Lằn ranh sinh tử Kỳ 3: Chuyến bay định mệnh
Chiều đông Hà Nội, trời xám lạnh. Nhiều năm ngồi nhắc lại chuyến bay định mệnh, gương mặt cơ trưởng Khổng Minh Phương vẫn hằn nét khắc khổ, u buồn.
Ông kể khoảnh khắc bi thảm đó đã theo ông, ám ảnh ông suốt cả cuộc đời
Chuyện người cơ trưởng
Chuyện bắt đầu vào buổi sáng 9/9/1988, khi ông ngồi ghế cơ trưởng trên chiếc TU 134 số hiệu VN A102, khởi hành từ Hà Nội đi Bangkok, Thái Lan. Phi hành đoàn sáu người gồm cơ trưởng, phi công phụ, hoa tiêu và ba tiếp viên. Khoang hành khách có 75 người. Ngoài người Việt, chuyến bay còn có các hành khách Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Anh là cán bộ sứ quán, thương nhân, du khách.
Đặc biệt, chuyến bay định mệnh này có bác sĩ Bộ trưởng Bộ Y tế VN Đặng Hồi Xuân cùng các chuyên gia đang trên đường đi dự phiên họp Hội đồng Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương. Một yếu nhân khác là đại sứ Ấn Độ Arun Patwardhan tại Hà Nội cùng gia đình có mặt trên chuyến bay. Bí thư thứ hai Kiyokata Ida của sứ quán Nhật cũng có tên trong danh sách…
Tiết trời mùa thu, chiếc TU 134 số hiệu A102 khởi hành từ Hà Nội diễn ra khá bình thường, êm ả. Vài vùng nhiễu động không khí không làm người cơ trưởng bối rối. Từng học lái máy bay quân sự từ những năm đầu thập niên 1970, ông Phương được chuyển qua lái máy bay thương mại sau năm 1975. Và chiếc TU 134 của Nga đã như người bạn thân thiết với ông.
Bài liên quan: Lằn ranh sinh tử (Kỳ 3): Chuyến bay định mệnh
Lằn ranh sinh-tử (Kỳ 1): Tối định mệnh
Lằn ranh sinh tử (Kỳ 2): Tai nạn kinh hoàng
Video đang HOT
Ngoài ngược xuôi trong nước, ông còn bay nhiều tuyến nước ngoài, trong đó có nước Nga xa xôi và thường gặp thời tiết xấu. Ông cũng từng là cơ trưởng của nhiều chuyến bay chở các lãnh đạo cấp cao đi công cán.
Trước đó, lý lịch bay của cơ trưởng Phương rất sạch, đẹp. Đến năm 1988 ông vẫn chưa phạm bất cứ sơ suất gì mặc dù đã phải xuyên qua nhiều hành trình nguy hiểm. Ông kể từng cầm lái cơ trưởng chuyến bay TU 134 đến thủ đô Matxcơva (Nga). Hành trình chưa hoàn tất thì đồng hồ xăng bỗng dưng báo chỉ còn 4 phút bay buộc ông phải hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay địa phương nhỏ trong điều kiện bão tuyết cực kỳ xấu. Một lần khác, ông đang bay qua vùng Viễn Đông Nga thì gặp bão. Hoàn cảnh khu vực đó không cho phép ông hạ cánh xuống sân bay khác hay bay tránh mà buộc phải băng qua cơn bão.
Đã nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại câu chuyện cũ, ông Phương vẫn bị ám ảnh
Ông yêu cầu hoa tiêu tìm “khe” bão nhẹ nhất để xuyên qua. Máy bay trồi lên, hụp xuống, chao lắc dữ dội. Động cơ gầm gừ như đang hoạt động quá mức. Phích nước nóng trên kệ rung lắc đổ lên cả người tiếp viên. Tuy nhiên, cuối cùng chuyến bay bão táp vẫn hạ cánh an toàn trong tiếng vỗ tay hoan hô rền vang của hành khách…
Trở lại chuyến bay định mệnh sáng 9/9/1988, chiếc TU 134 do cơ trưởng Phương điều khiển đã vượt qua không phận VN an toàn, rồi bay vào Thái Lan. Thời tiết đột ngột trở xấu. Những cột mây như hình đồi núi giăng kín phía trước. Mưa rất lớn. Thi thoảng sấm chớp lóe lên chằng chịt.
Gần đến sân bay Bangkok, một ánh sét lại lóe lòa lên trước mũi máy bay. “Sét, sét đấy!” – người phi công phụ hét lên với cơ trưởng. Tuy nhiên, dưới mặt đất sân bay Bangkok vẫn không phát cảnh báo gì. Điều đó có nghĩa vẫn đang trong điều kiện cho phép hạ cánh.
Mắt u uất buồn, người cựu cơ trưởng lái chuyến bay định mệnh trầm giọng: “Tôi đã hạ độ cao để chuẩn bị hạ cánh, thì…”. Kể đến đây, ông không nói liền lạc được nữa, mà từng từ, từng từ rời rạc như chắt ra từ nỗi ngậm ngùi trong ông. Máy bay xuống đến độ cao 380m, cách sân bay khoảng 4km, thì một tia sáng xanh lại lóe lên trước cửa kính máy bay. Trong chớp mắt, các phi công rơi vào bất tỉnh, không còn biết gì nữa…
Nỗi buồn đọng lại
Khi tỉnh lại, cơ trưởng Phương thấy mình vẫn đang trong cabin máy bay. Nhưng lúc này nó lại đang nằm trên cánh đồng sình lầy và phần thân máy bay lại văng ra chỗ khác. Lửa cháy rừng rực. Không khí bốc mùi khét lẹt của các bộ phận thân máy bay bị cháy, của hành lý và của cả da thịt con người bị nạn. Bên cạnh ông, người phi công phụ to lớn đã tử vong ngay tại chỗ với đa chấn thương nghiêm trọng. Hoa tiêu có dấu hiệu còn sống nhưng cũng bị thương rất nặng…
Chiếc TU 134 từng ngang dọc bầu trời bị gãy rời làm ba phần bắn ra các phía. Mũi cabin mang theo các phi công nằm lăn lóc trên đồng, phần thân nửa nổi nửa chìm trên cánh đồng lắp xắp nước. Một số thi thể hành khách văng ra, nhưng nhiều người vẫn còn kẹt trong máy bay đang bốc cháy… Chỉ ít phút sau, người dân địa phương và các xe cứu hỏa, cứu thương đã lao đến. Nhưng hình như tất cả đã quá muộn.
Lúc còn nằm trên cánh đồng, cơ trưởng Phương biết tai nạn rất nghiêm trọng nhưng vẫn chưa rõ tình hình thế nào. Đến khi ông được đưa vào bệnh viện, sau đó được biết 75 người có mặt trên chuyến bay đã vĩnh viễn ra đi thì ông sốc thật sự.
Làm người cầm lái chinh phục các bầu trời, ai cũng biết vẫn có phần tỉ lệ rủi ro khó tránh dù ở bất cứ hãng hàng không nào trên thế giới. Nhưng có lẽ chẳng ai chuẩn bị được tinh thần để chịu đựng thảm nạn này ập đến với chuyến bay của mình. Phi hành đoàn sáu người chỉ còn lại hai. Hành khách cũng chỉ bốn người may mắn sống sót nhưng bị thương rất nặng. Chính bản thân cơ trưởng Phương cũng không thể nghĩ mình lại thoát chết một cách kỳ lạ như vậy trong khi người phi công phụ ngồi sát bên lại tử vong ngay.
Điều kỳ diệu là các vết thương của ông Phương cũng chỉ sây sát ở phần ngoài không nghiêm trọng. Trong tai nạn hàng không, chẳng ai dám nghĩ mình sẽ là người may mắn, nhưng sự thật vẫn có may mắn diễn ra hay còn có điều nhiệm mầu gì đó chưa lý giải được?
Suốt 20 ngày ở Bệnh viện Bangkok để chữa trị vết thương, mà chủ yếu là để hợp tác điều tra tai nạn hàng không, cơ trưởng Phương gần như không thể chợp mắt được. Sự may mắn kỳ lạ đến với chính bản thân ông nhưng cũng giằng xé trong ông nhiều nỗi ngậm ngùi. Ai chẳng biết cơ trưởng, tiếp viên cũng đều là con người, cũng có cha mẹ, vợ con để trân trọng. Ai chẳng biết sinh mạng họ cũng quý như mỗi hành khách và ngược lại. Nhưng khi có rủi ro, tai nạn, hành khách ra đi, cơ trưởng lại sống sót, thì dù không có lỗi chủ quan hay không ai oán trách lòng ông cũng trĩu nặng.
Ông Phương tâm sự suốt nhiều tháng liền ông bị ám ảnh nặng nề. Thậm chí, một người con của hành khách đã mất, biết nỗi lòng ông tìm đến an ủi: “Bác đừng tự trách mình nữa. Lỗi không phải của bác. Cháu hiểu sinh mạng cha cháu hay của bác cũng quý như nhau. Có ai muốn rơi xuống cái chết đâu”.
Sau đó, chiếc hộp đen được tìm thấy. Cơ quan điều tra hàng không thế giới và cả các chuyên gia Nga phân tích nguyên nhân máy bay bị tai nạn do sét đánh. Nhiều trường hợp sét đánh nhẹ máy bay vượt qua được, nhưng cũng có một số vụ nghiêm trọng không thể thoát. Ông Phương kể trong tai nạn này, tổ lái đã bất tỉnh ngay khi bị sét đánh trúng. Cần lái không còn bất cứ tác động nào của bàn tay phi công ngay trong phần giây bị sét đánh. Sau tiếng sét, hộp đen cũng không ghi được lời gì của tổ lái…
Người cơ trưởng tưởng như cởi được gánh nặng lương tâm nhưng ông vẫn buồn, buồn lắm. Sau một hồi nghẹn giọng, ông gần như bật khóc: “Tôi đã ước gì sự may mắn của mình được trao cho người khác trên chuyến bay định mệnh này!”.
Theo 24h
Lằn ranh sinh Kỳ 2: Tai nạn kinh hoàng
"Rầm! Tôi thấy người mình bắn tung lên, rồi đập vật xuống đường. Sau tích tắc cảm giác đau như hàng trăm mũi dao đâm, cắt vào người, tất cả biến mất, không còn cảm giác gì nữa, thấy gì nữa. Phải chăng đó chính là đường hầm đen tối đi vào cõi chết?".
Nhắc lại vụ tai nạn giao thông kinh hoàng bất ngờ ập đến với mình, anh Nguyễn Xuân Thiên vẫn còn bị ám ảnh.
Cú đâm tử thần
Cũng như bao ngày khác, hôm ấy anh Thiên đi làm từ nhà ở ngã tư Bảy Hiền, Q.Tân Bình, TP.HCM đến công ty trong Khu công nghiệp Tân Tạo. Mọi việc đều êm ả, bình thường. 3h chiều, anh có việc phải tạt qua cơ sở sản xuất trên đường Nguyễn Văn Luông, Q.6. Đã cầm lái xe máy hơn 20 năm, anh đi rất kỹ và chắc tay lái.
Từ Khu công nghiệp Tân Tạo, anh hướng ra vòng xoay quốc lộ 1 rồi ngược về đường Nguyễn Văn Luông. 3h chiều, đường phố còn khá thoáng. Anh Thiên chạy chậm rãi, và chỉ ít phút nữa là đến cơ sở. Bất ngờ từ phía bên kia đường, một chiếc xe khách lớn loại 45 chỗ lấn trái với tốc độ chóng mặt. Khi phát hiện ra, anh Thiên cố gắng quẹo hết mức tay lái về bên phải để tránh cú đâm ngược chiều trực diện.
Nhưng không còn kịp nữa. Trong chớp mắt, anh nghe một tiếng rầm chát chúa. Chiếc xe máy văng ra. Người anh bị hất tung lên rồi đập xuống đường. Trong cơn đau như xé nát cơ thể ra từng mảnh, anh vẫn còn nghe loáng tháng tiếng người đi đường la hét thất thanh, hình ảnh lòe nhòe người tài xế xe khách bỏ xe chạy trốn. Rồi anh lịm mê đi, không biết gì nữa. Máu đỏ ướt sũng trên người anh, chảy dài thành vệt ra đường.
Sau tai nạn, tình yêu cuộc sống đã đến với anh Thiên - Ảnh: X.T.
Người qua đường tốt bụng đưa anh Thiên vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, rồi xem thẻ nhân viên báo về công ty anh. Lúc mọi người đến, anh đã được chuyển vào phòng cấp cứu. Bác sĩ báo tình hình rất nghiêm trọng, mà nặng nhất là bị đa chấn thương vùng ngực, gãy xương, ảnh hưởng đến tim, phổi bị giập, tràn dịch gây suy hô hấp. Các vết thương hở, gây chảy máu bên ngoài cũng nặng ở cả vùng mặt và thân. Vùng não chưa kiểm tra hoàn tất, nhưng tiên đoán có thể rất nghiêm trọng với một vụ đụng xe trực diện ngược chiều như vậy...
Nửa giờ sau, người nhà anh Thiên nhận tin khẩn cấp vội vã chạy đến bệnh viện. Tuy nhiên, mọi người chỉ có thể lo lắng đứng đợi tin ở ngoài cửa phòng cấp cứu. Không khí càng thêm lo âu khi các bác sĩ căng thẳng ra vô, chỉ im lặng, không trả lời một câu hỏi nào. Chập tối, người nhà của anh được thông báo đi xét nghiệm máu để chuẩn bị lấy máu, tiếp truyền cho anh mổ. Không mấy người trùng nhóm máu của anh, nhưng tất cả đều được lấy. Một người em của anh vừa buồn vừa căng thẳng, khi bác sĩ lấy máu xong ngồi xỉu ngay ở cầu thang bệnh viện. Mẹ anh lúc ấy gần 60 tuổi cũng bị choáng nặng sau khi được lấy máu.
21h, rồi 24h... Kim đồng hồ đã chạy qua ngày mới nhưng vẫn bặt tin anh sau cánh cửa phòng cấp cứu. Mọi người lo lắng tìm hỏi bác sĩ, cũng chỉ nghe mấy câu trả lời vội: "Đang cấp cứu. Kết quả thế nào sẽ báo sau". Suốt cả đêm không ai chợp mắt được giây nào. Hình ảnh những nạn nhân tai nạn giao thông bê bết máu vào phòng cấp cứu, rồi hình ảnh những băng ca phủ khăn trắng kín mít lạnh lẽo đẩy ra khiến người thân của anh Thiên càng thêm căng thẳng, lo âu. Mẹ anh mất chồng sớm, phải tự bươn chải kiếm sống, tính tình rất cứng rắn, quyết đoán, nhưng hôm ấy cứ ngơ ngác, mất hồn đợi tin con.
Không hiểu sao tối hôm ấy nhiều ca tai nạn giao thông dồn dập chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy. Người bị đụng xe ở TP.HCM, người từ miền Đông xuống, người từ miền Tây lên... Nhiều ca nặng đã không thể qua khỏi. Trong đó có cả một cô bé học sinh 16-17 tuổi bị xe ba bánh chở sắt xây dựng đâm xuyên qua gan... Trời chuyển sáng, người nhà anh Thiên vẫn chưa được biết tình hình anh thế nào. 12h trưa trôi qua trong căng thẳng. Mãi đến 16g, loa bệnh viện mới phát gọi người nhà anh Thiên đến gặp bác sĩ. Mẹ và các em anh hớt hải chạy đi, lo lắng không biết sẽ nhận câu trả lời thế nào. Bác sĩ gặp mẹ anh cũng chỉ nói ngắn gọn: "Nạn nhân đã được cấp cứu. Tình hình rất nghiêm trọng. Cần phải theo dõi, điều trị đặc biệt". Mẹ anh phập phồng hỏi liệu anh có qua khỏi không. Bác sĩ cũng chỉ trả lời tất cả đang cố gắng hết sức, chưa thể nói ngay thế nào được". Lúc đó, anh Thiên mới 27 tuổi. Anh còn quá trẻ để phải gánh chịu điều đen tối nhất đến với cuộc đời mình.
Suốt gần 10 ngày trong phòng săn sóc đặc biệt, anh Thiên lúc tỉnh, lúc mê man bất động. Các chỉ số sinh tồn khi lóe lên, khi lịm xuống. Người anh băng bó chằng chịt từ đầu đến chân. Suốt ngày đêm, ống kim được cắm xuyên qua ngực đi thẳng vào phổi để hút máu mủ, dịch tràn ra. Qua ngày thứ 11, tình hình anh mới chuyển khá dần. Anh mới bắt đầu tỉnh táo, nói chuyện được với người nhà. Bác sĩ đến thăm bệnh, nói đây là một ca hiếm, đã vượt qua nguy hiểm khá nhanh. "Ý chí sinh tồn trong mỗi con người quan trọng lắm. Cùng như vậy, nhưng có người vượt qua được, người không thể"- ông tâm sự với người nhà anh.
Từ phải dùng thức ăn lỏng qua đường mũi, anh Thiên đã dần uống được sữa và cháo lỏng. Tâm sự với người nhà, anh kể suốt 10 ngày qua cứ bị giấc ngủ quyến rũ một cách kỳ lạ. Nó cứ như nói vào đầu anh ngủ đi, ngủ nữa đi, giấc ngủ êm đềm, không có đau đớn, buồn phiền nữa đâu. Nhưng chính những lúc ấy đầu anh lại cố gắng vùng vẫy, tỉnh dậy. Anh sợ mình chìm lạc vào bóng tối vĩnh viễn. Cái bóng tối đen như mực, như cánh cửa đóng sập lại mà anh đã cảm nhận được lúc bị chiếc xe khách đụng phải làm bắn tung lên rồi quăng xuống đường. Về sau, anh thỉnh thoảng lại bị ám ảnh về cái bóng tối đó. Không hiểu đó có phải là bóng tối cuối cùng của một đời người hay không?
Đến khi tỉnh lại, nhận ra được người thân, người vợ sắp cưới của mình, anh Thiên lại càng thêm ý chí phải sống. Mẹ anh suốt ngày quanh quẩn bên anh, người yêu cũng ở bên anh. Anh Thiên kể lúc ấy anh vẫn còn đau lắm, duỗi tay cũng đau, nấc ho cũng đau. Người cứ li bì sốt, mắt mờ, tai cứ ù ù váng vất. Tuy nhiên, đó cũng chính là thời gian anh đã cảm nhận cái chết có thể đến với mình, và ý thức rất rõ ràng là phải cố gắng vượt qua được nó. Nhiều bữa anh nuốt muỗng cháo mà thấy như nhét viên sỏi, cục than vào cổ, nhưng anh vẫn cố nuốt xuống. Khi được tháo kim lấy dịch ra khỏi phổi, anh đã cố gượng nhúc nhắc ngay người để hồi phục các cơ và tránh bị lở loét dưới lưng. 15 ngày, anh bắt đầu dò dẫm đi lại từng bước.
20 ngày, anh đã đi được từ giường bệnh ra ngoài hành lang để hít khí trời.
Chủ xe gây tai nạn vào thăm anh, ngỏ ý xin bồi thường. Anh trả lời rằng: "Khi cận kề với cái chết tôi mới thật sự thấm thía điều đáng giá nhất, quý nhất chính là sinh mạng con người. Nó mất đi rồi thì chẳng có thứ gì bồi thường nổi. Mong ông hãy ghi nhớ lấy điều này!".
Sau ba tuần anh Thiên được về nhà. Mặc dù một bên ngực bị lép hẳn, sức khỏe cũng sa sút rất nhiều, nhưng anh đã nhanh chóng đi làm lại và cưới vợ. Chỉ một năm sau, thiên thần thứ nhất của vợ chồng anh chào đời, rồi đến thiên thần bé xinh thứ hai...
Theo 24h
Lằn ranh sinh-tử Kỳ 1: Tối định mệnh Đối diện với cái chết tưởng chừng như chắc chắn trong bệnh tật nan y, trong tai nạn, thảm họa, án mạng, nhưng họ vẫn vượt qua được một cách kỳ diệu. Có người cho rằng đó là sự nhiệm mầu, nhưng nhiều người tin rằng chính tình yêu cuộc sống cháy bỏng đã giúp bước chân đang chông chênh giữa lằn ranh...