Lằn ranh đỏ và sự chạm ngưỡng thông minh
Việc thẩm định cấp phép phổ biến phim chiếu rạp luôn là mối quan tâm của dư luận, trong đó có các nhà phát hành phim, sản xuất phim, đạo diễn phim bởi “đồng tiền đi liền khúc ruột”.
Cảnh phim “ Thành phố mất tích” ( The lost city) phim 13 . Ảnh: CGV
Trailer Thành phố mất tích
2 năm: 29 phim/356 phim không thể phổ biến
Được biết, năm 2020, Cục Điện ảnh không cho phép phổ biến 23/222 phim được thẩm định (bao gồm 38 phim Việt Nam và 184 phim nước ngoài được nhập khẩu), cụ thể: phim nước ngoài: 23/184 phim và không có phim Việt Nam nào. Đó là các phim “Kẻ ăn giấc ngủ (Awoken, Australia), “Đại thảm họa núi Baekdu” ( Ashfall Baekdu Mountaint, Hàn Quốc) ,”Thời khắc thanh trừng” ( The Cleansing Hour, Mỹ), “Sát thủ bất đắc dĩ” (Guns Akimbo, Anh), “Ma thuật đen” (Ratu Ilmu Hitam, Indonesia), “Chó săn tiền” ( Beasts Clawing at Straws, Hàn Quốc), “Đoạt mạng” (The Dare, Bulgaria, Mỹ, Anh), “Chuyện kinh dị trong nhà xác” ( The Mortuary Colletion, Mỹ), “Ngôi làng chết chóc” (Undead – The lost Village, Thái Lan)…
Còn trong năm 2022 (tháng 1 và 2), Cục không cho phép phổ biến 1/20 phim được thẩm định (gồm 4 phim Việt Nam và 16 phim nước ngoài được nhập khẩu), đó là phim “Thợ săn cổ vật ( Unchart, Mỹ).
Như vậy, trong 2 năm 2020 – 2021, tổng số có 29/356 phim truyện chiếu rạp/không hoặc cấm cho phép phổ biến, trong đó có 2/61 phim Việt Nam, còn lại là 27/295 phim truyện nước ngoài nhập khẩu.
Vì sao?
Trong 27 phim truyện nước ngoài nhập khẩu không cho phép phổ biến thì 25 phim không được phép phổ biến do có nội dung, hình ảnh bạo lực, kinh dị, các hành động tội ác, tà thuật, ma quái, xúc phạm tôn giáo, liên quan nước thứ ba, tình dục vượt quá mức phân loại C18, vi phạm Điều 11. Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh của Luật Điện ảnh 2006 và các quy định liên quan của pháp luật.
2 phim có các nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam hoặc các nước thứ ba. Trong đó, phim “Thợ săn cổ vật” (Unchart, Mỹ) thể hiện đường chín đoạn một cách rõ ràng (đối với các phim có hình ảnh đường lưỡi bò Cục Điện ảnh đều ra quyết định cấm phổ biến ngay lập tức). Ngoài ra có những trường hợp dù không liên quan tới nội dung phim, nhưng hình ảnh bản đồ, quả địa cầu thế giới, hoặc khu vực trong phim không thể hiện quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo, Phú Quốc đều được yêu cầu cắt, xóa các hình ảnh đó trước khi cấp Giấy phép phổ biến phim. Đơn cử như phim “Trận chiến sinh tử” (Midway (Mỹ, Canada, Trung Quốc), hình ảnh bản đồ khu vực Thái Bình Dương, quả địa cầu trong phim không thể hiện quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo, Phú Quốc (thẩm định năm 2020); “Thế giới khủng long: Lãnh địa” (Jurassic World: Dominion (Mỹ, Trung Quốc) có hình ảnh bản đồ thế giới không thể hiện quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo, Phú Quốc (thẩm định tháng 3.2022).
Lằn ranh đỏ
Dĩ nhiên là nhà phát hành, nhà sản xuất và đạo diễn phim không ai muốn đứa con của mình bị cắt sửa đã đành còn tất nhiên nếu bị cấm thì đó là nỗi đau cả về tinh thần và vật chất. Nhưng vấn đề là họ (với các nhà nhập khẩu phát hành phim ngoại và nhà sản xuất, đạo diễn phim Việt) phải nắm luật và hơn thế là các nghị định, thông tư dưới luật hướng dẫn cụ thể việc thi hành luật. Thế nào là phim được phép phổ biến rộng rãi, phim 13 , 16 và 18 … cảnh bạo lực tránh những điểm gì, có được cận cảnh đầu rơi, máu chảy, giết người, tra tấn dã man gây kích động bạo lực không? Hay cảnh khỏa thân được hở bao nhiêu, kéo dài bao lâu, hay cảnh tình dục trong khung giới hạn ở từng độ tuổi như thế nào? Tất cả đều có những quy định rõ.
Ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia – cho rằng, những cảnh trực quan giết người dã man tác động trực tiếp đến tâm sinh lý của thế hệ trẻ là rất nguy hiểm. Và ông không cổ súy cho những phim quá nặng nề, u ám, tràn ngập cảnh thanh trừng, bắn giết nhau mà không đem lại một thông điệp nhân văn nào.
Có những đạo diễn làm phim rất giỏi (một phần vì họ được luật sư tư vấn), họ chỉ chạm tới ngưỡng cho phép và dừng lại; vì biết rõ chỉ đi quá một chút là bị thổi còi. Cả những cảnh sex, có đạo diễn chỉ quay phần lưng phía sau hoặc phía trước nhưng rất ảo mờ và không hề rõ những bộ phận nhạy cảm thì không ai bắt bẻ được họ.
Có những đạo diễn khi làm phim bị áp đặt yếu tố chủ quan vào phim khi cứ nhét vào miệng những tên xã hội đen hàng loạt câu chửi thề, mà không biết rằng thực tế không hẳn như vậy.
Cũng không quá cứng nhắc đòi hỏi phim tội phạm nào cũng phải tôn vinh, ca ngợi các chiến sĩ công an phá án nhưng nếu biến lực lượng thi hành pháp luật thành những người luôn đến sau, thậm chí còn “ngây ngô” thì đã phản ánh đúng bản chất của hiện thực xã hội chưa?
Lợi bất cập hại khi nhập quá nhiều phim hành động, kinh dị
Phim Việt mỗi khi ra rạp luôn phải đối mặt với cảnh "thập diện mai phục" khi cùng lúc có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các siêu phẩm Hollywood.
Nhiều nhà phát hành phim Việt đã phải cân nhắc, chọn kỹ thời điểm phát hành để khi ra rạp khỏi đụng độ với các "bom tấn" ngoại quốc. Câu hỏi đặt ra là có nên hạn chế tỉ lệ phim nhập và cân đối giữa các thể loại, tránh để khán giả "bội thực" khi phải "ăn" quá nhiều "món" hành động và kinh dị.
Siêu sao Sandra Bullock trong phim Thành phố mất tích (tựa gốc: The Lost City) Ảnh: CGV
Trail Thành phố mất tích
Hai mặt của đồng xu
Hành động và kinh dị đang chiếm tỉ lệ quá cao trong số các phim nước ngoài nhập về Việt Nam. Chỉ xin điểm qua các phim đang chiếu tại các rạp chiếu của CGV trong hai tháng 2 và 3.2022. "Bóng đè", "Rừng hiến tế", "Đêm trói buộc", "Bồ cũ", "Chuyện ma gần nhà"- thể loại: Kinh dị; "Batman"; "Xe cấp cứu", "Gã điên báo thù", "Phi vụ đen", "Quái xế giao hàng" - thể loại: Hành động, Tội phạm. "Gấu đỏ biến hình", "Belle: Rồng và công chúa tàn nhang", "Chuyến phiêu lưu trời ơi đất hỡi" - thể loại: Hoạt hình. "Con hẻm ác mộng", "Bẫy ngọt ngào"- thể loại: Tâm lý. "Giả danh anh hùng"- thể loại: Hài. "Án mạng trên song Nile"- Tâm lý, tội phạm. "Trăng rơi" - Hành động, khoa học viễn tưởng. "Người nhện không còn nhà" - Hành động, phiêu lưu. Như thế, xếp đầu bảng 5/19 phim là hành động, tội phạm, 5/19 là kinh dị, 3/19 hoạt hình, 2/19 tâm lý. 1/19 hài ngoài ra là 2 phim hành động pha thêm chất viễn tưởng và phiêu lưu...
Những năm gần đây, việc nhập khẩu phim về Việt Nam của các công ty lớn như CGV, Lott, Galaxy Thiên Ngân... phim hành động và sau này là kinh dị vẫn luôn được lựa chọn ưu tiên. Phim hành động dĩ nhiên thường đi kèm bạo lực và ở một tỉ lệ khá cao gắn với tình dục (sex).
Vấn đề là khi nhập khẩu phim về, yếu tố đầu tiên là doanh thu. Các công ty hẳn phải căn cứ theo những con số biết nói về nhu cầu khán giả khi lựa chọn nhập phim. Nhưng có thực sự là khán giả quá say mê phim hành động và kinh dị hay bởi các nhà sản xuất và phát hành phim đã định hướng, dẫn dắt dư luận?
Thực tế là số khán giả thích xem phim hành động và phim kinh dị chiếm tỉ lệ cao. Khán giả thích xem phim hành động vì sự kết hợp các pha hành động, các chi tiết gay cấn, kịch tính, tư duy logic và nhiều cảnh kỹ xảo đem lại cảm giác mãn nhãn và tính giải trí đơn thuần. Người xem đã quá mệt mỏi với áp lực cuộc sống căng thẳng sẽ có những phút giải lao ngoài cuộc sống mà không phải suy nghĩ quá nhiều khi xem phim tâm lý tình cảm hay điều tra phá án nặng nề, quá căng thẳng.
Còn với phim kinh dị, nghịch lý là càng sợ khán giả vẫn càng thích xem, bởi cảm giác mạnh, tính tò mò luôn nằm trong bản năng gốc của mỗi con người. Có ý kiến còn cho rằng phim kinh dị có thể gắn kết cảm xúc của con người khi các đôi bạn cùng vào rạp xem phim.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, phim hành động quá bạo liệt và phim kinh dị quá ghê gớm cũng tác động không tốt đến tâm lý, hành động của con người. Có thể kích thích tính bạo lực và gây ám ảnh, sợ hãi thậm chí tổn thương tâm lý kéo dài với những người yếu tâm lý và mắc bệnh tim mạch.
Có nên hạn chế?
Ông Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - từng phát biểu trong một hội thảo góp ý về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): "Ở điều 17, xuất khẩu phim, nhập khẩu phim, tôi đề nghị nên có thêm một quy định khống chế số lượng phim nhập khẩu, bởi vì tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, không theo WTO để hạn chế số phim nhập khẩu. Ngoài ra Nga, Pháp là hai nước nổi bật ở Châu Âu hạn chế số phim nhập khẩu, bởi vì họ biết nếu như không hạn chế số phim nhập khẩu, thì phim nước ngoài sẽ tràn vào, đặc biệt là phim Mỹ sẽ tràn vào. Như thế có hai vấn đề, một vấn đề phim nội địa, mình không nâng đỡ được phim nội địa, đồng thời về mặt kinh doanh là mình yếu thế hơn, rồi văn hóa nước ngoài tràn vào, dù có làm gì, có ngăn chặn gì đi nữa, văn hóa nước ngoài vẫn cứ tràn vào.
Cho nên việc ngăn chặn, khống chế, quản lý số lượng phim nhập khẩu hằng năm là cần thiết. Nếu như chúng ta không hạn chế được số lượng cụ thể, chúng ta hạn chế bằng thể loại, thể loại nào được nhập, được khuyến khích, thể loại nào ngăn chặn. Ví dụ như thể loại tâm lý, tình cảm xã hội được phép, nhưng thể loại gangst, bạo lực... mình có thể hạn chế bớt".
Việc hạn chế tỉ lệ nhập phim ngoại - trước ông Kim đã từng được nhiều đại biểu nhắc đến - nhưng nếu theo WTO thì không thể hạn chế số lượng phim nhập. Vấn đề là nên cân đối giữa các thể loại phim, nên tăng cường thêm các mảng phim tình yêu, phim tâm lý, phim hài, để khán giả có cơ hội được thưởng thức đa dạng hơn và thị trường điện ảnh ở ta phong phú hơn.
Một vấn đề quan trọng khác là việc áp thuế với các phim ngoại và có chính sách ưu đãi về thuế với các phim Việt.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Công ty BHD - từng phát biểu trong một hội thảo về điện ảnh tháng 2.2022: "Không được phân biệt đối xử. Các rạp chiếu phim phải đối xử với phim Việt Nam về mặt thương mại không được thua kém với các sản phẩm của nước ngoài, vì hiện tại bây giờ tỉ lệ doanh thu cho phim Việt vẫn ít hơn, nhưng đưa vào luật rất khó. Vậy thì luật có nên quy định chung việc đối xử về mặt thương mại với các chủ phim Việt Nam không được thấp hơn các chủ phim nước ngoài, tại vì mình đang ở chủ quyền nước mình, mình cũng không quy định tỉ lệ cụ thể ở trong luật nhưng yêu cầu các đơn vị, các rạp chiếu phim phải đối xử công bằng với phim Việt giống như các phim cùng loại của nước ngoài.
Họ sẽ nói là phim Mỹ thì kinh phí sản xuất là 300 triệu USD, phim Việt Nam thì chỉ có 2 triệu USD nên không cùng loại, thế thì cũng khó. Nhưng những phim mà cùng loại so với mặt bằng của đất nước đấy, chẳng hạn phim 2 triệu USD sản xuất ở Việt Nam là phim có kinh phí sản xuất cao nhất thì sẽ được đối xử công bằng với phim có kinh phí sản xuất 300 triệu USD ở Mỹ vì nó cũng là phim có kinh phí cao nhất của đất nước đấy, nhưng không có nghĩa là 2 triệu USD thì không bằng 300 triệu USD nên phim 300 triệu USD thì được chia sẻ doanh thu 60%, còn phim 2 triệu USD thì chỉ được 50%...".
'Thành phố mất tích' tung trailer: Sandra Bullock hội ngộ cùng Brad Pitt và Channing Tatum Đoạn trailer gần ba phút của 'Thành phố mất tích' đã lột tả hoàn hảo 'phản ứng hóa học' đỉnh cao giữa Sandra và Channing, những câu thoại hài hước, những phân cảnh 'dở khóc dở cười', những tình tiết ly kỳ gay cấn nhưng cũng không kém phần lãng mạn, đã thành công khơi gợi sự tò mò và háo hức, kỳ...