Làng mốt rộ lên xu hướng ’săn’ người mẫu U70
Trào lưu trọng dụng ngôi sao, người mẫu cao tuổi của các hãng mốt làm dấy lên nghi vấn liệu đây có phải là chiêu trò gây chú ý.
Gần đây, làng mốt thế giới rộ lên phong trào sử dụng các gương mặt lớn tuổi để quảng bá sản phẩm. Nữ diễn viên 69 tuổi, Helen Mirren, được L’Oreal mời ký hợp đồng trị giá 9 triệu bảng Anh để làm đại sứ thương hiệu. Jessica Lange dù đã bước sang tuổi 64 cũng được chọn làm gương mặt quảng cáo bộ sưu tập mỹ phẩm 2014 của Marc Jacobs. Nghệ sĩ 71 tuổi, Joni Mitchell, xuất hiện ở dự án Saint Laurent Music, trong khi nhà văn Mỹ nổi tiếng với tác phẩm Từ địa ngục trở về là Joan Didion tham gia vào chiến dịch quảng cáo của Celine. Ngoài ra, “biểu tượng thời trang” Iris Apfeltrúng hai hợp đồng chiến dịch cho chuỗi bán lẻ Other Stories và hãng nữ trang Alexis Bittar. Nhà mốt Dolce & Gabbana cũng gây chú ý khi tung ra chiến dịch thời trang có sự xuất hiện của hàng loạt cụ bà ăn diện lộng lẫy.
Hình ảnh những người mẫu “đầu bạc” đầy tự tin và phong cách trên các chiến dịch quảng cáo nhận đủ lời khen chê đồng thời tạo nên cuộc tranh cãi lớn giữa các tín đồ thời trang. Trong khi một số tán thưởng thông điệp về những nhan sắc vượt thời gian thì một bộ phận phản bác rằng đây chỉ là một chiêu trò câu khách gây sốc hoặc “dựa bóng” sao lớn vốn được các nhà mốt sử dụng bấy lâu nay.
Hình ảnh những người mẫu đầu bạc như Helen Mirren tràn ngập các chiến dịch thời trang gần đây. Ảnh: Telegraph.
Phía tán đồng với ý tưởng sử dụng người mẫu lớn tuổi cho biết, điều này không hẳn tồi tệ. Về kinh tế, Marco Testa, giám đốc một công ty marketing tại Italy, cho biết: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ từ 50 tuổi trở lên đang có xu hướng mua quần áo, mỹ phẩm và trang sức đắt tiền ngày một nhiều. Các hãng hiển nhiên không thể đưa tấm hình một phụ nữ 30 tuổi nào đó ra để quảng bá cho kem chống nhăn được. Mặt khác, những biểu tượng như Helen Mirren hay Catherine Deneuve lại có cùng độ tuổi, thế hệ với khách hàng nên sức hút lớn hơn nhiều”.
Các chuyên gia giải thích, một lý do khác khiến nhà mốt chú ý tới việc đánh mạnh vào khách hàng lớn tuổi một phần vì tuổi thọ con người ngày một cải thiện. Ở nửa đầu thế kỷ 20, hầu hết con người sống được chưa đầy 60 năm. Còn trong thời hiện đại, tuổi thọ trung bình của loài người đã chạm đến mốc 80 tuổi. Thời gian sống kéo dài đồng nghĩa với việc con người ta phải nghĩ đến chuyện tiêu tiền nhiều hơn mỗi khi rảnh rỗi.
Tuy vậy, theo người trong giới, điều quan trọng nhất khiến những chiến dịch thời trang có sự tham gia của các người mẫu đầu bạc trở nên có sức ảnh hưởng mà không phản cảm là bởi tính nhân văn. Họ cho rằng phụ nữ lớn tuổi xưa nay luôn bị liên tưởng tới “phù thủy cưỡi chổi” với vẻ ngoài da bọc xương. Vì vậy, những người mẫu đầu bạc như nữ văn sĩ Joan Didion có thể tạo ra động lực thúc đẩy các cụ già hướng đến một hình ảnh khỏe mạnh, duyên dáng và tràn đầy sức sống hơn.
“Hãy nhìn Helen Mirren khoe vẻ đẹp tuổi 69 trên các chiến dịch quảng cáo xem. Có ai không muốn được như bà ấy, dù ở bất kỳ độ tuổi nào? Hay như Charlotte Rampling trong các tấm hình thời trang cho một hãng mỹ phẩm khiến mọi người mê mệt vào năm ngoái? Họ không chỉ đẹp mà còn hiểu được một chân lý rất rõ ràng: phong cách thực sự thì trường tồn với thời gian”, một cây bút mảng phong cách viết.
Những người phản đối sử dụng người mẫu lớn tuổi trong chiến dịch quảng cáo cho rằng đây chỉ là trò câu khách từ các hãng mốt lớn. Ảnh: Dailybeast.
Tuy vậy, những người phản đối sử dụng người mẫu lớn tuổi cũng có những lý lẽ riêng. Arielle Dachille, một cây bút trẻ phụ trách mảng phong cách của Bustle, khẳng định việc dùng người mẫu lớn tuổi của các nhà mốt trong chiến dịch quảng cáo chỉ là trò câu khách. “Chúng tuân theo một công thức duy nhất mà ngành marketing thời trang thường sử dụng: tìm kiếm một sao thật ‘chất’, được nhiều người nhớ tới, cho họ mặc bộ trang phục đắt đỏ rồi chỉ đạo cách tạo dáng khuôn mặt sao cho hợp thời, cuối cùng là thu bộn tiền về mình”, cô viết.
Trong khi đó, một phóng viên đang làm việc tại một tờ báo giải trí lớn của Anh, cho biết ở tuổi 74, với kinh nghiệm hơn 50 năm trong ngành thời trang, bà thấy làng mốt ở thời nào cũng chỉ tôn thờ một thứ duy nhất: tuổi trẻ. Nói cách khác, phụ nữ ở đâu, lúc nào cũng muốn mình có được vẻ ngoài trẻ trung. Bà đặt ra câu hỏi “Việc quái gì mà họ phải khao khát để mình trông già đi?”
Việc để một hiện tượng trong làng văn Mỹ như Joan Didion xuất hiện trong chiến dịch cũng không làm cho sản phẩm trở nên thu hút hơn. Vì những người yêu thời trang lớn tuổi không thể tìm thấy sự đồng điệu khi nhìn một người đồng trang lứa đi mặc đồ của những phụ nữ trẻ. Với bà, đây thực chất chỉ là cách nhà mốt gây chú ý bằng sự hài hước khi bán đồ cho những người trẻ.
Video đang HOT
Các cụ già tóc bạc tự tin xuất hiện trên chiến dịch thời trang của Dolce & Gabbana. Ảnh: Blogspot.
Lý do then chốt khiến xu hướng dùng người mẫu lớn tuổi bị phản đối xuất phát từ quan niệm muốn có phong cách ở mọi lứa tuổi trước hết phải có điều kiện, đặc biệt là về tài chính. Để trở thành Joan Didion “dân chơi” như trên các tờ áp phích, poster cũng như website thời trang, người ta không chỉ cần đến một cặp kính mắt giá cao ngất ngưởng mà còn cần nhiều bộ phụ kiện, trang phục và make-up đắt tiền.
Một số người hoài nghi rằng, phong trào người mẫu đầu bạc trong làng mốt cũng chỉ như một thú vui nhất thời chứ không thể tạo ra điều gì đột phá. Dù vậy, họ không phủ nhận việc đưa những thế hệ đi trước lên các chiến dịch quảng cáo phần nào đóng góp cho việc truyền bá rộng rãi thông điệp về vẻ đẹp đa dạng của cơ thể con người trong ngành công nghiệp vốn khắt khe và khó thay đổi như thời trang.
Thành Trương
Theo VNE
Hào quang trở lại với "kẻ ngỗ nghịch" của làng mốt
Maison Martin Margiela đã chứng minh mình hoàn toàn có lý khi vực lại tượng đài làng thiết kế John Galliano.
Sau nhiều năm "rửa tay gác kiếm" quy ẩn khỏi thánh địa Haute Couture, John Galliano đã có màn quay trở lại vô cùng ấn tượng. Ông nhận được rất nhiều lời tán thưởng từ giới chuyên gia với bộ sưu tập xa xỉ đầu tiên thực hiện dưới cương vị Giám đốc sáng tạo cho Maison Martin Margiela.
Bộ sưu tập có 3 gam chính là đỏ, đen, trắng
Đỉnh cao sự nghiệp của John Galliano đó là thời làm Giám đốc sáng tạo cho nhà mốt Dior danh giá hàng đầu thế giới. Vào thời kỳ ấy, ông đã để lại dấu ấn lớn với những thiết kế mang đầy tính thậm xưng, khoa trương vô cùng hoành tráng và mang âm hưởng cao ngạo của giới quý tộc cổ.
Sau khi bị nhà mốt Dior tước vương miện vì scandal đánh người và phân biệt chủng tộc, John Galliano đã ở yên trong bóng tối với một số màn cộng tác cùng các thương hiệu nhỏ không mấy tên tuổi cho tới khi được Oscar de la Renta và sau đó là Maison Martin Margiela thu nhận.
Quyết định trọng dụng John Galliano tuy mạo hiểm nhưng lại là một cú "được ăn cả ngã về không" của nhà mốt Maison Martin Margiela. Nói như vậy là bởi chi phí để gồng gánh bộ máy cộng sự của John rất cao, trong khi đó John lại "quy ẩn" khỏi thánh địa thời trang cao cấp đã 4 năm nên khó tránh khỏi việc bị "khớp" trước những sự thay đổi của làng mốt hiện đại. Trong khi xu thế của thế giới là đơn giản và ứng dụng hóa thì liệu gu thiết kế hoa mỹ, lộng lẫy gây choáng ngợp của John có bị "lạc điệu"?
Tuy nhiên, ngược lại, việc trao cơ hội cho John Galliano lại cũng được xem là quyết định thông minh của nhà mốt Bỉ bởi bản thân cái tên của John đã trở thành tượng đài trong giới thiết kế, đặc biệt là dòng hàng Haute Couture. Điều này sẽ khiến Maison Martin Margiela gây được tiếng vang lớn, chỉ cần bộ sưu tập đầu tiên cộng tác cùng John thành công.
Và "canh bạc" đó được đẩy lên cao trào với cú đặt cược bằng bộ sưu tập xa xỉ Haute Couture được trình diễn tại cung điện Buckingham tráng lệ ở Anh với khách mời gồm toàn các nhân vật đỉnh cao trong giới thiết kế, trong đó có rất nhiều "kỳ phùng địch thủ" của John.
Bộ sưu tập đảm bảo dung hòa lối thiết kế thậm xưng của John Galliano và sự đơn giản, cá tính của Maison Margiela
Không khiến giới mộ điệu thất vọng, John Galliano đã đem tới bộ sưu tập vừa mang vẻ hào hoa vốn có của ông, tính ứng dụng phù hợp với thời trang hiện đại và chất cá tính của thương hiệu Maison Martin Margiela. Vừa hoang tàn lại vừa phơi phới niềm tin vào cuộc sống, tất cả được truyền tải qua ba tông màu đen thâm trầm, đỏ nhiệt huyết và trắng tinh khôi, mới mẻ, thuần khiết.
Giới chuyên gia đã tán thưởng và ngợi khen các tác phẩm mới của John. Alber Ebaz, trụ cột của nhà Lavin đã phải thốt lên ông đã rùng mình trước một chiếc váy đỏ của John. Trong khi đó Renzo Russo, chủ của thương hiệu Diezel thì khẳng định ông chưa từng thấy cái gì giống như trong bộ sưu tập này và mỗi mẫu thiết kế có khả năng kể lại một câu chuyện.
Cây bút Sarah Mower của Vogue thì nhận định: "Không ai trong khán phòng dám đồng ý với ý kiến John Galliano đã không cố gắng hết mình để đem những gì tốt nhất đem vào bộ sưu tập". Thực sự John Galliano đã trở lại, trở lại với vẻ khiêm nhường và chân thành, không còn căng mình kiêu hãnh thách thức dư luận.
Chỉ qua 24 mẫu thiết kế, người ta thực sự tin: John Galliano đã trở lại
Theo Thu Hương
Dân Việt
5 người mẫu nội y 9X khuynh đảo làng thời trang Dù không phải thiên thần của Victoria's Secret, nhưng Kate Upton, Nina Agdal hay Emily Ratajkowski vẫn gây tiếng vang trong làng thời trang áo tắm. Kate Upton, sinh năm 1992, là người mẫu áo tắm nổi tiếng nước Mỹ. Cô bắt đầu nổi đình nổi đám trong làng thời trang từ năm 2012 sau khi xuất hiện trên trang bìa tạp chí...