Làng game Việt: Private không ngại đối đầu game chính thức
Bởi việc phát hành dễ hơn, nên các tổ chức, doanh nghiệp nhỏ đều có thể đứng ra “làm game”. Đến nay, vấn đề lại càng đơn giản vì quản lý của Nhà nước chưa xiết lại, các văn bản như thông tư sau Nghị định 72 chưa ban hành. Kết quả, mọi nhà phát hành đều lao vào tranh thủ kiếm tiền, gây ra cảnh náo loạn chưa hề có suốt 10 năm qua, các game chính thức cũng bị lấn át bởi game private server.
Theo nhiều người, việc định nghĩa rõ game private server đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ về chuyên môn, song cơ bản, đó là các game không có giấy phép phát hành, không được nhà sản xuất công nhận dịch vụ. Phần lớn game này không có bản quyền của nhà sản xuất, luôn bị phủ nhận giá trị thương mại giữa cộng đồng.
Đang có không ít game không chính thức ngang nhiên phát hành giữa thị trường.
Song gần đây, vì nạn tràn lan game “thăm dò thị trường”, ranh giới game private đã mở rộng, gồm có cả các game chưa thống nhất bản quyền giữa nhà phát hành và sản xuất, hoặc phát hành bản quyền với “tự dựng game”. Do đó, sự “ngược đời” đã xảy ra, khi nhiều game private lại được… cổ vũ truyền thông.
Cứ “ sáng tạo” là hoan hô ?
Video đang HOT
Mới đây, khi chia sẻ chuyện làm game, ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần VNG đã bộc bạch, tính sáng tạo ở sản phẩm cần được hiểu là làm ra những cái hữu dụng, được nhiều người dùng. Tuy nhiên, do bỏ qua yếu tố phải chính đáng, nên định nghĩa sáng tạo của ông Minh đã bị nhiều người “vận dụng” thành trào lưu “bạ gì khen đó”. Hậu quả mới đây, khi 1 số tựa game xuất hiện với bản chất là game nhái, game giả mạo hình ảnh, tính năng… đến 100% của sản phẩm khác, nhiều đơn vị truyền thông game đã đánh giá “bình thường”, có cả bài mổ xẻ các điểm “hay, lạ, độc” trong đó. Yếu tố chính đáng, tức là sản phẩm ấy có được cộng đồng công nhận quyền sở hữu trí tuệ không, đã bị “tảng lờ” đi.
Huyền thoại CS, 1 game “nhái” lại được truyền thông… quan tâm !
Điển hình mới đây, Huyền thoại CS, 1 game giả lập bắn súng góc nhìn thứ nhất, sự thật là nhái hoàn toàn 1 tựa game ăn khách, nhưng được cho là do 1 game thủ Việt làm ra, liền được 1 số trang mạng “ca tụng”. Cơ sở lập luận này là game thủ Việt đã táo bạo làm ra sản phẩm từ nỗi đam mê, nghĩa là “đồ Việt”, thì cần… ủng hộ. Thậm chí khi sản phẩm mới đưa ra, yếu đến mức bị game thủ dùng các phần mềm hack làm cho đảo lộn tơi bời, các thông tin vẫn chống chế “dù sao vẫn là 1 game private, nên chớ nên trông mong vào chất lượng của nó”.
Lập luận ấy vô hình chung đang đẩy làng game Việt vào 1 thực trạng “phe đàn”, bất kỳ sản phẩm nào được truyền thông tốt, dù lập luận cưỡng bức phiến diện đến đâu, cũng sẽ được… hoan hô ! Hệ quả, cộng đồng trở nên thờ ơ khi có sản phẩm “không chính đạo” nào đó ra đời, không kiên quyết đấu tranh với hiện tượng “sáng tạo” rập khuôn mẫu, nhái trắng trợn… Người chơi quen với lý lẽ dù game nào đó “ăn cắp bản quyền”, cũng chỉ cần dán mác “sản phẩm gốc Việt”, hay ứng dụng công nghệ mới, thể hiện khác đi, là cứ thế chấp nhận và ủng hộ. Chỉ đến khi nào game thực sự “chết vì kém quá”, thì cộng đồng mới công nhận tính bất hợp pháp của nó và… quên lãng. Điển hình của lối tư duy này, chính là Đại Việt Truyền kỳ, 1 game dán mác nội địa song hoàn toàn “ăn khớp” với Cửu Long Triêu, 1 game Trung Quốc chính hiệu !
Đại Việt Truyền kỳ, 1 “game Việt” nhái mẫu mã đã sớm khai tử nhưng gây nhiều ồn ào.
Bào mòn mọi lý lẽ !
Theo nhiều nhà phát hành, chính lập luận “mơ hồ” trách nhiệm đó khiến làng game Việt bị bào mòn mọi lý lẽ, các đơn vị “bán game” tha hồ “tạm nhập tái xuất” đủ các kiểu dạng game tương tự nhau để kiếm lợi nhuận tức thời.
Một trong số dòng trò chơi bị “tận dụng tối đa” này, chính là các game chủ đề Tam Quốc, gần như không có thang điểm định vị, tùy sức tung tẩy phát hành. Sự rối loạn lan tràn đến mức 1 nhà phát hành game đã bỏ vốn mua sản phẩm chất lượng về phải bế tắc không thể “cạnh tranh” với các game “ăn xổi” cùng chủ đề, gần như chỉ còn phá sản. “Với phép tính chỉ cần vài tháng, vừa mở server đã kêu gọi nạp thẻ, đa số game nhái này vận hành chớp nhoáng, hồi vốn đặt cược xong, phản hồi cho nhà sản xuất rằng “game không làm được” là có thể đổi qua game khác ngay và luôn”.
Những game đang nằm trong tầm ngắm nghi ngờ đi theo cách làm này, là Cửu Phạt Trung Nguyên, hay Vương quốc Thần thoại (do Vật giá phát hành)… đều có tiến độ triển khai rất gấp, thậm chí Việt hóa còn chưa hoàn hảo, trách nhiệm truyền thông thông tin bỏ nổi không quan tâm… Không ít game thủ khi đối diện với các trò chơi này đều thắc mắc, họ không thể hiểu tại sao game lại có thể ra mắt và họ có nên đầu tư công sức thời gian vào đó hay không !
Không ít game cần bị cộng đồng đưa vào tầm ngắm “ăn xổi” !
Một vài chuyên gia phân tích khẳng định, cách phát hành game này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng người chơi, vì họ bị dẫn vào “mớ bòng bong” trách nhiệm của đơn vị làm game, không được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Thậm chí nhiều game private còn công khai đối đầu những game đã có bản quyền, vì tin nhà quản lý cũng không kịp nắm bắt hành vi của họ để xử lý. Điều đáng nói, càng có nhiều đầu mối tiếp cận nguồn game “phong phú” từ Trung Quốc, các nhà phát hành Việt giai đoạn này lại càng dễ chọn lối hành xử như vậy !
Tất nhiên với các công ty đã có định dạng, thước đo “chuẩn” như VNG, VED…, thì “lối chơi” này không ảnh hưởng lớn. Song với các đơn vị còn đang chưa có khung chuẩn mực như FPT Online, goPlay, SGame, Asiasoft…, sự biến loạn thị trường sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Cộng đồng người chơi sẽ rất dễ bị tản mác bất cứ lúc nào, gây nên thất bại khó tránh khỏi cho những đơn vị chậm trễ chưa định dạng riêng về đẳng cấp. Thị trường game Việt vì thế, đã phập phù lại càng lúng túng hơn. Và ai sẽ là người trả lời được câu hỏi, vậy cộng đồng game sẽ đi về đâu ?
Cộng đồng game sẽ đi về đâu khi thị trường nhiễu loạn ?
Theo VNE