Lãng phí vì mã số công dân
Trước đây, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đã được hỗ trợ xây dựng một đề án về lý lịch công dân trị giá 10 triệu USD nhưng sau đó không được Bộ Công an và Bộ Tư pháp tiếp nhận.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Dân số, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ), Bộ Y tế, cho biết cơ sở dữ liệu dân cư của Tổng cục DS – KHHGĐ có xuất xứ từ dự án “Đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” do Chính phủ Na Uy tài trợ.
Dự án hay nhưng bị dừng
Theo TS Quốc Anh, từ năm 1994, Ủy ban Quốc gia DS – KHHGĐ đã xây dựng hệ thống thống kê DS – KHHGĐ. Đến năm 1996, đoàn chuyên gia Na Uy sang Việt Nam khảo sát để hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giúp Việt Nam cải cách quản lý Nhà nước theo xu thế hành chính công, mang dịch vụ đến với từng người dân.
Sau khi khảo sát hệ thống của Tổng cục Thống kê, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Quốc gia DS – KHHGĐ, đoàn chuyên gia Na Uy đã trình Chính phủ Việt Nam lựa chọn hệ thống của Ủy ban Quốc gia DS – KHHGĐ. Lý do, hệ thống này có đội ngũ cán bộ chuyên trách xã và các cộng tác viên tới tận thôn xóm, bản làng, hộ gia đình để ghi chép thông tin cũng như vận động KHHGĐ.
Khi đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt để Ủy ban Quốc gia DS – KHHGĐ tiếp nhận, thực hiện dự án này. Dự án thí điểm đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở Việt Nam giai đoạn 1998-2000 do Na Uy viện trợ và cử Trung tâm Dữ liệu Hoàng gia Na Uy trợ giúp về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ hiện đại.
Sau khi làm thí điểm tại các tỉnh Hà Tây, Bình Thuận, Tây Ninh (3 miền) và cho thấy hiệu quả, các bên đã nhận định đủ điều kiện triển khai ra cả nước. Điều này cần được ban hành trong một nghị định. Khi đó, phía Na Uy tiếp tục viện trợ dự án “Chuyển tiếp về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư ở Việt Nam” giai đoạn 2001-2002, đồng thời chuẩn bị nguồn vốn viện trợ khi thực hiện chính thức ra toàn quốc khoảng trên 10 triệu USD.
Làm thủ tục cấp CMND tại TPHCM. Theo Bộ Công an, 12 số trên CMND sẽ là số định danh cá nhân. Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên sau đó, từ một cơ quan ngang bộ, Ủy ban Quốc gia DS – KHHGĐ chuyển thành Tổng cục DS – KHHGĐ, thuộc Bộ Y tế và không còn chức năng ban hành văn bản quy phạm cũng như hướng dẫn các tỉnh, TP thực hiện.
Video đang HOT
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ chuyển dự án này cho Bộ Công an (theo hệ thống quản lý hộ khẩu) thực hiện. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu… đã được chuyển giao cho Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) là đơn vị thực hiện dự án. Sau đó, ban chỉ đạo thực hiện dự án gồm đại diện nhiều bộ, ngành liên quan được thành lập để giúp Bộ Công an triển khai.
“Tôi được Bộ Y tế cử tham gia là thành viên ban chỉ đạo này nhưng cũng chỉ trải qua vài cuộc họp lấy ý kiến đóng góp rồi thôi” – TS Quốc Anh nói.
Phớt lờ ý kiến đóng góp
TS Nguyễn Quốc Anh cho biết khi chuyển giao cho Bộ Công an, Tổng cục DS – KHHGĐ đã hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành DS – KHHGĐ (có bổ sung các chỉ tiêu về KHHGĐ) để sử dụng. Đến nay, cơ sở dữ liệu vẫn được cập nhật thường xuyên và quản lý khoảng 98% số dân, so với số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê (khoảng trên 88 triệu người) nhưng không có số ID vì không có chức năng cấp.
“Nhiều nước trên thế giới chỉ giao cho một bộ (Nội vụ hoặc Tư pháp) xây dựng mã số công dân. Nếu để ở cơ quan công an thì người dân sẽ gặp không ít khó khăn hoặc ngại tiếp xúc” – TS Quốc Anh nhận định.
Từng tham gia buổi chuyển giao dự án giữa Tổng cục DS – KHHGĐ và Tổng cục Cảnh sát năm 2008, đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) -Bộ Công an, lại chưa rõ đề án của Bộ Y tế có được cập nhật hay không. Theo ông Dung, chỉ những dữ liệu có đầy đủ tài liệu, chứng cứ pháp lý thì mới được sử dụng và các ngành tin dùng.
Đến nay, Bộ Tư pháp chưa đưa ra con số dự kiến để triển khai đề án của mình. Riêng đề án của Bộ Công an dự kiến hết 3.000 tỉ đồng, chia thành nhiều giai đoạn và đang được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho ý kiến. Sắp tới, Bộ Công an sẽ triển khai đề án trị giá 10 triệu euro (vay vốn ODA của nước ngoài) về quản lý dân cư, được thí điểm tại TP Hải Phòng.
TS Quốc Anh cho rằng với cơ sở dữ liệu sẵn có ở Tổng cục DS – KHHGĐ, việc cấp số ID cho mọi bản khai của các công dân sẽ hình thành được hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, những ý kiến góp ý đã không được Bộ Tư pháp và Bộ Công an lưu tâm.
Mạnh ai nấy làm
Đại diện Bộ Công an cho biết 12 số trên CMND mới chính là số định danh cá nhân, theo mỗi công dân trong suốt cuộc đời. Trong khi đó, theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính cho công dân (lấy 12 số trên CMND mới) được làm theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó là Chính phủ khi thực hiện dự án Luật Hộ tịch (dự kiến có hiệu lực trong năm 2015).
Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Bộ Tư pháp dừng triển khai dự án do bộ này xây dựng để chống lãng phí. Thế nhưng, khi Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến thì cả 2 bộ vẫn tiếp tục hoàn thiện dự án của mình.
Theo 24h
Hai bộ "giành" cấp mã số công dân
Bộ Công an và Bộ Tư pháp cùng lúc xây dựng 2 đề án liên quan đến quản lý dân cư nhưng lại trùng nhau về quan điểm xây dựng mã số công dân. Việc trùng nhau này có thể dẫn đến lãng phí, tốn kém ngân sách.
Ngày 25/3, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7 - Bộ Công an), cho biết Bộ Công an vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ "Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư" do Bộ Tư pháp xây dựng có nhiều điểm trùng với Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia mà Bộ Công an đang triển khai. "Chúng tôi cho rằng việc trùng lấn đó có thể sẽ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước" - ông Vệ nói.
Đề án 3.000 tỉ đồng của Bộ Công an
Theo ông Vệ, việc cấp CMND mới có 12 số nằm trong đề án mà Bộ Công an thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện Bộ Tài chính đang ký kết với phía đối tác để Bộ Công an thực hiện đề án cơ sở dữ liệu dân cư ở Hải Phòng. Đề án này trị giá 10 triệu euro, vay của Hungary, dự kiến triển khai trong tháng 4 tới. Theo đó, mỗi trẻ sơ sinh ở Hải Phòng sẽ được cấp một số định danh cá nhân ghi vào giấy khai sinh, hộ khẩu và theo công dân này đến suốt cuộc đời, trở thành số CMND khi đủ 14 tuổi, mã số thuế, số tài khoản cá nhân.
Ông Vệ cho biết thêm Bộ Công an cũng đã thành lập Cục Cảnh sát Đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), trực thuộc Tổng cục 7, để thực hiện việc cấp số định danh cá nhân. Sau này, Bộ Công an và Bộ Tư pháp chỉ xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn tư pháp, công an xã/phường cấp cho mỗi trẻ sơ sinh một số là xong. Sang giai đoạn 2 của đề án, Bộ Công an thực hiện kết nối, chia sẻ thông dữ liệu dân cư với các ngành khác để đơn giản hóa các thủ tục cho người dân khi thực hiện các giao dịch dân sự. Ông Vệ nói toàn bộ kinh phí để thực hiện đề án vào khoảng 3.000 tỉ đồng, chia thành nhiều giai đoạn.
Bộ Công an và Bộ Tư pháp vẫn chưa thống nhất được quan điểm xây dựng, quản lý mã số công dân. Trong ảnh: Làm CMND mới ở Hà Nội. Ảnh: HOÀNG ĐỒNG
Theo một lãnh đạo C72, 12 số trên CMND mới sẽ được ghi vào cơ sở dữ liệu tra cứu cho các cơ quan, tiến tới bỏ một số giấy tờ như sổ hộ khẩu. Khi điều kiện kinh tế, công nghệ thông tin cho phép sẽ triển khai làm thẻ điện tử tích hợp thông tin, chức năng như nhiều nước tiên tiến đang làm.
Bộ Tư pháp: Làm từ gốc
Trong khi đó, dự thảo đề án đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) xây dựng cũng đưa ra số định danh cá nhân (mã số công dân) gồm 12 chữ số, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ suốt đời. Theo đó, số định danh được cấp cho công dân khi đăng ký khai sinh (do ngành tư pháp làm - PV), tính từ thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực trong năm 2015.
Theo một thành viên ban soạn thảo dự thảo đề án của Bộ Tư pháp, Bộ Công an chỉ mới nói cấp số định danh cá nhân nhưng lại không nói cấp cho ai, cấp bao giờ, cấp như thế nào... "Số định danh là số của Chính phủ nhưng Bộ Công an lại đang muốn làm theo hướng của riêng mình. Chúng tôi xây dựng đề án này theo chỉ đạo của Chính phủ để điều chỉnh việc Bộ Công an đang làm, cấp cho mỗi trẻ khi sinh ra một số định danh cá nhân, đến khi trẻ đủ 14 tuổi thì sẽ là số CMND"- vị thành viên này phân tích.
Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính khẳng định đề án do Bộ Tư pháp xây dựng không sử dụng kho số riêng như nhiều người lo ngại mà sử dụng số do ngành công an quản lý. Số khai sinh là số đầu tiên khẳng định tính pháp lý của con người, cấp cho mỗi người khi vừa sinh ra. Theo quy định về hộ tịch, công dân sau khi sinh ra trong thời gian vài ngày dù chết vẫn phải đăng ký khai sinh để tính tuổi thọ dân số. Bộ Công an chỉ làm cái ngọn mà không làm cái gốc. Đề án của Bộ Tư pháp chỉ phát triển những cái đã có để bảo đảm việc quản lý được liên tục.
Trước những ý kiến trái chiều, theo kế hoạch, hôm nay (26/3), Bộ Tư pháp sẽ họp với các bộ, ngành để lấy ý kiến về đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.
Chưa khoa học
TS Nguyễn Ngọc Kỷ, nguyên cán bộ Cục Tin học nghiệp vụ (Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an), cho biết cả đề án của Bộ Công an và Bộ Tư pháp đang "có vấn đề" về tính khoa học.
Nguyên tắc của số định danh cá nhân là tính duy nhất. Việc có dấu vân tay trên CMND là một tiến bộ khoa học, giúp khẳng định tính duy nhất của mỗi người. Lẽ ra trước khi xây dựng đề án hiện đại hóa cơ sở dữ liệu về dân cư thì Bộ Công an và Bộ Tư pháp phải làm bằng được việc trang bị hệ thống máy tính, cập nhật cơ sở dữ liệu hiện có - CMND 9 số hiện tại của mỗi công dân - lên mạng đồng thời bỏ quy định khi chuyển hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác được cấp lại CMND, không cho phép sử dụng số CMND thay số hộ chiếu và ngược lại.
"Lẽ ra phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư cũ rồi mới bắt tay vào cấp phát CMND mới, cấp mã số công dân mới có phần đọc máy (chip/mã vạch) thì họ lại làm ngược lại, mới hoàn toàn gây tốn kém lớn mà chưa chắc khắc phục được những hệ quả pháp lý cũng như thiệt hại, rắc rối mà người dân sẽ gặp phải trong thời gian dài vì sự thay đổi từ CMND 9 số lên 12 số" - ông Kỷ nhận định.
Theo 24h
Mã số cá nhân có nhất cử lưỡng tiện? Bộ Tư pháp cho biết, tới đây công dân Việt Nam sẽ được cấp mã số định danh cá nhân trùng với số chứng minh nhân dân. Là một bước tiến mới về cải cách hành chính, đề án này nhận được nhiều sự đồng thuận. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến e ngại bởi tính khả thi... Người dân gắn...