Diệu Giác – Ngôi chùa Ni đầu tiên của người Việt tại Lào
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, tối 12/11, tại thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Lào đã tổ chức lễ khánh thành công trình Tam bảo tại chùa Diệu Giác.
Đây là một trong ba ngôi chùa Việt được cộng đồng người Việt xây dựng tại tỉnh Savannakhet, Trung Lào.
Chùa Diệu Giác nằm cạnh một ngã tư đường ở thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannekhet. Ảnh: Đỗ Bá Thành/Pv TTXVN tại Lào
Tham dự có đại diện Liên minh Phật giáo tại tỉnh Savannakhet; Ban Điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet; đại diện các ban, ngành liên quan của tỉnh Savannakhet, cùng đông đảo đông đảo bà con Phật tử Việt Nam và phật tử Lào đang làm ăn sinh sống tại địa bàn và tại Lào.
Dự án xây dựng Tam bảo chùa Diệu Giác được triển khai từ tháng 1/2022 với tổng vốn đầu tư khoảng 8,2 tỷ đồng Việt Nam do các chư tăng ni và phật tử trong và ngoài nước đóng góp. Sau gần 2 năm xây dựng, ngôi chùa này đã hoàn thành việc trùng tu, nâng cấp đủ điều kiện thuận duyên để tổ chức tu học Phật pháp, làm trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trao đổi văn hóa và tìm hiểu giáo lý Phật đà cho cộng đồng phật tử hai nước Việt Nam – Lào.
Sư cô Hương Phước, Phó Trụ trì chùa Diệu Giác. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào
Video đang HOT
Chùa Diệu Giác là ngôi chùa Ni đầu tiên của người Việt tại Trung Lào, được những người Việt sang lập nghiệp định cư tại đây xây dựng theo kiến trúc thuần Việt từ những năm 30 của thế kỷ trước. Trong gần 100 năm qua, ngôi chùa này đã là nơi sinh hoạt tôn giáo không chỉ của bà con Phật tử người Việt Nam, mà còn của các Phật tử người Lào.
Là một người dân sinh sống tại thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, bà Daonouly Boupphavanh thường xuyên đến các chùa Việt trong tỉnh để tham dự các sự kiện tôn giáo. Theo bà Daonouly, sở dĩ bà hay lui tới các chùa Việt là do người Lào và người Việt có quan hệ rất đoàn kết và gắn bó với nhau, nên mỗi khi các chùa Việt tổ chức lễ hội gì bà cũng đến tham dự.
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào, trong thời gian tới, Ban điều phối sẽ nỗ lực hơn nữa để phát triển thêm các chùa tại những tỉnh có cộng đồng người Việt sinh sống, để những ngôi chùa vừa là cầu nối văn hóa, vừa là nơi gắn kết cộng đồng người Việt nói riêng và gắn kết giữa hai Giáo hội và giữa hai dân tộc về lâu dài nói chung.
Các nhà sư tại lễ thành Tam bảo chùa Diệu Giác. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào
Theo số liệu của Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện tại Lào có 15 ngôi chùa Việt trải dài từ Bắc, Trung cho tới Nam Lào với khoảng 20 chư tăng, ni.
Tất cả các ngôi chùa Việt tại Lào đều là thành viên của Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào và có quan hệ chặt chẽ với Hội người Việt Nam tại địa phương. Hoạt động của các chùa Việt tại Lào đều phù hợp với phong tục tập quán của Lào và Phật giáo.
Các hoạt động văn hóa, tâm linh và Phật giáo của các ngôi chùa Việt không chỉ đang ngày càng thu hút đông đảo cộng đồng người Việt Nam và người Lào tham gia, mà còn là nơi tập hợp, đoàn kết bà con, động viên và hỗ trợ bà con gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn, đất nước, quê hương, đồng thời thúc đẩy vai trò cầu nối quan hệ hữu nghị nhân dân và Phật giáo giữa hai nước Việt Nam – Lào anh em.
Xây dựng cộng đồng gắn kết phụ nữ Việt Nam tại Malaysia
Tối 22/10, Ban Liên lạc cộng đồng người Việt tại Johor, Malaysia đã tổ chức buổi lễ gặp mặt, chúc mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Buổi lễ được tổ chức đầm ấm và lịch sự, thu hút được khoảng 300 người tham dự.
Tham tán - Người thứ Hai Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Thị Ngọc Anh (ngoài cùng bên trái) tặng hoa chúc mừng Ban Liên lạc người Việt tại Johor nhân ngày 20/10 tại sự kiện.
Phần tham vấn về luật hôn nhân gia đình cho phụ nữ nước ngoài nói chung và những cô dâu Việt nói riêng của luật sư Malaysia, Mohd Daud Leong đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và tương tác mạnh mẽ với những người tham dự, tạo điểm nhấn ý nghĩa của sự kiện.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Trần Thị Ly Ly, chi hội trưởng Hội phụ nữ Johor cho biết, cộng đồng người Việt tại Johor có khoảng 5.000 người trong đó có khoảng 20% là cô dâu Việt. Hầu hết các cô dâu đều kết hôn với người Mã gốc Hoa và có cuộc sống ổn định. Số còn lại làm việc tại các nhà máy may, điện tử... Với chủ đề của sự kiện "Khát vọng vươn xa, kết nối cộng đồng", chi hội phụ nữ Johor mong muốn thông qua sự kiện được gặp gỡ và trao đổi, kết nối với tất cả phụ nữ tại Malaysia, tạo nên cộng đồng gắn kết, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước.
Phát biểu tại sự kiện, thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Tham tán - Người thứ Hai Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Thị Ngọc Anh đã nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ, đồng thời ca ngợi những gương phụ nữ Việt tại Johor đã bản lĩnh vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp đỡ cộng đồng cùng phát triển và lớn mạnh. Bà khẳng định, Đại sứ quán luôn đồng hành và giúp đỡ cộng đồng người Việt, tạo điều kiện để kiều bào ta làm ăn sinh sống ổn định. Thay mặt Đại sứ quán, bà Ngọc Anh cũng gửi đến Ban liên lạc Johor nói chung và chị em phụ nữ tại Johor nói riêng lẵng hoa tươi thắm cùng lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân ngày 20/10.
Là khách mời đặc biệt của sự kiện, trong 30 phút giao lưu với những người phụ nữ Việt tại sự kiện, Luật sư Leong đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích về luật hôn nhân gia đình, giúp chị em hiểu thêm luật pháp của nước sở tại, có những hiểu biết cơ bản trước và sau khi kết hôn với người nước ngoài cũng như quyền lợi và trách nhiệm về quyền nuôi con... Phần giao lưu của luật sư đã nhận được sự hưởng ứng và tương tác nhiệt tình của các chị em thông qua những thắc mắc, chia sẻ những khó khăn gặp phải trong cuộc sống.
Hội phụ nữ Johor chụp ảnh kỷ niệm.
Trao đổi với PV TTXVN, chị Phạm Thị Nhung - Giám đốc công ty nội thất, một trong những nhà tài trợ chính cho chương trình - cho rằng, thông qua sự kiện chị mong muốn tạo được sự gắn kết, giúp đỡ cộng đồng người Việt, đặc biệt là phụ nữ còn khó khăn, vươn lên khẳng định bản lĩnh, phát triển ngành nghề và có điều kiện để cùng nhau hướng về quê hương, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong nước.
Các tiết mục ca nhạc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước đến từ các ban liên lạc khác nhau được các chị em dàn dựng và trình diễn đã thu hút được sự cổ vũ nhiệt tình của khách tham dự. Bên cạnh đó, những món ăn truyền thống Việt do các chị em chuẩn bị đã làm quan khách vơi đi nỗi nhớ quê nhà, đồng thời giới thiêu những nét đẹp truyền thống ẩm thực Việt.
Bang Johor nằm ở phía Nam của Malaysia, tiếp giáp với biên giới của Singapore, là nơi có nhiều người Việt Nam sống và làm việc nhất tại Malaysia với khoảng 5.000 người.
Trong những năm gần đây, số người Việt sang làm việc tại đây ngày càng tăng. Số cô dâu Việt cũng ngày càng tăng lên, trong đó nhiều người đã thành công trong cộng đồng doanh nghiệp.
Đại sứ quán Việt Nam tại Israel kêu gọi thành lập các tổ nhóm hỗ trợ cộng đồng Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 12/10, Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung đã gửi thư thăm hỏi tình hình sức khỏe, an ninh an toàn của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Israel, đồng thời kêu gọi thành lập các tổ nhóm công tác để hỗ trợ lẫn nhau...