Lần thứ 3 liên tiếp, lũ lại bao vây cô lập nhà dân
Ngày 15/12, mưa to gió lớn tiếp tục kéo dài, kết hợp các hồ chứa nước và thủy điện trên địa bàn xả lũ khiến lũ trên các sông dâng cao, nhiều vùng dân cư bị ngập sâu, cô lập.
Đến 17h chiều 15/12, mực nước lũ bao vây thôn Điền An, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi vẫn đang tiếp tục dâng cao rất nhanh, cô lập hoàn toàn 180 hộ dân ở đây. Tính trên địa bàn toàn xa, thì với mực nước lũ như thời điểm hiện tại, có khoảng 400 nhà dân ở các vùng trũng thấp bị lũ bao vây, cô lập.
Ngày 15/12, mưa trắng trời và nước lũ tiếp tục dâng cao ở Quảng Ngãi, nhiều vùng dân cư lại bị cô lập lần thứ 3 trong vòng nửa tháng
Cùng đại diện chính quyền và lực lượng chức năng địa phương vào vùng lũ tiếp tục tiếp tế mì tôm, nước uống cho người dân ở vùng bị cô lập, anh Võ Quốc Khải – Chỉ huy trưởng quân sự xã Nghĩa Điền cho biết: Đây là đợt lũ thứ 3 liên tiếp bao vây và cô lập thôn Điền An ở vùng thấp trũng của xã chỉ trong vòng hơn ngày qua, tính từ đợt lũ đầu tiên bắt đầu dâng cao hồi cuối tháng 11, đầu tháng 12. So với hai đợt lũ trước, thì đợt lũ này cao hơn và khả năng đạt đỉnh lũ 2013.
Lũ cô lập khu dân cư ở vùng trũng thấp, chính quyền và lực lượng chức năng địa phương đã triển khai phương án đưa phương tiện chở mì tôm, nước uống vào tiếp tế cho người dân; đồng thời lên kế hoạch sơ tán người dân trong trường hợp lũ dâng cao, nhà dân ngập quá sâu, mất an toàn.
Anh Võ Quốc Khải – Chỉ huy trưởng quân sự xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) chia sẻ với PV Dân trí về tình hình phòng chống lũ lụt tại địa phương
Video đang HOT
Lực lượng chức năng lại đẩy xuồng nhôm chèo vào vùng lũ tiếp tế cho bà con đang bị lũ bao vây, cô lập
Công tác tiếp tế lương thực cho bà con vùng lũ gặp nhiều khó khăn do mưa to gió lớn trong chiều 15/12
Toàn bộ các tuyến đường liên thôn ở khu vực Điền An chìm trong biển nước mênh mông, nơi ngập sâu nhất, đến 17h chiều 15/12, lên tới 3 mét. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, do xây nhà ở vũng trũng thấp dễ bị ngập nên các hộ dân ở đây khi xây nhà đều đắp nền rất cao, giảm bớt phần nào mức độ lũ tràn vào nhà.
Khó khăn lớn nhất của bà con là biển lũ bao vây bốn bề, “ngoại bất xuất, nội bất nhập” nếu không có phương tiện ghe thuyền đi lại trong lũ. Do đó, rất khó khăn về mua sắm nhu yếu phẩm, và nguy cơ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm cao, dễ bùng phát dịch bệnh sau lũ.
Ông Nguyễn Mười, nhà ở thôn Điền An nói: “Tôi sợ với cái đà này thì đêm nay (15/12) tới sáng mai, nước sẽ tiếp tục dâng cao. Nhà có cái giàn giáo, tất cả mọi thứ đang được chúng tôi chất lên dần để tránh lũ. “Chạy” lũ lần này là lần thứ 3 mà chỉ trong vòng nửa tháng nay. Mấy đứa nhỏ cũng không thể nào tới trường học. Cũng nhờ có mấy anh công an, dân quân với bên xã tiếp tế mì tôm, nước uống chớ không biết làm cách chi mà ra chợ mua đồ về nấu ăn”.
Lũ bao vây, cô lập 180 hộ dân ở thôn Điền An, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi từ chiều 15/12
Nhà dân trong thôn Điền An đắp nền cao, nhà không ngập sâu nhưng bốn bề nước lũ bao vây nên “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nếu không có ghe thuyền
Đêm qua 15/12, lũ trên các sông tiếp tục dâng cao. Cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Khánh Hiền – Bảo An
Theo Dantri
7 người chết do mưa lũ miền Trung
Mưa lũ kéo dài trên diện rộng khiến nhiều tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề, trong đó Bình Định có số người chết và mất tích nhiều nhất.
Do không khí lạnh kết hợp nhiễu động gió trên cao, miền Trung từ ngày 11 đến 15/12 liên tiếp có mưa lớn, với tổng lượng phổ biến 300-500 mm, một số trạm trên 600 mm như Trà My, Nông Sơn (Quảng Nam); Giá Vực (Quảng Ngãi); Hoài Nhơn (Bình Định).
Mưa tập trung vào các ngày 13, 14 và 15/12 đẩy lũ trên các sông dâng, nhiều vùng dân cư bị ngập sâu và cô lập kéo dài khi các tuyến đường bị chia cắt. Trong đó Bình Định có tới 30 phường, xã của 7 huyện thành phố bị ngập và chia cắt.
Đến sáng nay, mưa ở khu vực trên đã giảm nhưng vẫn ở mức cao như Ba Tơ, Giá Vực (Quảng Ngãi) 113 mm; Nha Trang (Khánh Hòa) 107 mm; Phù Cát, Tuy Hòa (Bình Định) 90 mm.
Trụ sở hợp tác xã ở Quảng Nam ngập sâu. Ảnh: Sơn Thủy.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ làm 7 người chết, trong đó Bình Định nhiều nhất với 5 người, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế mỗi tỉnh một người. Bên cạnh đó, còn 2 người mất tích ở Bình Định và 6 người bị thương ở Phú Yên.
Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, đổ sập và gần 10.000 ha lúa hoa màu, cây trồng bị hư hại. Các tuyến giao thông hiện vẫn bị ngập như tỉnh lộ của huyện Phú Vang, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế).
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, từ nay đến hết ngày 18/12, khu vực Quảng Trị - Khánh Hòa tiếp tục có mưa lớn với lượng trên 200 mm, riêng Thừa Thiên Huế - Bình Định khoảng 300-400 mm.
Đây có thể là đợt mưa lũ lớn cuối cùng ở Trung và Nam Trung Bộ trong năm nay. Sau đó, mưa có thể quay trở lại khu vực nhưng cường độ không lớn như những tháng vừa qua.
Từ đầu tháng 12 đến nay, miền Trung chịu hậu quả lớn do mưa lũ với 14 người chết, nhiều người bị thương, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Hình thái thời tiết này cũng làm 59 người chết và thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng trong hai đợt tháng 10 và 11.
Phạm Hương
Theo VNE
Bà lão co ro trong nửa căn nhà sau lũ Vốn dĩ đã nghèo nhất xã, nay bà Phú còn mất thêm nửa căn nhà rách vì lũ. Hàng ngày trong nửa căn nhà cũ nát còn lại, bà lão già yếu một mình co ro trong mưa gió, lạnh lẽo, chống chọi với những cơn đau quằn quại của bệnh tật. Hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Phú (84 tuổi), ở thôn...