Lang Chánh khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ
Ban Quản lý rừng phòng hộ (RPH) Lang Chánh hiện đang quản lý và bảo vệ hơn 10 nghìn ha đất lâm nghiệp, với rừng giàu tài nguyên và hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Trong rừng lại có nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ cùng với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái, Mường tạo nên những tiềm năng, lợi thế để Lang Chánh phát triển du lịch sinh thái (DLST) trong RPH.
Thác Ma Hao (xã Trí Nang, Lang Chánh).
Huyện Lang Chánh có Quốc lộ 15A chạy qua, nối liền các huyện miền núi với trung tâm TP Thanh Hóa. Đây là một lợi thế rất lớn để phát triển hoạt động DLST trong RPH Lang Chánh, cũng là điều kiện thuận lợi để hình thành nên các tuyến DLST đặc thù phía Tây của tỉnh. Với khí hậu mát mẻ, nơi đây khá lý tưởng để phát triển các loại hình DLST đặc trưng theo mùa. Vào mùa hè, du khách có thể tắm suối và nghỉ ngay tại các bản của người Thái, người Mường. Một số điểm như: Đội 5 cũ, làng 327, làng Oi, làng Húng vào mùa hè nhiệt độ ban ngày không quá nóng, dịu nhanh vào ban đêm nên rất phù hợp để trở thành các điểm nghỉ dưỡng cho khách du lịch. Vào mùa xuân, du khách có thể khám phá rừng tự nhiên với nhiều cây to, ngắm nhìn màu trắng của hoa dẻ, hoa sưa, màu đỏ của hoa chặc quạch, cùng sự hùng vĩ của suối thác và trải nghiệm văn hóa dân tộc của đồng bào Thái, Mường. Nơi đây còn có dòng suối Láu nằm ngay cạnh đền thờ Vua Lê Lợi gắn với sự tích Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn “hòa nước sông uống chén rượu ngọt ngào”. Do dòng chảy lớn, địa hình dốc và bị chia cắt bởi nhiều suối nhỏ như: hón Tá, hón Hiên, bãi Voi, hón Han, hón Vớ… nên trong RPH Lang Chánh có rất nhiều thác nước đẹp (thác Ma Hao, thác Xanh, thác Hón Lối, thác 7 tầng…) có tiềm năng phát triển DLST.
Lang Chánh còn nổi tiếng với đỉnh núi Chí Linh. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan hùng vĩ, núi Chí Linh còn gắn liền với truyền thuyết Vua Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây chính là nơi trú ngụ, rèn vũ khí và luyện binh của nghĩa quân Lam Sơn trước khi đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV. Ngoài đỉnh Pù Rinh, còn có đỉnh Ba Chóp thuộc dãy núi Pù Rinh B; đỉnh Đồng Linh cao 1.076m; đỉnh Pù Pa Mứt cao 1.200m thuộc RPH Lang Chánh cũng là một trong những địa điểm phù hợp với các tour leo núi mạo hiểm dành cho du khách thích khám phá. Từ các đỉnh núi này, du khách có thể quan sát, ngắm nhìn những dải mây vắt ngang lưng chừng núi, những cánh rừng tự nhiên cũng xuất hiện lấp ló dưới màn sương mờ và xa xa là những bản làng của người Thái, người Mường. Khu vực RPH Lang Chánh nằm trên địa bàn huyện Lang Chánh là nơi sinh sống tập trung của 3 dân tộc Thái, Mường và người Kinh. Nơi đây vẫn còn nhiều bản người Thái, người Mường đang sinh sống, cảnh quan còn khá nguyên sơ và lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống như kiến trúc nhà gỗ, trang phục, ẩm thực và các lễ hội truyền thống đặc trưng của từng dân tộc. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình DLST gắn với du lịch văn hóa dân tộc và văn hóa lịch sử.
Bên cạnh sự lôi cuốn về tự nhiên và các giá trị đa dạng sinh học, quanh khu vực RPH Lang Chánh còn có sức hấp dẫn về tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử và tâm linh, như: Chùa Mèo (thị trấn Lang Chánh; đền Tên Púa (xã Giao Thiện); đền thờ Mẫu Chúa Thượng Ngàn (khu vực đỉnh Ba Chóp); đỉnh núi Chí Linh (thuộc dãy núi Pù Rinh); ghế đá và đền Lê Lợi; hát khặp Thái… Sau khi trải nghiệm các hoạt động DLST, vui chơi giải trí trong RPH Lang Chánh, du khách sẽ được khám phá nét văn hóa dân tộc đặc trưng và nghỉ lại nhà sàn cổ của người Thái tại các làng bản lân cận. Điều này tạo nên tính đặc thù riêng nhằm thu hút du khách du lịch trong và ngoài huyện, đồng thời tạo ra sự khác biệt trong phát triển DLST nơi đây.
Với hơn 90% dân số là dân tộc Thái, Mường sinh sống trên địa bàn, huyện Lang Chánh cũng là nơi lưu giữ các tập tục, lễ hội văn hóa đặc sắc. Tiêu biểu là lễ hội Chá Mùn, sản phẩm văn hóa độc đáo của người Thái về những hoạt động phong phú, sinh động trong đời sống cũng như khát vọng sống và bản chất cần cù lao động của người Thái. Sau mỗi chuyến đi trải nghiệm, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn ngon mà chỉ địa phương mới có như: cơm lam, cá nướng, canh uôi, măng muối, dưa muối… và các món chấm đặc trưng như: chẹo, ớt khô… Những món ăn địa phương này chắc chắn sẽ làm du khách nhớ mãi, khi cùng nhâm nhi ly rượu men lá và tham gia chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống với người dân địa phương.
Nhận thấy được những tiềm năng phát triển DLST trong RPH Lang Chánh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 9-1-2020 về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán lập kinh phí xây dựng “Đề án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí trong RPH của Ban Quản lý RPH Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040″. Mục tiêu của đề án là xác định và phát huy các giá trị tiềm năng như cảnh quan tự nhiên, các giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh hiện có trong RPH; tiếp cận hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch đó nhằm phát triển được các hoạt động du lịch, tạo nguồn thu bền vững cho ban quản lý và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương thông qua việc nâng cao chuỗi giá trị của tài nguyên, gia tăng hiệu quả khai thác kinh tế các giá trị hữu hình và vô hình của RPH Lang Chánh cũng như các giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương. Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến 2040, trên phạm vi toàn bộ diện tích hơn 10 nghìn ha thuộc Ban Quản lý RPH Lang Chánh.
Video đang HOT
Đề án sau khi được triển khai thực hiện sẽ giúp tăng nguồn thu cho Ban Quản lý RPH Lang Chánh thông qua hoạt động cho thuê môi trường rừng hoặc liên doanh liên kết để phát triển các hoạt động DLST trong RPH Lang Chánh. Với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020-2030 ban quản lý RPH sẽ có nguồn thu từ hoạt động cho thuê môi trường rừng trung bình 600 triệu đồng/năm và 1,2 tỷ đồng/năm từ sau năm 2030. Đây sẽ là nguồn ngân sách lớn và ổn định hàng năm để duy trì các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng của ban quản lý cũng như nâng cao năng lực cho các cán bộ tham gia vào hoạt động du lịch trong RPH Lang Chánh.
Bên cạnh đó, với xu thế phát triển DLST văn hóa đang phát triển mạnh ở địa phương cũng như đầu tư đồng bộ và theo đúng tiến độ các dự án thì dự báo lượng khách sẽ tăng lên 50.000 lượt khách du lịch/năm trong giai đoạn 2020-2030, doanh thu từ hoạt động du lịch hàng năm đạt ít nhất 60 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ du lịch ở RPH Lang Chánh sẽ thu hút được nguồn lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống Nhân dân ở các xã vùng đệm và giảm áp lực phụ thuộc vào rừng. Nhiều gia đình sẽ trực tiếp và gián tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch thông qua cung cấp các dịch vụ, cung ứng sản phẩm, hàng hóa, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thủy sản, hàng hóa. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư sản xuất tạo hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn từ nông nghiệp hay khai thác tài nguyên rừng truyền thống qua kinh tế dịch vụ. Các hoạt động du lịch sẽ tăng nguồn thuế cho địa phương và góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế chung trong huyện, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ du lịch.
Hơn nữa, nhờ các hoạt động du lịch trên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình phúc lợi sẽ được đầu tư xây dựng, các hoạt động văn hóa truyền thống được phục hồi và duy trì theo hướng bền vững. Từ hoạt động du lịch, tăng cường tiếp xúc và giao lưu với khách cũng giúp nâng cao dân trí của Nhân dân trong vùng, góp phần nâng cao nếp sống văn minh, lành mạnh ở các xã gần rừng. Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ và phát triển thông qua các hoạt động du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Các hoạt động DLST không chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế, mà còn có tác dụng giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường và đa dạng sinh học. Điều này đồng nghĩa với việc, huyện Lang Chánh sẽ là vùng trọng điểm phát triển DLST, du lịch tâm linh trong giai đoạn tiếp theo của tỉnh.
Băng qua 'cung đường muối' Tây Giang ngắm cây pơ mu canh cửa núi rừng
Nếu du khách có máu mạo hiểm, thích khí sắc độ cao, hẳn không thể thờ ơ với các điểm sinh thái Tây Giang.
Lán nghỉ tạm cho du khách, trên đỉnh Quế (Tây Giang)
Tây Giang là một huyện vùng cao, thuộc miền biên viễn của tỉnh Quảng Nam. Địa giới phía tây của huyện là đường biên với Lào. Cách đây chỉ hơn thập niên, người ở miền xuôi Quảng Nam còn gọi nơi này là "chốn thâm sơn cùng cốc", nhưng bây giờ đã hoàn toàn khác.
Không phải do bà con đổi mới tư duy, mà thực tế Tây Giang đã khoác lên mình tấm áo mới.
Trên Google Maps, đường lên Tây Giang được thể hiện bằng nhiều con đường nhựa dọc - ngang chạy về đến trung tâm huyện lỵ. Không chỉ đường, cả điện chiếu sáng cũng lung linh đến các buôn, nóc người Cơ-tu, và vào tận cửa khẩu Việt - Lào.
Đừng vội nghĩ chuyện điện, đường bây giờ đã "xưa như trái đất"! Xin thưa: Đây là huyện vùng biên của Quảng Nam; nơi phát tích huyền sử "Cung đường muối " trong thời ác liệt chiến tranh.
Những con đường mới thực sự đã khai mở nhiều tiềm năng của vùng sơn dã. Riêng về phát triển du lịch, trên bản đồ Tây Giang đã phát lộ nhiều điểm đến lý thú, mà chẳng nơi nào có được.
Hoàng hôn trên đỉnh Quế
Ban ngày, bạn tha hồ hòa điệu hồn với cảnh sắc núi rừng. Nếu sớm mai nắng ấm, hãy tranh thủ leo đèo, lên đỉnh Chơlang ở độ cao 1.500 m. Nơi đây vừa phát lộ rừng đỗ quyên đại thụ, rộng hơn 50 ha.
Lúc chiều muộn, bạn đừng quên đi ngắm hoàng hôn trên đỉnh Quế. Đây là đỉnh núi cao gần 1.400m, nơi thuở xưa có cây quế rừng cổ thụ. Gốc quế xưa, nay dành chỗ cho khu du lịch cộng đồng. Khách mãn nhãn với cảnh tà dương huyền ảo và được tái hiện không gian "đồi gió hú".
Đã đến Tây Giang, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thám hiểm vùng biên, chiêm ngưỡng rừng cây di sản pơ mu. Trải dọc theo biên giới, có hơn 2.000 cây pơ mu canh cửa núi rừng, trong đó có nhiều gốc đại thụ, xác định tuổi đời hơn 700 năm.
Nhà Gươl ở Tây Giang
Tối đến, khách có dịp tụ hội ở nhà Gươl, ngay trung tâm huyện lỵ. Nhà Gươl là điểm nhấn văn hóa, trong không gian nhà cổ của tộc người Cơ-tu. Tại đây, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ sắc thái văn hóa vùng cao, như vũ điệu cồng chiêng; rượu Ta-vak; cơm lam - muối ớt...
Cảnh và người vùng cao Tây Giang đang rộng cửa mời khách!
Hướng dẫn viên Pơloong Plênh (áo sẫm) dưới gốc cây pơ mu 700 tuổi
Nếu chọn tuyến đường ngắn nhất tên Tây Giang, bạn hãy khởi hành từ thành phố Đà Nẵng. Từ cuối đường Hoàng Văn Thái - Đà Nẵng theo QL.14G, "Tây tiến" lên thị trấn Prao - Đông Giang, đúng 80 km. Đến ngã ba thị trấn (đi Nam Giang - Tây Giang), bạn sẽ thấy biển chỉ đường đi Tây Giang, với hơn 40 km nữa sẽ về đến huyện lỵ Tây Giang.
Nếu bạn là khách từ phía Nam ra, có thể chọn lựa hai địa điểm trên QL.1A hướng về Tây Giang: Ngã ba Cây Cốc - huyện Thăng Bình và ngã tư "đường lên cao tốc" ở thị xã Điện Bàn. Để tránh nhầm đường, bạn nên chọn tuyến theo đường cao tốc - Điện Bàn, rẽ sang QL.14B về hướng Tây.
Con đường 14B ngoằn ngoèo, chạy lên kết nối với tuyến 14G - cạnh cổng khu du lịch Núi Thần Tài - ước chừng 40 km. Từ đây, chỉ còn con đường độc đạo 14G thẳng tiến Tây Giang. Đến ngã ba xã Tr'Tiêng, bạn dừng nghỉ ở trạm đón tiếp - du lịch cộng đồng của huyện Tây Giang. Nơi đây, luôn có những chàng trai Cơ-tu sẵn lòng hướng dẫn khách chọn các điểm thăm quan, trải nghiệm.
Nhưng nếu bạn đi du lịch theo tour (không quá 20 người), mọi việc trở nên đơn giản. Anh chàng hướng dẫn viên người Cơ-tu đẹp trai, năng động của du lịch cộng đồng Tây Giang (có tài khoản Facebook cá nhân) Pơloong Plênh sẽ nhanh chóng biết bạn cần gì, đi đâu. Ngoài những vật bất ly thân như chai nước, thuốc chống muỗi, vắt khách tự trang bị; còn muốn thưởng thức các món ăn, hay việc ngủ, nghỉ... đã có Pơloong lo... Chúc quý khách giữ cái chân cho khỏe, để vào ăn trong rừng pơ mu.
Khảo sát phát triển du lịch tại rừng tràm Tân Tuyến Ngày 30-7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp Công ty TNHH MTV Nhà hàng - Khách sạn Hòa Bình và Ban Quản lý lâm trường Tỉnh đội tổ chức đoàn khảo sát tiềm năng phát triển du lịch tại rừng tràm Tân Tuyến ( xã Tân Tuyến, Tri Tôn). Tham quan rừng tràm Tân Tuyến Hệ...