Lần hiếm hoi nhạc sĩ Nguyễn Cường nói về vợ kém 19 tuổi
“Bà ấy kém tôi 19 tuổi là người đảm đang, vẫn còn đi làm trong một tập đoàn kiểm soát tài chính”, nhạc sĩ Nguyễn Cường.
“Tôi chỉ có 20 phút cho bạn bởi sắp đến giờ đi bơi” – nhạc sĩ Nguyễn Cường ngỏ lời trước cuộc trò chuyện với phóng viên.
Ông bảo ở độ tuổi 73 có thể bỏ ăn, bỏ mặc chứ bơi dứt khoát ông không chịu bỏ. “Trời rét căm căm tôi còn đi bơi nữa là… Nào, nhanh nhanh lên. Hỏi luôn… “- nhạc sĩ Nguyễn Cường hối giục.
Trần Tiến là “ông hoàng nhạc Pop Việt Nam”
Khó ai tin ông đã 73 tuổi. Bởi trông ông vẫn hừng hực khí thế, nhanh nhẹn, yêu đời và không một chút già nua hay khó tính thường thấy ở nhiều người. Làm thế nào để giữ được tác phong, tinh thần ấy?
- Tất cả là Trời cho. Thứ 2, sao mình phải già nua nghiêm nghị làm gì?
Tôi không thích khó tính dạy dỗ người khác. Cứ chơi, hồn nhiên, yêu đời, lúc nào ông Trời gọi thì mình… đi. Vậy thôi, lắm điều này nọ thành ra dở hơi đấy!
Nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Nhắc đến Nguyễn Cường người ta thường nghĩ đến Trần Tiến. Bạn thân của ông mới đây tuyên bố từ lâu không xem ti vi. Thế còn ông có điều gì khác biệt không hay cũng giống như vậy?
- Tôi chả giống như vậy, tivi tôi xem khá đều, 19h tối hôm nào cũng xem thời sự. Một số gameshow ví dụ “Nhân tố bí ẩn” có Thanh Lam, Tùng Dương làm giám khảo tôi có xem đấy. Xem để biết nó thế nào.
Nhạc sĩ Trần Tiến từng chia sẻ nhiều lần “gạ” mua nhà ra biển sống cùng. Nhưng ông vẫn không chịu xa Hà Nội, vì sao vậy?
- Tôi cũng thích biển nhưng mỗi người có sở thích riêng, vợ, con tôi không thích ở biển thì làm sao bây giờ? Sống ở Hà Nội là định mệnh rồi, bao nhiêu năm nay, đi đâu nữa…
Ông có phải là người nắm giữ nhiều bí mật của Trần Tiến không?
- Không, tôi không nói chuyện bí mật của Trần Tiến đâu, đừng có ý định khai thác.
Hai chúng tôi bây giờ gặp nhau tí ta tí tởn, chẳng nói chuyện đàn bà, sinh lý năm thì mười họa, Trần Tiến vẫn hay bảo tôi: “ Các em giờ nó nhìn mình như cột đèn cổ Hà Nội rồi bạn ạ”…
Ừ thì chúng tôi thân nhau thật, hiểu nhau thật và rất trân trọng những sáng tạo của nhau. Tôi khẳng định với bạn Trần Tiến là ông hoàng của nhạc pop Việt Nam thực sự đấy!
Vợ tôi không thích ăn theo!
Video đang HOT
Âm nhạc và con người nhạc sĩ Nguyễn Cường đã quá nổi tiếng và khán giả biết rất rõ, tuy nhiên ông vô cùng kín tiếng khi nói về bà xã hiện tại. Tại sao?
- Bà xã tôi không thích thế, bà ấy không thích ăn theo. Vợ tôi chỉ là một người luôn đứng bên cạnh, đằng sau giúp đỡ chồng.
Bà ấy kém tôi 19 tuổi là người đảm đang, vẫn còn đi làm trong một tập đoàn kiểm soát tài chính.
Ông nổi tiếng là người sống phóng khoáng, tự do còn vợ làm trong cơ quan nhà nước, giữa hai người để tìm sự đồng điệu có khó lắm không nhất là vợ lại kém ông những 19 tuổi?
- Đấy, sự đồng điệu nó hay ở chỗ đấy (cười) Đó là sự kết hợp âm dương. Tôi mà có vợ nghệ sĩ nay đây mai đó thì tiêu ngay.
Tôi vốn không thích cái gì yếu đuối. Âm nhạc cũng vậy, tôi thích cái gì đó khỏe mạnh. Nhạc buồn với tôi cũng là một giá trị, tôi kính trọng nó nhưng không xài nó.
Vợ có bao giờ hỏi: “Ca khúc nào anh sáng tác tặng em” hay không?
- Không, chẳng bao giờ bà ấy hỏi đâu vì biết bài hát nào tôi viết tặng rồi. Đó là bài nổi tiếng lắm, nổi tiếng đến độ chưa có cái Tết nào mà người ta không hát bài ấy trên truyền hình. Bạn thử đoán xem đó là bài gì?
(Nét ca trù ngày xuân – PV trả lời)
- Đúng, tôi viết ca khúc tặng vợ khi 20 tuổi. Lúc đó mới yêu.
Hai con gái của ông đã có gia đình?
- Hai cháu đã có gia đình nhưng chúng giống mẹ không thích ăn theo bố. Đây này, các cháu mới chụp với vợ chồng tôi kiểu ảnh mới.
(Vừa nói nhạc sĩ Nguyễn Cường vừa mở điện thoại ra khoe tấm ảnh và chẳng ngại ngần gửi cho phóng viên khi mong muốn được đăng tấm hình – PV)
Chả nhẽ người Hà Nội lại hờ hững với âm nhạc của tôi?
Ông chuẩn bị thực hiện hai đêm nhạc “Tuổi thơ tôi Hà Nội” tại Nhà hát Lớn vào ngày 13,14/8. Đây là hai đêm nhạc ông làm theo “đơn đặt hàng” hay chủ động?
- Tôi làm từ sự gợi ý của ca sĩ Ngọc Châm. Cô này từng làm chuỗi chương trình Vàng son một thủa rất tốt. Cô ấy bảo: “ Bố ơi con muốn làm hai đêm nhạc của bố”. Thấy ý tưởng hay nên tôi đồng ý.
Tôi cũng phải nói thật với bạn với hai đêm nhạc này tôi nghĩ đó là một cuộc chơi để mời mọi người đến chung vui.
Chả nhẽ người Hà Nội lại hờ hững với âm nhạc Nguyễn Cường? Chưa kể Thanh Lam, Tùng Dương, Siu Black, Việt Hoàn, Thắng Lợi, Minh Thu, Ngọc Châm…, tiếng hát của họ đủ để dụ dỗ người xem lắm chứ!
Nhắc đến âm nhạc của Nguyễn Cường người ta không thể nhớ đến NSND Y Moan. Y Moan có phải là biểu tượng duy nhất hát nhạc Nguyễn Cường hay nhất không ai có thể thay thế được hay không, thưa ông?
- Tôi không bao giờ nghĩ tác phẩm của mình chỉ có người nào đó duy nhất hát. Mỗi một ca sĩ đều có cách khai thác riêng, nhất là ca sĩ đã thành danh.
Đương nhiên Y Moan là người khai phá đầu tiên âm nhạc của tôi nhưng những người sau này không phải thay thế mà họ sẽ hát khác với một tinh thần khác – nghệ thuật như thế mới phong phú.
Tôi luôn suy nghĩ một tác phẩm đưa ra đời sống được nhiều người đóng góp, nhất là với người thành danh đã vững chãi về âm nhạc thì sự phá cách, sáng tạo cũng hay.
Tất nhiên, đôi khi sự sáng tạo sẽ có thất bại nhưng tôi luôn luôn ủng hộ nghệ sĩ hát bài hát của mình theo kiểu của họ.
Chỉ cần ca sĩ hát trước mặt tôi một lần đúng thì sau đó là quyền của họ.
Có những tác phẩm chỉ được 50% nhưng ca sĩ đẩy lên thêm 50% nữa nhưng có những tác phẩm bản thân đã có sẵn 90 % rồi người nghệ sĩ chỉ cần 10 %, có người cao thủ còn đẩy lên trên mức 100%.
Nói chung tôi bao giờ cũng tạo điều kiện hết sức cho ca sĩ.
Ca sĩ Siu Black sau quãng thời gian im ắng vì vỡ nợ lần này tái xuất sau những thăng trầm trong đời sống, ông có nghĩ nữ ca sĩ sẽ hát đằm và hay hơn không các tác phẩm của mình? Khi Siu Black rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng và hành động ủng hộ. Còn ông có sự giúp đỡ Siu Black về mặt vật chất hay tinh thần không?
- Đúng, tôi cũng nghĩ rằng sau những thăng trầm Siu Black sẽ hát đắm say và nhiều trải nghiệm hơn. Còn về chuyện vỡ nợ, tôi chỉ thấy trên báo thôi.
Khi có dịp làm đêm nhạc như lần này người đầu tiên tôi nghĩ đến là Siu Black. Tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để Siu tiệm cận lại gần khán giả.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Vietnamnet
Nguyễn Cường: 'Dữ dội là sự khác biệt của tôi'
Nguyễn Cường tự ví mình như rượu, đựng cốc nào chất vẫn không thay đổi, Tây Nguyên hay Hòa Bình, núi rừng hay sông nước vẫn chỉ một tâm hồn đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ảnh: Quang Đức
- Cả giáo sư Chu Minh và nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đều cho rằng tác phẩm mới "Đà giang đại hợp xướng" của ông đang quá dương tính và cần phải nhẹ nhàng, âm tính hơn thông qua việc bổ sung tiếng cồng chiêng, tiếng then hoặc có thể là thanh âm của thiếu nhi. Ông nghĩ sao?
- Giáo sư Chu Minh là thầy của rất nhiều nhạc sĩ, trong đó có tôi. Tôi thấy góp ý của thầy Chu Minh và Nguyễn Thị Minh Châu rất đúng nhưng cũng đúng như Dương Thụ nói, đôi khi sự dữ dội lại chính là sự khác biệt của tôi so với những người khác. Huống hồ, sông Đà, như mọi người biết là một dòng sông hùng tráng và dữ dội.
- Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cũng cho rằng sử dụng "sông Đà" sẽ thích hợp hơn "Đà giang" vì cả 5 chữ trong tên hợp xướng của ông đều là tiếng Hán Việt. Nhiều người cùng đồng ý với quan điểm này, ông có định đổi tên cho tác phẩm?
- Mọi người nhận xét cũng có cái lý của mọi người. Trong tác phẩm tôi cũng sử dụng rất nhiều từ "sông Đà" chứ không phải tất cả đều dùng là "Đà giang". Nhưng cá nhân tôi lại thích "Đà giang" cho tựa đề hơn. Thực chất đây là từ Hán Việt đã được Việt hóa rồi và không còn xa lạ với mọi người.
Tôi thấy thú vị khi tác phẩm của mình vừa sử dụng từ "sông Đà" lẫn từ "Đà giang". Ngoài ra, từ "Đà giang" còn cho tôi cảm giác của sự xa xăm, ma mị, thêm một chút khó hiểu và huyền bí. Thời tuổi trẻ, tôi đã biết đến các tác phẩm hợp xướng và với nhan đề này, tôi như sống lại cảm giác mơ hồ của tuổi trẻ.
- Viết hợp xướng vốn không đơn giản huống hố Nguyễn Cường lại được xem là một nhạc sĩ gắn bó với vùng đất Tây Nguyên. Ông có gặp áp lực gì không khi bắt tay vào việc sáng tác một tác phẩm về sông Đà - Hòa Bình?
- Càng áp lực tôi càng thích. Áp lực giúp tôi biết được mình vượt qua như thế nào. Nhưng áp lực ở đây không phải là áp lực cho một sáng tác về vùng đất khác mà áp lực nằm ở tầm cỡ của một tác phẩm đại hợp xướng. Thú thực lúc đầu tôi cũng định viết một vài ca khúc nhưng sau khi đi khắp Hòa Bình, tôi thấy một tác phẩm đại hợp xướng mới đủ để khắc họa.
Còn Tây Nguyên hay Hòa Bình thì vẫn chỉ có một Nguyễn Cường, núi rừng hay sông nước thì cũng chỉ có một tâm hồn đó, Tây Nguyên hay Tây Bắc cũng chỉ một con người đó. Tôi ví mình như rượu dù có đựng vào cốc nào thì chất rượu vẫn không hề thay đổi.
- Ông mất hơn một năm từ 2/2015 đến 6/2016 để hoàn thành "Đà giang đại hợp xướng". Ông có thể chia sẻ công việc cụ thể của hơn một năm đó?
- Tôi phải đi thực địa và đọc sách, thậm chí phải đọc rất nhiều thì mới có thể viết lên tác phẩm này. Tôi đọc từ Đẻ Đất Đẻ Nước đến Người Việt người Mường để hiểu văn hóa Hòa Bình. Suốt hơn một năm, tôi chỉ tập trung cho tác phẩm mà không làm công việc bên lề nào khác. Nhờ quá trình đó, tôi nhận ra rất nhiều, tôi gọi hành trình của mình là tìm về với nguồn cội của người Việt.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường luôn gây ấn tượng với phong cách trẻ trung. Ảnh: Quang Đức
- Nhiều người gọi ông là nhạc sĩ tiền tỷ vì trước đó doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đặt hàng với chi phí hơn 1 tỷ đồng cho "Đại bàng giọt nắng", sau đó là tỉnh Gia Lai đặt ông viết hợp xướng "Mặt trời trên đỉnh Chư H'Drông" với số tiền gần 3 tỷ đồng. Còn tác phẩm cho sông Đà lần này thì sao?
- Tác phẩm như thế này thì phải tiền tỷ nhưng không phải tiền tỷ vào túi tôi. Đến thời điểm hiện tại, tôi chưa nhận đồng nào cho riêng mình trong tác phẩm Đà giang đại hợp xướng. Số tiền của nhà tài trợ là dành cho thu âm, thu hình và dàn dựng tác phẩm. Tất cả tiền là để dồn cho dàn nhạc, cho phối khí. Một tác phẩm cần đến 400 người hát thì phải cần kinh phí lớn.
Mọi người thường nghĩ không đúng về từ đặt hàng. Làm văn hóa bây giờ phải có tài trợ chứ. Ở Nhật họ có thuật ngữ "doanh nhân đại nghĩa". Tôi nghĩ doanh nhân là phải tài trợ cho văn hóa, nghệ thuật, không phải chuyện gì cũng nghĩ đến doanh thu được mà phải nghĩ đến việc sự phát triển của văn hóa.
- Không quan trọng việc công xá vậy tại sao ông không sáng tác thường xuyên mà vẫn phụ thuộc vào những đơn đặt hàng?
- Vì tôi không còn là chàng trai 17, 18 tuổi thấy một cô gái nở nụ cười đi ngang qua cũng sáng tác ngay được một bài hát. Bây giờ phải có đơn đặt hàng vì nó thể hiện sự trân trọng với mình. Ngoài ra, việc đặt hàng còn biểu hiện giá trị của người sáng tạo.
Nhưng đặt hàng không có nghĩa là bắt tôi viết thế này, bắt tôi viết thế kia. Tôi vẫn luôn được tự do trong xúc cảm của mình và muốn viết thế nào thì viết như bài Đà giang đại hợp xướng, không ai bảo tôi là phải viết thế nào vì tôi toàn quyền quyết định. Thế nên đừng nghĩ đặt hàng chỉ là tiền.
- Sau đại hợp xướng về sự dữ dội của sông Đà, ông có đang ấp ủ viết một hợp xướng về vùng đất nào đó không?
- Tôi luôn có suy nghĩ muốn viết một hợp xướng về biển và nếu có người tài trợ, tôi sẽ làm vì dựng một tác phẩm hợp xướng cần phải có kinh phí. Không bao giờ là quá muộn, do vậy, tôi nghĩ chúng ta cần phải quan tâm đến biển hơn nữa. Mỗi lần đứng trước biển tôi muốn hét, muốn gào lên và cảm thấy yêu quê hương, đất nước hơn bao giờ hết. Biển cho ta nhiều thứ lắm và hơn cả, nhờ biển mà người Việt có một tâm hồn đại dương.
Trước câu hỏi nhiều nhạc sĩ cùng thời thường khắt khe với người trẻ còn Nguyễn Cường thì khác, thậm chí không ngại bênh vực người trẻ. Ông bảo: "Vì tôi từng qua tuổi trẻ và cũng đã từng bị một nhạc sĩ lớn tuổi chỉ vào mặt mà nói rằng "thiếu gì người mà phải mời Nguyễn Cường" cách đây mấy chục năm. Người ta thường bảo "kính già yêu trẻ" còn tôi lại muốn nói "kính trẻ thương già". Không phải cứ trẻ là mình bênh nhưng cái gì cũng cần phải phân tích đúng sai, phải trái và không thể quy chụp người trẻ một cách vô lý được".
Theo Zing
Tháng 7 mưa ngâu vẫn nhiều show ca nhạc tại Hà Nội Người phương Đông quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn, nhiều thứ nên kiêng kị, các nhà tổ chức, ca sĩ cũng ngại tổ chức đêm nhạc trong tháng này. Nhưng năm nay thì khác. Mọi năm, thị trường âm nhạc tại Hà Nội thường không sôi động vào những tháng cuối mùa hè và "mùa" của các live show...