà nơi đây luôn yên bình” – một bác sĩ ở Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa nhận xét.
Theo Dantri
Làng phong xoay xở mưu sinh
Nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử từng sống những ngày cuối đời giờ là chốn mưu sinh của 419 bệnh nhân phong.
Hơn 15 năm nay, chị Trần Thị Sanh ngồi xe lăn may đồ để mưu sinh
Mất cả tay chân vì bệnh nhưng họ không chấp nhận mình là người tàn phế, vẫn bươn chải nuôi sống gia đình.
Làng phong Quy Hòa nằm nép mình tĩnh lặng bên Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày ngày, những cư dân trong làng vừa vật lộn với căn bệnh phong vừa bươn chải với miếng cơm manh áo.
Nhọc nhằn, lặng lẽ
Làng biển Quy Hòa vẫn giữ được những chiếc ghe bầu cổ xưa của dân vạn chài. Hàng chục chiếc ghe bầu là phương tiện kiếm cơm của gần 50 hộ dân sống bằng nghề biển. Đó là những chiếc ghe nan được gắn với 2 mái chèo nhưng không có bánh lái. Mũi ghe nhọn nhưng phần sau bầu bĩnh, tiếp xúc nhiều với mặt nước để có thể trụ được với sóng biển mà không cần lướt nhanh. "Nó phù hợp với chúng tôi - kẻ mất tay, người cụt chân, không còn xoay xở linh hoạt được - giá lại rẻ, chỉ 4 triệu đồng"- ông Nguyễn Hữu Trí, một bệnh nhân phong, cho biết.
Gần 5 giờ, những chiếc ghe lưới bắt đầu về bến. Xa xa trên mặt biển, những bóng người nặng nhọc gò lưng bên mái chèo để đưa ghe vào bờ. Không như những làng biển khác, Quy Hòa không ồn ào, náo nhiệt. Buổi sáng, thuyền đua nhau về bến nhưng chỉ có những người vợ lặng lẽ đợi chồng, chỉ có tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ và những câu trao đổi ngắn gọn nhưng đượm tình.
Vừa về bến, ông Lương Thành Tân lê những bước chân cà nhắc, gồng người đẩy chiếc ghe lên bờ. Sau khi đưa vợ mớ cá ít ỏi để kịp ra chợ bán, ông ngồi bệt trên bãi cát thở dốc. Do bệnh phong, bàn chân phải của ông đùn lại, các ngón đã bị tháo bỏ. "Bàn chân tôi giờ không còn cảm giác. Có hôm, sau chuyến biển về nhà ngủ để lấy lại sức, tỉnh dậy tôi thấy máu chảy lênh láng. Lật bàn chân kiểm tra, tôi mới phát hiện nó bị nguyên cả vỏ sò đâm thủng mà không hay biết" - ông kể.
Ông Tân vốn là người ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, bị bệnh phong từ năm 13 tuổi. Sau khi đến Quy Hòa chữa bệnh, ông gặp bà Lê Thị Thu, cũng bị bệnh phong. Cả 2 nương tựa nhau, giờ đã có 2 mặt con.
Người cuối cùng về bến hôm ấy là ông Lê Văn Sanh. Không đủ tiền mua ghe, ông chấp nhận đánh lưới bằng thúng chai. Cả 2 bàn tay ông đã bị rút lại, co quắp, nhiều ngón không còn. Loay hoay mãi, ông vẫn chưa buộc được bọc lưới để mang về nhà. "Ra biển suốt đêm nhưng mớ cá đánh được này có lẽ chỉ bán được 50.000 đồng. Vậy là may rồi, đêm trước còn chẳng được con nào. Gắng làm để dành dụm cho đứa con thứ hai ra thành phố học lớp 10, chứ cả vợ chồng đều bị bệnh, biết kiếm đâu ra tiền..." - ông tâm sự.
Chuyện nữ diễn viên đóng thế
Ngoài nghề biển, ở Quy Hòa còn có những nghề không đâu thấy, như may quần áo cho bệnh nhân phong. Ở nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử từng sống những ngày cuối đời này, tôi gặp chị Trần Thị Sanh, từng là diễn viên đóng thế trong bộ phim Bến sông trăng sản xuất năm 2000. Chị là thợ may quần áo nữ duy nhất ở Quy Hòa.
Chị Sanh cho biết khi thực hiện Bến sông trăng, đạo diễn Đỗ Phú Hải cần diễn viên đóng thế cho nhân vật Hạnh - một cô gái xinh đẹp nhưng bị bệnh phong, phải cắt bỏ một chân - và được giới thiệu đến chị. "Ban đầu tôi không đồng ý, không muốn mình mang vóc dáng bệnh tật lên phim. Nhưng rồi Ban Hội đồng bệnh nhân Quy Hòa thuyết phục mãi, tôi cũng chấp nhận. Tuy nhiên, tôi chẳng dám xem phim ấy lần nào" - chị thổ lộ.
Bị bệnh phong từ năm 14 tuổi nhưng chị Sanh vẫn giữ được nét mặn mòi của phụ nữ xã đảo Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. "Khi gia đình đưa vào đây chữa bệnh, tôi nghĩ mình phải tìm một nghề để sống cho sau này và đã học may. Đó là những ngày tháng cơ cực. Bàn chân trái của tôi không còn cảm giác để đạp máy may. Ngồi học suốt ngày, chân trái sưng phù, đau nhức và tôi sốt liên miên" - chị rùng mình nhớ lại.
Cắt bỏ chân trái nhưng căn bệnh phong vẫn cứ đeo bám chị Sanh. Chị còn chân phải nhưng giờ cũng đã bị viêm. Song, chị vẫn cắn răng đạp máy may. Chồng chị cũng là một bệnh nhân phong ngày ngày làm thuê kiếm sống. "Tôi vẫn thường dạy con rằng tôi chỉ có thể gắng nuôi chúng trên 2 bánh xe lăn. Thương cha mẹ, con tôi học rất giỏi" - chị khoe.
Nhờ quyết chí sống với nghề may nên tay thợ của chị Sanh được nhiều người biết đến. Không chỉ bệnh nhân phong, nhiều người ở phường Gềnh Ráng cũng tìm đến chị để đặt may quần áo. Giá tiền may một bộ quần áo dành cho bệnh nhân phong bao giờ cũng được chị lấy rẻ khoảng 10.000 đồng so với người bình thường, dù phải tốn nhiều công sức hơn. "May đồ cho bệnh nhân phong thì mình phải biết rõ từng người. Với người bị mất các ngón tay, cả cánh tay hay mất chân..., mình phải may khác đi cho phù hợp" - chị tiết lộ.
Giờ đây, chị Sanh đang lo một ngày nào đó, chân phải của chị cũng bị cắt bỏ nốt, không còn gì để đạp máy may. "Đêm qua, tôi mơ thấy mình được may máy may công nghiệp. Ở đó có một cần gạt bằng tay, chỉ gạt nhẹ là máy chạy, thật thích" - chị bộc bạch.
Không làm thì sao sống!
Theo ông Trần Công Nghĩa, Trưởng Ban Hội đồng bệnh nhân Quy Hòa, trong số 419 bệnh nhân của 255 hộ nơi đây, 276 người bị bệnh nặng phải nằm một chỗ, còn lại mỗi người phải tìm một nghề để mưu sinh.
"Mỗi bệnh nhân phong được hỗ trợ chữa bệnh miễn phí và sinh hoạt phí 150.000-235.000 đồng/tháng. Họ còn phải lo chuyện ăn uống, con cái học hành, không làm thì sao sống?" - ông Nghĩa băn khoăn.
Theo Xahoi
Người đàn bà không tay tự sàng gạo, vá may Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Hành (50 tuổi, trú thôn Long Khê, phường Hường Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế) dù không có tay từ nhỏ nhưng đã tự tập làm mọi thứ khiến nhiều người cảm phục. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Hương Vân, chị Hành có 2 anh chị đều lành lặn, chỉ riêng...