Làng “ôsin” và những phận người trong nước mắt
Gần chục năm trở lại đây, thôn Đông Hải của xã Lộc Trì (Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) là địa chỉ “cung cấp” ô sin cho nhiều tỉnh thành ở miền Trung và miền Nam.
Một góc làng ô sin Đông Hải, xã Lộc Trì
Tuy nhiên, điều đau đớn là rất nhiều phụ nữ và trẻ em nơi đây khi đi làm nghề ô sin bị vùi dập bằng sự bóc lột sức lao động và xâm hại tình dục để rồi phải chôn cuộc đời mình trong nước mắt buồn tủi.
Cả thôn kiếm sống bằng nghề ôsin
Thôn Đông Hải nằm nép mình bên phá Tam Giang, nơi được coi là “ kho vàng” của Thừa Thiên – Huế. Trước kia, đời sống của người dân trong thôn dù không lấy gì làm giàu có nhưng cũng đủ ngày 3 bữa cơm nhờ nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang.
Thế nhưng, gần 10 năm trở lại đây, tôm cá trên phá cạn kiệt, việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thất bát nên nhiều hộ dân ở Đông Hải rơi vào cảnh chạy ăn từng bữa. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân khiến hàng loạt phụ nữ và trẻ em gái ở mảnh đất này phải tha hương kiếm sống bằng nghề ô sin.
Chúng tôi men theo con đường nham nhở ổ voi, ổ gà và ngập ngụa bùn lầy vào thôn Đông Hải. Trời chiều mưa lạnh, những cơn gió từ phá Tam Giang quất liên hồi, khiến những ngôi xiêu vẹo run lên bần bật.
Tưởng chúng tôi về thôn tìm thuê ô sin, một ông cụ hom hem chống gậy dò dẫm bên đường chỉ tay về phía những ngôi nhà lụp xụp: “Các chú vào nhà mô hỏi cũng có hết. Hôm qua mới có mới có người ở Đà Nẵng về đưa một lúc 2 đứa trẻ vào làm việc nhà cho ông ta đấy”.
Chúng tôi tạt vào ngôi nhà được lợp bằng những tấm tôn gỉ sét của vợ chồng chị Nguyễn Thị Bé và anh Bùi Văn Hải. Khi chúng tôi đến, chỉ có anh Hải ở nhà. Anh đang bồng trên tay đứa con mới gần 1 năm tuổi, ngồi thẫn thờ trước cửa.
Vẻ trầm buồn, anh kể: “Chúng tôi cưới nhau đã được 14 năm và đã có 3 mặt con. 5 năm trở lại đây, vợ tôi và 2 đứa con gái đầu vào Đà Nẵng làm nghề ô sin.
Nhà nghèo quá, 2 đứa nhỏ phải bỏ học từ năm lớp 3 theo mẹ đi làm nghề này. 1 năm trước, vợ tôi tạm nghỉ, về quê sinh đứa con út rồi lại vào Đà Nẵng làm ô sin”.
Cạnh nhà anh Hải, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thuyền có 8 đứa con gái thì có đến 7 đứa đã vào các tỉnh nam miền Trung và miền Nam làm ô sin. Tất cả những đứa trẻ này đều ly hương khi mới học đến lớp 3 và lớp 4.
“Còn một đứa nữa sắp tới cũng vào Đồng Nai, có người liên hệ thuê nó giúp việc rồi. Ở nhà không đủ cơm ăn thì phải đi ở cho người ta kiếm đồng tiền”, chị Thuyền nói sau tiếng thở dài.
Bát cơm chan nước mắt
Tuy vất vả với thân phận “cơm bưng nước rót cho người”, thế nhưng, không phải tất cả những trẻ em và phụ nữ ở thôn Đông Hải đều sống được bằng nghề ô sin. Rất nhiều trong số những con người nghèo khổ, ly hương cầu thực phải chịu cảnh bị chủ bạo hành, bóc lột sức lao động.
Một trong số những câu chuyện khiến chúng tôi không khỏi xót xa là trường hợp gia đình nhà chị Lê Thị Thu ở thôn Đông Hải. Vợ chồng chị Thu có 3 đứa con gái đã đi làm ô sin, đứa lớn nhất mới 12 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi. Cách hôm chúng tôi đến 2 ngày, vợ chồng chị nhận được thư của đứa con gái đầu tên Huệ đang giúp việc cho một gia đình ở TP.HCM.
Trong bức thư được viết bằng những nét chữ nguệch ngoạc, Huệ kể với bố mẹ việc mình thường xuyên bị chủ nhà đánh đập, hành hạ. “Nó kể hầu như ngày nào cũng bị người ta đánh, nhẹ thì bị cái bạt tai, nặng thì bị đấm đá. Nó muốn về lại quê để đi làm ô sin cho gia đình khác nhưng do gần một năm rồi chủ nhà không trả tiền công cho nó nên nó không thể về“, chị Thu kể trong nước mắt.
Video đang HOT
2 đứa con gái của chị Th. từng mang bầu trong lần vào Đà Nẵng làm ô sin
Cũng tại thôn Đông Hải, anh Hoàng Văn Thìn, người có vợ và 1 đứa con gái đang làm ô sin ở Đồng Nai, nhiều tháng nay cũng lo đến mất ăn mất ngủ sau khi vợ điện thoại về nhà kể việc bị bắt làm việc quần quật nhưng không chịu trả lương.
Chị có hỏi thì bị chủ nhà xông vào đánh đến bầm dập. Trong khi đó, đứa con gái của anh Thìn đang làm ô sin tại một gia đình ở Đồng Nai đã 7-8 tháng nay không liên lạc được. Trước đó, cô bé này có viết thư gửi về nhà kể việc mình nhiều lần bị đánh.
Thế nhưng, thương tâm nhất có lẽ là câu chuyện của em Bùi Thị Hải (13 tuổi), con gái đầu của vợ chồng anh Bùi Văn Mạnh. Mới theo học đến nửa lớp 4 thì Hải phải bỏ học vào TP.HCM giúp việc cho một gia đình làm nghề kinh doanh với tiền công 800 nghìn đồng/tháng. Hàng ngày, Hải làm các công việc như quét dọn nhà cửa, giặt giũ, chợ búa, nấu nướng cho nhà chủ.
Một lần vì sơ ý làm vỡ 2 cái bát ăn cơm, Hải bị chủ nhà dùng roi đánh đến thâm tím khắp người. Sau trận đòn thừa sống thiếu chết này, Hải xin chủ nhà thanh toán tiền công để về quê kiếm việc khác nhưng chủ nhà không chịu trả tiền.
Sau nhiều tháng sống trong khốn khổ vì bị đối xử tàn nhẫn, Hải trộm tiền của chủ để có lộ phí về quê thì bị phát hiện. Hậu quả là Hải bị chủ nhà thượng cẳng chân hạ cẳng tay và dùng vật cứng đánh tới tấp vào đầu.
Sau khi đánh Hải một trận nhừ tử, chủ nhà tống cổ cô bé này ra đường mà không trả một đồng tiền công nào. Rất may là Hải đã được một phụ nữ tốt bụng cho tiền bắt xe về lại quê. Từ ngày về quê đến nay, Hải cứ ngơ ngơ ngác ngác như người mất hồn, trí nhớ giảm sút.
Tuy nhiên, đánh đập bằng đòn roi không phải nỗi sợ hãi nhất của những phụ nữ và trẻ em làm nghề ô sin ở thôn Đông Hải. Không ít, không ít phụ nữ và trẻ em gái ở Đông Hải khi kiếm sống bằng nghề ô sin còn trở thành “con mồi” béo bở của những chủ nhà “quỷ râu xanh”. Để rồi, họ phải chôn một phần của cuộc đời mình với những đau đớn ê chề và đầy nước mắt.
Nhiều tháng nay, người dân trong thôn xì xầm bàn tán chuyện vợ chồng chị N.T.H và anh B.V.X. mâu thuẫn gay gắt do sau 8 tháng đi làm ô sin, chị H. trở về nhà trong tình trạng mang thai.
Mặc dù chị H. đã giải thích rằng chị mang bầu là do bị chủ nhà cưỡng dâm nhưng anh X. vẫn liên tục trút vào chị những lời xỉ vả vì anh nghi ngờ vợ mình nói dối.
Số là, chị H. vào Vũng Tàu làm ô sin cho một ông chủ giàu có cách đây 8 tháng. Nhờ có ngoại hình ưa nhìn nên chị được ông chủ nhà để ý và dùng lời đường mật tán tỉnh mỗi khi chỉ có ông và chị ở nhà.
Một lần, sau khi dụ dỗ chị không thành, ông này đã cưỡng hiếp chị ngay tại bếp khiến chị mang thai. Phát hiện sự việc, vợ ông ta lập tức tống cổ chị H. ra khỏi nhà nên chị phải ôm bụng bầu về quê.
Cũng chịu cảnh bị chủ cưỡng bức, thế nhưng, câu chuyện của chị Th. còn đau đớn hơn nhiều. Chồng mất sớm do tai nạn trong một lần đánh bắt thủy sản bằng xung điện, 2 đứa con gái của chị Th. phải bỏ học sớm để cùng mẹ làm nghề chài lưới kiếm sống.
Một lần, có người đàn ông ở Đà Nẵng về thôn tìm người giúp việc nhà, chị Th. đã cho 2 đứa con của mình đi theo người đàn ông này. Mỗi đứa được ông ta hứa trả tiền công 900 nghìn đồng/ tháng. Tuy thương con tuổi nhỏ đi làm ăn xa nhưng chị Th. cũng rất vui vì chị tin rằng kinh tế gia đình rồi đây sẽ bớt khó khăn hơn.
Nhưng niềm vui của chị chẳng tày gang. Sau hơn một năm vào giúp việc ở Đà Nẵng, 2 đứa con của chị lần lượt trở về nhà trong tình trạng đã… mang bầu.
“Chúng đã bị chính ông chủ nơi chúng làm việc gạ gẫm nên mới nên nông nỗi ni”, chị Th. nức nở. Sau chuỗi ngày khóc ròng, được hàng xóm khuyên bảo, chị Th. quyết định đưa con đi phá bỏ giọt máu lạc loài để tính đường chồng con về sau.
Ông Trần Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết, việc trẻ nhỏ ở thôn Đông Hải đua nhau bỏ học vào các tỉnh phía Nam mưu sinh bằng nghề ô sin, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng không giải quyết được tình hình.
Đơn cử như mới đây, UBND xã đã cử cán bộ vào tận các nơi các em ở xã làm việc vận động và đưa được 18 em về quê hỗ trợ đi học trở lại nhưng sau đó các em lại lần lượt bỏ học vào Nam. Về tình trạng phụ nữ và trẻ em trong khi đi làm ô sin bị xâm hại, ông Diệu nói, dù rất đau lòng và bức xúc nhưng chính quyền xã rất khó can thiệp vì những sự việc trên không xảy ra trên địa bàn.
Theo xahoi
Kiểm tra khẩn cấp vụ "bom gas" đe dọa hàng nghìn cư dân
Sau khi báo Dân trí phản ánh vụ "bom gas" đe dọa hàng chục nghìn cư dân sinh sống tại khu đô thị Mỹ Đình 2, TP. Hà Nội, các cơ quan chức năng đã khẩn cấp vào cuộc làm rõ vụ việc này.
Ngay sau khi báo Dân trí đăng bài viết "Rùng mình cảnh hàng chục nghìn dân sống chung với "bom gas" tại khu đô thị Mỹ Đình", sáng ngày 18/12/2012, UBND huyện Từ Liêm đã ký công văn số 1908/UBND - VP gửi Đội Quản lý thị trường số 6, Trưởng Công an huyện, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Cầu Giấy, Trưởng phòng Kinh tế, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình yêu cầu kiểm tra hoạt động của Công ty gas Sông Hồng, đặc biệt là hoạt động sang chiết gas giữa khu dân cư đông người.
Công văn do Chánh Văn phòng Nguyễn Hữu Tuyên nêu rõ: "Ngày 18/12/2012, báo điện tử Dân trí có bài viết phản ánh việc Công ty gas Sông Hồng kinh doanh, phân phối gas ngay giữa khu dân cư và gần một số trường học quanh khu đô thị Mỹ Đình 2, không đảm bảo các điều kiện về PCCC.
Công văn chỉ đạo kiểm tra của UBND huyện Từ Liêm
Về việc này, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu, Đội trưởng Quản lý thị trường số 6 chủ trì, phối hợp với Phỏng Cảnh sát PCCC Cầu Giấy, Công an huyện Từ Liêm, phòng Kinh tế, UBND xã Mỹ Đình, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Các phòng, ngành theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Đội Quản lý thị trường số 6 trong quá trình kiểm tra, xử lý.
Kết quả kiểm tra, xử lý báo cáo UBND huyện chậm nhất ngày 20/12/2012. UBND huyện yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện. UBND huyện Từ Liêm cảm ơn thông tin phản ánh của báo điện tử Dân trí. Khi có kết quả cụ thể, UBND huyện sẽ thông tin đến quý báo biết".
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, sáng 18/12/2012, Tổ công tác liên ngành của huyện Từ Liêm do Đội Quản lý thị trường số 6 chủ trì đã đến làm việc tại Công ty gas Sông Hồng và lập biên bản hiện trường ở thời điểm kiểm tra. Theo lời Đội phó Quản lý thị trường số 6 Nguyễn Hải Anh, khi kiểm tra, đại diện phòng kỹ thuật Công ty có đưa ra giấy tờ chứng minh 2 bồn gas đủ tiêu chuẩn an toàn.
Về 2 bồn gas có trọng lượng hơn 30 tấn đặt tại khuôn viên khu nhà, Công ty gas Sông Hồng cho biết những bồn chứa này làm nhiệm vụ cung cấp gas đến các tòa nhà cao tầng thông qua hệ thống ống ngầm. Khi kiểm tra, đội Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng phát hiện có khoảng hơn 20 bình gas trọng lượng 45 kg màu hồng được xếp gần bồn lớn, một số đang đấu nối với van bồn lớn.
Đội phó Đội Quản lý thị trường số 6 khẳng định phát hiện những bình gas nhỏ đấu nối với bồn gas lớn khi lực lượng liên ngành kiểm tra
Giải thích về sự hiện diện của những bình gas nhỏ, đại diện Công ty gas Sông Hồng trình bày, do 2 bồn chứa lớn mới hết gas nên phải nhập loại bình rời loại 45 kg về đấu nối vào bồn cung cấp đến các hộ dân đăng ký, công ty không tổ chức sang chiết gas tại khu dân cư. Để làm rõ vụ việc, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành lập biên bản về sự tồn tại của hơn 20 bình gas rời, trong đó có một số đang đấu nối. Cùng lúc, Cảnh sát PCCC cũng lập biên bản việc đấu nối, trước khi xác định rõ việc đấu nối có đảm bảo an toàn hay không.
Công ty gas Sông Hồng cho biết việc mua bình gas rời đấu nối với mục đích giải quyết tạm thời nhu cầu khi 2 bồn lớn hết gas. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân thì suốt nhiều tháng qua, số lượng bình gas vẫn tồn tại ở đây và luôn có sự thay đổi về số lượng, chứ không phải đơn thuần là mới nhập về 3 ngày như giải thích của Công ty.
Trong buổi kiểm tra bất ngờ ngày 18/12/2012, lực lượng liên ngành huyện Từ Liêm yêu cầu Công ty xuất trình giấy phép ĐKKD, chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn PCCC và những giấy tờ khác liên quan đến hoạt động kinh doanh, phân phối gas. Nhưng Công ty gas Sông Hồng đã không đưa ra được với lý do Giám đốc đang đi công tác vắng nên chưa thể công bố theo yêu cầu của lực lượng liên ngành.
Tổng trọng lượng chứa của 2 bồn gas đặt ở khu đô thị là hơn 30 tấn
Kết thúc buổi kiểm tra, lực lượng chức năng đã ra văn bản yêu cầu Công ty gas Sông Hồng xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh gas trong buổi làm việc ngày 20/12/2012. Sau buổi kiểm tra lần 2, các lực lượng chức năng sẽ tổng hợp thông tin về hoạt động phân phối, sang chiết gas của Công ty Sông Hồng đến Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm.
Làm việc với PV Dân trí ngày 18/12/2012, ông Nguyễn Hải Anh, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 6 cho biết: "Trong buổi làm việc sắp tới chúng tôi sẽ làm rõ hóa đơn nhập số bình gas loại 45 kg theo như giải thích của công ty là để đấu nối tạm thời. Công ty gas Sông Hồng có nhiệm vụ xuất trình ra đầy đủ giấy chứng nhận liên quan hoạt động phân phối gas. Quan điểm của chúng tôi là sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện ra sai phạm trong hoạt động của công ty.
Ngay cả khi công ty đủ điều kiện hoạt động, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét có nên để bồn gas ở khu vực đông dân cư hay không? Đội Quản lý thị trường chỉ có quyền xử lý nếu phát hiện sai phạm, còn việc cấp giấy phép, xem xét dịch chuyển lại thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng TP. Hà Nội".
Khi các cơ quan chưa đưa ra kết luận về vụ việc, đông đảo người dân khu đô thị Mỹ Đình 2, và hàng triệu bạn đọc trong và ngoài nước đều tỏ ra bức xúc và lo lắng cho tính mạng của hàng nghìn cư dân đang sinh sống tại đây. Anh Tùng Dương, một công dân sinh sống tại đây cho biết: "Ngay giữa trung tâm khu đô thị với hàng nghìn dân sinh sống, cùng gần 10 trường tiểu học, mẫu giáo mà tồn tại trạm cung cấp, sang chiết gas như vậy là không ổn, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của cộng đồng dân cư nơi đây. Ai dám đảm bảo là trong quá trình sang chiết gas không xảy ra sự cố? Toàn bộ mặt bằng bên ngoài của Công ty gas Sông Hồng cho thuê ki ốt buôn bán nên đã che đi phần nào những bồn gas nguy hiểm bên trong".
Cùng với sự tồn tại của 2 bồn gas ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường
Trong đơn phản ánh gửi đến báo Dân trí, người dân khu đô thị Mỹ Đình 2 tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận về hoạt động của Công ty gas Sông Hồng, đặc biệt là những điều kiện do nhà nước ban hành. Nếu Công ty gas Sông Hồng có đủ điều kiện hoạt động, những thông tin ấy cũng phải được thông báo công khai đến với người dân.
Như thông tin đã đưa, người dân sống ở khu đô thị Mỹ Đình 2, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội, cùng nhiều phụ huynh có con học tại khu vực gồm trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, mẫu giáo Lê Quý Đôn, THPT Lomonoxop gửi đến báo Dân trí phản ánh: Từ nhiều năm qua, Công ty gas Sông Hồng đã kinh doanh, phân phối, sang chiết gas ngay giữa khu dân cư có hàng chục nghìn người dân, cùng nhiều trường học mà các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý.
Điều tra thực tế được biết, Công ty gas Sông Hồng đã đăng ký kinh doanh và hoạt động tại khu đô thị Mỹ Đình 2 nhiều năm trước. Trong khu vực sân rộng khoảng 500m2, Công ty Sông Hồng xây dựng 2 bồn chứa lớn. Hoạt động phân phối gas diễn ra giữa khu đô thị đông người, lại nằm ở địa điểm tiếp giáp với 3 trường học lớn trong khu vực Mỹ Đình 2 là THPT Lomonoxop, tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, mẫu giáo Lê Quý Đôn. Tuy nhiên, do bồn chứa gas và khu sang chiết thường tiến hành ở một góc khuất nên mới đây người dân mới phát hiện và đơn phản ánh đến các cơ quan báo chí.
Ảnh chụp 2 bồn gas của Công ty gas Sông Hồng nhìn từ trên cao
Chiều ngày 17/12/2012, PV báo Dân trí đã ghi lại được những hình ảnh liên quan hoạt động phân phối, sang chiết gas của Công ty gas Sông Hồng. Nằm nép ở bên trái khu vực sân công ty (tính từ cổng vào), được che khuất bằng dãy nhà điều hành là 2 bồn gas có dung tích chứa hàng trăm m3 có dòng chữ ghi trên vỏ bồn "Sông Hồng Gas". Cạnh 2 bồn lớn có hàng chục loại bình với nhiều loại dung tích nhỏ hơn đứng xếp hàng chờ được "sang hàng" từ van gas 2 bồn lớn.
Trao đổi tại trụ sở UBND xã Mỹ Đình, Phó Trưởng Công an xã Mỹ Đình, ông Nguyễn Văn Anh xác nhận việc Công ty gas Sông Hồng hoạt động trên địa bàn xã nhiều năm qua. Tuy nhiên, về hoạt động cụ thể của doanh nghiệp lẫn chu trình PCCC thì Công an xã không thể nắm được, bởi việc cấp phép đăng ký kinh doanh, PCCC thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng huyện Từ Liêm.
Việc sang chiết gas tại Công ty gas Sông Hồng vẫn được tiến hành vào tối ngày 18/12
Với những gì đang diễn ra, người dân sinh sống trong khu vực và phụ huynh của hàng nghìn em học sinh học tập tại khu đô thị Mỹ Đình 2 khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng TP. Hà Nội, huyện Từ Liêm kiểm tra hoạt động của Công ty gas Sông Hồng. Sau khi xảy ra hàng loạt các vụ cháy nổ gas nghiêm trọng, người dân cũng đang đặt câu hỏi ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm nếu xảy ra sự cố cháy nổ do hoạt động phân phối của Công ty gas Sông Hồng?
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Dantri
Nghi án tung tin đồn 'tận thế' để trục lợi Nhiều hộ dân ở Quảng Ngãi và Quảng Nam đã bán trâu bò, thậm chí bán vàng để tiêu xài vì tin đồn sắp "tận thế". Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra đầu mối tung tin này nhằm trục lợi. Sáng nay, ở khu vực cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi), nhiều người bàn tán râm...