Lằn ranh sinh Kỳ 2: Tai nạn kinh hoàng
“Rầm! Tôi thấy người mình bắn tung lên, rồi đập vật xuống đường. Sau tích tắc cảm giác đau như hàng trăm mũi dao đâm, cắt vào người, tất cả biến mất, không còn cảm giác gì nữa, thấy gì nữa. Phải chăng đó chính là đường hầm đen tối đi vào cõi chết?”.
Nhắc lại vụ tai nạn giao thông kinh hoàng bất ngờ ập đến với mình, anh Nguyễn Xuân Thiên vẫn còn bị ám ảnh.
Cũng như bao ngày khác, hôm ấy anh Thiên đi làm từ nhà ở ngã tư Bảy Hiền, Q.Tân Bình, TP.HCM đến công ty trong Khu công nghiệp Tân Tạo. Mọi việc đều êm ả, bình thường. 3h chiều, anh có việc phải tạt qua cơ sở sản xuất trên đường Nguyễn Văn Luông, Q.6. Đã cầm lái xe máy hơn 20 năm, anh đi rất kỹ và chắc tay lái.
Từ Khu công nghiệp Tân Tạo, anh hướng ra vòng xoay quốc lộ 1 rồi ngược về đường Nguyễn Văn Luông. 3h chiều, đường phố còn khá thoáng. Anh Thiên chạy chậm rãi, và chỉ ít phút nữa là đến cơ sở. Bất ngờ từ phía bên kia đường, một chiếc xe khách lớn loại 45 chỗ lấn trái với tốc độ chóng mặt. Khi phát hiện ra, anh Thiên cố gắng quẹo hết mức tay lái về bên phải để tránh cú đâm ngược chiều trực diện.
Nhưng không còn kịp nữa. Trong chớp mắt, anh nghe một tiếng rầm chát chúa. Chiếc xe máy văng ra. Người anh bị hất tung lên rồi đập xuống đường. Trong cơn đau như xé nát cơ thể ra từng mảnh, anh vẫn còn nghe loáng tháng tiếng người đi đường la hét thất thanh, hình ảnh lòe nhòe người tài xế xe khách bỏ xe chạy trốn. Rồi anh lịm mê đi, không biết gì nữa. Máu đỏ ướt sũng trên người anh, chảy dài thành vệt ra đường.
Video đang HOT
Sau tai nạn, tình yêu cuộc sống đã đến với anh Thiên – Ảnh: X.T.
Người qua đường tốt bụng đưa anh Thiên vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, rồi xem thẻ nhân viên báo về công ty anh. Lúc mọi người đến, anh đã được chuyển vào phòng cấp cứu. Bác sĩ báo tình hình rất nghiêm trọng, mà nặng nhất là bị đa chấn thương vùng ngực, gãy xương, ảnh hưởng đến tim, phổi bị giập, tràn dịch gây suy hô hấp. Các vết thương hở, gây chảy máu bên ngoài cũng nặng ở cả vùng mặt và thân. Vùng não chưa kiểm tra hoàn tất, nhưng tiên đoán có thể rất nghiêm trọng với một vụ đụng xe trực diện ngược chiều như vậy…
Nửa giờ sau, người nhà anh Thiên nhận tin khẩn cấp vội vã chạy đến bệnh viện. Tuy nhiên, mọi người chỉ có thể lo lắng đứng đợi tin ở ngoài cửa phòng cấp cứu. Không khí càng thêm lo âu khi các bác sĩ căng thẳng ra vô, chỉ im lặng, không trả lời một câu hỏi nào. Chập tối, người nhà của anh được thông báo đi xét nghiệm máu để chuẩn bị lấy máu, tiếp truyền cho anh mổ. Không mấy người trùng nhóm máu của anh, nhưng tất cả đều được lấy. Một người em của anh vừa buồn vừa căng thẳng, khi bác sĩ lấy máu xong ngồi xỉu ngay ở cầu thang bệnh viện. Mẹ anh lúc ấy gần 60 tuổi cũng bị choáng nặng sau khi được lấy máu.
21h, rồi 24h… Kim đồng hồ đã chạy qua ngày mới nhưng vẫn bặt tin anh sau cánh cửa phòng cấp cứu. Mọi người lo lắng tìm hỏi bác sĩ, cũng chỉ nghe mấy câu trả lời vội: “Đang cấp cứu. Kết quả thế nào sẽ báo sau”. Suốt cả đêm không ai chợp mắt được giây nào. Hình ảnh những nạn nhân tai nạn giao thông bê bết máu vào phòng cấp cứu, rồi hình ảnh những băng ca phủ khăn trắng kín mít lạnh lẽo đẩy ra khiến người thân của anh Thiên càng thêm căng thẳng, lo âu. Mẹ anh mất chồng sớm, phải tự bươn chải kiếm sống, tính tình rất cứng rắn, quyết đoán, nhưng hôm ấy cứ ngơ ngác, mất hồn đợi tin con.
Không hiểu sao tối hôm ấy nhiều ca tai nạn giao thông dồn dập chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy. Người bị đụng xe ở TP.HCM, người từ miền Đông xuống, người từ miền Tây lên… Nhiều ca nặng đã không thể qua khỏi. Trong đó có cả một cô bé học sinh 16-17 tuổi bị xe ba bánh chở sắt xây dựng đâm xuyên qua gan… Trời chuyển sáng, người nhà anh Thiên vẫn chưa được biết tình hình anh thế nào. 12h trưa trôi qua trong căng thẳng. Mãi đến 16g, loa bệnh viện mới phát gọi người nhà anh Thiên đến gặp bác sĩ. Mẹ và các em anh hớt hải chạy đi, lo lắng không biết sẽ nhận câu trả lời thế nào. Bác sĩ gặp mẹ anh cũng chỉ nói ngắn gọn: “Nạn nhân đã được cấp cứu. Tình hình rất nghiêm trọng. Cần phải theo dõi, điều trị đặc biệt”. Mẹ anh phập phồng hỏi liệu anh có qua khỏi không. Bác sĩ cũng chỉ trả lời tất cả đang cố gắng hết sức, chưa thể nói ngay thế nào được”. Lúc đó, anh Thiên mới 27 tuổi. Anh còn quá trẻ để phải gánh chịu điều đen tối nhất đến với cuộc đời mình.
Suốt gần 10 ngày trong phòng săn sóc đặc biệt, anh Thiên lúc tỉnh, lúc mê man bất động. Các chỉ số sinh tồn khi lóe lên, khi lịm xuống. Người anh băng bó chằng chịt từ đầu đến chân. Suốt ngày đêm, ống kim được cắm xuyên qua ngực đi thẳng vào phổi để hút máu mủ, dịch tràn ra. Qua ngày thứ 11, tình hình anh mới chuyển khá dần. Anh mới bắt đầu tỉnh táo, nói chuyện được với người nhà. Bác sĩ đến thăm bệnh, nói đây là một ca hiếm, đã vượt qua nguy hiểm khá nhanh. “Ý chí sinh tồn trong mỗi con người quan trọng lắm. Cùng như vậy, nhưng có người vượt qua được, người không thể”- ông tâm sự với người nhà anh.
Từ phải dùng thức ăn lỏng qua đường mũi, anh Thiên đã dần uống được sữa và cháo lỏng. Tâm sự với người nhà, anh kể suốt 10 ngày qua cứ bị giấc ngủ quyến rũ một cách kỳ lạ. Nó cứ như nói vào đầu anh ngủ đi, ngủ nữa đi, giấc ngủ êm đềm, không có đau đớn, buồn phiền nữa đâu. Nhưng chính những lúc ấy đầu anh lại cố gắng vùng vẫy, tỉnh dậy. Anh sợ mình chìm lạc vào bóng tối vĩnh viễn. Cái bóng tối đen như mực, như cánh cửa đóng sập lại mà anh đã cảm nhận được lúc bị chiếc xe khách đụng phải làm bắn tung lên rồi quăng xuống đường. Về sau, anh thỉnh thoảng lại bị ám ảnh về cái bóng tối đó. Không hiểu đó có phải là bóng tối cuối cùng của một đời người hay không?
Đến khi tỉnh lại, nhận ra được người thân, người vợ sắp cưới của mình, anh Thiên lại càng thêm ý chí phải sống. Mẹ anh suốt ngày quanh quẩn bên anh, người yêu cũng ở bên anh. Anh Thiên kể lúc ấy anh vẫn còn đau lắm, duỗi tay cũng đau, nấc ho cũng đau. Người cứ li bì sốt, mắt mờ, tai cứ ù ù váng vất. Tuy nhiên, đó cũng chính là thời gian anh đã cảm nhận cái chết có thể đến với mình, và ý thức rất rõ ràng là phải cố gắng vượt qua được nó. Nhiều bữa anh nuốt muỗng cháo mà thấy như nhét viên sỏi, cục than vào cổ, nhưng anh vẫn cố nuốt xuống. Khi được tháo kim lấy dịch ra khỏi phổi, anh đã cố gượng nhúc nhắc ngay người để hồi phục các cơ và tránh bị lở loét dưới lưng. 15 ngày, anh bắt đầu dò dẫm đi lại từng bước.
20 ngày, anh đã đi được từ giường bệnh ra ngoài hành lang để hít khí trời.
Chủ xe gây tai nạn vào thăm anh, ngỏ ý xin bồi thường. Anh trả lời rằng: “Khi cận kề với cái chết tôi mới thật sự thấm thía điều đáng giá nhất, quý nhất chính là sinh mạng con người. Nó mất đi rồi thì chẳng có thứ gì bồi thường nổi. Mong ông hãy ghi nhớ lấy điều này!”.
Sau ba tuần anh Thiên được về nhà. Mặc dù một bên ngực bị lép hẳn, sức khỏe cũng sa sút rất nhiều, nhưng anh đã nhanh chóng đi làm lại và cưới vợ. Chỉ một năm sau, thiên thần thứ nhất của vợ chồng anh chào đời, rồi đến thiên thần bé xinh thứ hai…
Theo 24h
Lằn ranh sinh-tử Kỳ 1: Tối định mệnh
Đối diện với cái chết tưởng chừng như chắc chắn trong bệnh tật nan y, trong tai nạn, thảm họa, án mạng, nhưng họ vẫn vượt qua được một cách kỳ diệu.
Có người cho rằng đó là sự nhiệm mầu, nhưng nhiều người tin rằng chính tình yêu cuộc sống cháy bỏng đã giúp bước chân đang chông chênh giữa lằn ranh sinh - tử của họ vượt qua được cái chết.
Chuyện bắt đầu vào tối mồng một tháng 7 âm lịch năm 2010. Tạ Mạnh Tiến chở vợ con đi dự lễ tân gia tại nhà người em vợ ở thị trấn Văn Điển, Hà Nội. Gia chủ, khách khứa chân tình mời rượu, Tiến chỉ dám nhấp môi vài ly. Sức uống của Tiến khá tốt, nhưng anh lo đường về nhà ở phố Lê Duẩn khá xa và cũng còn nhiều việc phải làm. Đêm hè, trời lại chuyển se lạnh với cơn mưa rào bất chợt dưới sấm chớp nhì nhằng...
Sau cú ngã bất ngờ
Gần 21h, Tiến chào chủ nhà ra về. Anh chở vợ và con trai út trên chiếc xe Wave. Sau cơn mưa đường phố sạch mát. Tiến cảm giác thư thái. Anh chỉ giữ ga xe khoảng 30km/giờ để vợ con được hít khí trời hiếm có trong mùa hè oi bức. Bất ngờ đến đoạn bến xe Giáp Bát, đường Giải Phóng, anh chợt thấy những bóng đèn đường, đèn xe, hình ảnh người qua lại nhòe nhoẹt, rồi tất cả tối sầm lại chìm vào bóng đen tuyệt đối... Vợ anh, chị Lê Thị Thảo Nguyên, xúc động nhớ: "Anh ấy đang chạy xe rất chậm, có lúc còn nói chuyện vọng ra phía sau với vợ con, rồi tự dưng loạng choạng, ngã vật ra đường, nằm cứng đờ, không còn biết gì nữa. May là không có xe lớn nào ở phía sau lao tới".
Lay chồng dậy không được, chị Nguyên biết tình hình rất nghiêm trọng. Từng đi bộ đội, chị được trang bị chút kiến thức y tế cơ bản, nên đoán chồng mình có thể bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não mới hôn mê nhanh. Kéo vội chồng vào vệ đường, chị cố vẫy taxi. Nhiều chiếc vụt qua, không dừng lại. Có lẽ họ nghĩ tai nạn xe cộ hoặc cướp giết gì đó và không muốn dây vào. Tuyệt vọng, chị lao ra đường, chặn ngay đầu một chiếc xe. Tài xế thắng két, thò đầu ra cửa, hét um: "Điên à? Muốn chết à?". Nhưng khi thấy Tiến nằm bất động trên hè đường, anh ta ngần ngừ, rồi cũng giúp chị Nguyên đưa chồng lên xe. Phân vân vài giây, chị Nguyên nói tài xế chở nhanh đến Bệnh viện Quân y 108 ở số 1 Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vì đường gần và chị cũng có người quen ở đó.
Sau cơn thập tử nhất sinh, sức khỏe anh Tiến phục hồi dần
Vào bệnh viện, anh Tiến vẫn chìm trong hôn mê, tiểu tiện không kiểm soát được. Bác sĩ yêu cầu chị phải vệ sinh nhanh cho chồng rồi đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Chị Nguyên đứng ngoài cánh cửa đóng chặt, phập phồng, căng thẳng theo từng tiếng bước chân bác sĩ. Khoảng 2h sáng, cửa phòng cấp cứu mở. Bác sĩ tiến đến phía chị, nói tình trạng anh Tiến bị "xuất huyết dưới màng nhện não" mà dân gian vẫn gọi là tai biến mạch máu não. Anh đang hôn mê, cứng cổ, tình trạng rất nguy hiểm. Chị phải chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất! Chị Nguyên xúc động nhớ khoảnh khắc đó: "Nghe bác sĩ nói nước mắt tôi cứ trào ra. Nhưng thật kỳ lạ, đầu óc lại tỉnh táo hoàn toàn. Tôi không suy nghĩ gì khác ngoài phải cố gắng mọi cách để cứu chồng. Lúc ấy chồng tôi mới 52 tuổi, đứa con út vừa sang tuổi 14. Không thể để anh ấy ra đi được".
Suốt 20 ngày sau anh Tiến vẫn hôn mê, bất động trong đám dây nhợ lằng nhằng của các thiết bị y tế kỹ thuật cao ở Bệnh viện Quân y 108. Anh sút đến 17kg, từ 57kg tụt xuống chỉ còn 40kg. Chị Nguyên cũng sút 13kg vì lo lắng, mất ăn mất ngủ, chăm chồng. Suốt 20 ngày này anh Tiến không hay biết gì. Chị Nguyên phải đưa thức ăn lỏng qua mũi, duy trì sự sinh tồn cho chồng. Anh nằm trong căn phòng đặc biệt, gần như không được mặc quần áo gì cả. Chị trải chiếu bên dưới giường chồng. Thi thoảng, khi bác sĩ vào khám chị mới dám ra ngồi một chút ngoài hành lang cho thoáng.
Suy kiệt sức khỏe theo chồng, nhưng đầu óc chị Nguyên lại rất tỉnh táo. Chị bình tĩnh sắp đặt trước mọi khả năng xấu nhất. Người ta nói những trường hợp tai biến nghiêm trọng thế này, nếu không chết thì có thể cũng bị bại liệt. Chị phải chấp nhận và sẵn sàng sống với nó. Còn điều lo lắng trước mắt là tiền điều trị quá cao, cả chục triệu đồng mỗi ngày. Cũng may chị có người anh chồng ở TP.HCM hết lòng với em trai đang thập tử nhất sinh.
Hồi sinh
Đêm thứ nhất lạnh lẽo trôi qua trong tuyệt vọng. Đêm thứ hai, rồi đêm thứ năm, thứ mười... cũng lặng lẽ dìm mọi hi vọng lại phía sau. Anh Tiến vẫn hôn mê nằm cứng đờ trên giường bệnh. Mỗi lần xoa bóp, săn sóc chồng, chị Nguyên đều nhìn chăm chăm vào gương mặt anh, vào các ngón tay ngón chân xem có phản ứng gì không, nhưng tất cả đều không có một biểu hiện gì!
...2h ngày thứ 20 trong Bệnh viện Quân y 108. Anh Tiến tự dưng thấy mình đang ở nhà anh trai trong TP.HCM. Mọi thứ đều thân thuộc, gần gũi, ấm áp. Anh vẫn đang quyến luyến muốn ở lại thì người bố đến vỗ vai: "Thôi, con về đi. Ở đây làm gì. Bố đã bảo anh mua vé cho con rồi. Con về với vợ con đi. Cả nhà đang trông con lắm đấy". Tiến chào bố, chào anh, chuẩn bị xe... Đó cũng là lúc anh cựa mình, tỉnh lại lần đầu tiên trong suốt 20 ngày đêm hôn mê cận cái chết. Ban đầu anh vẫn ngỡ ngàng, đảo mắt nhìn quanh phòng mà anh cứ nghĩ là nhà anh trai, còn người bố và anh thì mới đấy tự dưng lại đi đâu mất. Lát sau anh mới nhìn thấy gương mặt người vợ đang âu yếm nhìn mình: "Anh có biết anh ở đâu không?". Anh Tiến ngơ ngác lắc đầu: "Bệnh viện đấy. Anh sống rồi!".
Lúc này, anh Tiến như tỉnh hẳn, sực nhớ lại khoảnh khắc nhòe nhoẹt, rồi tối sầm lúc anh buông tay lái, ngã lăn ra đường. Ký ức sau đó của anh trong suốt 20 ngày đêm là tối đen như mực. Khoảnh khắc duy nhất sau cú ngã xe mà anh nhớ là giấc mơ đang ở nhà anh trai, với bố, nhưng thật ra bố anh đã qua đời từ năm 1997, còn nhà anh trai thì ở đường Trần Huy Liệu, TP.HCM. Lúc bố anh vỗ vai kêu anh về với vợ con cũng là lúc anh bắt đầu hồi tỉnh từ bóng đen hôn mê. Anh ứa nước mắt nhìn gương mặt thân yêu, gầy rộc của vợ!
Lần đầu tiên anh Tiến nhìn thấy được mặt bác sĩ cũng là lúc anh được bác sĩ bắt tay, chúc mừng: "Anh may mắn đã có người vợ thương chồng hết mực đấy. Xuất huyết não của anh mà vào trễ một tí nữa là cứu không kịp". Anh Tiến cảm ơn bác sĩ, cảm ơn vợ, cảm ơn cuộc đời may mắn hay nhiệm mầu đã cho mình cuộc sống lần thứ hai.
Vượt qua cái chết, niềm vui lại đến khi dấu hiệu phục hồi cho thấy anh không bị bại liệt như nhiều người đồng bệnh. Anh chỉ thấy mắt trái, tay trái hơi yếu, nhưng vẫn đi lại, cầm chén cơm ăn uống bình thường. Nằm thêm tại bệnh viện quân y một thời gian, anh chuyển qua y học dân tộc để tập vật lý trị liệu và châm cứu. Sau gần hai tháng, anh đã trở về ngôi nhà thân thuộc trong ngõ nhỏ phố Lê Duẩn, bên cạnh người vợ và hai đứa con thân thương. Tính tình anh thay đổi hẳn, không còn hay nóng nảy, buồn rầu nữa. Bởi từ lúc ấy anh đã thật sự thấm thía câu thơ mà trước đây chẳng mấy để ý: "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày mới để yêu thương"...
Theo 24h
Xót lòng trước gia đình cô giáo sống khổ hơn chết Mẹ già yếu, nằm liệt trên giường sau một cơn tai biến. Người chị gái bị bệnh tâm thần lúc tỉnh lúc mê. Tất cả gánh nặng gia đình đặt lên đôi vai gầy cô Võ Thị Thu Hồng vốn cũng đang mắc căn bệnh ung thư đại tràng. Căn nhà gia đình cô Hồng (ở số 89/6, tổ 3, ấp 6, xã...