Lãng phí từ mô hình giảm nghèo
Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, cách xoá nghèo theo kiểu cấp không, cho không, chưa giúp đồng bào có thêm hiểu biết, kỹ năng sản xuất.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các các chương trình, dự án giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Nhóm hộ anh Phạm Văn Na ở xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi nuôi dê Bách Thảo thất bại.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều năm qua, hàng trăm công trình, dự án với nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh những mô hình phát huy hiệu quả, trên hành trình xoá đói giảm nghèo ở địa phương này đã bộc lộ nhiều hạn chế, hàng ngàn tỉ đồng trôi sông đổ biển.
Anh Phạm Văn Na ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi là một trong 6 hộ gia đình được hỗ trợ phát triển chăn nuôi từ mô hình nuôi dê Bách thảo vào năm 2016.
Nhiều mô hình chăn nuôi theo dự án giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi thất bại gây lãng phí.
Theo anh Na, mỗi nhóm được hỗ trợ 11 con, nhưng đến nay đều đã chết hết do thời điểm cấp dê thời tiết không phù hợp. Hơn nữa, trước đây người dân chưa từng nuôi dê, nên không có kinh nghiệm để chăm sóc vật nuôi.
Gia đình anh Phạm Văn Na ở xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi là một trong số những hộ được thụ hưởng dự án giảm nghèo hỗ trợ giống con vật nuôi, cây trồng cho người dân miền núi tỉnh Quảng Ngãi mang đến nhiều nỗi lo. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình nuôi thỏ, dê bách thảo, bò Zebu,… theo chương trình giảm nghèo ở các huyện miền núi đều không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Gần 2 năm trôi qua, trong vườn nhà anh Hồ Văn Xoay ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi ngổn ngang những chiếc lồng sắt cũ kỹ. Anh Xoay chưa dám vứt bỏ những vật dụng gỉ sét này vì lỡ bị đòi lại thì lấy đâu mà trả.
Video đang HOT
Cuối năm 2016, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo được cấp 10 con thỏ giống để phát triển chăn nuôi. Anh Xoay học cách chăm sóc nhưng không hiểu sao, sau gần 3 tháng, đàn thỏ chết dần. Nhiều hộ nghèo trong thôn Gò Rô được cấp thỏ như gia đình anh Xoay cũng đứng ngồi không yên. Hơn 50 triệu đồng, hàng chục con thỏ giống từ dự án giảm nghèo tại xã Trà Phong, huyện Tây Trà coi như mất trắng.
Anh Hồ Văn Xoay than thở: “Bà con làm đúng kỹ thuật của cán bộ hướng dẫn nhưng thỏ ở đây không thích nghi được với môi trường. Triển khai mô hình nuôi thỏ ở đây rất khó vì bà con chưa tiếp xúc với những con vật nuôi này bao giờ”.
Bà con miền núi Quảng Ngãi rất cần những mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, cách xoá nghèo theo kiểu cấp không, cho không, chưa giúp đồng bào có thêm hiểu biết, kỹ năng và tổ chức sản xuất. Một số dự án, chương trình cũng chưa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.
Ông Hồ Văn Trực, Phó Bí thư Đảng Ủy xã Trà Khê, huyện Tây Trà cho rằng đã có nhiều mô hình rất kém hiệu quả: “Nếu chúng ta làm mô hình nhiều nhưng khâu quản lý và chăm sóc kém thì sẽ không mang lại hiệu quả. Chúng ta cần có phương pháp đầu tư hợp lý, tập huấn để bà con tiếp cận phương pháp chăm sóc có hiệu quả”.
Chuyện lúng túng trong việc chọn con giống, cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi diễn ra từ nhiều năm nay.
Ông Ngô Văn Trọng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2016, một số mô hình chăn nuôi dê mua giống dê ngoài Bắc đưa vào, do đó, dê không chịu được thời tiết nên bị chết.
Việc hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình tại tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều lãng phí, chưa tạo bước đột phát theo mục tiêu của các chương trình giảm nghèo đặt ra.
Theo ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh những nguyên nhân khách quan có nhiều nguyên nhân chủ quan. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xác định các loại cây trồng, con vật nuôi. Cụ thể như mô hình nuôi bò Zê bu ở các huyện miền núi không phù hợp với tập quán sản xuất và điều kiện chăn nuôi của đồng bào vùng cao. Sự trông chờ, ỷ lại của bà con cũng làm cho chuyện xoá đói giảm nghèo thêm khó khăn.
Ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận hạn chế của phương thức hỗ trợ trước đây là thường hỗ trợ trực tiếp cho người dân và thường là cho không. Phương thức hỗ trợ này tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân. Những nguyên nhân chủ quan cùng với nguyên nhân khách dẫn đến không đạt được chỉ tiêu giảm nghèo như mục tiêu đặt ra./.
Theo Vĩnh Thông/VOV-Miền Trung
Kỳ 3: Những người kiên nhẫn xóa bỏ "cây trồng chủ lực"
Đã rất nhiều thế hệ đồng bào vùng cao từng coi cây thuốc phiện là nguồn thu nhập chính và là thứ cây trồng "chủ lực". Do vậy, thuốc phiện ở vùng cao từng được dùng vô tội vạ. Thậm chí, có những bản tới 80% đàn ông nghiện thuốc phiện, có những gia đình cả nhà đều nghiện thuốc phiện, hậu quả để lại vô cùng nặng nề.
Kiên trì vận động xóa "cây chủ lực"
Với sự kiên trì bám bản, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các cán bộ vùng cao huyện Bắc Yên (Sơn La) từng bước lấy lại sự bình yên cho vùng cao và đẩy lùi được thứ cây đã làm khổ bao thế hệ người dân vùng cao... Hành trình triệt phá cây thuốc phiện nơi vùng cao Tây Bắc như ngắn lại từ những việc như thế này...
Người dân các bản của xã Háng Đồng nhận vịt giống do huyện hỗ trợ. (Ảnh: Q.T)
Cũng như các thế hệ cán bộ xã tăng cường trước đó, đã hơn 2 năm, kể từ ngày được tăng cường lên làm Bí thư Đảng ủy xã vùng cao Háng Đồng, anh Vương Hồng Hải đã có rất nhiều chuyến công tác đến từng hộ dân ở các bản vùng cao của xã để tuyên truyền, vận động đồng bào phá bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Trên đường ngược từ Háng Đồng ra, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những em học sinh người Mông trên tay xách những bó rau rừng, những xâu ếch hay bó củi khô để xuống núi học chữ. Lãnh đạo xã khoe với chúng tôi: Các bản của Háng Đồng từ 5 năm trở lại đây đã giảm hẳn việc tái trồng cây thuốc phiện, một số bản đã biết trồng lúa nước. Họ đã biết được tác hại của việc trồng cây thuốc phiện và muốn thay đổi cuộc đời con cái họ bằng việc cho chúng cái chữ
Như bản Làng Sáng là một bản đặc biệt khó khăn của xã, muốn đến bản phải đi bộ khoảng 5 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Cũng bởi đi lại vất vả nên tới tận bây giờ, lãnh đạo huyện mới chỉ có vài người đến được với bản, còn các cấp cao hơn thì chưa có ai đến được với bản.
Ấy vậy mà trong khoảng thời gian gần 2 năm tăng cường tại xã, anh Hải đã có trên 20 lần cùng các đoàn công tác bám bản để tuyên truyền, vận động đồng bào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó nội dung giúp dân thấy được tác hại của ma túy, vận động người nghiện đi cai nghiện ma túy hay phá bỏ cây thuốc phiện chiếm tới 60% chuyến công tác tại Làng Sáng.
Anh Vương Hồng Hải thông tin: Trước đây, mỗi lần các đoàn công tác lên với các bản vùng cao để tuyên truyền về công tác ma túy là y rằng gặp phải sự không hợp tác của người dân.
Họ thể hiện bằng cách không cho cán bộ ngủ ở nhà mình, không bán thực phẩm cho cán bộ lên nằm vùng. Khi cán bộ đến nhà, ngoài cửa lại treo lá xanh (theo phong tục của đồng bào vùng cao nếu cửa nhà treo lá cây thì không được vào). Do vậy, quá trình đi tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn.
Song song với đó, xã đã tham mưu với huyện, tỉnh có những chính sách trong việc hỗ trợ cây giống, con giống và vật tư để đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.Nhưng "nước chảy đá mòn". Cùng với việc tuyên truyền, vận động, xã đã ra nghị quyết chuyên đề trong việc phân công các đồng chí trong Ban thường vụ xã, đảng viên phụ trách từng nhóm hộ, khu vực. Nhiệm vụ là giúp dân thấy được tác hại của ma túy thông qua tuyên truyền bằng tờ rơi, băng đĩa và kết hợp với việc giúp dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
Nếu từ năm 2007 trở về trước, tại các bản vùng cao của xã Háng Đồng, người dân chủ yếu trồng lúa nương năng suất thấp, nuôi gia cầm không đủ để cung cấp cho nhu cầu hằng ngày, thì nay đồng bào đã trồng được gần 200ha lúa nước, đã nuôi được trên 4.000 con gia súc và hàng chục ngàn con gia cầm theo hướng hàng hóa.
Những vạt rừng trước đây chỉ để trồng cây thuốc phiện, nay đã được phủ bằng hàng trăm ha dong riềng, cây sơn tra, sa nhân và chanh leo...
Mặc dù, tỷ lệ hộ nghèo ở bản vẫn còn 69% nhưng quan trọng nhất là đồng bào đã thay đổi được tư duy trong phát triển kinh tế, không còn coi cây thuốc phiện là cây trồng "chủ lực" như trước nữa...
Tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Tìm hiểu được biết, trong những năm qua, xác định vấn đề tái trồng cây thuốc phiện có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào vùng cao nên sau khi khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26.3.2008 về "tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới", Ban thường vụ Đảng ủy xã Háng Đồng đã tổ chức quán triệt đến tất cả các khối, đoàn thể, các bản và cán bộ, đảng viên.
Cán bộ huyện và xã tuyên truyền công tác phòng chống ma túy tại bản Háng Đồng A. (Ảnh: Q.T)
Theo đó, xã luôn xác định và tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác triệt xóa cây thuốc phiện, vận động nhân dân không tái trồng gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao đời sống cho người dân, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần được chú trọng.
Ông Mùa A Chu - người có uy tín của bản Háng Đồng C, từng nghiện thuốc phiện, từng lén lút vào rừng tái trồng cây thuốc phiện, khẳng định: Nếu không có cán bộ xã và sự động viên của người thân trong gia đình, tôi khó có thể từ bỏ được thuốc phiện. Không chỉ giúp những người nghiện cai được thuốc phiện, từ bỏ được thứ cây đã làm khổ mình, xã còn giúp các hộ cách trồng lúa nước, nuôi con bò, con gà...
Trong công tác tuyên truyền, vận động, ngoài việc phân công cán bộ, đảng viên bám bản, bám dân, Ban thường vụ Đảng ủy xã Háng Đồng còn tổ chức hội nghị cho 100% các bản vùng cao ký cam kết "5 không, 5 có". Đẩy mạnh công tác quản lý, nắm chắc địa bàn, coi trọng và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền bản và Ban chỉ đạo từ xã đến các bản về công tác phòng, chống ma túy."Những ngày đầu, cán bộ ăn, ngủ ở bản để giúp các hộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu rõ được tác hại của ma túy. Như bản của tôi, nhiều năm nay không còn hộ nào tái trồng cây thuốc phiện nữa. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chúng tôi không bị ma túy làm khổ nữa, có lại được sức khỏe để lao động sản xuất",
Ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, chia sẻ thêm: Với tinh thần kiên trì, bền bỉ của các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng và toàn thể nhân dân, đến nay, huyện Bắc Yên đã giảm được đáng kể diện tích tái trồng cây thuốc phiện. Trong đó, tại các xã vùng cao đã không còn trồng phổ biến như những năm trước nữa.
Những nương từng trồng thuốc phiện một thuở giờ đã được thay bằng cây ngô giống mới, dong riềng, lúa nước, sơn tra... mang lại hiệu quả cao, gắn với các chương trình, dự án giúp người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.
"Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện và tìm hướng đi mới cho bà con bằng việc thay thế, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới là cả một quá trình, một cuộc đấu tranh quyết liệt trong tư tưởng và cả hành động. Người dân đã đoạn tuyệt cây thuốc phiện nhưng các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm đời sống của bà con", Chủ tịch huyện Bắc Yên nhấn mạnh.
Theo Danviet
Thủ tướng ra công điện ứng phó với rét đậm, rét hại Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để vật nuôi, cây trồng, thủy sản bị chết do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện công tác phòng tránh đầy đủ. Trong công điện vừa ban hành, Thủ tướng nêu rõ trong những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh được tăng...