Làng nghiện trầu ở ngoại thành Hà Nội
Từ người già đến lớp thanh niên trai tráng làng Phú Lễ đều ăn trầu. Cưới con gái trong làng, mâm sính lễ của nhà trai phải đủ nghìn quả cau thì nhà gái mới nhận.
Làng Phú Lễ, xã Cần Kiệm (Thạch Thất, Hà Nội) nằm bên bờ sông Tích, được bao bọc bởi những cánh đồng lúa xanh mướt. Ngôi làng trù phú với nhiều nhà cao tầng mọc san sát, nhưng không che khuất nổi những cây cau già vượt lên cao ngang nóc ngôi nhà ba tầng. Hầu như nhà nào cũng trồng cau bởi người dân làng này nghiện trầu từ xa xưa.
Những người phụ nữ cao tuổi của làng Phú Lễ nhờ ăn trầu mà răng vẫn đen nhánh như hạt na. Ảnh:Hoàng Phương.
Các cụ gần trăm tuổi trong làng không ai biết tục lệ có từ khi nào, chỉ biết đã thành nếp làng, được truyền giữ qua bao đời nay. Vuốt cặp môi cắn chỉ, bà Triệu Thị Liên chia sẻ, ngày bà ăn bao nhiêu trầu không đếm được. Sáng sớm dậy, bà phải ăn vài miếng trầu coi như súc miệng rồi mới ăn sáng.
Bà cụ 72 tuổi kể, hồi nhỏ, bà toàn đi kiếm rễ chay cho mẹ và bà ngoại ăn trầu, rồi cũng nghiện lúc nào không biết. Chồng và 6 người con của bà đều ăn. Cô con gái lấy chồng xa mỗi khi về thăm mẹ, vừa đặt túi xuống là hỏi xin ngay miếng trầu.
Mỗi buổi chiều, những người già trong ngõ xóm đều tập trung ở nhà bà Liên để ngồi uống nước, chia nhau quả cau, miếng trầu. Giữa câu chuyện rôm rả, răng ai cười cũng đen nhánh. Những người bạn ăn trầu của bà đều biết đến miếng trầu từ thuở lên chín, mười. Họ nhuộm răng từ khi còn là cô bé 13 tuổi, giữ thói quen ăn trầu nhiều năm khiến các bà không phải nhuộm thêm lần nào nữa.
“Miếng trầu là đầu câu chuyện, không có trầu nhạt mồm nhạt miệng lắm. Ăn trầu cho môi đỏ, răng đen hơn và chắc hơn. Tôi mà không ăn chắc răng lung lay hết rồi. Bà nào không ăn trầu nhìn răng nhờn nhợt, màu không đẹp”, bà Liên cười, khoe hàm răng còn chắc khỏe, đen như hạt na. Nói rồi bà mời khách miếng trầu, khách từ chối vì không biết ăn, bà bảo “Thế thì không làm dâu Phú Lễ được rồi”.
Làng trồng khá nhiều cau, thậm chí người làng khi xây nhà, làm vườn cũng không chặt cau bởi thói quen ăn trầu. Ảnh: Hoàng Phương.
Người Phú Lễ ăn hai loại trầu. Một loại nhai lẫn với cau, quệt thêm một ít vôi, ăn vừa miệng bởi có vị cay của lá trầu, nồng của vôi và tươi ngọt từ hạt cau. Một loại trầu nữa ăn với thuốc lào, dễ bị say và chỉ có những cụ già ăn trầu lâu năm mới thích vì vị đậm đà. Cách ăn trầu cũng rất dung dị, không cần têm cánh phượng, đựng trong cơi son mà chỉ cần quả cau bổ bảy, xé thêm miếng lá trầu rồi nhai cả ngày. Phụ nữ làng này đi đâu cũng có một túi vải nhỏ thắt miệng, trong đựng đôi lá trầu, dăm miếng cau.
Người dân nơi đây quan niệm, ngày Tết có thể thiếu bánh chưng, thiếu đào quất, nhưng phải lo sắm đủ cau trầu cho ba ngày. Đó cũng là mặt hàng bán chạy không kém thịt lợn, bánh kẹo ở đây mỗi dịp Tết về. Đặc biệt trong đám cưới, trầu cau là món sính lễ quan trọng nhất khi về làm dâu, rể nơi đây.
Video đang HOT
Con gái anh Nguyễn Văn Nghị lấy chồng trong huyện Thạch Thất. Hôm ăn hỏi nhà trai mang đến đủ nghìn quả cau, bên nhà gái còn phải mua thêm 500 cau mới đủ cho khách ăn trầu. Từ xưa đến giờ, trai làng đi lấy gái nơi khác chỉ phải mang vài trăm quả cau sính lễ cho có lệ. Nhưng trai làng khác lấy con gái Phú Lễ thì phải đủ nghìn cau trong mâm thì nhà gái mới nhận. Trai gái trong làng lấy nhau thì hai họ lo đủ hai nghìn quả cau cùng với trầu cho cả làng ăn.
Trong đám cưới ở làng Phú Lễ, các cụ phải tập trung têm trầu liền tay thì mới kịp cho khách. Ảnh: Hoàng Phương.
Những người lần đầu tới làng đều ngạc nhiên khi thấy cả thanh niên, trẻ nhỏ say mê với trầu cau. Cô gái tên An, 22 tuổi, quê ở Quảng Ninh, lần đầu về Phú Lễ dự đám cưới bạn. An cùng vài cô gái đi lại liên tục để bê trầu lên cho khách. “Em chưa thấy nơi nào người dân ăn trầu nhiều như ở đây. Đám cưới nơi khác thì ăn trầu cho có lệ. Ở đây mấy ngày, em thấy thanh niên bằng tuổi mình, rồi cả mấy em nhỏ, cũng tóp tép nhai trầu”, nữ sinh ĐH Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Không chỉ các cụ, thanh niên làng Phú Lễ đến chơi nhà nhau, đi ăn cỗ đám cưới cũng phải xin miếng trầu rồi mới ngồi vào mâm. Nhưng họ chỉ dám ăn ở làng và không ăn nhiều bởi sợ xỉn răng, bị người khác trêu. Trai gái quanh vùng rỉ tai nhau, đi ra ngoài thấy thanh niên còn trẻ mà răng với môi màu đỏ, nhai trầu liên tục thì đích thị người làng Phú Lễ.
Thầy giáo Kiều Quang Học là người làng Phú Lễ cho hay, anh ăn trầu từ năm lên 4 tuổi. Khi còn nhỏ, cậu bé Học đi xin bã trầu của bà nội để nhai rồi nghiện lúc nào không hay. “Mỗi khi đi đâu xa, tôi đều phải đánh răng nhiều lần hoặc đi lấy cao răng vì bộ răng đã bị xỉn màu. Nhưng về đến nhà là không chịu được, lại phải lấy trầu để nhai cho đỡ thèm”, anh kể. Thấy con trai còn nhỏ cũng mon men nhai bã trầu của bà nội là anh cản ngay vì lo con bị xỉn răng.
Theo VNE
Trẻ ngoại thành rước đèn ông sao khủng
Dưới ánh đèn lung linh, những cô bé, cậu bé hào hứng với tiếng trống tùng dinh, đắm đuối với những ông địa phe phẩy quạt ưỡn ẹo xung quanh con sư tử sặc sỡ diễn trò. Cách các em nhỏ ngoại thành Hà Nội đón Trung Thu đã cho thấy tín hiệu vui về lễ hội Trung thu truyền thống không hề bị mai một.
Những ngày này, tại hầu hết các thôn làng ở khắp các thôn ngoại thành Hà Nội đều rộn ràng chuẩn bị cho lễ Trung thu. Cách trung tâm Hà Nội, chừng 15km nhưng xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội vẫn tổ chức tết Trung Thu đậm chất truyền thống cho trẻ em. Rằm tháng 8 âm lịch không chỉ là cái Tết của trẻ em mà nó cuốn hút cả người lớn tham gia.
Mấy năm trở lại đây, phong trào thôn, xóm tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em đã rầm rộ. Trước ngày rằm tháng 8, các xóm đã họp lại, bàn cách tổ chức Trung thu cho các cháu.
Để chuẩn bị những chiếc đèn ông sao cỡ lớn, đầu lân, ông địa và mâm ngũ quả cho trẻ em trong xóm phá cỗ đêm trăng rằm, phụ huynh đã phải chuẩn bị trước cả tháng. Chú Nguyễn Văn Chung, trưởng xóm Ngõ Cả, thôn Hội Phụ, Đông Hội, Đông Anh cho biết: " Cả xóm tập hợp được cả một "đội quân" thanh niên, trẻ em cùng làm đèn ông sao và những sản phẩm khác phục vụ cho ngày rằm tháng 8. Rồi chúng tôi đi kêu gọi đóng góp của mọi người, người cho tiền, người cho bánh kẹo, bưởi hồng... thế là trẻ con có được một đêm hội trăng rằm đầy ý nghĩa. Những đứa trẻ được vui Tết Trung Thu truyền thống, người lớn cũng được sống lại những ngày thơ ấu.".
Chiếc đèn ông sao cỡ đại đặt trong khung bằng inox và có bánh xe đẩy, có đèn phát sáng nhờ chiếc ắc quy kèm theo. Ngoài đèn ông sao còn có trống và thiết bị phát nhạc vui nhộn kèm theo. Ngoài múa lân, sư tử thi đấu giữa các xóm với nhau các xóm còn tổ chức thành đêm ca nhạc, tạo không khí ấm áp, rộn ràng.
Với đầu lân, ông địa, mâm ngũ quả cùng bánh kẹo, đèn ông sao truyền thống, những đứa trẻ ngoại thành đón Tết Trung thu đậm chất dân gian cổ truyền.
Chùm ảnh đón tết Trung thu của người dân ngoại thành Hà Nội:
Những chiếc đèn ông sao cỡ lớn được làm bằng tre, giấy màu truyền thống
Những chú bé vui đùa với đầu lân
Bé Tuấn, 3 tuổi rất tò mò với chiếc đèn thắp nến làm bằng tre hình bông sen
Bà cháu cùng vui Trung Thu
Niềm vui của bé đêm Trung thu với mẹ
Ông địa vui đùa cùng lũ trẻ
Háo hức với những tiết mục văn nghệ
Giấc ngủ ngon trên lưng bà
Rước đèn xung quanh làng
Theo Hòa Anh (Khampha.vn)
"Làng ung thư" tiềm ẩn giữa Hà Nội Từ những lời kêu cứu khẩn cấp của người dân tại thôn Dục Tú 3 (xã Dục Tú, huyện Đông Anh), chúng tôi phát hiện thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xuất phát từ những xưởng nung, đúc phế liệu kim loại. Nỗi sợ hãi về bệnh tật, chết chóc đã hiện rõ trên những gương mặt nông dân ngoại thành...