Lãng phí hàng trăm tỷ đồng vì nhập – tách bằng lái xe
Quy định mỗi người chỉ được sở hữu 1 Giấy phép lái xe (GPLX) bằng vật liệu PET của Bộ GTVT trước đây đã vô tình buộc người dân phải gộp GPLX không thời hạn ( xe gắn máy) và GPLX có thời hạn ( xe phân khối lớn và ô tô) làm một. Khi phát hiện ra sự bất cập, Bộ GTVT lại cho tách riêng GPLX. Việc này đã gây ra sự lãng phí lớn và phiền hà không nhỏ cho người dùng.
Việc tách nhập GPLX gây phiền hà lớn cho người dân
“Khắc nhập, khắc xuất”
Theo quy định tại Thông tư 46/2012-TT-BGTVT ngày 7-11-2012, từ ngày 1-1-2013, mỗi người dân chỉ được sở hữu 1 GPLX bằng vật liệu PET. Thời điểm này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đưa ra lộ trình buộc người dân phải chuyển đổi các loại GPLX bằng giấy sang GPLX bằng vật liệu PET. Như vậy, nếu một người đang có 2 GPLX bằng giấy (1 GPLX mô tô, 1 GPLX ô tô) khi chuyển đổi sẽ buộc phải gộp làm một. Kinh phí chuyển đổi là 135.000 đồng, trong đó phần nộp vào ngân sách Nhà nước là 47.250 đồng.
Theo phản ánh của nhiều lái xe, việc tích hợp đã gây ra những hệ lụy và rắc rối. Cụ thể, trong trường hợp người điều khiển ô tô vi phạm Luật Giao thông và bị lực lượng chức năng giữ GPLX thì GPLX mô tô cũng bị giữ theo. Vì thế, sau này người vi phạm muốn điều khiển xe máy cũng không thể được.
Video đang HOT
Qua nhiều phản ánh, ngày 20-10-2015, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 58/2015/TT-BGVT sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 46. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, từ ngày 1-11-2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã điều chỉnh phần mềm quản lý GPLX và yêu cầu các Sở GTVT địa phương thực hiện tách GPLX đã tích hợp thành 2 GPLX theo nhu cầu của người dân.
Tức là, người dân đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET, nếu có cả GPLX ô tô và xe máy thì sẽ được đổi 2 GPLX bằng vật liệu PET tương đương, hoặc nếu có nhu cầu tích hợp làm 1 GPLX thì vẫn được. Trong trường hợp GPLX đã tích hợp 2 loại thành 1, người dân muốn tách thì đến các cơ sở cấp, đổi GPLX làm thủ tục theo quy định.
Cần 355 tỷ đồng để tách 1 ra 2
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, tính đến ngày 6-3-2016, số GPLX đã tích hợp (2 thành 1) trên toàn quốc là 1,314 triệu GPLX, trong đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp hơn 6.000 giấy phép, các Sở GTVT địa phương cấp hơn 1,3 triệu giấy phép. Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, nếu tách số GPLX đã tích hợp này ra thì số kinh phí phải chi ra là 355 tỷ đồng.
Có thể nói, trước đây Bộ GTVT đã bắt buộc người dân phải tích hợp 2 loại GPLX thành 1 GPLX mà không tính toán được hết những bất cập. Điều đó không những gây lãng phí mà còn tăng thêm sự phiền hà, mất thời gian của người dân.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ 1-1-2016, Sở GTVT Hà Nội bắt đầu tiếp nhận hồ sơ tách GPLX nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào đến làm thủ tục. Đề cập đến số lượng người có nhu cầu nhập 2 loại GPLX vào làm 1, đại diện Sở này thông tin, hầu hết người dân đều lựa chọn đổi GPLX riêng rẽ.
Anh Nguyễn Chí Thành, ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Trước Tết Nguyên đán 2016, do vi phạm Luật Giao thông, tôi đã bị tạm giữ GPLX ô tô. Tuy nhiên, do bằng lái xe đã được đổi sang vật liệu PET vào cuối năm 2013, khi ấy buộc phải tích hợp làm 1, nên nghiễm nhiên GPLX mô tô của tôi cũng bị tạm giữ. Khi tôi đi đổi GPLX từ giấy sang vật liệu PET thì bị bắt buộc gộp 2 loại GPLX làm 1 đã rất bất cập. Bây giờ thì lại cho tách khiến chúng tôi rất mất thời gian”.
Theo_An ninh thủ đô
Nâng tốc độ khai thác đường Vành đai 3 lên 90km/h
Từ ngày 1/3/2016, xe con, xe chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt) và xe tải có trọng tải đến 3,5 tấn được khai thác trên tuyến với tốc độ tối đa 90km/h.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới có văn bản gửi Sở GTVT TP Hà Nội về việc điều chỉnh tốc độ khai thác trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đồng thời đề xuất phương án điều chỉnh vạch sơn khu vực đường dẫn lên, xuống tuyến đường này cho phù hợp với tình hình giao thông hiện tại, góp phần tăng năng lực thông hành, giảm nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo đó, từ ngày 1/3/2016, trên tuyến đường Vành đai 3 có dải phân cách giữa, xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn sẽ được khai thác với tốc độ tối đa 90km/h. Tại những đoạn không có giao cắt đồng mức, là đường riêng biệt cũng được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị điều chỉnh tốc độ cho phép khai thác từ 80km/h (hiện tại) thành 90km/h.
Việc điều chỉnh tốc độ và bổ sung vạch kẻ đường sẽ giảm nguy cơ ùn tắc, tránh xung đột lưu thông trên tuyến vành đai 3. (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, để giảm nguy cơ ùn tắc, tránh xung đột lưu thông trên tuyến đặc biệt là tại các điểm ra - vào đường Vành đai 3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Sở GTVT TP Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh vạch sơn trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao.
Cụ thể, đối với khu vực đường xuống, bổ sung vạch sơn nét liền kết hợp với sơn nét đứt (hiện có) trên đoạn trước khi ra khỏi đường Vành đai 3 một đoạn dài phù hợp từ 300 mét -500 mét; Bổ sung, khôi phục vạch mũi tên để báo trước làn đường và hướng đi; Điều chỉnh thay vạch sơn nét liền phân cách với dải an toàn trên đoạn đường dẫn bằng vạch sơn nét liền kẻ sát ra mép đường (kẻ đối xứng tương tự như vạch hiện tại phía bên trái); đồng thời điều chỉnh vạch sơn khu vực tiếp giáp cho phù hợp.
Đối với khu vực đường lên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT TP Hà Nội điều chỉnh, thay vạch sơn nét liền phân cách với dải an toàn trên đoạn đường dẫn bằng vạch sơn nét liền kẻ sát ra mép đường (kẻ đối xứng tương tự như vạch hiện tại phía bên trái).
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, đường Vành đai 3 trên cao đã được Sở GTVT Hà Nội quản lý, bảo trì đảm bảo khai thác hiệu quả, giảm bớt đáng kể ùn tắc và lưu lượng vào trong nội đô. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc ùn tắc tại khu vực đường lên, xuống rất dễ xảy ra do các xe đi không đúng làn đường phù hợp, không nhường đường ra gây xung đột cục bộ làm ùn tắc phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông./.
Nguyễn Quỳnh
Theo_VOV
Hà Nội: Ôtô được chạy 90km/h ở đường vành đai 3 trên cao Từ 1/3/2016, ôtô được chạy với vận tốc 90km/h khi đi trên đường vành đai 3 trên cao Hà Nội, thay vì 80km/h như hiện tại. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Thông tư số 91 thay thế Thông tư số 13 quy định về tốc độ và khoảng cách xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông...