Làng bị ‘ma ám’: Ngỡ ngàng 10 năm hết ‘lời nguyền’
Xóm Đầu dính “kiếp nạn” cứ vật nuôi bốn chân là lăn đùng ra chết không lý do kéo dài đúng… 10 năm. Đến năm 2007, hiện tượng này bỗng dưng chấm dứt trong niềm hạnh phúc đến ngỡ ngàng của bà con.
Chẳng biết có phải ông thầy phong thủy “hóa giải” hay “trời thương” không “đùa giỡn” với người dân xóm Đầu, thôn Sơn Quả (xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang)nữa hay không, sang năm 2007, hiện tượng gia súc bốn chân chết “bất thình lình” đã được xóa sổ, sau tròn 10 năm rõng rã.
Giờ, xóm Đầu đã trở lại như bao thôn xóm khác, đường thôn, ngõ xóm cũng đầy phân trâu phân bò, và những cái ao làng bắt đầu ô nhiễm vì nước thải nuôi lợn chưa được xử lý!
Chủ tịch xã Trần Quang Hán phấn khởi kể: “Xóm Đầu đã nuôi lại được gia súc bốn chân rồi. Có cả mô hình trang trại nuôi lợn quy mô lớn, nhiều nhà có cả đàn trâu, đàn bò chục con trong chuồng…, vui lắm”.
Đích thân ông phó thôn dẫn tôi đi mục sở thị những con vật bốn chân đã “sống” được ở xóm Đầu sau 10 năm bị… “ma ám”.
Rồi, để “thêm một lần khẳng định”, chủ tịch xã Lương Phong gọi điện cho anh cán bộ thú y xã Đoàn Văn Tứ, người thôn Sơn Quả đưa chúng tôi đi mục sở thị.
Nhà anh Tứ ở ngay đầu làng, cách “làng ma ám” xóm Đầu ngày xưa vài trăm mét. Anh Tứ bảo: chuyện ngày xưa lạ lắm, lúc ấy tôi là bác sỹ thú y, chỉ lo chữa gia súc ở xóm Đầu mà đã chẳng còn thời gian làm việc gì. Còn hơn bệnh dịch, vì nó dai dẳng triền miên chục năm trời, lại không tìm được nguyên nhân của bệnh.
Khi ấy, những vật nuôi bốn chân ở xóm Đầu đều chung một biểu hiện trước khi chết: chúng đều rất khỏe mạnh, không bị tật bệnh, chỉ lên cơn rống lên vài phút thì chết; có đàn lợn còn “phi” qua cả cửa chuồng cao hơn mét, ra đến giữa sân thì giãy đành đạch. “Những bệnh ấy thuộc về bệnh não” – anh Tứ kết luận.
Xóm Đầu đã có thể chăn nuôi quy mô trang trại để làm kinh tế hộ gia đình.
Con đường vào xóm Đầu vẫn còn nguyên màu đất gan gà của vùng trung du. Cánh đồng lúa thì con gái xanh rì, ngút mắt. Cuối ngày, nắng chiều chếch nghiêng càng khiến những con bò đang thủng thẳng gặm cỏ nổi bật giữa nền xanh của lúa con gái tựa như những hạt đỗ tương ai đó rắc ra một cách không chủ ý.
Video đang HOT
Những đàn trâu, đàn bò khác đã no cỏ, được chủ lùa về cột ở rệ đường, thủng thẳng nằm nhai lại.
Ông phó thôn Lưu Văn Lần nhẩm tính: cả thôn giờ đàn lợn thì không tính hết, chó mèo nhà nào cũng nuôi vài con, còn trâu bò cũng lên tới cả trăm con, có nhà nuôi cả đàn.
Người dân bắt đầu chăn thả bèo để nuôi lợn…
Tuy nhiên, đã có những lời phàn nàn vì nhiều hộ nuôi lợn để phân thải tràn ra ngoài, gây ô nhiễm ao làng, ngõ xóm – những điều mà 10 năm trước đó xóm Đầu có “nằm mơ” cũng không được…
Ông Lần đích thân đưa chúng tôi qua nhà anh Khánh, hộ nuôi lợn quy mô trang trại lớn nhất xóm. Đàn lợn siêu nạc vài chục con, anh Khánh nuôi trong ba dãy chuồng bằng cám công nghiệp, có đường ống dẫn nước đến từng máng.
Đàn lợn này, cứ vài ba tháng anh lại xuất được một lứa, sản lượng lên đến cả chục tấn. Làng quê cảm giác như thêm chật chội, vì dọc đường vào làng, cứ phải dừng xe tránh con trâu, con bò lơ đễnh nằm giữa đường, không chịu tránh…
Một cụ già tôi gặp ở ngay cái ao sau nhà chủ trại lợn tên Khánh, xoắn xuýt bảo: các anh kiến nghị thế nào để cái ao này nó không bị ô nhiễm nữa, chứ cứ ngày mưa, nước ngập vào hết sân nhà hàng xóm, toàn mùi phân lợn hôi thối lắm!
Cuộc sống êm đềm trở lại. Ngôi miếu trong xóm được bà con tu sửa để làm chốn tâm linh chung cho cả xóm, không còn bị “đổ vấy” là nguyên nhân “vật cổ chết” đàn gia súc bốn chân của cả làng nữa.
Ông Lần bảo: nói anh không tin, chứ cái đận ấy, các nhà báo tìm về hỏi chuyện tôi nhiều lắm. Xóm Đầu nổi tiếng ra tận thế giới. Mấy cháu trong xóm đi xuất khẩu lao động bên nước ngoài gọi điện về hỏi thăm tình hình vì đọc báo nên biết chuyện.
“Không phải nói ngoa, nhưng cái bình gốm cắm hoa của nhà tôi, trong một tuần đã đầy chặt cac-vi-dit của các phóng viên, báo đài về hỏi chuyện. Một anh phóng viên vẫn thường hay liên lạc với tôi, và vẫn hứa hẹn, hôm nào đó sẽ về lại xóm Đầu để viết về “xóm Đầu nuôi lại được trâu bò”.
Tôi cũng mong, là xóm Đầu sẽ mất đi cái tiếng “làng ma ám”, chứ không thì cũng buồn lòng lắm” – ông cán bộ xóm hiền lành bảo.
Kiên Trung
Theo_VietNamNet
Bí ẩn ngôi làng cứ nuôi con "4 chân" là chết
Hiện tượng động vật bốn chân xóm Đầu tự nhiên lăn ra chết trở thành nỗi lo khiến cả làng tìm đủ phương sách mà không có kết quả.
Một người dân đang vớt bèo về nuôi lợn - hạnh phúc giản gị mà 10 năm liền người dân xóm Đầu mới lại có được
Thời gian đầu, người ta bán tín, bán nghi là xóm Đầu (xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) bị "động long mạch" mà nguyên nhân chính là việc thay đổi hướng miếu.
Ngôi miếu đầu xóm một thời gian bị "vấy tội" là nguyên nhân khiến trâu bò, gia súc bốn chân trong làng lăn ra chết, vì động long mạch!
Số là, khi người dân trong xóm làm ăn khấm khá, mới họp nhau để xây lại miếu của xóm cho khang trang, đồng thời chuyển hướng nhìn ra đường cái. Thời điểm miếu xây xong trùng với thời điểm xảy ra hiện tượng gia súc chết không có lý do nêu trên, nên " nguyên nhân" của mọi tai ách được chỉ ra là "chạm long mạch"! Người dân lại gom tiền, gom của để mời thầy cúng về để cúng giải hạn.
Đàn tế được lập ra, thầy cúng chặt đầu hai con chó mực vứt xuống giếng gần miếu thờ để "yểm". Thế mà, đâu vẫn hoàn đấy. Lời hứa của thầy cúng: "ba năm sau mới lấy tiền, không hết không lấy tiền" còn chưa hết "hiệu lực", đàn gia súc lại lăn ra chết nhiều hơn.
Chúng đều chung một biểu hiện: nổi điên, kêu la ầm ĩ, chạy toán loạn, sùi bọt mép rồi chết ngay tức khắc... Chết đến cạn kiệt cả con giống, chỉ trừ loài hai chân như ngan, gà, vịt và hai loài bốn chân duy nhất là... chuột và mèo. Ông thầy cúng cũng không thấy trở lại xóm... lấy tiền công.
Nhưng, một điều lạ lùng khác là trong 34 hộ dân xóm Đầu, gia đình anh Nguyễn Văn Tâm là hộ duy nhất nằm ngoài vùng tai ách. Trong khi hàng xóm của anh cứ cách hai tháng lại có thịt chó, thịt lợn mang cho, đến nỗi, nhà ai ngày nào mang thịt con gì cho nhà anh, anh nhớ rõ hơn những con vật mà anh nuôi trong vườn, trong chuồng.
"Trả nghĩa" bà con, anh nhận lời cho bà con mang gia súc đến nuôi nhờ. Ngặt nỗi, ở trong địa phận nhà anh không sao, nhưng cứ "bước" về nhà gia chủ, chúng lại lăn ra chết. Người thì bảo, khi xóm xây miếu mới, anh Tâm trễ nải việc đóng góp, nên không bị "ngài" giáng phạt.
Người lại bảo, anh năng nổ, đi đầu và thành tâm, nên được "ngài" giúp. Trong khi người dân xóm Đầu cứ miên man trong cơn mê để tìm lời giải thích cho tai vạ nhà mình thì đàn gia súc nhà anh Tâm vẫn lớn như thổi, khoẻ mạnh và sinh đàn, sinh lũ trong chuồng!
Không còn hiếm để bắt gặp những con trâu, con bò ở xóm Đầu, thôn Sơn Quả nữa...
Cách xóm Đầu một con đường xóm rộng 1,5 mét, các xóm khác như xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Đông, chuyện gia súc "đột tử" là một hiện tượng... xa lạ. Cùng một xã, một vùng nên cách chăn thả, kinh nghiệm nuôi, chăm sóc, nguồn nước... của các xóm trên chẳng có gì khác biệt; bèo, muống nuôi lợn cũng lấy từ cùng một cái ao..., thế nên "cái sự lạ" của xóm Đầu càng thêm màu sắc huyền bí.
Lập đàn tế không xong, mời thầy cũng không được, việc nhà nông không có con trâu, con bò kéo cày không làm được. Người xóm đầu "linh hoạt" đi mượn trâu, bò của người xóm khác về cày, bừa. Lạ lùng hơn, ngoài đồng ruộng, chúng kéo cày phăm phăm, thế nhưng khi buộc vào chuồng của xóm, chúng lại "quỵ gối" chết không lý do.
Một tiền gà, ba tiền thóc, xóm Đầu lại "kéo cày trả nợ". Người xóm khác cũng không dám cho xóm Đầu mượn trâu, mượn bò nữa. Xóm Đầu "miễn cưỡng" phải "cơ giới hoá" trong nông nghiệp. Không ai còn dám để trâu, bò trong nhà. 10 năm liền, những "cái lạ" lại tiếp tục xuất hiện...
Đầu tháng 8 năm 2005, sau đám cưới cháu gái bà Hạo trong xóm, người xóm Đầu còn chưa "giã" bữa rượu mừng hỷ thì lại phải lo " xử lý" đàn chó chín con rủ nhau chết.
Theo lời kể của anh Lần, 9 con chó lăn quay chết không lý do. Rồi thành lệ, trong xóm cứ có giỗ chạp, ma chay, hiếu hỉ thì y như rằng trở thành " ngày giỗ" của loài bốn chân. Đến nỗi, hễ có ngày trọng đại, người xóm Đầu lại chuẩn bị dao thớt để giải quyết "hậu quả" được báo trước!
Mấy hộ dân xóm Đầu chuyển sang xóm khác sinh sống "tai vạ" lại theo họ sang xóm mới. Thành thử, chuyện vãn bên ấm trà của người xóm Đầu, bao giờ cũng là những câu chuyện nhà này, nhà kia chết con gì. Người xóm Đầu "được tiếng" không có "tay" chăn nuôi!
Cực chẳng đã, xóm Đầu phá bỏ ngôi miếu vừa mới xây, trả lại hiện trạng cũ, hướng cũ nhìn ra cánh đồng. Ngôi miếu nhỏ bé trở lại như cũ. Những tưởng, thế là yên tâm, gia súc sẽ không chết, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Xóm Đầu lại " buồn chân, buồn tay" vì "nhàn cư" những lúc hết mùa vụ!
Theo Xahoi
Ngày ấy, 98 thanh niên đã bị vùi lấp như thế... Ngày 3/1/1978, trên công trường cải tạo cống Hiệp Hòa (Hòa Sơn, Đô Lương, Nghệ An), một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra vùi lấp 98 thanh niên... Mái kênh, nơi xẩy ra vụ lở đất khiến 98 thanh niên thiệt mạng. 35 năm sau, câu chuyện tri ân những lớp thanh niên đã ngã xuống trên công trình Hiệp Hòa...