Lân ‘Sứa’: Kẻ giang hồ duy nhất không sợ ‘Người phán xử’
Quốc Quân cho biết khi nhận lời đóng vai Lân “Sứa” trong phim “Người phán xử”, anh phải dành thời gian đọc sách báo và tìm hiểu về giới giang hồ.
Quốc Quân là diễn viên đóng đinh với dạng vai lưu manh, đầu trộm đuôi cướp. Nam nghệ sĩ cho biết anh đã vào hàng trăm vai phản diện trên màn ảnh nhỏ nhưng chưa bao giờ gặp một nhân vật nào như Lân “Sứa” trong phim truyền hình Người phán xử.
“Đó là một vai giang hồ cao hơn hẳn những nhân vật mà tôi từng thủ vai. Lân “Sứa” không phải là một kẻ đầu đường xó chợ, với những hành động cướp – giết – hiếp chướng tai, gai mắt. Lân “Sứa” là một kẻ giang hồ có bản lĩnh, có diễn biến tâm lý và đóng vai trò then chốt trong phim”, nam diễn viên nhấn mạnh.
Lân “Sứa” là ngòi nổ cho nhiều sự vụ trong “Người phán xử’
Quốc Quân cho biết khi nhận được lời đề nghị đóng vai Lân “Sứa” trong Người phán xử từ đạo diễn Mai Hiền và Khải Anh, anh đã ngay lập tức nhận lời vì bị cuốn hút bởi kịch bản của bộ phim và tính cách của nhân vật. Lân “Sứa”, về bản chất là một nhân vật phụ, xuất hiện không quá nhiều nhưng lại là mấu chốt của nhiều vấn đề.
Ngay tập đầu tiên, nhân vật đã lộ diện trong tình huống mâu thuẫn với anh em Tuấn, Tú – con trai nuôi của ông trùm Phan Quân (người được giới giang hồ tôn làm “Người phán xử”). Vì tranh chấp làm ăn, anh em Tuấn – Tú đã giết anh họ của Lân “Sứa” bằng hiện trường giả tai nạn giao thông.
Để báo thù cho người anh họ cũng là một giang hồ cộm cán, Lân “Sứa” đã bắn lén anh em Tuấn – Tú nhưng thất bại. Biết được kẻ chủ mưu ám sát mình, 2 cậu con trai nuôi của ông trùm Phan Quân đã kéo băng đảng đến nhà trọ tìm Lân “Sứa” với mục đích thủ tiêu. Đúng lúc gay cấn, Lương Bồng – tay chân số một của Phan Quân – hạ lệnh dừng để nghe phán quyết từ “Người phán xử”.
Lân “Sứa” do Quốc Quân thủ vai là nhân vật có vai trò mấu chốt trong Người phán xử. Ảnh: VFC.
Bước ra khỏi phòng phán xử, Tuấn mất một ngón tay và phải đền 600 triệu đồng, cùng một năm cấm túc. Lân “Sứa” vắng mặt trong những tập tiếp theo trước khi trở lại với một hành động “kinh hoàng” và trở thành người duy nhất không phục và không sợ “Người phán xử”.
“Tôi không thể tiết lộ nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của khán giả. Nhưng tôi có thể tiết lộ rằng Lân “Sứa” sẽ trở lại vì không phục việc ông trùm Phan Quân có những hành động thiên vị dành cho anh em Tuấn – Tú. Lân “Sứa” đã quyết định diệt cỏ phải diệt tận gốc”, Quốc Quân bật mí.
Về động thái có ý nghĩa sống còn của Lân “Sứa” trong diễn biến tiếp theo của bộ phim, nam diễn viên bình luận: “Giới giang hồ không phải không trọng tình nghĩa, thậm chí sống rất có tôn ti trật tự, trên dưới. Nhưng một khi ông trùm, người giữ vai trò phán xử lại không tuân thủ đúng tuyên ngôn của mình thì đàn em sẽ không tôn trọng, ắt có hành động tức nước vỡ bờ”.
Từ trùm xã hội đen ngoài đời thực đến nhân vật Lân “Sứa”
Trò chuyện với phóng viên, Quốc Quân cho biết Lân “Sứa” là một vai không dài nhưng rất súc tính, gọn gàng và quan trọng là có số phận. Diễn viên sung sướng nhất là được vào những vai có số phận bao trùm, một là sống, hai là chết. Nhưng phải quyết đoán và rõ ràng.
“Lân “Sứa” rất giang hồ nhưng cũng rất đàn ông. Sau này, hắn có thể không phục Người phán xử nhưng vốn dĩ Lân là một kẻ trung thành và có trách nhiệm với anh em, gia đình. Đây là điểm tương đồng giữa Lân và ông trùm Phan Quân, dù 2 người có vị trí khác nhau”, nam diễn viên bày tỏ quan điểm.
Để vào một vai vừa có số phận vừa có diễn biến tâm lý phức tạp như thế, Quốc Quân bảo anh phải tổng hợp tính cách từ những vai diễn giang hồ mà mình từng đóng, đồng thời dành thời gian để đọc sách báo về giới tội phạm ngoài xã hội thực.
Video đang HOT
“Vai diễn của tôi không có một hình mẫu nào cả. Nếu có hình mẫu, tôi cũng không theo mẫu đó để bắt chước. Nhưng tôi vẫn phải tìm hiểu sách báo để xây dựng lý lịch nhân vật và hoàn thành vai diễn. Trong quá trình đó, tôi bắt gặp thông tin về một trùm xã hội đen ở Hải Phòng và gom góp chất liệu để hoàn thành vai diễn của mình”, nam nghệ sĩ chuyên trị vai phản diện cho biết.
Quốc Quân là diễn viên chuyên trị những vai phản diện. Ảnh: Quang Đức.
Chạy từ tầng 1 đến tầng 5 nhiều lần để quay một cảnh
Trong quá trình tham gia dự án phim truyền hình Người phán xử, Quốc Quân có nhiều câu chuyện hậu trường đáng nhớ, trong đó thấm thía nhất là phải quay cảnh mùa đông giữa mùa hè, còn khi thời tiết 5 độ C thì lại chỉ được mặc áo khoác mỏng vì yêu cầu về sự nhất quán thời gian trong tác phẩm.
“Lúc đó là vào giáp Tết, chúng tôi quay trên Đồng Mô suốt nhiều giờ đồng hồ. Thời tiết là 5 độ nhưng diễn viên chỉ được mặc đúng một áo khoác mỏng. Trong lúc chờ quay lại, nhân viên trường quay còn phải mang chăn trùm lên người tôi, anh Hoàng Dũng và chị Thanh Quý vì quá lạnh. Khi quay xong, cảm giác như người đã đóng băng”, diễn viên thủ vai Lân “Sứa” tiết lộ.
Ngoài ra, việc chạy từ tầng 1 lên tầng 5 nhiều lần để quay cảnh Lân “Sứa” bị anh em Tuấn Tú truy đuổi cũng khiến Quốc Quân thấm thía. “Cảnh này vốn không có gì to tát nhưng đây là một phim thu đồng bộ. Do vậy, diễn viên phải chuẩn chỉ từ bước chân, giọng nói để mang lại cảm giác chân thực nhất cho khán giả truyền hình”, nam nghệ sĩ nói.
Quốc Quân cũng chia sẻ rằng tất cả cảnh quay, anh đều trao đổi và có những góp ý với đạo diễn chứ không chỉ làm theo kịch bản. Phân đoạn nào thấy gượng, nam nghệ sĩ 48 tuổi sẵn sàng phản hồi với đạo diễn Mai Hiền và Khải Anh để chỉnh sửa theo hướng tốt hơn.
“Đơn cử như cảnh ông trùm Phan Quân dàn xếp mâu thuẫn giữa Lân Sứa và anh em Tuấn Tú. Vì nhân vật Tuấn lúc nào cũng hùng hùng hổ hổ nên tôi góp ý với đạo diễn rằng hãy để nhân vật của tôi điềm đạm lúc mở màn, thay vì điên ngay như 2 nhân vật kia. Tôi muốn đẩy sự sừng sổ, máu chiến lên từ từ. Như vậy vai diễn sẽ ấn tượng hơn, và đạo diễn đã đồng ý”.
Chưa có vai diễn nào nhận được phản hồi nhanh như Lân “Sứa”
Sau 3 tập Người phán xử lên sóng, Quốc Quân cho biết đi đâu anh cũng được gọi là Lân “Sứa”. Và đây cũng là vai diễn đầu tiên mà nam nghệ sĩ nhận được phản hồi nhanh như vậy. Đi đường, ngồi cà phê, anh đều được khán giả truyền hình gọi tên, đó là điều mà không phải vai nào cũng làm được.
“Tôi nhận được nhiều câu hỏi về diễn biến tiếp theo của bộ phim, điều đó chứng tỏ khán giả rất tò mò về Người phán xử. Người ta vẫn hay chê phim Việt là xem tập 1 đoán được tập 3 nhưng phim này thực sự rất khó đoán vì có nhiều tình huống bất ngờ”, nam nghệ sĩ hào hứng.
Nam diễn viên cho biết nhân vật của anh sẽ trở lại trong sau vài tập tới với tình tiết mới. Ảnh: VFC.
Về những phản hồi trái chiều khi cho rằng phim có nhiều cảnh bạo lực, vượt cả thực tế xã hội đen ngoài đời, Quốc Quân không đồng tình. Diễn viên chuyên trị vai phản diện cho biết nếu khán giả là công chức, ít va chạm thì chẳng bao giờ hiểu được những mâu thuẫn của thế giới ngầm.
“Ngoài đời thậm chí còn hơn như thế. Nhiều tình huống trong phim chỉ mang tính chất minh họa vì đây là một sản phẩm nghệ thuật. Ngoài đời, riêng về mặt xưng hô đã thậm tệ hơn trên phim. Nhà làm phim đã phải tiết chế rất nhiều, chỉ là nhiều người vẫn quen với lối mòn của phim hình sự. Đập chai bia, cắt ngón tay chưa là gì cả”, Quốc Quân khẳng định.
“Nếu nhận xét cảnh cắt ngón tay là bạo lực, không thể chấp nhận, chả nhẽ lại diễn cảnh búng tai nhau. Như vậy, sẽ rất trẻ con và không đủ gây cấn để hấp dẫn và mang lại sự chân thật cho khán giả. Hơn nữa, quay những cảnh như thế, chỉ khiến phim hình sự trở nên buồn cười”, nam diễn viên nói thêm.
Theo Zing
Tại sao phim 'Người phán xử' được quan tâm trên mạng xã hội?
"Người phán xử" là bộ phim truyền hình hiếm hoi của Việt Nam tiến hành thu tiếng đồng bộ, đồng thời cũng là tác phẩm tâm lý tội phạm đầu tiên do VFC sản xuất.
Phát sóng từ ngày 23/3, Người phán xử của bộ ba đạo diễn Mai Hiền - Khải Anh - Danh Dũng là dự án phim truyền hình trọng điểm của VFC trong năm 2017.
Mới lên sóng 3 tập đầu tiên, Người phán xử đã nhận được sự quan tâm của khán giả truyền hình và cư dân mạng. Tên phim cũng là một trong những từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên Google, tính đến tối 31/3.
Phim nói về cuộc chiến tranh giành quyền lực trong thế giới ngầm nhiều góc khuất. Ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng đóng) yêu thương gia đình nhưng cũng rất đa mưu túc trí trong làm ăn kinh doanh.
Đặc biệt, trong giới giang hồ, lão được ghi danh là "Người phán xử", chuyên đứng ra xét xử các mâu thuẫn tranh chấp không thể đưa ra pháp luật của thế giới ngầm.
Người phán xử là bộ phim thể loại cảnh sát hình sự nhưng nhân vật trung tâm lại là một ông trùm tội phạm.
Mới lạ vì tội phạm là nhân vật trung tâm
Người phán xử là bộ phim truyền hình tâm lý tội phạm đầu tiên do Việt Nam sản xuất, thuộc thể loại cảnh sát hình sự. Lần đầu tiên, nhân vật trung tâm của bộ phim lại là một ông trùm trong giới tội phạm thay vì các nhân vật chính diện như các tác phẩm thông thường.
"Tôi nghĩ khán giả sẽ không thấy phim hoành tráng ở yếu tố hành động mà thấy hấp dẫn ở khía cạnh tâm lý tội phạm. Đây là phim mà trung tâm là ông trùm xã hội, không phải cảnh sát như thường thấy ở trong loạt phim hình sự trước kia.
Thực tế mô hình ông trùm này chúng ta từng có Năm Cam. Trong quá trình triển khai kịch bản, chúng tôi có đọc lại tư liệu báo chí và bồi đắp lên nhân vật Phan Quân đầy đủ hơn", đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Người phán xử là một bộ phim truyền hình chuyển thể từ kịch bản của Israel. Và bản thân kịch bản gốc đã coi tội phạm là nhân vật trung tâm. Tuy vậy, ở phiên bản gốc, các yếu tố sex, bạo lực, hành động xuất hiện khá nhiều vì văn hóa Do Thái tương đối cởi mở.
Khi về Việt Nam, để phù hợp với văn hóa và thói quen xem phim của người Việt, các nhà biên kịch đã phải thống nhất với nhau để tối giản các cảnh sex, bạo lực. Thế nhưng, nhiều khán giả vẫn rùng mình với cảnh cắt đứt ngọn tay nhân vật Tuấn, con trai nuôi Phan Quân trong tập 1.
Phim quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng, trong đó có NSND Hoàng Dũng, Hồng Đăng,...
Đảm bảo với dàn diễn viên truyền hình "ăn khách"
Người phán xử quy tụ dàn diễn viên truyền hình không thể sáng giá hơn với nhiều gương mặt gạo cội như NSƯT Thanh Quý, NSƯT Hương Dung, NSƯT Trung Anh. Đặc biệt, là sự góp mặt của NSND Hoàng Dũng (vai Phan Quân), người được cho là "quái kiệt" trong vai phản diện, ông trùm tội phạm.
Ngoài ra, phim còn quy tụ lứa diễn viên sung sức, trong đó có những người được coi là "ngôi sao" của phim truyền hình hiện nay như Hồng Đăng, Việt Anh. Người phán xử cũng có sự tham gia của gương mặt không chuyên nhưng lại nổi tiếng trong công chúng như nhà thiết kế thời trang Đức Hùng, MC Đan Lê.
Chia sẻ với Zing.vn, đạo diễn Khải Anh khẳng định đó là một dàn diễn viên rất chuyên nghiệp: "Tôi chưa bao giờ phải phàn nàn về chuyện đi muộn của diễn viên dù chỉ 5 phút".
Một dàn diễn viên hùng hậu, có kinh nghiệm diễn xuất luôn đi liền với cá tính và cực đoan trong cách làm nghề. Khải Anh tiết lộ rằng anh và các diễn viên đã có nhiều tranh luận về chuyên môn để có một tác phẩm tốt nhất.
"Khi làm việc với Việt Anh, tôi đặt vấn đề về việc làm thế nào để vai mới của Việt Anh thoát khoải vai Cao Thanh Lâm trong Chạy án. Nhiều lúc, tôi bảo với Việt Anh rằng diễn như thế này là không đúng với nhân vật trong phim. Hai bên đã tranh luận rất nhiều trước khi tìm ra tiếng nói chung. Anh Hoàng Dũng và Trung Anh cũng vậy", nam đạo diễn nói thêm.
Sau 3 tập đầu, diễn xuất của các diễn viên nhận nhiều phản hồi tích cực. Không quá khi nói rằng Việt Anh đã có một vai diễn xuất thần. Còn NSND Hoàng Dũng đã toát lên được thần thái của một ông trùm. Bên trong vẻ ngoài điềm tĩnh, thanh cao, nhã nhặn là thủ đoạn, mưu mô và những tính toán.
Người phán xử là bộ phim hiếm hoi của VFC tiến hành thu tiếng đồng bộ.
Âm thanh chân thực hơn nhờ thu tiếng đồng bộ
Người phán xử là bộ phim hiếm hoi của VFC tiến hành thu tiếng đồng bộ. Vấn đề muôn thuở của phim truyền hình Việt là lồng tiếng đã được giải quyết. Âm thanh đến tai khán giả đã chân thực và sinh động hơn. Đây cũng là xu thế chung của phim truyền hình thế giới.
"Tôi đã lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim, với các dạng vai khác nhau. Tôi nghiệm ra một điều, diễn ở phim trường là chủ quan, lồng tiếng là khách quan. Vai diễn có thể sẽ không đạt chỉ vì khách quan. Chính tôi lồng tiếng cho vai của tôi, nhiều khi còn không khớp chứ chưa nói đến người khác lồng cho mình. Do vậy, thu âm đồng bộ là một xu thế tốt", NSND Hoàng Dũng nói.
Tuy vậy, không khó để nhận ra khán giả truyền hình Việt vẫn chưa thực sự quen với phim lồng tiếng. Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến tỏ ra không hài lòng khi trong phim có những tiếng ồn không cần thiết. Nhưng đây là điều khó tránh với phim thu đồng bộ. Đó là còn chưa kể đến việc, nhà sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc này.
Thêm nữa, dù quy tụ dàn diễn viên hùng hậu với nhiều gương mặt gạo cội và sáng giá, một số diễn viên vẫn lộ đài từ kém, lời thoại ngập ngừng, chưa dứt khoát.
Số khác lại bị ảnh hưởng bởi yếu tố "kịch" khiến khẩu hình phát âm không tự nhiên, người xem có cảm giác diễn viên đang gồng mình để thoại.
Dù còn những thiếu sót, Người phán xử vẫn được khán giả chờ đón từng tập và hứa hẹn sẽ là bộ phim đánh dấu bước chuyển mình của thể loại phim cảnh sát hình sự của Việt Nam.
Theo Zing
Phim "Người phán xử" phát sóng tập 1 đã đầy cảnh máu me đến rợn người "Người phán xử" thuộc thể loại hình sự tiếp tục được trình chiếu trên kênh VTV3 vào khung giờ vàng. Tuy nhiên ngay khi tập 1 được phát sóng, rất nhiều khán giả đã e ngại bởi cảnh máu me đến rợn người trong phim. Diễn viên Việt Anh máu chảy ngay trong tập 1 bộ phim Người phán xử Bộ phim "Người...