Lăng mộ đá trăm tuổi ở giữa thành phố Thanh Hóa
Lăng Quận Mãn ở TP Thanh Hoá là một khu mộ cổ được xây dựng vào thế kỷ 18, nơi đây hiện còn nhiều tượng đá điêu khắc tinh xảo.
Lăng Quận Mãn là một khu mộ cổ nằm ở phường An Hoạch, TP Thanh Hoá. Lăng mộ được đích thân Quận Công Lê Trung Nghĩa (không rõ năm sinh, mất năm 1786) – viên quan dưới thời Lê Trung Hưng cho xây dựng trên chính quê hương ông.
Theo sử sách, Lê Trung Nghĩa người làng Tu, thôn Nhuệ thuộc xã An Hoạch, tổng Quảng Chiếu, huyện Đông Sơn – nay là phường An Hoạch, TP Thanh Hoá.
Vì nhà nghèo nên ông phải bỏ quê ra đi tránh việc nấu chè kho khao làng theo tục lệ. Sau khi rời làng ông đi lính, được chọn làm quân cấm vệ, tình nguyện bị hoạn để phục vụ trong cung. Ông thăng đến chức Đô đốc Tổng trấn tước Quận Công nên người ta gọi ông là Quận Mãn.
Tháng 11 năm 1786, vua Lê Chiêu Thống và chúa Trịnh Bồng xảy ra xung khắc. Lê Chiêu Thống sai tướng Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An kéo quân ra hộ giá. Chúa Trịnh Bồng cử Trấn thủ Thanh Hoa Lê Trung Nghĩa làm tham lĩnh và Đốc đồng Phan Huy Ích làm đốc thị kéo quân chặn đánh Chỉnh ở địa phận huyện Tĩnh Gia nhưng thất bại. Lê Trung Nghĩa bị giết.
Lăng mộ trước đây có đình thờ, cây cối um tùm rậm rạp. Song do chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn lại nền móng cùng một số hiện vật bằng đá với hai dãy tượng voi và chó, 10 tượng quan văn võ.
Trước bậc thềm là cặp rồng đá.
Nằm ở vị trí cao nhất là hai chiếc ngai bằng đá, chiếc lớn đặt trên một bệ đá hình vuông, mỗi chiều khoảng 2 m, dày khoảng 0,4 m.
Video đang HOT
Trong quần thể lăng có 4 tấm bia đá, mỗi tấm cao khoảng 2 m, rộng 1,2 m, dày 0,15 m được liệt vào loại bia đá đẹp nhất nhì ở xứ Thanh. Diềm và trán bia có nhiều hoạ tiết hoa văn tinh xảo.
Nội dung văn bia đều bằng chữ Hán, ghi lại tiểu sử Mãn Quận công và tên các làng cúng tế; do Lê Quý Thuần, con trai Lê Quý Đôn soạn.
Bia và tượng đá ở lăng Quận Mãn được đánh giá là công trình nghệ thuật cuối cùng của thời Lê Trung Hưng còn tồn tại với quy mô và số lượng lớn.
Một cây cột đá xưa kia dùng trong đình nhưng nay đình đã bị phá huỷ.
Do không được trùng tu và bảo quản, nhiều hiện vật ở lăng Quận Mãn đã xuống cấp. Tượng rùa bằng đá xanh nguyên khối nặng cả tấn nhưng bị sứt mẻ nhiều bộ phận.
Ông Hà Huy Tâm, Trưởng phòng Văn hoá TP Thanh Hoá cho biết, lăng Quận Mãn là một trong năm di tích quốc gia ở phường An Hoạch. “Các hiện vật ở lăng Quận Mãn rất có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật điêu khắc đá”, ông Tâm nói.
Hiện TP Thanh Hoá đang đề nghị tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch các di tích ở An Hoạch trong đó có lăng Quận Mãn. Sau khi được quy hoạch, địa phương sẽ bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hoá này để phát triển du lịch.
Lê Hoàng
Theo VNE
Khu lăng mộ có 3 vua triều Nguyễn an giấc nghìn thu
Vua Thành Thái, vua Duy Tân, sau khi mất đi được con cháu đưa thi hài về chôn cất trong khu vực An Lăng nơi có lăng tẩm vua Dục Đức.
Nằm trên đường Duy Tân (phường An Cựu, TP Huế), An Lăng có diện tích rộng gần 6 ha, bao gồm lăng vua Dục ức, hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc ệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc.
Đây cũng là nơi an nghỉ của vua Thành Thái và vua Duy Tân, hai vị vua yêu nước bị thực dân Pháp phế truất và an trí ở nước ngoài.
Nhiều hạng mục đã xuống cấp ở Lăng vua Dục Đức. Ảnh: Võ Thạnh.
Theo chính sử triều Nguyễn, vua Tự Đức (1847 - 1883) qua đời truyền ngôi lại cho người con nuôi của mình là Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái, tức vua Dục Đức. Nhưng vua Dục Đức chỉ trị vì được mấy ngày thì bị phế truất và bị quản thúc tại Thái Y Viên, sau đó chết đói ở nhà ngục Thừa Thiên để lại 8 bà vợ, 11 người con trai và 8 người con gái.
Giai thoại ở Huế lưu truyền rằng, vua Dục Đức mất, vợ vua đã thuê người gánh thi hài vua từ ngục Thừa Thiên mang về chùa Tường Quan để chôn cất với mong muốn ngày ngày tiếng kinh Phật sẽ siêu thoát linh hồn. Nhưng chưa đến vườn chùa, thi hài nhà vua rơi xuống gần khe cồn Phước Quả và được chôn cất tạm bợ tại đây. Mấy hôm sau triều đình nhà Nguyễn mới cho người vợ chính là bà Từ Minh được phép lên thăm mộ và làm lễ chịu tang ở chùa Tường Quang.
Vào năm 1889, con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thành Thái. Sau đó, vua Thành Thái cho xây lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng. Nơi thờ thì ở chùa Tường Quang cách 200 mét.
Lăng vua Thành Thái trong khu vực An Lăng. Ảnh: Võ Thạnh.
Đến tháng 7 năm Thành Thái thứ 11 (8/1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân gần khu vực lăng mộ vua Dục Đức để thờ cha. Trong khuôn viên này có xây dựng thêm một số nhà cửa dành cho 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức ăn ở để lo hương khói phụng thờ. Năm 1906, bà Từ Minh tạ thế, triều đình cho quy hoạch lại khu vực lăng mộ vua Dục Đức, làm thành một khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông theo kiểu "song táng".
Cuối năm 1945, vua Duy Tân tử nạn máy bay ở châu Phi, một cuộc lễ truy điệu nhà vua được tổ chức tại điện Long Ân và thờ tại đây.
Đến năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được đưa về chôn cất trong khu vực An Lăng và cũng được thờ ở điện Long Ân. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng vua cha Thành Thái.
Gần hai bên lăng vua Thành Thái và Duy Tân còn có lăng mộ của 3 bà vợ vua Thành Thái và năm 1994, hài cốt bà Mai Thị Vàng (mất năm 1980), vợ vua Duy Tân được đưa về chôn gần lăng mộ của vua.
Phần mộ vua Duy Tân nằm cạnh mộ vua cha Thành Thái trong khu vực An Lăng. Ảnh: Võ Thạnh.
Lăng vua Thành Thái và vua Duy Tân nhỏ gọn, nằm ngay mặt tiền đường Duy Tân, trong khi đó lăng tẩm vua Dục Đức đã xuống cấp nặng nề. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị quản lý An Lăng phải dùng các thanh sắt để gia cố tạm bợ.
Hiện bài vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân đang được thờ trong khu vực điện Long Ân. Hằng năm, dòng Nguyễn Phúc tộc thường tổ chức ngày giỗ cho các vị vua ngay trong khu vực lăng.
Bìa vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân được thờ trong điện Long Ân. Ảnh: Võ Thạnh.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, một phần khu vực An Lăng đã bị người dân lấn chiếm làm nhà cửa sinh sống.
Vua Dục Đức (23/2/1852 - 6/10/1883) là vị vua thứ năm của triều đại nhà Nguyễn và là cha của vua Thành Thái, ông nội vua Duy Tân.
Vua Thành Thái (14/3/1879 - 24/3/1954) là vị vua thứ 10, tại vị từ 1889 - 1907.
Vua Duy Tân (19/9/1900 - 26/12/1945), tên là Nguyễn Phúc Vĩnh San, vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn, ở trên ngai vàng từ 1907 - 1916. Khi cuộc khởi nghĩa Duy Tân thất bại, nhà vua bị thực dân Pháp đưa đi an trí ở Châu Phi.
Võ Thạnh
Theo VNE
Khám phá lăng mộ cực kỳ hoành tráng của vua Gia Long Nằm ở địa phận xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, lăng mộ vua Gia Long hay Thiên Thọ Lăng là lăng mộ của Nguyễn Thế Tổ Cao Hoàng đế (1762-1820), vị vua sáng lập triều Nguyễn. Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ...