Làng game Việt: Thêm bất đồng về hợp tác bản quyền !
Tình trạng hỗn loạn phát hành game hiện nay đang khoét sâu khoảng cách về bản quyền sản phẩm giữa những nhà phát hành nghiêm túc và các đơn vị “chụp giựt”. Theo đó, làng game Việtở quý 4/2013 sẽ tiếp tục tăng thêm những mâu thuẫn mới và nỗi mong đợi nhà quản lý lên tiếng càng khắc khoải hơn.
Đại diện 1 nhà phát hành phía bắc nhìn nhận, 1 khi làn sóng game nhập từ ngoài về càng mạnh, mâu thuẫn giữa các nhà phát hành đã định dạng (platform) và chưa định dạng tên tuổi sẽ càng tăng.
Không phải game nào cũng tuân thủ “bản quyền”.
Bởi không phải nhà phát hành nào cũng tuân thủ các tiêu chuẩn “game bản quyền”, thậm chí có nhà phát hành “tên tuổi” vẫn “lấy game thăm dò” để chọn ra sản phẩm có thể phát hành thuận lợi hơn. Làng game lâm vào cảnh “không ai phục ai” và như thế, chung quy chỉ có lợi cho người môi giới bán game.
Rối ren chất lượng thông tin
Điểm qua những game đã phát hành từ cuối tháng 9 và dẫn qua tháng 10/2013, cộng đồng sẽ thấy không ít thông tin làm tăng “rác” cho làng game. Nhiều tựa game ngay từ trailer quảng bá, đã bộc lộ nội dung “có vấn đề” như khai thác yếu tố nhạy cảm, dung tục; hình ảnh toàn “câu kéo”, vay mượn từ game khác. Đến khi game chính thức ra, đa số game thủ đều thất vọng vì chỉ toàn “sản phẩm lờ mờ giống nhau, cùng chung thái độ muốn trục lợi, hơn là phục vụ khách hàng”.
Video đang HOT
Nạn lạm dụng tên game lẫn nhau đang phổ biến.
Cạnh đó, không ít trò chơi còn thể hiện sự “nhái mẫu mã” để tăng sức hút thị trường, chứ không còn tránh né như lẽ thường. Cụ thể 1 số vụ tranh cãi về bản quyền game gMO như iGà, Teen Teen… mới đây đủ cho thấy nạn “lạm dụng tên nhau” đang trở nên phổ biến ở làng game Việt.
Rất nhiều webgame cũng “tự dưng nổi tiếng” nhờ “bu bám” sản phẩm kinh điển. Nổi cộm nhất là cuộc tranh cãi bản quyền webgame MU Return, được xem là “siêu phẩm dập khuôn” game client MU nổi tiếng, mà chính nhà sản xuất Trung Quốc cũng không ngần ngại khẳng định “y hệt”.
Với 1 thị trường đầy rẫy cách làm lẫn lộn đúng sai như vậy, rõ ràng sự thể hiện của mỗi nhà phát hành cũng sẽ khác. Điểm chung dễ thấy là do cùng đi theo con đường “tung game trước, đo mực thước sau”, nên đa số trò chơi gần đây đều rất cẩu thả, có nhiều “cục gạch to tướng”.
Nhà phát hành còn gắn cả tên mình vào game “cho tiện”.
Thông tin truyền thông thì ra sức vẽ vời những cái hay, cái tuyệt của game, trong khi thực chất game không có điểm nào nổi bật, cốt truyện nhạt nhẽo đến mức đặt tên gì cũng xong. Có nhà phát hành vì thế đã tùy tiện gắn tên đơn vị mình vào các game đưa ra, theo kiểu “cho dễ nhớ”, chứ không cắt nghĩa nổi vì sao chọn những cái tên đó, có ăn nhập chủ đề trò chơi hay không.
Bất đồng chính kiến bản quyền
Bởi sự hỗn tạp đó, nhiều nhà phát hành nghiêm túc cho biết, họ cương quyết không có những kiểu thỏa hiệp với các game phát hành kiểu “dò gậy tìm đường”.
Đây là lý do để FPT Online, nhà phát hành nắm bản quyền tựa game MU nổi tiếng nhất định “thưa kiện đến cùng” với game MU Return, không chịu hợp tác cùng khai thác như nhà môi giới thông tin. FPT Online nhấn mạnh, đơn vị hiện đã gởi các văn bản đến cơ quan chức năng, kiên quyết ngăn chặn game “nhái MU”, dù tựa game này đã được tung ra với sự đảm trách của công ty THH, 1 nhà phát hành mới.
FPT Online tỏ ra kiên định với bản quyền MU.
Cạnh FPT, cũng có 1 số nhà phát hành tâm tư đang bị “trộn thành đống” với các trò chơi phát hành cẩu thả song có cùng chủ đề, nổi cộm như chủ đề Tam Quốc, Ninja, khai thác hình ảnh người đẹp… Dõi theo 1 số thông tin hiện nay, có nhà phát hành ấm ức bày tỏ: “Làng game đang nháo nhào nhiều tin tức giật gân quá, có game gần như chẳng giá trị gì cũng được tung ra, trong khi yêu cầu Việt hóa thì nham nhở, lỗi máy chủ khi vận hành lại rất nặng nề, game thủ đăng nhập hàng giờ không được. Đi chung vào dòng chảy đó, chả biết sản phẩm của mình sẽ ra sao nữa”.
Sự băn khoăn của các nhà phát hành này, tréo ngoe ở chỗ theo họ, là nếu theo đuổi kiện tụng để vạch mặt những đơn vị làm bừa, ảnh hưởng uy tín chung, thì thời gian xử lý cũng dài, nhanh nhất đã mất 6 tháng. Mà như vậy, với vòng đời ngắn ngủi của các game hiện nay, việc “thắng kiện” buộc đơn vị vi phạm “dẹp game” cũng trở nên dư thừa, bởi game đã “tự động xóa sổ”.
Rất nhiều game bị lỗi vẫn được tung ra thị trường.
Do đó, các nhà phát hành nghiêm túc đành “tự yên lặng sống chung cho xong”, tạo nên cảnh thỏa hiệp với nhiễu nhương hơn nữa. Thậm chí không ít đơn vị khẳng định, việc kiên quyết bảo vệ bản quyền thương mại này nọ hiện tại cũng chỉ nhằm PR cho sản phẩm, gây ồn ào để cộng đồng nhớ đến, chứ chưa hẳn đã nhằm mục tiêu chính đáng về bản quyền game !
Làng game Việt vì thế, sau 3 năm nhẫn nại chờ đợi chủ trương sắp xếp lại trật tự ổn định chung, với các văn bản chính thống của nhà quản lý, mong mỏi ngành game đi vào 1 quỹ đạo tốt hơn, lại đang lâm vào tình cảnh nhốn nháo hơn nữa. Không chỉ có cộng đồng bối rối khi chọn lựa thông tin cần thiết cho mình, mà cả những nhà phát hành nghiêm túc, cũng trở nên mơ hồ không biết phân định hành động ra sao.
Nhiều nhà phát hành giờ cũng không biết mình đi về đâu !
Lời kêu gọi nhà quản lý nên hiện diện cùng ngành game Việt vào lúc này, bởi vậy lại càng được đặt ra tha thiết !
Bích Nguyệt.
Theo VNE