Lắng nghe những chia sẻ xúc động từ người hùng thể thao Timor Leste: “Cảm ơn Việt Nam đã cổ vũ, niềm nở và yêu thương”
Felisberto De Deus – vận động viên điền kinh 23 tuổi đến từ Timor Leste nói Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của anh, sau khi nhận được những tình cảm nồng hậu và món quà từ người hâm mộ.
SEA Games 31 khép lại, đội tuyển Timor Leste giành được 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Người làm nên lịch sử cho thể thao Timor Leste trong kỳ Đại hội lần này là Felisberto De Deus, 23 tuổi, vận động viên điền kinh, với 2 tấm huy chương bạc nội dung 5.000m và 10.000m nam. Tính từ kỳ Đại hội đầu tiên năm 1959 đến trước sự kiện năm nay, Timor Leste chưa từng giành bất kỳ tấm huy chương điền kinh nào.
Điều ấn tượng nhất trong hành trình của Felisberto tại SEA Games 31 là khoảnh khắc anh khoác lên mình lá cờ Timor Leste, trên tay quốc kỳ Việt Nam, tự tin sải bước quanh sân vận động Mỹ Đình trong tiếng hò reo, cổ vũ của cổ động viên Việt Nam.
Từ cậu bé đam mê chạy xung quanh nhà đến vận động viên điền kinh chuyên nghiệp
Felisberto De Deus sinh ra trong một gia đình thuần nông gồm 8 anh chị em tại một thành phố nhỏ ở Timor Leste. Từ bé, Felisberto thường cùng bạn nô đùa, thi chạy trên những con đường xung quanh nhà. Chính những buổi tập chạy đều đặn mỗi ngày đã gieo vào lòng cậu bé Felisberto tình yêu với môn điền kinh. Tại Timor Leste, điền kinh là môn thể thao được yêu thích thứ 3, sau bóng đá và bóng rổ.
Năm 2015, khi vừa tròn 16 tuổi, Felisberto chính thức thi đấu chuyên nghiệp. Bố mẹ nhiệt tình ủng hộ con trai đóng góp tài năng cho Tổ quốc. Một năm sau, anh có giải đấu đầu tiên, tuy chưa có nhiều thành tích, nhưng niềm đam mê điền kinh vẫn thôi thúc anh tiến lên phía trước.
Felisberto từng dự SEA Games ở Philippines năm 2019, nhưng không đoạt huy chương. Năm 2020, anh là vận động viên được giao phó trọng trách cầm cờ tại lễ khai mạc Olympic Tokyo. Ở thế vận hội này, anh tham gia thi đấu ở nội dung 1.500m nam với thành tích 3 phút 51 giây 03. Dù bị loại ngay ở vòng 1 và không giành huy chương, nhưng đây là kỷ lục quốc gia duy nhất mà một vận động viên Đông Nam Á lập được ở môn điền kinh Olympic.
“Tôi đã tham gia 5 giải đấu trong khuôn khổ Đông Nam Á trước khi dự SEA Game 31, đều chưa giành được huy chương. Nhưng đây là cơ hội để tôi phát triển bản thân và vượt qua chính mình”, Felisberto nói.
Đại gia đình Felisberto trước căn nhà của họ
Tại SEA Games 31 diễn ra ở Hà Nội (Việt Nam), đoàn thể thao Timor Leste tham dự với 39 vận động viên và tranh tài ở 7/40 môn thi đấu, bao gồm điền kinh, bóng đá, karate, taekwondo, cử tạ, bơi lội và boxing.
Để chuẩn bị tốt cho SEA Games lần này, điều kiện vật chất và tập luyện tại Timor Leste được cải thiện. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung trên thế giới, cuộc sống và quá trình tập luyện của các vận động viên tại đất nước chỉ 1,3 triệu dân vẫn ở dưới mức tiêu chuẩn.
Hàng ngày, Felisberto tập luyện từ sáng sớm hoặc chiều muộn, tránh cái nắng như đổ lửa hay những cơn mưa rào nhiệt đới. Anh thường chạy quanh nhà, trên đường làng, hoặc bãi biển đầy rác và sỏi, cũng có thể trong sân vận động xuống cấp, đường chạy lồi lõm và có cả đường ống nước vắt ngang.
“Mỗi ngày, tôi duy trì chạy 20km, đường chạy chính là trên đường phố, con đường làng gần nhà. Thứ Sáu hàng tuần, tôi mới được tập luyện trong sân vận động”, Felisberto cho hay. Tuy nhiên, do Covid-19, các vận động viên Timor Leste trải qua quá trình tập luyện gian khổ hơn.
Đội tuyển điền kinh của Timor Leste tham dự SEA Games 31 có tổng 5 thành viên, bao gồm cả huấn luyện viên. Chuyến bay dài và mệt mỏi từ quê hương đến Việt Nam phải quá cảnh qua Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân xuống Hà Nội, ai cũng háo hức và đầy lạc quan, hi vọng được tranh tài tại SEA Games.
“Hành trang của tôi ngoài quần áo và đồ dùng cá nhân, còn là những chiếc khăn hay mũ lưỡi trai, là biểu tượng của tình đoàn kết mà tôi muốn gửi tặng những người bạn Việt Nam”, Felisberto hào hứng kể.
Felisberto tập luyện trước thềm SEA Games 31
Video đang HOT
Khoảnh khắc lịch sử trên SVĐ Mỹ Đình
Ngày 15/5, trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Felisberto De Deus tham dự nội dung chạy 5.000m nam. Chàng trai 23 tuổi với vóc dáng gầy gò và nhỏ bé, không được đánh giá cao trong số những vận động viên tham dự như tuyển thủ kỳ cựu Nguyễn Văn Lai (Việt Nam) hay Sonny Wagdos Montenegro (Philippines),…
Bằng nỗ lực phi thường, Felisberto De Deus xuất sắc đoạt huy chương bạc, phấn khích cởi áo ăn mừng, chạy về cuối sân vận động để nhận cờ và chia vui với rất ít thành viên trong đoàn đến cổ vũ. Đây là tấm huy chương điền kinh đầu tiên trong lịch sử SEA Games của thể thao Timor Leste.
Hai ngày sau, Felisberto De Deus tiếp tục tranh tài ở nội dung 10.000m nam, mang về thêm một huy chương bạc quý giá cho điền kinh Timor Leste. Sau vạch đích, anh được vận động viên Việt Nam Nguyễn Văn Lai ôm chầm và chúc mừng chiến thắng.
Niềm hạnh phúc của anh càng thêm ý nghĩa, khi đã nắm tay 2 vận động viên Việt Nam là Nguyễn Văn Lai (huy chương vàng) và Nguyễn Văn Thao (huy chương đồng) chạy dọc sân Mỹ Đình trong tiếng hò reo của người hâm mộ.
“Nguyễn Văn Lai là nhà vô địch SEA Games tại Malaysia năm 2017. Khi xem anh ấy thi đấu trên ti vi, tôi đã nghĩ một ngày nào đó sẽ thi đấu với người đàn ông này. Và khi giành được huy chương bạc, tôi thực sự muốn ăn mừng với anh ấy”, Felisberto xúc động nhớ lại. Khoảnh khắc Nguyễn Văn Lai chủ động nhường bục cao nhất cho Felisberto chụp ảnh lưu niệm cũng là một trong những hình ảnh đáng nhớ.
Felisberto De Deus (ở giữa) nắm tay 2 vận động viên Việt Nam ăn mừng chiến thắng (Ảnh: An Tô)
Vận động viên Việt Nam nhường bục cao nhất cho Felisberto De Deus chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: An Tô)
Chàng trai 23 tuổi nói Nguyễn Văn Lai là thần tượng, là nguồn động lực để anh tham gia SEA Games 31. Khi “đấu” với tuyển thủ Việt Nam, Felisberto biết rằng thật sự khó để vượt qua. Huấn luyện viên cũng đã nhắc anh để nằm trong top 3, điều quan trọng là không được vượt qua mà chỉ bám sát phía sau Nguyễn Văn Lai. Chính chiến thuật đúng đắn này đã giúp Felisberto giành tấm huy chương bạc thứ 2 tại kỳ Đại hội.
Ngoài Nguyễn Văn Lai, Felisberto còn ấn tượng với một vận động viên điền kinh khác đến từ Việt Nam là Dương Văn Thái.
“Tôi thực sự hạnh phúc khi là người chiến thắng, giành huy chương bạc, không phải ở đất nước nào khác mà là ở Việt Nam. Tôi muốn được ăn mừng chiến thắng với người Việt Nam. Đất nước của tôi cũng rất hạnh phúc và tự hào với món quà vinh quang mà tôi mang về”, Felisberto nói.
Chiều hôm đó, rất đông khán giả Việt Nam trên sân vận động Mỹ Đình đã vỗ tay, hò reo cổ vũ, xuống xin chụp ảnh, thậm chí có người đã khóc cùng Felisberto De Deus. Thể thao đã xóa tan khoảng cách địa lý, quốc gia, dân tộc, thắp sáng tình hữu nghị bền chặt, đúng với tinh thần SEA Games 31, đoàn kết “vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
Felisberto De Deus hạnh phúc khoác lá cờ Timor Leste ăn mừng chiến thắng (Ảnh: An Tô)
Hạnh phúc và xúc động, Felisberto chạy quanh đường piste, đưa mắt lên khán đài tìm lá quốc kỳ để ăn mừng như bao vận động khác. Khi đứng ở vạch đích chờ gần 10 phút, anh hụt hẫng khi chưa thể cầm trên tay lá cờ Tổ quốc. Lúc này, một nữ tình nguyện viên Việt Nam chạy ra từ khán đài A, đưa lá cờ Timor Leste cho Felisberto để anh quàng vai tự tin sải bước quanh sân vận động Mỹ Đình trong tiếng hò reo, cổ vũ của cổ động viên Việt Nam. Đây là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm nay.
“Chính sự cổ vũ nhiệt tình và fair-play của khán giả Việt Nam đã giúp tôi có thêm động lực vượt qua sự mệt mỏi trên đường chạy 10.000m”, Felisberto tiết lộ.
Hai ngày sau, Felisberto có cơ hội gặp lại Hà Thị Thanh Thúy, 19 tuổi, sinh viên năm nhất khoa ngôn ngữ Tây Ban Nha, Đại học Hà Nội – nữ tình nguyện viên đã trao cờ cho mình trên sân Mỹ Đình.
Thúy nhớ lại, chiều 19/5, nữ sinh làm nhiệm vụ tại sảnh khách sạn nơi các vận động viên lưu trú. Lúc này, Felisberto vẫn đang nói chuyện với một số đồng đội và tình nguyện viên khác. Nhận ra Thúy, các tình nguyện viên thông báo cho nam vận động viên rằng đây chính là “cô gái đưa cờ”.
Felisberto rất bất ngờ, tiến lại gần Thúy, nói lời cảm ơn và cũng xin lỗi vì đã không kịp cảm ơn nữ tình nguyện viên ngay khi nhận cờ. Đáp lại, Thuý nói rằng được đưa cờ cho anh là niềm tự hào của bản thân. “Mình mới là người cần cảm ơn anh ấy”, Thúy chia sẻ.
Đội điền kinh Timor Leste đã gửi tặng Thúy huy hiệu của Timor Leste và chiếc khăn hình lá cờ do người dân tự đan. Họ cũng trao đổi Facebook và chụp ảnh cùng nhau.
Felisberto De Deus gặp lại nữ tình nguyện Việt Nam đã trao cờ cho mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Được biết, Thúy là 1 trong 1.350 sinh viên tiêu biểu của Đại học Hà Nội được tuyển chọn từ tháng 2 để phục vụ SEA Games. Nữ tình nguyện viên thuộc tiểu ban giao thông, được tập huấn từ tháng 4, về các hoạt động như trực tại khách sạn, điều xe cho các đội tuyển, theo dõi giờ giấc của các vận động viên.
“Khi gặp và làm việc chung với nhiều người tại SEA Games 31, mình đã học được nhiều điều tốt đẹp. Mình sẽ luôn cố gắng hết sức, hoàn thành tốt việc học tập cũng như công việc sau này”, Thúy chia sẻ.
Sau khi giành 2 huy chương bạc làm nên lịch sử cho nước nhà, Felisberto đã gọi điện về gia đình. “Bố mẹ tôi đã khóc rất nhiều làm tôi cũng khóc theo. Họ thực sự rất hạnh phúc, nói tự hào về tôi”, anh nhớ lại. Suốt hành trình anh thi đấu ở Việt Nam, bố mẹ luôn dõi theo và cổ vũ.
“Việt Nam là ngôi nhà thứ 2 của tôi”
Đây là lần thứ hai Felisberto đến Việt Nam. Lần trước, anh đến TP.HCM tham gia giải điền kinh trẻ. Với Hà Nội, anh ấn tượng một thành phố đẹp, nhiều cây xanh và đồ ăn ngon, đặc biệt là “một thành phố tuyệt vời nhất trong cuộc đời và sự nghiệp vận động viên” của anh.
Tranh thủ những ngày nghỉ hiếm hoi sau khi hoàn thành các nội dung thi đấu, Felisberto de Deus cùng đồng đội tham quan phố cổ Hà Nội và hồ Tây, thưởng thức bún chả và một số đặc sản khác.
“Giống như một điều kỳ diệu vậy. Tôi vốn không được biết đến ở Việt Nam, nhưng khi tôi giành huy chương, nhiều người dân đã tìm đến khách sạn để cùng mừng chiến thắng. Tôi rất vui và ngạc nhiên”, anh kể.
F elisberto De Deus nhận món quà là hình chú sao la tí hon – linh vật SEA Games 31 (Ảnh: Minh Nhân)
Anh Nguyễn Văn Ích tặng Felisberto De Deus đặc sản 3 miền cùng chiếc mũ cối. Đáp lại, nam vận động viên Timor Leste tặng anh mũ lưỡi trai và khăn tự đan (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Anh Nguyễn Văn Ích, 30 tuổi, quận Hoàng Mai, bất chấp những cơn mưa trái mùa, tìm đến khách sạn lưu trú của đội điền kinh Timor Leste ở quận Ba Đình, trao tận tay những thức quà 3 miền. Trước khi gặp Felisberto, anh Ích đã dành nửa ngày đi khắp các siêu thị quanh Hà Nội, tìm mua bánh đậu xanh, kẹo cu đơ, ô mai, bánh pía,… cùng một chiếc mũ cối.
Khoảnh khắc nhận quà, chàng trai Timor Leste liên tục cúi đầu, nói cảm ơn. Tối cùng ngày, anh Ích còn mời cả đoàn vận động viên nước bạn thưởng thức món bún chả truyền thống của Hà Nội.
“Bản thân tôi cũng là một người đam mê điền kinh, hiểu được cảm giác tập luyện khó khăn để giành được chiến thắng. Khi biết các vận động viên Timor Leste đã trải qua nhiều vất vả, tôi đã quyết định dành tặng họ 1 điều bất ngờ”, người đàn ông nhớ lại. Trước khi chia tay, Felisberto chạy lên phòng lấy mũ lưỡi trai và khăn thêu tay Timor Leste tặng lại người bạn Việt Nam.
Không riêng anh Ích, trong những ngày qua, Felisberto nhận được rất nhiều quà tặng của người dân Việt Nam. “Tôi rất hạnh phúc, muốn cảm ơn người hâm mộ vì những món quà mà mình nhận được. Việt Nam như ngôi nhà thứ 2, tôi rất hạnh phúc khi ở đây”, Felisberto bày tỏ.
Felisberto De Deus đội mũ cối (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh cùng đồng đội và huấn luyện viên trong đội điền kinh Timor Leste (Ảnh: Minh Nhân)
Ngày 24/5, Felisberto cùng đồng đội bay về Timor Leste. Với hai tấm huy chương bạc, anh hi vọng sẽ tạo ra động lực để quê hương phát triển thể thao, đưa cái tên Timor Leste lên bản đồ thể thao thế giới.
“Cảm ơn Việt Nam đã cổ vũ, niềm nở và yêu thương giúp tôi thi đấu tốt nhất. Một ngày nào đó, tôi nhất định sẽ quay lại và tham quan Việt Nam. Cảm ơn thật nhiều!”, Felisberto xúc động nói lời tạm biệt.
Xuất hiện tấm bảng cấm cổ vũ "bằng tiếng nói" trên SVĐ trận Việt Nam - Nhật Bản
Tấm biển "kỳ lạ" xuất hiện trên SVĐ Saitama, Nhật Bản đã khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam tranh luận không ngừng.
Tối 29/3, trận đấu vòng loại 3 World Cup 2022 giữa Nhật Bản - Việt Nam diễn ra Trên SVĐ Saitama. Đây là trận đấu được người hâm mộ nước nhà vô cùng chờ đón.
Trong trận đấu, đội tuyển Việt Nam đã khiến CĐV vỡ oà cảm xúc khi có bàn thắng dẫn trước ngay từ phút 19 nhờ pha đánh đầu lập công của trung vệ Nguyễn Thanh Bình. Tỷ số chung cuộc hoà 1-1.
Tấm biển cấm cổ vũ bằng tiếng nói trên sân Saitama
Trong quá trình theo dõi trận đấu, hình ảnh một tấm biển bằng tiếng Việt được giơ giữa SVĐ Saitama ghi nội dung: " Cấm cổ vũ bằng tiếng nói như ca hát... huýt sao bằng tay" đã thu hút sự chú ý.
Khi đội tuyển có bàn thắng nhưng các CĐV Việt Nam lại không được thể hiện sự ăn mừng một cách trọn vẹn.
Theo thông tin trước đó, BTC nước chủ nhà Nhật Bản đã cho nhân viên an ninh cầm biển với biểu tượng cấm này. Các cổ động viên không được sử dụng các nhạc cụ như loa hay kèn trumpet. Bất cứ trường hợp nào vi phạm đều có thể bị buộc phải rời sân.
Ngoài ra, khi ở trong sân, các cổ động viên được yêu cầu không gỡ bỏ khẩu trang, giữ im lặng và hạn chế di chuyển. Hình ảnh biển cấm này đã nhanh chóng dậy sóng các diễn đàn mạng xã hội và gây nhiều tranh cãi.
Hình ảnh đẹp: Nữ tình nguyện viên chạy xuống sân, đưa cờ cho người hùng Timor Leste ăn mừng quanh sân Mỹ Đình Nữ tình nguyện viên Việt Nam chạy ra từ khán đài A, đưa lá cờ Timor Leste cho Felisberto De Deus để anh quàng vai tự tin sải bước quanh sân vận động Mỹ Đình. Chiều 17/5, sau khi xuất sắc giành tấm huy chương bạc trận chung kết 10.000m nam, Felisberto De Deus, 23 tuổi, vận động viên đến từ Timor Leste...