Làng cổ Đường Lâm: Sẽ có cơ chế đặc thù
Xung quanh thông tin về một số hộ dân sinh sống tại thôn Đông Sàng và Mông Phụ thuộc làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) tiếp tục viết đơn xin trả lại danh hiệu di sản lần 2, hôm qua 27-9, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã cử đoàn công tác về Đường Lâm để tiếp tục tìm hiểu những bức xúc của người dân làng cổ.
Cần một cơ chế đặc thù để bảo tồn làng cổ
Theo ghi nhận của phóng viên Báo ANTĐ, sau gần 5 tháng thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại cuộc họp về các vấn đề liên quan đến quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm ngày 21-5, cho đến nay nhiều đầu việc đã và đang tiếp tục hoàn thành. Về quy hoạch khu giãn dân, hiện UBND thị xã Sơn Tây đã khảo sát và thống kê về dân số, căn cứ nhu cầu xây dựng, dự kiến trong đợt một (2013-2015) sẽ thực hiện giãn 150 hộ với diện tích 4,5ha. Địa điểm giãn dân thuộc khu Đồi Chung, thôn Phụ Khang. Hiện tại Ban Đầu tư Xây dựng thị xã đã nộp hồ sơ xin cấp phép quy hoạch cũng như hồ sơ xin cấp chỉ giới đường đỏ và thông số hạ tầng kỹ thuật lên Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Video đang HOT
Trước những bức xúc của người dân vì thiếu những công trình dân sinh trong vùng lõi di sản, hiện Dự án trường mầm non Đường Lâm cũng đã được xác định xây dựng tại khu đất thuộc thôn Đoài Giáp, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó là Dự án nâng cấp cải tạo Trạm y tế xã Đường Lâm. Trụ sở UBND xã hiện tại cũng sẽ được di chuyển sang Khu Gò Đồi, Bến Cốc.
Ông Phạm Hùng Sơn- Trưởng BQL Làng cổ Đường Lâm cho biết, UBND thị xã Sơn Tây đã đề xuất UBND thành phố ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân tại di tích như sau: Hỗ trợ tiền sử dụng đất (không tính suất đầu tư hạ tầng chỉ thu tiền sử dụng đất theo giá đất ở nông thôn) và 20% tiền xây dựng nhà theo suất đầu tư cho các hộ dân được giao đất ở mới; Đối với di tích đang xuống cấp nghiêm trọng đề nghị UBND thành phố hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ; Đối với 82 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt chưa được nhà nước đầu tư tu bổ (nhà loại I, II có niên đại từ 100 năm trở lên) đề nghị ngân sách TP hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ sửa chữa; Với những nhà theo kiến trúc truyền thống, nhà loại IV, sẽ hỗ trợ từ 30 đến 50% kinh phí; Các ngôi nhà xây dựng hiện đại, sẽ tiến hành vận động cải tạo để phù hợp với cảnh quan chung, nếu các hộ dân tự ý tháo dỡ sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí và giá trị phần ngôi nhà đã tháo dỡ; Trường hợp sau khi tháo dỡ, hộ dân gặp khó khăn về chỗ ở và có nhu cầu giao đất giãn dân, được hỗ trợ 100% kinh phí tháo dỡ và hưởng cơ chế giãn dân.
Ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội dẫn đầu đoàn công tác sáng 27-9 đã có buổi làm việc với BQL Làng cổ Đường Lâm và tiếp xúc với đại diện những hộ dân đứng đơn xin trả danh hiệu di sản lần 2 là bà Trịnh Thị Thuần – người thôn Đông Sàng. Theo đó, ông Trương Minh Tiến yêu cầu BQL Làng cổ Đường Lâm thực hiện ngay một số việc liên quan tới di tích. Cụ thể phải chấn chỉnh ngay công tác bán vé vào thăm làng cổ, cần phải vận dụng linh hoạt. Việc gì trong tầm tay của BQL thì phải chủ động làm để tránh phiền hà cho cuộc sống của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị địa phương phải thường xuyên thông báo cập nhật tin tức về tiến trình quy hoạch, bảo tồn, dự án giãn dân để người dân biết và cùng chung tay thực hiện, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân, phát triển du lịch và tôn trọng Luật Di sản Văn hóa.
Trao đổi cùng phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Trương Minh Tiến cho biết, hiện tại việc bảo tồn và phát huy giá trị Đường Lâm được đưa vào danh sách “bức xúc và cấp thiết”. Tuy nhiên, Đường Lâm là “di tích sống”, vì thế mọi việc phải được tiến hành cẩn trọng và từng bước theo đúng lộ trình.
Quỳnh Vân
Theo ANTD
Đằng sau một lá đơn nghịch lẽ thường!
Mấy ngày qua, dư luận ở làng Đường Lâm (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) xôn xao về lá đơn đòi trả lại danh hiệu Làng Việt cổ có chữ ký của 78 người, thuộc 60 hộ dân trong xã. Nguyên nhân của chuyện "chưa từng có" này được ghi rõ ràng trong đơn là sống trong làng cổ quá khổ sở, không được xây dựng, trong khi chưa được lợi gì về du lịch... Có mặt tại làng Đường Lâm ngày 9-5, PV Báo An ninh Thủ đô đã ghi nhận được nhiều ý kiến từ phía người dân thôn Mông Phụ (vùng lõi di sản).
Đình làng Mông Phụ - linh hồn của Đường Lâm
Chỉ là bức xúc nhất thời?
Dừng xe ở quán nước của bà cụ Vin trước cửa đình Mông Phụ đã thấy rất nhiều các cụ cao tuổi ngồi bàn tán xôn xao về chuyện "trả lại danh hiệu". Biết chúng tôi không phải người làng, cũng không phải khách du lịch, mấy cụ bà dò hỏi: Chị là nhà báo à? Các chị về vì cái lá đơn trả lại danh hiệu đúng không? Chỉ đợi tôi vâng, các bà đã tiếp lời, mấy hôm nay làng như có "động đất", tất cả cũng vì chuyện đó. Không phải đó là quan điểm của cả làng đâu. Làng này có mấy nghìn nhân khẩu, 78 người ký cũng chỉ là thiểu số. Khi tôi hỏi tên, mấy bà từ chối trả lời và bảo, thôi người làng người nước, nói ra rồi họ lại oán mình. Vào đình Mông Phụ, chúng tôi gặp được ông Hà Văn Đĩnh- người phụ trách việc đón tiếp khách du lịch ở đây, ông cho biết thêm, lá đơn kia chưa đủ "sức nặng" để đại diện cho người dân làng Mông Phụ nói chung và chủ nhân những ngôi nhà cổ trong làng nói riêng.
Ông Đĩnh cũng bày tỏ lòng tự hào, rằng, cả miền Bắc mới chỉ có làng Đường Lâm được công nhận di sản, đó là niềm tự hào, cần phải gìn giữ, dù khó. Để tìm hiểu rõ hơn về chuyện "xin trả danh hiệu", chúng tôi tiếp tục gặp ông Phan Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm. Ông Hòa cho biết, thông qua báo chí ông mới biết đến việc trả lại danh hiệu này, tính cho tới thời điểm hiện tại UBND xã chưa hề nhận được bất cứ lá đơn nào mang nội dung kể trên. Trong phần đầu của lá đơn có ghi rõ tên các cơ quan chức năng được gửi đến, song ông Phạm Hùng Sơn- Trưởng BQL Làng cổ Đường Lâm khẳng định, BQL chưa từng nhận được lá đơn nào.
Chưa biết làm du lịch
Trong số 12 ngôi nhà thuộc thôn Mông Phụ được xếp vào diện bảo tồn loại 1, có ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng được du khách ghé thăm nhiều nhất, vào dịp nghỉ lễ, mỗi ngày, nhà ông đón tròn 1.000 lượt khách, gia đình ông cũng nổi lên như một điểm sáng trong làng về sự nhanh nhạy, bắt kịp thời cơ. Ngôi nhà của ông Hùng có niên đại năm 1649, mốc thời gian sớm nhất trong các ngôi nhà cổ của làng. Trong diện tích 420m2 cả nhà lẫn sân vườn, ông Hùng đã biết cách giữ chân khách bằng những sản vật quê nhà, vài bắp ngô luộc, mẻ chè lam nhà tự nấu. Nếu khách có nhu cầu nghỉ ngơi ăn trưa ông cũng sẵn sàng phục vụ. Cũng chỉ là một bữa cơm bình thường kiểu như chợ làng hôm nay có gì thì ăn nấy. Đơn giản, nhưng lại hút khách. Sân vườn nhà ông cũng được thiết kế rất đơn giản, với một giàn cây dây leo, vài khóm hoa hồng bạch. Nét điệu đà duy nhất có ở ngôi nhà cổ này là tấm biển nhà cổ treo ngoài đầu ngõ. Ông Hùng cho biết, ông xưa nay cũng chỉ quen nghề cày cấy, nhưng từ ngày làng thành di sản, ông chợt nhận ra cơ hội "vàng". Ông Hùng bảo, cái chính là ở tự thân mình, Nhà nước đã tạo cơ hội, mình phải nắm lấy.
Ở Đường Lâm hôm nay, cũng không phải ai cũng biết nắm bắt cơ hội "vàng". Gia đình anh Phan Văn Tư thì lại trái ngược hoàn toàn. Hai vợ chồng cùng mấy đứa con trông vào 3 sào ruộng, lúc nông nhàn, anh làm thêm nghề thợ hồ. Ngôi nhà của gia đình anh cũng là 1 trong 12 ngôi nhà được xếp loại 1. Ngày thường khách đến thăm lác đác nhưng cuối tuần hay lễ lạt gì cũng có cả vài chục lượt khách. Khách đến nhà, cả gia đình anh cũng nhiệt tình, pha trà rót nước mời khách, rồi hỏi gì thì trả lời đấy. Trước đây mỗi tháng anh Tư nhận được một khoản tiền là 150.000 đồng gọi là tiền vệ sinh và trà nước mỗi khi khách du lịch đến. Từ tháng 1-2013, được thêm 50.000 đồng nữa. Anh Tư kể, không thể cứ ở nhà tiếp khách và trông vào số tiền 200.000 đồng kia để sống. Nhưng rồi, vì danh hiệu di sản, thi thoảng đang đi làm anh vẫn bị gọi về để tiếp khách. Đã nghĩ rất nhiều về việc níu chân khách bằng một số dịch vụ nhưng cái khó là anh không có vốn, bởi nếu làm được như nhà ông Hùng, cũng cần phải đầu tư, tu bổ lại sân vườn, bếp núc, rồi xây lại khu vệ sinh. Giờ đến tiền đóng học của con cái có khi cũng phải "giật nóng". Cuộc sống cực kỳ bấp bênh.
Vượt rào...
Bà Kiều Thị Tỵ (thôn Mông Phụ) nói chuyện với chúng tôi trong tâm trạng khá bức xúc. Bà kể, hai vợ chồng bà sống trong một ngôi nhà rộng rãi, tính cả nhà chính, nhà ngang, bếp núc là 9 gian, nhà bà không có nhu cầu đất ở vì con cái phương trưởng đều có nhà riêng ở Hà Nội, nhưng khi nhìn vào những người hàng xóm của mình, bà thấy cảm thương cho họ, 4 thế hệ, 3 cặp vợ chồng sống trong một ngôi nhà 3 gian. Diện tích chật hẹp, không gian riêng tư tối thiểu không có. Nếu xây nhà thì phải theo đúng tiêu chuẩn, từ vật liệu cho tới kiểu dáng kiến trúc, trong khi đá ong giờ ở Đường Lâm không có nữa, phải mua tận Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội). Xây một ngôi nhà như thế nhiều khi đắt gấp đôi nhà gạch bình thường, trong khi phần lớn người dân trong làng vẫn sống dựa vào mấy sào ruộng.
Đem những ý kiến của người dân làng Mông Phụ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Hùng Sơn, ông Sơn thừa nhận, hiện có nhiều bất cập nảy sinh trong công tác bảo tồn, phát huy. Sự bất cập thể hiện ngay trong Luật Di sản. Đây là một di tích sống, nhưng lại áp các điều khoản coi Làng cổ Đường Lâm (với 1.500 hộ và 6.000 nhân khẩu) như một ngôi đình hay chùa và buộc phải giữ nguyên hiện trạng khu vực 1. Điều này đã từng được BQL Làng cổ Đường Lâm, UBND thị xã Sơn Tây kiến nghị nhiều lần lên các cấp có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa, song cho tới thời điểm này vẫn không có hồi âm. Bất cập thể hiện trong cả thủ tục xin phép xây dựng. Trước làng cổ là vùng nông thôn, xây nhà là cứ thế... xây thôi, không phải xin phép. Khi làng thành di sản thì buộc phải chịu sự điều chỉnh của 2 luật là Luật Di sản Văn hóa và Luật Xây dựng. Theo đó, người Đường Lâm dù là xây cái tường rào cũng phải làm đủ thủ tục, từng bước một, làm đơn lên thôn, rồi lên xã, lên huyện, lên Sở VH-TT&DL, tiếp đó là xin được thỏa thuận Cục Di sản văn hóa rồi mới lại trình hồ sơ lên Sở Xây dựng... Sự thật là, trong mấy năm vừa qua, chưa người dân nào đủ sức chạy theo cả đống thủ tục như vậy và thế là... vượt rào.
Điều mà người dân làng Đường Lâm cần nhất là một quỹ đất giãn dân, và một quy chế hỗ trợ hợp lý, chỉ khi những vấn đề dân sinh được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, chừng đó làng Đường Lâm mới hết chuyện "cưỡng chế tháo dỡ xây dựng" và cả chuyện bàn tán xôn xao về một lá thư xin trả lại danh hiệu, không biết đã được gửi đi thật chưa, nhưng không thấy cơ quan chức năng nào khẳng định là "đã nhận được"!
Theo ANTD
Các hộ dân nhà gỗ ngoài đê sẽ về Cầu Diễn Sở Xây dựng Hà Nội vừa chấp thuận bố trí quỹ nhà tái định cư tại nhà C lô NOCT, thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, để thực hiện dự án di chuyển các hộ dân ra khỏi nhà gỗ số 13 tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, nếu sau 12 tháng kể từ ngày có văn bản chấp...