Làng… buôn tóc
Ít ai có thể ngờ rằng giữa vùng quê quan họ Bắc Ninh lại có một làng nghề kỳ lạ: mua bán tóc. Hơn mười năm trở lại đây, nghề buôn bán tóc đã biến làng quê thuần nông này trở thành khá giả.
Có thể nói không ngoa rằng, tất cả những tóc của con trai, con gái, đàn ông, đàn bà nước Nam sau khi cắt đi đều được qua bàn tay của dân làng chúng tôi thu gom và xuất khẩu – chị Nguyễn Thị Chắt, một chủ buôn bán tóc có tiếng ở làng Đông Bích, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) vui vẻ nói.
Tóc nào cũng mua
Theo chị Chắt, làng Đông Bích của chị vốn là làng thuần nông, nhưng ruộng đất quá ít nên mỗi vụ nông nhàn người dân ở đây lại gồng gánh rong ruổi khắp những vùng lân cận để mua bán lông gà, lông vịt. Thời bao cấp, nơi đây là vùng quê nổi tiếng với món “kẹo kéo đổi lông gà, lông vịt”.
Từ năm 1990, thị trường Đông Âu không mặn mà với món lông vịt, lông gà nhập khẩu để chế biến làm gối, đệm thì tình cờ có ông Ba, cũng ngụ ở làng Đông Bích đi buôn hàng biên giới Việt – Trung về cho hay bên Quảng Tây họ đang thu mua nhiều loại tóc. Thế là cả làng vào cuộc đi thu gom tóc đã được người ta cắt bỏ đi hay có nhu cầu cắt đi cho… gọn, tiếng rao bắt đầu được thay đổi: “Ai bán tóc nào, ai có tóc bán không?” Đông Bích hiện nay có 300 hộ dân thì 100% theo nghề mua bán tóc.
Video đang HOT
Tóc khi mua về, được tiến hành phân loại
Tóc nhập về Đông Bích được chia ra làm ba loại: loại thứ thất, gọi nôm na là hàng miền nam, nghĩa là tóc được thu mua từ các tiệm hớt tóc (tóc ngắn) được nhập về với giá 5.000 đồng/kg. Loại thứ hai là hàng tóc nóng, là tóc được cắt cả con.
Anh V., một người buôn tóc nói ví dụ như mái tóc trên đầu của mình giao hẳn cho thợ húi đầu có bao nhiêu cắt tất thì được mua với giá từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/kg. Loại thứ ba hay gọi là “hàng khủng” hoặc tóc tỉa là những sợi dài, nõn, thậm chí một mái tóc dài từ 80cm-1,2m thì có giá 3 triệu đồng/kg.
Anh V. nói vui khiến tôi giật mình: “Cứ có cái kéo lia qua mái tóc của anh thì với chúng tôi chả có sợi nào bỏ cả, cái gì cũng dùng vào việc được, mà cũng biết đâu, tóc của anh, của vợ anh cắt đi cũng được qua tay người dân làng này xuất khẩu rồi đấy!”
Trong khi anh V. đang dốc lòng thổ lộ việc “nghề” với chúng tôi thì chị vợ V. bước vào, mặt hầm hầm: “Anh nói cái gì thế, tiết lộ hết thế thì ai người ta bán tóc cho mình nữa!”. Anh V. bỗng im bặt, cười ngượng nghịu.
Xuất qua Trung Quốc
Ở Đông Bích, nói về giá nhập tóc thì dễ nhưng nói xuất bán tóc thì “cạy miệng” cũng không có người dân nào tiết lộ. Họ cho rằng đấy là “bí quyết” của làng. Dạo quanh những đường thôn trong làng, chúng tôi còn được gặp những thanh niên người Trung Quốc sang thu mua tóc đi chơi rất thản nhiên. Người dân ở đây cho hay, đó là những “lái tóc” từ Trung Hoa đại lục sang thu mua tóc.
A Tuấn, người Quảng Đông, nói tiếng Việt bập bẹ cho biết, anh tạm trú ở Đông Bích đến nay đã hơn ba năm, công ty thu mua tóc bên đó cử anh làm đại diện ở Đông Bích. Tóc nhập về làng phải tiến hành qua công đoạn sơ chế, nghĩa là gạn lọc chia ra ba loại cấp độ hàng như đã nói ở trên.
Loại tóc dài như thế này, được gọi là hàng khủng – đắt nhất trong các loại tóc, được thu mua với giá 3 triệu đồng/kg
Khi chúng tôi hỏi, công ty của A Tuấn thu mua tóc từ Việt Nam về để dùng vào việc gì, A Tuấn mỉm cười bí hiểm, nói: “Cái tóc lày (này) lói (nói) ra thì mên môn nắm (mênh mông lắm) à, côn ty (công ty) ngộ mua về nại (lại) xuất đi các lước (nước) khác à. Người ta nàm (làm) tóc giả, dâu (râu) giả để tang (trang) điểm à!”
Những “lái tóc” Trung Hoa như A Tuấn sẽ đến từng nhà trả giá theo từng lô hàng, đánh dấu niêm phong từng bao tải hàng và cộng tiền hàng. Tiếp đó, những “lái tóc” ở Đông Bích phải thuê xe chở lên cửa khẩu Tân Thanh, sau khi làm thủ tục xuất khẩu cho lô hàng xong ở cửa khẩu này thì A Tuấn sẽ giao tiền luôn tại biên giới. A Tuấn cho biết, mặt hàng tóc luôn luôn trong tình trạng sốt nên các “lái tóc” Trung Quốc cạnh tranh nhau khủng khiếp.
Vì vậy, hàng ngày những tay “lái tóc quốc tế” như A Tuấn phải thường xuyên đi thăm nắm tình hình từng nhà buôn bán tóc ở Đông Bích. A Tuấn cho hay ở Đông Bích, năm năm trở lại đây không những chỉ có lái tóc Trung Hoa đến khai thác nguồn hàng mà còn có sự góp mặt của những “lái tóc” Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia…
Chủ buôn tóc Nguyễn Thị Chắt cho hay, mấy năm gần đây việc mua bán tóc phải đi đến những vùng xa. Nếu như trước kia, người dân Đông Bích chỉ quanh quẩn mấy tỉnh lân cận hoặc lặn lội lên những phiên chợ vùng cao mua tóc thì nay người dân Đông Bích còn cử người lặn lội sang cả Lào, Campuchia mua tóc. Thậm chí, hai hộ buôn tóc lớn ở Đông Bích là hộ gia đình anh Thuỷ – Dũng và Tính – Huy còn mở hẳn một… văn phòng đại diện ở Thái Lan để giao dịch.
Hôm chúng tôi về Đông Bích, sau chầu bia với một anh lái tóc trẻ tuổi, anh này cho hay anh vừa trúng quả đậm vì mua được tóc cả hàng ngàn công nhân may của một nhà máy trong khu công nghiệp ở tỉnh Phú Thọ. Với lý do, anh đã “chơi đẹp” với một giám đốc của nhà máy nọ. Và vị giám đốc ra một cái lệnh “tất cả các nữ công nhân phải cắt tóc ngắn, để phòng ngừa tai nạn lao động, cuối tuần công đoàn nhà máy sẽ tổ chức cắt tóc miễn phí cho các chị em”. “Thế là tôi chỉ việc đánh xe ôtô chờ sẵn ở cửa nhà máy, khà khà” – gã “lái tóc” mặt đỏ lựng vì bia, cười nhăn nhở.
Khó ai đoán được thu nhập của những hộ buôn tóc làng Đông Bích, chỉ biết rằng cả làng không có hộ nghèo, trừ vài ba hộ có nhiều người tàn tật, mất khả năng lao động. Bên cạnh đó, mỗi ngày có hàng trăm người lao động các làng lân cận đến làm thuê gỡ tóc rối cho người dân Đông Bích với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng. Về Đông Bích, người phương xa dễ nhầm là đi lạc vào khu biệt thự, đô thị chứ không phải về làng quê thuần nông.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị