“Làn sóng” chính quyền trả xe tặng cho doanh nghiệp
Chỉ trong cuối ngày hôm qua (3/4), lần lượt: UBND tỉnh Cà Mau và sau đó là Thành uỷ Đà Nẵng đã có động thái trả lại xe ô tô của các doanh nghiệp tặng. Những việc này được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến rõ ràng về vấn đề trên tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ. Nhưng liệu việc này sẽ thành tiền lệ: Từ nay, các bộ, ngành, các địa phương sẽ không nhận quà tặng đắt tiền từ doanh nghiệp?
Chiếc xe của Thành uỷ Đà Nẵng từ quà tặng của doanh nghiệp sẽ được hoàn trả trong ngày hôm nay (4/3)
Không phải cho đến thời điểm này mới có việc trả lại xe ô tô đắt tiền do doanh nghiệp tặng. Tháng 8/2016, UBND tỉnh Ninh Bình mặc dù đã nhận xe, chuyển hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu nhà nước ( xe công) với 3 chiếc xe giá trị trên 6,2 tỷ đồng do một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh này tặng, đã rút lại đề nghị trên và trả lại xe cho doanh nghiệp đó.
Trong một bài viết vào tháng 7/2016 với tiêu đề “Bóng tối của Trịnh Xuân Thanh tại Halico”, Dân trí cũng đã nêu chuyện ông Mai Văn Lợi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico)-một đàn em của Trịnh Xuân Thanh đã chuyển một chiếc xe Mercedes E250 cho Bộ Công Thương “mượn”. Sau khi báo nêu, Bộ Công Thương ngay trong ngày đã ra quyết định trả xe cho Halico.
Với các động thái trả xe của UBND tỉnh Cà Mau và Thành uỷ Đà Nẵng lần này cũng vậy, việc trả xe không phải ý muốn chủ động ngay từ đầu của chính quyền các tỉnh, thành phố trên mà sau khi có dư luận báo chí, ý kiến của nhiều chuyên gia luật, kinh tế và cuối cùng là ý kiến của người đứng đầu Chính phủ.
Cho nên, có thể nói, việc trả xe, tuy đáp ứng nguyện vọng của người dân mong muốn các cấp chính quyền phải công khai, minh bạch trong việc nhận quà tặng của doanh nghiệp và cũng khá kịp thời (trừ Đà Nẵng) nhưng đáng tiếc là việc “gửi lại quà” đó phần nhiều là sự miễn cưỡng.
Video đang HOT
Trên thực tế, Nhà nước hiện nay đã có tới 3 văn bản pháp luật quy định về việc cho và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức Nhà nước, của cán bộ, công chức như Nghị định 29/NĐ-CP của Chính phủ năm 2014, Quyết định số 64/QĐ/TTg năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 32/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Các văn bản trên đều quy định khá rõ về những cách thức, trình tự cho, nhận quà tặng và cả từ chối quà tặng của các tổ chức, cá nhân với các tổ chức, đơn vị nhà nước mà trong một số trường hợp, các bộ, ngành, địa phương có thể vận dụng, thậm chí có trường hợp vận dụng không sai khi nhận quà tặng của các tổ chức, cá nhân là những chiếc xe đắt tiền.
Bộ Công Thương từng “mượn” xe của doanh nghiệp dù doanh nghiệp này đang thua lỗ, nhưng đã phải trả lại sau khi Dân trí nêu
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không phải không có kẽ hở trong việc cho, nhận, sử dụng quà tặng là xe ô tô đắt tiền với giá trị lên tới hàng tỷ đồng/chiếc khi những chiếc xe đó thực tế lại không được sử dụng vào việc đi phòng chống thiên tai, chữa cháy rừng …(có những xe đắt tiền sử dụng không phù hợp vào các việc như vậy), hoặc có thể được sử dụng vào mục đích khác khi ở cấp cơ sở còn thiếu hệ thống giám sát việc sử dụng quà tặng.
Hơn nữa, có những trường hợp tặng quà có dấu hiệu có động cơ không minh bạch khi chính đơn vị là doanh nghiệp tặng xe cho chính quyền lại chính là các đơn vị thuộc diện mình phải quản lý và doanh nghiệp đó còn chưa chấp hành tốt các quy định nhà nước nhất là về chính sách thuế mà một số tờ báo đã nêu trong tuần: Lao động, Pháp luật TP Hồ Chí Minh…Thì việc trả lại xe cho các doanh nghiệp này là điều không phải khuyến khích nữa mà là bắt buộc.
Mặc dù vậy, cũng không phải không có những trường hợp được phép tặng xe, nên tặng và nên nhận. Ví dụ có những doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách, quy định nhà nước, kinh doanh có lợi nhuận lớn nhưng thực sự muốn đóng góp, tặng tiền, tặng những món quà để đóng góp sự phát triển của ngành, hay địa phương, ví dụ như tặng xe ô tô cứu hoả để chữa cháy rừng khi địa phương còn thiếu kinh phí mua xe, tặng xe để làm phương tiện chở bệnh nhân ở các bệnh viện…với tinh thần tự nguyện, thiện nguyện thì cũng đều nên cho và nên nhận.
Do đó, ở đây không phải là vấn đề tuyệt đối không nên nhận, không nên cho mà Nhà nước cần có các quy định, chính sách cụ thể hơn nữa để làm khiến việc cho, nhận quà tặng chặt chẽ, công khai, minh bạch. Người dân và báo chí có thể giám sát dễ dàng thì việc cho, tặng từ doanh nghiệp hay bất cứ một đơn vị, cá nhân nào cho các tổ chức, cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước sẽ được thực hiện tốt, không có yếu tố vụ lợi và được sự ủng hộ, đồng tình của người dân.
(Theo Dân Trí)
Thành ủy Đà Nẵng trả xe doanh nghiệp tặng theo chỉ đạo của Thủ tướng
Tối 3.3, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã phát đi thông tin sẽ trả lại chiếc xe Toyota mang BKS 43A-299.99 do doanh nghiệp tặng vào ngày hôm nay (4.3).
Theo nội dung của Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng phát đi qua nhiều kênh thông tin, trong đó có trang web Thành ủy có nội dung:
Trong những ngày gần đây, dư luận quan tâm đến việc doanh nghiệp tặng xe ô tô cho tỉnh Cà Mau và thành phố Đà Nẵng phục vụ cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão lụt cũng như công tác đối ngoại và một số hoạt động khác...
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 1.3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, từ nay, các địa phương không được nhận xe ô tô do doanh nghiệp tặng.
Mặc dù việc nhận xe ô tô của thành phố Đà Nẵng phù hợp với các quy định hiện hành và trước thời gian chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, song thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, sau khi thảo luận và thống nhất tại phiên họp ngày 3.3, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo Văn phòng Thành ủy tiến hành ngay các thủ tục chuyển trả chiếc xe ô tô 5 chỗ ngồi hiệu Toyota mang biển kiểm soát 43A-299.99 hiện do Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng quản lý mà doanh nghiệp tặng.
Xe biển kiểm soát 43A-299.99 sẽ được trả lại. Ảnh: Đình Thiên
Trước đó, thông tin được đăng tải trong một bài viết ngày 21.2 trên một trang điện tử cho rằng xe công vụ đưa đón Bí thư Đà Nẵng dùng biển số giả, trùng với một siêu xe Land Rover đeo biển trắng.
Bài viết còn khẳng định chiếc xe biển xanh của Bí thư Đà Nẵng có giá thị trường trên 2,5 tỷ và kết luận con số này vi phạm điều 5, khoản 2 Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4.8.2015 của Thủ tướng về sử dụng xe công.
Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã bác bỏ thông tin này. Theo đó, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng xác nhận xe biển xanh 43A - 299.99 đang được Bí thư Thành ủy sử dụng. Tuy nhiên, đây không phải xe mang biển số giả, đã được Bộ Công an cấp biển số và đăng kiểm cho Thành ủy Đà Nẵng. Theo hóa đơn mua bán, chiếc xe hiệu Toyota Avalon Limited 5 chỗ có giá 1,3 tỷ đồng (bao gồm cả thuế) và do doanh nghiệp tặng.
Theo Danviet
8 cơ quan ở Hà Nội niêm phong xe biển xanh, thực hiện khoán xe công Sáng 1/3, 8 đơn vị của thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện chủ trương khoán xe công, trên 40 xe biển xanh được niêm phong chờ điều chuyển hoặc đấu giá. 7h15 ngày 1/3, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Phó giám đốc Sở Lao động Hà Nội) bước lên chiếc xe biển trắng của một công ty dịch vụ vận tải...