Làng đá góa chồng
Làng Pháp Cổ, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có nghề khai thác đá từ hơn trăm năm nay.
Chồng mất vì đá, chị Ngọc Út một nách phải nuôi 3 con nhỏ.
Với người dân nơi đây, đá là cơm, nhưng đá cũng cướp đi những người chồng, người con của họ…
Nửa làng… góa chồng
Vì mưu sinh mà những người đàn ông trong làng ngày ngày phải treo mình trên vách núi để làm việc trong rình rập của tử thần. Cái nghề nguy hiểm đó đã đem về cho làng Pháp Cổ biết bao đau thương kinh hoàng cùng cảnh góa bụa của nhiều thế hệ phụ nữ. Đá rồi cũng hết nhưng nỗi đau sẽ khó có thể nguôi ngoai trên những gương mặt khô héo của những quả phụ góa chồng ở làng Pháp Cổ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Lại Xuân thì địa phương có hàng trăm phụ nữ chồng mất sớm, riêng làng Pháp Cổ hiện còn trên 120 phụ nữ đang sống như những hòn vọng phu. Nhưng theo người dân Pháp Cổ, số phụ nữ góa trong làng còn cao hơn thế và chồng họ chết chủ yếu vì đá. Bà Trần Thị Hạnh, làng Pháp Cổ kể: “Chỉ một góc xóm 5 dưới chân núi đá có chục nhà thì đến 6 nhà góa chồng vì đá. Tính ra, làng Pháp Cổ có đến phân nửa số phụ nữ góa chồng”. Nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau…
Chị Đỗ Thị Chuyên, xóm 7 từng một thời nổi tiếng là hoa khôi làng Pháp Cổ. Tai nạn đá đã cướp đi người chồng thân yêu, bỏ lại cho chị, lúc ấy mới 22 tuổi, 2 đứa con thơ. Suốt 15 năm qua, chị phải làm thay công việc của chồng nuôi dạy 2 con. Chị vẫn đẹp nhưng trong sâu thẳm, trái tim của người quả phụ này dường như cũng đã hóa đá vì vất vả và đau thương.
Video đang HOT
Bà Ngô Thị Kim Tý (72 tuổi), ở xóm 5, chồng mất do đá khi bà mới 31 tuổi, một mình bà ở vậy nuôi 6 con thơ. Đến đời sau, anh con trai út của bà là Nguyễn Văn Long theo nghiệp cha ông cũng thiệt mạng năm 32 tuổi. Thế là chị Trần Thị Hậu, con dâu bà lại phải sống cảnh góa bụa nuôi 2 đứa con nhỏ dại…
Cực lòng hơn là cụ Nguyễn Thị Khíu (90 tuổi), ở xóm 5, chồng mất sớm vì tai nạn, một mình cụ lận đận nuôi 8 người con. Nghèo khó, chẳng được học hành đến nơi đến chốn, lớn lên họ không còn con đường kiếm sống nào khác ngoài nghiệp treo mình trên những vách đá tử thần để đào cơm núi. Và, 3 người con trai của cụ đã lần lượt nằm xuống, bỏ lại đằng sau 3 quả phụ trẻ và những đứa con thơ dại với những gánh nặng gia đình chồng chất. Nhưng có lẽ gánh nhiều đau khổ nhất là con dâu thứ 4 của cụ – bà Bùi Thị Vi, cùng ở thôn 5. Chẳng nghề nghiệp trong tay, một mình không cáng đáng nổi việc nuôi dạy 3 người con trai, thế là anh nghiện ma túy, anh phạm pháp vào tù, anh còn lại cũng lam lũ nghề đá. Nỗi đau chồng nỗi đau, hàng ngày bà Vi chỉ còn biết thắp hương than phận trước mộ chồng…
“Ước gì bố còn sống…”
Bất hạnh đang mòn mỏi trên gương mặt những quả phụ thì đau thương lại liên tục giáng xuống từ các công trường khai thác đá. Hồi 10h40 phút ngày 21/5/2012, tại núi đá Trượt của làng Pháp Cổ, những thợ khoan vừa nhồi thuốc còn chưa kịp về nơi tập kết để đóng điện thì bất ngờ mìn nổ. 9 thợ đá thiệt mạng ngay tại chỗ. Ngày hôm đó, Pháp Cổ thành làng trắng khăn tang và tiếng khóc hờn ai oán cái nghề phu đá bạc mệnh. Gần chục phụ nữ bỗng chốc trở thành góa bụa. Còn hoàn cảnh nào khổ hơn nỗi khổ của những phụ nữ góa chồng nơi xóm núi nghèo ấy?
Có lẽ ở làng Pháp Cổ người ta vẫn ám ảnh người phụ nữ mang bầu ngất lên ngất xuống vì chồng chết trong cái vụ tai nạn đá hồi tháng 5 đó. Đấy là chị Nguyễn Thị Ngọc Út (29 tuổi), ở xóm 5. Chồng chị là Nguyễn Tiến Anh mất khi chị đang mang bầu đứa con út hơn 5 tháng. Anh ra đi để lại cho chị một nách 3 đứa con thơ dại và công nợ xây nhà còn đang chồng chất. Giờ, thằng Cường lớn nhất học lớp 3, con Doanh học lớp 2 và đứa út của chị mới được 10 tháng tuổi. Có lẽ cả cuộc đời này chúng chỉ mơ hồ tưởng tượng về bố qua lời kể của mẹ và những tấm hình ít ỏi của bố còn để lại. Nhiều lúc chị Út phải nghẹn lòng quay đầu đi, chị không dám nhìn thẳng vào 3 đứa con thơ dại, cố nuốt những giọt nước mắt cứ trực rơi vào lòng khi nghe con Doanh nũng nịu với mẹ mà ước ao: “ Giá như bố còn sống…“. Có lẽ ở làng Pháp Cổ, có hàng trăm đứa trẻ mồ côi ao ước như thế…
Mới ngoài 30 tuổi nhưng trông chị Út lúc nào cũng thoáng nỗi buồn dù cố gượng cười. “Vừa rồi ở xóm, nhà em được hộ nghèo nhưng lên xã thì lại bị gạt ra vì xã bảo chồng em vừa mất, được tiền đền bù thì 3 mẹ con vẫn sinh sống được nên xã không cho. Em chỉ mong các cháu đi học được miễn tiền học và tiền bảo hiểm để 4 mẹ con em đỡ khó khăn”. Giờ đây nghề nghiệp không có, biết làm gì để sống, trả nợ và nuôi các con ăn học, cuộc sống của mẹ con chị Út rồi không biết sẽ đi đâu về đâu…
Ông Nguyễn Văn Gọng (65 tuổi), làng Pháp Cổ, xã Lại Xuân trăn trở: Tai nạn rủi ro quá lớn, chỉ mong sao các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ cả về kỹ thuật khai thác và cả mặt kinh tế. Bây giờ một số cháu khá trẻ nhưng đã góa chồng. Lúc chồng chết mới mang bầu, giờ không biết nuôi con bằng cách nào.
Đá rồi cũng sẽ hết, song nếu không có những giải pháp quyết liệt thì không những để lại hệ lụy cạn kiệt tài nguyên, hoang tàn về môi trường mà sẽ còn để lại tiếp trong xã hội những gia cảnh thương tâm như cụ Khíu, bà Vi, chị Út… Và người làng Pháp Cổ không muốn thêm những quả phụ hóa đá…
Theo xahoi
Nổ mìn phá đá, phá cả nhà dân
Gần 40 hộ dân phải sống trong khói bụi và tiếng nổ đinh tai nhức óc, nhiều ngôi nhà bị rạn nứt...
Theo phản ánh của người dân ở tổ 1, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, đã nhiều năm qua, việc nổ mìn khai thác đá của Công ty Hoàng Liên Thanh đã làm đảo lộn cuộc sống của họ.
Gần 40 hộ dân phải sống trong khói bụi và những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Nhiều ngôi nhà bị rạn nứt đe dọa tính mạng của người dân. Điều đáng nói hơn là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chính công ty này.
Ngôi nhà ngói ba gian này của ông Phạm Duy Kiều (tổ 1 thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) nằm ngay cạnh km 21, Quốc lộ 70.
Khói bụi từ mỏ khai thác đá của Công ty Hoàng Liên Thanh
Công sức chắt chiu hàng chục năm trời của cả gia đình, nay bị hủy hoại bởi chấn động từ các vụ nổ mìn phá đá của Công ty Hoàng Liên Thanh. Không ai dám ở lại ngôi nhà này nữa bởi nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Chẳng biết kêu ai, ông Kiều "cắn răng" xây cất một ngôi nhà mới, với hi vọng đảm bảo an toàn cho mọi thành viên trong gia đình. Nhưng gần đây, ngôi nhà mới xây này lại cũng xuất hiện những vết nứt mà ông Kiều cho rằng, đó là do ảnh hưởng từ các vụ nổ mìn của Công ty Hoàng Liên Thanh.
Khi đặt vấn đề này lên công ty, ông Phạm Duy Kiều cho biết, đại diện doanh nghiệm chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Nhiều ngôi nhà bị rạn nứt
Theo tìm hiểu của phóng viên, có rất nhiều gia đình cũng bị ảnh tương tự như nhà ông Kiều bởi các chấn động do nổ mìn phá đá gây ra. Trong khu vực mỏ đá do Công ty Hoàng Liên Thanh đang khai thác, có một trường mầm non, một trường tiểu học và hơn 100 hộ dân sinh sống.
Ông Phạm Văn Hợp - Tổ trưởng tổ dân phố số 1 cho biết, trong số hơn 100 hộ dân ở đây thì có tới 40 hộ bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do khai thác đá. Người dân thì đã có nhiều ý kiến phản ánh, đề nghị đến đơn vị nổ mìn, nhưng mọi chuyện vẫn như "nước đổ lá khoai".
Ông Hợp nói: "Các bãi đá của công ty vẫn tiếp tục khai thác dù nhận được phản ảnh của người dân".
Chẳng biết kêu ai, người dân ở khu vực xung quanh mỏ đá vẫn phải sống chung với những chấn động và khói bụi.
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao các đoàn thanh liên ngành thường xuyên kiểm tra ở các mỏ khai thác đá xây dựng trên địa bàn mà những bất cập trên vẫn còn tồn tại? Việc cấp giấy phép khai thác mỏ đá này có tính toán đến sự an nguy của hàng chục hộ dân địa phương?
Theo vietbao
Tang thương những vụ tai nạn xe khách tháng 5 Hàng trăm người thương vong trong các vụ tai nạn giao thông xe khách từ tháng 5 trở lại đây. Từ tháng 5/2013 trở lại đây, nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người Việt Nam. Số vụ tai nạn nghiêm trọng có chiều hướng ngày càng gia tăng. Xe khách...