Làn sóng chính sách dồn dập ập đến các ngân hàng
Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam gần đây liên tiếp đón nhận chính sách mới với nhiều thay đổi căn bản, tác động trực tiếp lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Làn sóng chính sách dồn dập ập đến các ngân hàng
Thời gian ngắn gần đây, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam liên tiếp đón nhận chính sách mới từ Ngân hàng Nhà nước với nhiều thay đổi căn bản, tác động trực tiếp lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Đầu tiên phải kể đến quyết định giảm trần lãi suất, cả chiều huy động lẫn cho vay trên thị trường 1 (thị trường tổ chức kinh tế, dân cư nhưng không bao gồm tổ chức tín dụng).
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng hạ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Về mặt lý thuyết, việc giảm trần lãi suất sẽ khiến cho dòng tiền gửi vốn đang có lãi suất chạm trần “chảy” sang các ngân hàng có rủi ro thấp hơn (thường là từ ngân hàng nhỏ chảy sang ngân hàng lớn), bởi mức lãi suất nhận được là như nhau.
Một phần dòng tiền sẽ “chảy” sang kỳ hạn dài hơn hiện đang không bị điều chỉnh bởi trần lãi suất.
Nhưng đáng chú ý nhất là việc dòng tiền cũng sẽ “chảy” từ kênh ngân hàng sang kênh đầu tư khác do lãi suất tiền gửi đã bớt hấp dẫn hơn.
Tựu chung, giảm trần lãi suất sẽ tạo áp lực huy động vốn lên hầu hết các ngân hàng, trong đó, ngân hàng quy mô càng nhỏ càng chịu áp lực lớn.
Tính toán của VietnamFinance cho thấy, một số ngân hàng sẽ chịu áp lực huy động vốn lớn hơn các ngân hàng còn lại do tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động ( LDR) xét riêng trên thị trường 1 ở mức cao như: Saigonbank, Kienlongbank, SHB, LienVietPostBank, OCB, HDBank, SeABank, VIB, TPBank.
Một chính sách khác cũng tác động rất trực tiếp lên các ngân hàng là Thông tư 22/2019/TT-NHNN thay thế Thông tư 36/2014 (và các Thông tư sửa đổi liên quan), quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng.
Thông tư này có 3 điểm đáng chú ý: “siết” tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay mua nhà có giá trị lớn và điều chỉnh tỷ lệ LDR.
Video đang HOT
Theo đó, các ngân hàng sẽ phải đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 37% từ ngày 1/10/2020. Tiếp tục giảm xuống 34% một năm sau đó và xuống mức 30% sau một năm tiếp theo.
Thống kê cho thấy, nhiều các ngân hàng đã đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về gần mức 30% (thậm chí có những ngân hàng đã đưa về dưới mức 30% như Vietcombank, BIDV, VPBank, TPBank, VIB).
Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn còn giữ tỷ lệ này ở mức tương đối cao như Techcombank (36,1%), HDBank (35,8%) hay LienVietPostBank (35%).
Về việc nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay mua nhà có giá trị lớn, một mặt, quy định này sẽ tác động theo hướng làm giảm hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng có danh mục cho vay mua nhà lớn, mặt khác lại tạo cơ hội cho các ngân hàng có CAR cao lấy thị phần cho vay mua nhà của các ngân hàng có CAR thấp, do CAR càng thấp thì càng ít dư địa để cho vay mua nhà giá trị lớn.
Được biết, thông tư 22 quy định các khoản vay bất động sản tiêu dùng có giá trị từ 1,5 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng chịu hệ số rủi ro 100%; trong khi các khoản vay tương tự có giá trị trên 4 tỷ đồng chịu hệ số rủi ro 150% (thay vì đều ở mức 50% như trước đây).
Liên quan đến việc điều chỉnh trần LDR, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ bị hạ trần từ 90% hiện tại xuống 85%, trong khi các ngân hàng tư nhân được nâng trần từ 80% lên 85%.
Trần LDR tăng lên giúp các ngân hàng tư nhân có thêm dư địa để giảm tỷ trọng chi phí vốn trong tổng doanh thu tín dụng thông qua việc giảm đà tăng tổng tiền gửi. Ngược lại, dư địa giảm tỷ trọng chi phí vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước bị siết lại, thậm chí có thể làm tăng tỷ trọng chi phí vốn trong tổng doanh thu tín dụng.
Ngân hàng thương mại liên tiếp đón nhận chính sách mới với nhiều thay đổi căn bản
Trước khi ban hành Thông tư 22 không lâu, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Thông tư 18 hướng đến giảm dần tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ cho vay xuống mức 30%. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng.
Lộ trình giảm tổng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với các công ty tài chính kéo dài trong khoảng thời gian 4 năm, từ 2021 đến 2024, cụ thể: tỷ trọng này ở mức tối đa 70% trong năm 2021, 60% trong năm 2022, 50% trong năm 2023 và 30% kể từ ngày 1/1/2024.
Ba ngân hàng niêm yết có công ty con/ công ty liên kết là công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm VPBank (100% sở hữu tại FE Credit), HDBank (50% sở hữu tại HDSaison) và MB (50% sở hữu tại MCredit). Thị phần của ba công ty tài chính này vào cuối quý II/2019 lần lượt là 55%, 17% và 7%.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, trong số này, FE Credit vẫn là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất. FE Credit có cơ cấu cho vay tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt. Cơ cấu sản phẩm bao gồm 76% cho vay tiền mặt, 8% cho vay mua xe máy, 4,7% cho vay điện máy và 11,4% cho vay thẻ tín dụng.
Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng hiện dưới 70%.
“Do đó, trong hai năm tới (2020 và 2021), tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của FE Credit. Tuy nhiên, từ năm 2022-2024, FE Credit có thể phải hy sinh phần nào hệ số NIM để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn”, chuyên gia của SSI nhấn mạnh.
Trong khi đó, HDSaison sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất do tỷ trọng cho vay tiền mặt ở mức thấp, chỉ 33%.
Với MCredit, mặc dù các khoản vay tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay là khoảng 70%, nhưng việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm có thể dễ dàng hơn do quy mô vẫn còn khiêm tốn.
Ngoài ra, một thông tư khác cũng tác động lên một số ít ngân hàng thương mại là Thông tư 58/2019/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước
mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, đã có hiệu lực từ ngày 1/11/2019.
Chia sẻ trên trang cá nhân, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) nhận định, mấy năm vừa qua, tiến trình giải ngân đầu tư công vô cùng chậm. Số tiền nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước trung bình lên tới trên 200.000 tỷ đồng.
Nguồn tiền giá rẻ này là mối lợi lớn cho các ngân hàng thương mại có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước.
Nay theo Thông tư 58 thì nguồn tiền này bị thu hết về một tài khoản duy nhất của Kho bạc Nhà nước đặt tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ thuế trước đây được giữ ở các tài khoản chuyên thu/thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại có thể tới vài tuần (không lãi suất), nay (cứ vào cuối ngày) cũng phải kết chuyển hết về tài khoản của Ngân hàng Nhà nước.
Tựu chung, thông tư này tác động chủ yếu đến các ngân hàng thương mại nhà nước vốn là “địa chỉ gửi chân” quen thuộc của dòng tiền từ Kho bạc Nhà nước.
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Rủi ro nợ xấu từ cho vay tiêu dùng
Các ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh cho vay bán lẻ, cho vay tiêu dùng để tối đa hóa lợi nhuận trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng ngày càng siết chặt hơn.
Thế nhưng, lợi nhuận cao luôn song hành với rủi ro lớn. Mặc dù không có số liệu bóc tách cụ thể, nhưng chắc chắn cho vay tiêu dùng cũng đóng góp một phần không nhỏ vào bức tranh nợ xấu chung của ngành ngân hàng.
Nhiều ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng đang phối hợp với các siêu thị điện máy để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Bùng nổ cho vay tiêu dùng
"Bạn đang cần tiền để thực hiện dự định cưới hỏi, du lịch, vui chơi hay tiêu dùng, mua sắm trang thiết bị nội thất, đồ gia dụng cho gia đình... mà không muốn thế chấp tài sản đảm bảo?..."; "Vay nhanh không thế chấp với lãi suất linh hoạt đáp ứng mọi nhu cầu chi tiêu nhanh chóng, thuận tiện, không cần tài sản bảo đảm"... thậm chí "Cần tiền? Có liền trong 5 phút"... Đó chính là những lời quảng bá về sản phẩm vay tiêu dùng và vay thấu chi qua thẻ, mà hầu hết các ngân hàng đang triển khai hiện nay.
Trên thực tế mấy năm gần đây, hấu hết các nhà băng đã chuyển hướng sang tín dụng bán lẻ, tập trung đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân trong việc vay tiền mua xe ô tô, xây dựng, sửa chữa nhà... Cho vay tiêu dùng càng phát triển mạnh mẽ khi quan điểm của nhà điều hành đối với hoạt động này đã thay đổi. Nếu như trước đây, NHNN xếp hoạt động cho vay tiêu dùng vào nhóm có rủi ro cao và không khuyến khích các ngân hàng cho vay tiêu dùng, thì hiện nay lại yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để chống tín dụng đen.
Trong Báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội mới đây, NHNN Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 8/2019, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%; trong khi tốc độ tăng tín dụng chung trong 9 tháng đầu năm chỉ là 9,4%. Hiện dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm tới 20,69% tổng dư nợ tín dụng.
Báo cáo tài chính 9 tháng của nhiều ngân hàng cũng ghi nhận cho vay tiêu dùng tăng trưởng với tốc độ khá cao và chiếm một tỷ trong không nhỏ trong tổng dư nợ cho vay khách hàng. Đơn cử như VIB, tính đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay cá nhân và cho vay khác của ngân hàng này chiếm tới 78% tổng dư nợ và tăng 35,9% so với cuối năm 2018, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 28,2%. Hay như VPBank cũng ghi nhận cho vay đối với hộ kinh doanh và cá nhân tăng 13,1% trong 9 tháng đầu năm nay và hiện phân khúc này chiếm tới 57,16% tổng dư nợ cho vay khách hàng- cao nhất trong các nhóm khách hàng...
Lợi nhuận cao kèm rủi ro lớn
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đổ xô cho vay tiêu dùng là để tối đa hóa lợi nhuận. "Tăng trưởng tín dụng ngày càng được siết chặt hơn để ngăn ngừa rủi ro cho hệ thống. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ có xu hướng đẩy vốn vào những lĩnh vực có biên lợi nhuận cao như cho vay tiêu dùng để tối đa hóa lợi nhuận, bởi lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn nhiều lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác", vị chuyên gia ngân hàng này cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn so với lãi suất cho vay thương mại chủ yếu là do mức độ rủi ro đối với cho vay tiêu dùng cao hơn. Bởi về nguyên tắc, mức độ rủi ro càng cao đòi hỏi lãi suất cho vay phải lớn mới đủ để bù đắp rủi ro. Ngay cả cơ quan quản lý những năm trước đây cũng xem cho vay tiêu dùng có mức độ rủi ro cao và không khuyến khích cho vay đối với lĩnh vực này.
Thực tế cũng đã chứng minh cho chân lý "lợi nhuận cao, rủi ro lớn" khi soi chiếu vào hoạt động của các nhà băng. Theo đó, không thể phủ nhận việc hầu hết các nhà băng đã thu lãi lớn trong 9 tháng đầu năm nay, mà trong đó có phần đóng góp không nhỏ của tín dụng tiêu dùng. Thế nhưng, đi kèm với mức lợi nhuận khủng này, nợ xấu của nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh mà nguyên nhân chính từ cho vay tiêu dùng.
Theo Báo cáo của NHNN gửi tới các đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tại thời điểm cuối tháng 8/2019 là 1,91%. Có nghĩa nợ xấu đã tăng nhẹ so với mức 1,89% vào cuối năm 2018. Nếu xét về số dư nợ xấu tuyệt đối, chắc chắn còn tăng cao hơn nhiều.
Đáng quan ngại hơn, theo vị chuyên gia ngân hàng trên, các khoản cho vay đầu tư bất động sản ẩn trong tiêu dùng. "Do các khoản cho vay mua nhà thường có thời hạn rất dài, giá trị cho vay lại lớn, trong khi thị trường bất động sản vẫn còn những cơn sốt nóng lạnh rất bất thường... Tất cả những điều đó khiến rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này là rất lớn", vị chuyên gia này cảnh báo.
Vì lẽ đó, theo vị chuyên gia này, các ngân hàng không nên chỉ chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà quên đi các tiêu chí phòng ngừa rủi ro. "Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để cải thiện lợi nhuận cũng là điều tốt. Xét ở góc độ nào đó, cho vay tiêu dùng cũng có tác động khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh và hạn chế tín dụng đen. Thế nhưng, dù là cho vay đối với bất kỳ mục đích gì, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải bảo toàn vốn. Muốn vậy, cần tuân thủ nghiêm các quy định về quản trị rủi ro", vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
NHNN vừa ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi một số quy định về cho vay tiêu dùng. Theo đó, từ năm 2020, tỷ lệ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng không được chiếm quá 70% tổng dư nợ tiêu dùng của công ty. Từ đầu năm 2022 đến hết ngày năm 2022, tỷ lệ này giảm xuống 60%. Từ đầu năm 2023 đến hết năm 2023 là 50% và kể từ năm 2024 trở đi là 30%.
Công ty tài chính chỉ được giải ngân tiêu dùng cho khách hàng không có nợ xấu tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất với lúc ký kết hợp đồng.
Ngoài ra tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN vừa ban hành cũng quy định các nhà băng khi cho vay tiêu dùng với một khách hàng có tổng dư nợ từ 4 tỷ đồng sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% từ đầu 2020 đến hết năm 2020 và nâng lên 150% kể từ đầu năm 2021.
Hà Anh
Theo Vtc.vn
Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp Việc NHNN nâng tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cho các ngân hàng cổ phần tư nhân lên 85% sẽ góp phần nâng cao khả năng cung ứng tín dụng cho khối này. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các khối ngân hàng đến cuối tháng 9/2019 Phân bổ lại cung...