Làng nghề bún Phú Đô: “Trung tâm” bún của Thủ đô
Làng bún Phú Đô (phường Phú Đô, Nam Từ Liêm) từ lâu đã rất nổi tiếng với món bún, được giao đi khắp các chợ và nhà hàng trong nội thành. Thời gian tới, để duy trì và phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, UBND quận Nam Từ Liêm sẽ đầu tư xây dựng Khu Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng bún Phú Đô.
Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, “Bún Phú Đô” đã chính thức trở thành thương hiệu được Cục sở hữu trí tuệ thành phố Hà Nội công nhận. Đến nay, làng nghề truyền thống Phú Đô có khoảng 400 hộ sản xuất kinh doanh bún, cung cấp ra thị trường gần 60 tấn bún mỗi ngày.
Tìm về làng bún Phú đô, không ai không biết gia đình ông Nguyễn Tiến Tín, bà Trần Thị Thảo đã có truyền thống làm bún 3 đời. Mỗi ngày ông bà làm ra 7 tạ bún các loại, xuất đi các nhà hàng, quán ăn, hàng xóm đến lấy về bán lẻ, còn lại mỗi ngày bà Thảo đem 100kg ra chợ Phú Đô bán. Làm ra một khối lượng bún không nhỏ nhưng gia đình ông Tín, bà Thảo không thuê nhiều nhân công về làm như những hộ gia đình khác mà huy động cả gia đình, con dâu, con rể cùng làm bún. Mỗi người chuyên môn hoá một khâu, người nhào, người vắt bột, người giao bún, người bán bún.
Gia đình bà Thảo đang làm bún
Theo ông Tín, cứ 1kg gạo chỉ cho ra được 2,3-2,5 kg bún và mất rất nhiều công đoạn. Chọn gạo là bước đầu tiên và quan trọng nhất, quyết định đến 90% chất lượng bún. Gạo làm bún phải là thứ gạo tẻ dẻo cơm. Gạo rửa sạch sẽ ngâm trong 24 giờ với nhiệt độ 40 – 45 độ để nở ra trước khi xay, sau đó cho vào bể ngâm trong 48 giờ chờ lên men. Sau khi tinh bột lắng xuống, sẽ được bọc vào túi để ép, hồ hoá rồi đổ vào máy nấu thành bún. Ông Tín cho biết: “Để làm được một mẻ bún có chất lượng phải mất 2 ngày làm hàng rồi sáng phải dậy từ 2-3 giờ sáng để kịp cho mẻ bún đầu tiên trong ngày. Làm xong bún lại đi giao bún và bán bún đến chiều tối nên rất vất vả.
Dù sản xuất nhiều nhưng lời lãi cũng chỉ đủ ăn bởi làm bún không chỉ có một người mà cần nhiều người khoẻ mạnh, dẻo dai. Chưa kể những hôm không bán được hàng chỉ có cách đổ đi vì bún sạch nếu chỉ có bột gạo thì chỉ để được tối đa một ngày. Làm nghề dù mệt mỏi, nặng nhọc, lời lãi không nhiều nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giữ nghề cha ông để lại”.
Thế mới thấy người dân làng bún Phú Đô đã trải qua bao khó khăn, thăng trầm để đưa sợi bún từ làng lên phố và nức tiếng gần xa như ngày hôm nay. Vất vả là vậy, gia đình ông Tín, bà Thảo cũng như nhiều gia đình trong làng cứ mong mỏi việc xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề Bún Phú Đô để có cơ hội quảng bá và phát triển nghề. Việc xây dựng trung tâm này nằm trong Đề án số 157/ĐA-UBND ngày 03/6/2016 của quận Nam Từ Liêm về phát triển làng nghề Bún Phú Đô giai đoạn 2016-2020.
Video đang HOT
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, việc xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề Bún Phú Đô vẫn đang tồn tại một số vướng mắc. Theo lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, thứ nhất, vị trí để xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề Bún Phú Đô cần có diện tích để có thể quy hoạch các khu vực riêng biệt như: Khu sản xuất và giới thiệu nghệ thuật nghề truyền thống; Khu vực kinh doanh, phục vụ nhu cầu ăn uống của khách; Khu vực văn phòng, trụ sở của Câu lạc bộ Bún Phú Đô; Khu vực nhà vệ sinh công cộng; Khu vực bãi đỗ xe.
Vị trí cũng yêu cầu phải thuận lợi cho việc giao dịch, tham quan và buôn bán, thuận tiện về giao thông, đường vào dễ dàng cho xe (ô tô 45 chỗ) và du khách. Do vậy, để tìm một vị trí thích hợp đáp ứng các mục tiêu trên là rất khó khăn trong quá trình đô thị hoá như hiện nay, nhất là đối với phường Phú Đô, khi diện tích đất phần lớn đã được quy hoạch vào các dự án của quận cũng như Thành phố. Các phòng, ban, ngành của quận phối hợp với UBND phường Phú Đô đã tiến hành rà soát nhiều lần nhưng chưa tìm được vị trí thích hợp đáp ứng được yêu cầu nêu trên.
Dự kiến trong năm 2019 sẽ phê duyệt được dự án và triển khai việc kêu gọi xã hội hoá đầu tư. Nếu thuận lợi, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2020. Hy vọng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội của Thủ đô và đất nước, Phú Đô sẽ trở thành một vùng đô thị văn minh giàu đẹp và hiện đại kiểu mẫu trong tương lai.
Phương Bùi
Theo Laodong
Hà Nội: Nhức nhối nạn rơi vãi vật liệu trên Đại lộ Thăng Long
Thời gian gần đây trên tuyến Đại lộ Thăng Long, bên cạnh tình trạng phổ biến các xe tải làm rơi vật liệu thì các đơn vị đang trực tiếp triển khai thi công đường ống nước Sông Đà cũng chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường. Trong đó, có tình trạng làm rơi vãi đất đá trên tuyến Đại lộ này.
Quá trình đi thực tế của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trên hai nhánh tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long không khó để bắt gặp hình ảnh với các xe tải, xe Howo hay người dân vẫn cứ quen gọi là xe "hổ vồ" táp vào lề đường gần khu vực đang thi công đường ống nước Sông Đà chờ đến lượt máy xúc đổ đất vào thùng xe.
Điều đáng nói là trong quá trình máy xúc đổ đất vào các xe tải vận chuyển đến khu vực chôn lấp xuất hiện tình trạng rơi vãi đất đá, cũng như là các xe tải chở vật liệu vào thi công công trình đường ống nước không thường xuyên được cọ rửa, phụt nước dẫn đến hiện tượng đất đá bám theo bánh xe, gầm xe làm rơi vãi khi di chuyển trên đường...
Đất đá thường xuyên theo các xe tải chở đất từ công trường thi công đường ống nước Sông Đà rơi vãi trên Đại lộ Thăng Long
Ông Nguyễn Văn Hưng - Phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho biết: Thời gian qua trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long dường như cứ qua một đêm là bụi đất, đá dăm, thậm chí là cả bê tông tươi lại kéo dài hàng cây số, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn của người dân khi lưu thông qua tuyến đường này, không dừng lại ở đó dấu vết của các vệt đất đá này còn thường xuyên xuất hiện từ một số đơn vị đang triển khai xây dựng đường ống nước Sông Đà trên Đại lộ Thăng Long.
Quan sát bằng mắt thường thôi cũng có thấy rõ ràng máy xúc đất đổ vào các xe tải để rơi vãi rất nhiều đất đá ra đường. Trong khi đó, các biện pháp chống rơi vãi lại được thực hiện một cách qua loa, điển hình như việc không phủ bạt lót dưới đường...
Bên cạnh đó, những người dân khi di chuyển trên hai nhánh tuyến đường gom còn tỏ ra vô cùng bức xúc trước việc chủ nhân các xe tải chở các loại vật liệu xây dựng, đất trạc, đá dăm thiếu cảnh giác, bất cẩn trong quá trinh bóc dỡ vật liệu để tụt ben, khiến khối lượng lớn đất đá theo đó rơi vãi khắp mặt đường Đại lộ.
Đại lộ Thăng Long thường xuyên phải đón nhận tình trạng rơi vãi đất, vật liệu như thế này
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ông Nguyễn Văn Sơn - Tổ trưởng tổ 6, Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Đất đá các loại, thậm chí là cả cát từ công trường thi công đường ống nước Sông Đà theo các xe chở vật liệu khi đi ra bám theo xe, bánh xe và gầm xe... rơi vãi dọc ra tuyến đường là khá phổ biến.
Những vệt đất đá này có khi bám trên mặt đường dày cả xăng - ti - mét và cứ mỗi lần các phương tiện xe ô tô con, xe tải chạy qua, đồng thời sẽ cuốn theo những đám bụi mù mịt ra cả một đoạn đường dài trên đường Đại lộ Thăng Long. Mặc dù công nhân vệ sinh môi trường đã tổ chức quét, hút mặt đường. Tuy nhiên, do khối lượng quá lớn nên nhiều khi không thể xử lý hết toàn bộ số vật liệu rơi vãi tại đây.
Để các nhánh tuyến đường gom dọc Đại lộ Thăng Long không bị biến thành bãi tập rác thải bất đắc dĩ như hiện nay, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng Hà Nội
Ông Trần Văn Khải - Trưởng phòng Kế hoạch, Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Khẳng định việc các loại đất đá, cát phát sinh từ các công trình xây dựng đường ống nước Sông Đà, hay các công trình khác xung quanh hoàn toàn là công việc phát sinh. Bởi công nhân môi trường Chi nhánh Cầu Diễn theo gói thầu duy trì vệ sinh trên Đại lộ Thăng Long hằng ngày chỉ có trách nhiệm làm sạch, quét và hút đường.
"Để xử lý dứt điểm tình trạng các xe tải chở vật liệu từ các công trình nói trên làm rơi vãi đất, đá dăm, cát.. trên Đại lộ Thăng Long. Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội đã có Công văn số 555/CNCD, ngày 13/9/2018 gửi Sở Xây dựng thành phố Hà Nội; Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội; UBND quận Nam Từ Liêm; Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội; Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội; Phòng PC 49 - Công an Hà Nội; Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật... Tuy vậy, cho đến nay các công nhân môi trường đô thị Hà Nội vẫn phải căng sức mình ra hứng bụi, làm thêm phần việc phát sinh không thuộc phần việc của mình phụ trách" - ông Khải nói.
Trước tình trạng rơi vãi vật liệu trên Đại lộ Thăng Long chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Do vậy, trong thời gian tới đề nghị các cơ quan chức năng liên quan gồm Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội; Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội; Công an Hà Nội; UBND các quận, huyện liên quan... cần có các biện pháp quyết liệt giải quyết triệt để tình trạng này.
Trong đó, có việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị thi công không đảm bảo vệ sinh môi trường, làm rơi vãi đất, đá dăm trên Đại lộ Thăng Long. Để các nhánh tuyến đường gom dọc Đại lộ Thăng Long không bị biến thành bãi tập rác thải, phế thải bất đắc dĩ như hiện nay.
Huy An
Theo congan.com.vn
Vụ sập giàn giáo 6 người thương vong: An toàn trên các công trường đang bị "ngó lơ" TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, trách nhiệm trong vụ sập giàn giáo thuộc về đơn vị thi công, cụ thể là chỉ huy kỹ thuật của công trường. Liên quan đến vụ tai nạn sập giàn giáo (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm 6 người thương vong, nhận định về...