Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Luôn tâm niệm giá trị của tiếng Việt cần được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ người Việt trẻ, chị Ngô Kim Việt, một Việt kiều sinh sống hơn 40 năm nay tại bang Maryland, Mỹ đã tham gia các lớp dạy tiếng Việt cho các cháu nhỏ người Mỹ gốc Việt từ năm 1995.
Chị Ngô Kim Việt tại nhà riêng bang Virginia, Mỹ. Ảnh: Hồng Nguyên/PV TTXVN tại Washington D.C
Vốn yêu quý tiếng Việt và mong muốn giữ được tiếng mẹ đẻ cho các cháu nhỏ, chị Kim Việt đã gắn bó với công việc dạy tiếng Việt cho đến tận hôm nay.
Theo thống kê chưa đầy đủ ở Mỹ hiện có gần 200 cơ sở, trung tâm dạy tiếng Việt, tập trung ở các bang đông người Việt sinh sống như California, Texas, Washington… nhưng chủ yếu vẫn trông chờ vào đội ngũ giáo viên tình nguyện, chủ yếu theo mô hình nhỏ lẻ, tự phát. Tại các trung tâm dạy ngôn ngữ nước ngoài của Mỹ mới chỉ có các lớp dạy tiếng Việt cho những nhà ngoại giao, những người Mỹ chuẩn bị sang Việt Nam làm việc.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Washington D.C, chị Kim Việt cho biết việc dạy tiếng Việt đến với chị bắt nguồn từ tình cảm với quê hương, đất nước và chị luôn tâm niệm giá trị của tiếng Việt cần được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ người Việt trẻ.
Không đành lòng khi thấy những người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ dần sao nhãng với tiếng Việt, không có trường dạy tiếng Việt, không có môi trường để nói tiếng Việt ngoài gia đình, rồi cuộc sống bận rộn, mỗi người đều có công việc riêng của mình, khó ai có thời gian rảnh để dạy và không phải ai cũng có sư phạm, có chuyên môn để dạy ngôn ngữ… Thế là chị Kim Việt trở thành “cô giáo bất đắc dĩ”, tình nguyện dạy tiếng Việt cho các cháu nhỏ trong các gia đình người Việt, dạy trong các nhà thờ theo phong trào hướng đạo…
Năm 2014, những người cháu trong gia đình chị đến tuổi trưởng thành đi làm và có những chuyến trở về Việt Nam. Là người Việt nhưng họ lại phải thuê phiên dịch tiếng Việt trong những chuyến đi về Việt Nam. Chị Kim Việt quyết định dạy cho các cháu của mình qua zoom, cốt sao trong những chuyến đi Việt Nam sau này họ sẽ có thể nghe hiểu và giao tiếp được bằng tiếng Việt.
Tường Long, cháu ruột của chị, sau vài tháng được dì Việt dạy học đã có thể đọc tiếng Việt khá lưu loát. Tường Long chia sẻ: “Giờ trong đám bạn Việt Nam của con thì con là người giỏi tiếng Việt nhất. Dì vừa dạy tiếng Việt vừa dạy cả văn hóa của Việt Nam cho con. Con thấy tiếng Việt đã giúp ích cho con rất nhiều. Lúc nhỏ sống với bố mẹ, con chỉ nghe hiểu được rất ít. Lớn lên có vợ thì vợ con là người Việt nhưng không nói được tiếng Việt, đi làm cũng chỉ nói tiếng Anh. Có lần công ty của con biết con là người Việt Nam nên gọi con ra dịch cho khách hàng là người Việt không biết nói tiếng Anh, nhưng con lại không biết tiếng Việt. Trong chuyến đi làm từ thiện tại Sapa cùng các bạn tại Việt Nam, con đã phải thuê phiên dịch tiếng Việt… Vậy nên con sẽ cố gắng học giỏi tiếng Việt để làm phiên dịch cho vợ và các bạn của con. Nhất định khi có con thì con sẽ dạy cho nó nói tiếng Việt”.
Chị Kim Việt cũng tham gia dạy thêm tiếng Việt tại các trung tâm ngôn ngữ của Mỹ những lúc có thời gian rảnh rỗi. Chị tự mày mò tìm mua những cuốn sách dạy tiếng Việt, những cuốn sách về văn hóa, lịch sử Việt Nam, tham khảo thêm các hình ảnh, video trên mạng để soạn giáo án của riêng mình. Mặc dù là nghề tay trái và gần như thu nhập bằng không, nhưng bằng niềm đam mê yêu quý tiếng Việt, chị muốn được truyền bá và lưu giữ nét đẹp của tiếng Việt, có lẽ vì thế mà việc dạy học của chị cứ ngày một lan tỏa.
Chị rất vui mừng vì mới đây chị đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ mời tham dự lớp học về tiếng Việt trực tuyến do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cho những người Việt ở nước ngoài. Dù lệch múi giờ, lớp học bắt đầu lúc 5h sáng theo giờ miền Đông nước Mỹ nhưng chị Việt không bỏ lỡ một buổi học nào, bởi với chị đây là cơ hội vô cùng quý giá, bổ khuyết cho chị vốn kiến thức chuyên sâu về ngữ pháp tiếng Việt và phương pháp sư phạm đúng cách.
Chị Kim Việt đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều câu chuyện thú vị và những thành quả mà tiếng Việt mang lại cho những người học trò của chị. Tiếng Việt đã giúp cho cậu cháu Tường Long tự tin về thăm Việt Nam không cần phải thuê phiên dịch nữa; Tiếng Việt đã giúp cho một người cháu khác giúp cho công ty Mỹ ký được hợp đồng với đối tác ở Việt Nam; Tiếng Việt giúp cho một Cha đạo người Mỹ có thể nói chuyện được với các con chiên người Việt, hiểu biết nhiều hơn về đất nước, văn hóa của Việt Nam; Tiếng Việt giúp cho những người Việt sinh sống tại Mỹ có thể giúp đỡ cho những người Việt không nói được tiếng Anh…
Chị Kim Việt và những kiều bào đang tham gia vào công việc dạy tiếng Việt tại Mỹ đã khơi dậy tinh thần học tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giới trẻ bằng tình yêu quê hương của mình. Họ giúp cho thế hệ người Việt trẻ hiểu được sự cần thiết và giá trị của việc học và duy trì tiếng Việt bởi nó không chỉ là ngôn ngữ của người Việt, mà còn là gốc rễ, là nguồn cội của dân tộc. Qua việc học tiếng Việt sẽ giúp cho các bạn trẻ hiểu được văn hóa, những nét đẹp bản sắc của Việt Nam.
Video đang HOT
Chị Trịnh Hoàng Minh, cán bộ Ngân hàng Thế giới tại Washington trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Hồng Nguyên/PV TTXVN tại Washington D.C
Chị Ngô Kim Việt chia sẻ: “Cách dạy tiếng Việt của tôi là thông qua những bài học về lịch sử, về văn hóa truyền thống, những hình ảnh lễ hội văn hóa đặc sắc của Việt Nam để qua đó giáo dục truyền thống dân tộc, vừa dễ tiếp thu vừa khám phá thêm đời sống văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc vùng miền, qua đó quảng bá được hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…”.
Các học trò người Mỹ của chị học tiếng Việt vì yêu Việt Nam, vì thích ngữ điệu trầm bổng nghe như tiếng hát, nhưng họ đều cho rằng tiếng Việt là ngôn ngữ rất khó.
Chị Trịnh Hoàng Minh, một cán bộ của Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C, cũng đã tự dạy kèm tiếng Việt cho con mình và các con em của những người đồng nghiệp ở bang Virginia. Chị chia sẻ cảm thấy hạnh phúc khi thấy các con mình, các cháu bé hứng thú với việc học tiếng Việt. Chị cũng nhận được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ hỗ trợ sách hướng dẫn dạy và học tiếng Việt. Đến khi dịch COVID-19 ập đến, lớp học nhỏ của chị đã phải dừng lại. Đại sứ quán Việt Nam đã hướng dẫn nhóm của chị duy trì việc học tiếng Việt trực tuyến theo đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sự phát triển của công nghệ đã xóa nhòa mọi khoảng cách, giờ đây người Việt tại Mỹ mọi lứa tuổi không cần phải đến các lớp học tập trung ở nhà thờ hay những ngôi chùa mà có thể dễ dàng học tiếng Việt qua mạng, trong các lớp học trực tuyến của những người tâm huyết với tiếng Việt như chị Kim Việt hoặc từ các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Cách học này vừa thiết thực, hiệu quả, vừa dễ tiếp cận với thế hệ người Việt trẻ, góp phần duy trì và phát huy ý thức hướng về cội nguồn, tình cảm hướng về quê hương, đất nước và giữ gìn bản sắc dân tộc. Có thể thấy ngôn ngữ cũng giống như ẩm thực hay áo dài đều là những con đường nhanh nhất đưa mọi người về với cội nguồn, tiếp cận với văn hóa và bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.
Những người con xa quê đã tìm ra muôn vàn cách để giúp con em mình nói và lưu giữ tiếng Việt. Chính những việc làm tưởng như đơn giản đó lại đang góp phần lưu truyền ngôn ngữ Tiếng Việt, qua đó quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Để thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở Nhật sẽ vẫn biết nói tiếng Việt, vẫn biết yêu Tết Việt
Cộng đồng người Việt tại Fukuoka luôn tâm niệm về việc giữ gìn và tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam, gìn giữ ngôn ngữ tiếng Việt... Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch hội người Việt Nam tại Fukuoka, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG, về vấn đề này.
Ông Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG giới thiệu về Chương trình Xuân quê hương 2024. Ảnh: NVCC
Thưa ông, xin ông chia sẻ về các hoạt động nhân dịp Tết Giáp Thìn của cộng đồng người Việt tại Fukuoka để giúp người Việt ở đây gắn kết và hướng về quê hương?
Học viện Nhật ngữ GAG có gần 500 du học sinh quốc tế, đến từ 20 quốc gia trên thế giới và gần 300 du học sinh người Việt Nam đang theo học. Tết đến, Xuân về là dịp đặc biệt với các du học sinh đến từ châu Á, trong đó có du học sinh người Việt Nam.
Dịp Tết Nguyên đán, trường tổ chức các hoạt động như: Trang trí tiểu cảnh Tết, gói bánh chưng, lì xì và tổ chức tiệc tất niên để cho các giảng viên người Nhật hiểu thêm về văn hoá Việt Nam. Đây cũng là dịp để sinh viên Việt Nam giới thiệu những phong tục, tập quán của người Việt Nam với bạn bè Nhật Bản nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.
Chương trình Xuân Quê Hương 2024 - Tết Việt Nam tại Fukuoka lần thứ 5, là một trong những sự kiện Tết Việt lớn nhất tại Nhật Bản. Năm nay, Học viện Nhật Ngữ GAG đã đồng hành và tài trợ cho chương trình này với rất nhiều điểm nhấn như: "Tuần lễ áo dài tại Fukuoka từ 18 - 21/01/2024" nhằm quảng bá văn hóa áo dài Việt Nam, đồng thời quảng bá cho du lịch của Fukuoka và Kyushu; "Thiết lập kỷ lục 1.500 người Việt Nam Nhật Bản mặc áo dài Việt Nam xếp bản đồ Việt Nam vào ngày 20/01/2024". Chương trình lập kỷ lục này để thể hiện rõ tình cảm sâu sắc, tình hữu nghị của Việt Nam - Nhật Bản ngày càng bền chặt, đoàn kết và vì hòa bình trên toàn thế giới; "Lễ hội Tết Xuân Quê Hương 2024" vừa diễn ra trong hai ngày 20 - 21/1.
Hoạt động trình diễn áo dài có quy mô lớn trong "Chương trình Xuân quê hương 2024" tại Nhật Bản. Ảnh: TTXVN
Chương trình Lễ hội Xuân quê hương tại Fukuoka 2024 không chỉ tổ chức cho cộng đồng người Việt tại khu vực Kyushu, Okinawa nói riêng, mà chúng tôi mong muốn thông qua chuỗi hoạt động này sẽ nhiều cơ hội quảng bá ẩm thực, giao lưu văn hóa đến với đông đảo người dân Fukuoka và cộng đồng các bạn nước ngoài tại khu vực Kyushu.
Thông qua lễ hội này, Ban tổ chức mong muốn quảng bá cho khách du lịch quốc tế, cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới biết đến tỉnh Fukuoka là một điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và là 1 thành phố đáng sống tại Nhật Bản.
Trong năm qua, những hoạt động giữ gìn tiếng Việt đã được triển khai và phát huy hiệu quả như thế nào, thưa ông?
Năm 2023, tại tỉnh Fukuoka nói riêng và khu vực Kyushu nói chung, hoạt động dạy và học tiếng Nhật cho các cháu thiếu nhi gốc Việt diễn ra rất sôi nổi và được chuẩn bị một cách chu đáo, bài bản.
Theo như chia sẻ của bà Vũ Chi Mai, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản vượt con số 500.000, trở thành cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài lớn thứ hai thế giới, chỉ sau cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Tại khu vực Tây Nam Nhật Bản, gồm 7 tỉnh và Okinawa, số lượng người Việt Nam khoảng có hơn 50.000 người và có chiều hướng tăng, do chính sách thu hút nguồn lao động từ nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản. Với sự gia tăng về số lượng như vậy, không ít những gia đình người Việt đã hình thành tại đây, để rồi thế hệ trẻ em gốc Việt thứ 2, thứ 3 được ra đời.
Theo số liệu thống kê năm 2022, hiện nay số trẻ em từ 0 đến 15 tuổi người Việt Nam được sinh ra tại khu vực tỉnh Fukuoka là hơn 1.000 cháu. Các cháu sẽ theo học tại các trường học của Nhật từ mầm non, tiểu học và sử dụng tiếng Nhật để học tập, sinh hoạt là chính, nên cơ hội sử dụng tiếng Việt hầu như rất ít, dẫn đến việc mai một tiếng Việt và không hiểu về văn hoá Việt Nam. Đặc biệt, nếu phụ huynh, gia đình không sát sao, chú trọng trong việc dạy Tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ, nguy cơ phai nhạt giá trị cội nguồn là điều khó tránh khỏi ở trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3.
Chương trình Xuân quê hương 2024 tại Fukuoka, Nhật Bản được xem là chương trình lớn của cộng đồng người Việt ở Nhật. Ảnh: NVCC
Hiểu thực trạng đó, mong muốn gìn giữ và phát huy ngôn ngữ - văn hóa dân tộc, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và Hội người Việt Nam tại Fukuoka có rất nhiều các buổi họp, trao đổi và đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện, chương trình như: Hội thảo quốc tế "Tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt và văn hoá Việt cho trẻ em Việt Nam tại Khu vực Kyushu"; mời các chuyên gia, giáo sư hàng đầu để xây dựng và triển khai "Khoá học phương pháp giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt cho trẻ em người Việt Nam tại Kyushu" để đào tạo phương pháp giảng dạy bài bản cho phụ huynh, giáo viên tình nguyện và đặc biệt đã thành lập Ban tiếng Việt của Hội người Việt Nam tại Fukuoka để sẵn sàng cho nhiệm vụ giáo dục tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em gốc Việt tại Nhật. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ và đặc biệt quan tâm của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka - Nhật Bản.
Tổng lãnh sự Vũ Chi Mai đã gửi lời chúc mừng đến Ban tiếng Việt của Hội và cho biết Tổng lãnh sự quán rất kỳ vọng và sẽ luôn đồng hành, trợ giúp duy trì lớp học tiếng Việt và văn hóa Việt mang tên "Tiếng Việt của em".
Buổi lễ khai giảng lớp học "Tiếng Việt của Em" được diễn ra với sự tham gia của 30 học sinh và 50 các bậc phụ huynh. Đây là sự mở đầu tích cực trong hành trình lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đến thế hệ tương lai, cũng như lời khẳng định "Dù bạn sinh ra, lớn lên ở đâu thì dòng máu Việt Nam vẫn chảy trong mình, ngôn ngữ và văn hóa Việt vẫn thấm nhuần trong tư tưởng. Đó là kim chỉ nam cho mỗi bước đi trong cuộc đời chúng ta". Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) ra mắt tủ sách tiếng Việt, đặt tại trụ sở Tổng lãnh sự quán. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài dành cho người mới học tiếng Việt, người dạy tiếng Việt, những người nghiên cứu tiếng Việt trong cộng đồng.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục triển khai các cấp độ tiếp theo của bộ sách "Chào tiếng Việt" để đảm bảo đầy đủ tài liệu dạy học theo 6 bậc năng lực trong chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đồng thời, nghiên cứu một số phương án dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam, học sinh nước ngoài có mong muốn học tiếng Việt ở một số địa bàn đặc thù...
Chúng tôi mong muốn được nhận được sự giúp đỡ của các Cơ quan đại điện, Uỷ Ban Nhà nước về người Việt Nam tại Nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan để có thể nhân rộng các lớp tiếng Việt trong khu vực trong năm 2024 tới với quy mô và chất lượng tốt hơn nữa.
Là một người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản, xin ông chia sẻ cảm xúc nhân dịp dịp Tết đến Xuân về. Với vai trò của mình, trong những năm qua, ông đã nỗ lực như thế nào trong việc gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản?
Tôi đến Nhật cách đây 18 năm trước. Đối với người con xa quê hương, mỗi dịp Tết đến Xuân về rất nhớ nhà, nhớ quê hương Việt Nam. Nếu có điều kiện, tôi đều về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Nhưng nếu không thu xếp được, chúng tôi cùng nhau tổ chức chương trình đón Tết ở du Xuân, để gìn giữ văn hóa Việt Nam, hơn cả là lan tỏa không khí ấy tới những bạn nhỏ.
Ông Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG tại chương trình Xuân quê hương 2024. Ảnh: NVCC
Tôi cũng là Chủ tịch hội người Việt Nam tại Fukuoka, nên sau giờ phút giao thừa, chúng tôi cũng đến nhà của anh chị em trong cộng đồng để chúc mừng năm mới. Điều này nhằm tăng thêm tình đoàn kết đồng hương, gắn kết và động viên nhau trong năm mới.
Là hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên tại Nhật, tôi ý thức được niềm tự hào riêng có của cá nhân và những trách nhiệm của mình đối việc trở thành cây cầu nối giáo dục của hai quốc gia. Tôi luôn nhắc nhở mình bằng câu nói: "Tiếng Việt còn thì văn hoá còn, văn hoá còn thì dân tộc còn". Do đó, tôi luôn nỗ lực gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng.
Một điểm nhấn mà tôi luôn nhớ trong quá trình chung tay gìn giữ tiếng Việt ở Nhật. Đó là, sau một quá trình chuẩn bị công phu và bài bản, ngày 10/6/2023, tại Học viện Nhật ngữ GAG, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và Hội người Việt Nam tại Fukuoka - Nhật Bản đã chính thức khai giảng lớp học "Tiếng Việt của em", với sự tham gia của 30 cháu thiếu nhi người Việt. Lớp học tiếng Việt này được tổ chức vào thú 7 hàng tuần, tại chính Học viện Nhật ngữ GAG.
Tôi luôn tâm niệm rằng, không phải cứ trở về Việt Nam cống hiến mới là yêu nước. Do đó, với cương vị là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, tôi luôn nỗ lực vì cộng đồng người Việt tại đây. Lớp học tiếng Việt hay các sự kiện giao lưu văn hóa Việt - Nhật, chính là minh chứng cho tấm lòng của người con xa xứ đối với quê hương, đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lê Vân (thực hiện)
Một chính khách gốc Việt chia sẻ thành công với giới trẻ Việt Nam tại Pháp Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cuối tuần qua tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris, chị Stéphanie Đỗ, nữ nghị sĩ Quốc hội gốc Việt tại Pháp, nhiệm kỳ 2017-2022, đã có buổi gặp gỡ với Hội sinh viên và thanh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), cùng đông đảo bà con kiều bào tại nước này để...