Lần đầu tiên thay xương khớp vùng cổ chân bằng vật liệu nhân tạo
Ngày 11-3 vừa qua, các chuyên gia tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội đã thực hiện thành công ca mổ thay xương sên nhân tạo cho bệnh nhân Bùi Thị H. (52 tuổi, Gia Lai).
Đây là trường hợp thay xương khớp vùng cổ chân bằng vật liệu nhân tạo đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam và cũng là ca mổ thay toàn bộ xương sên đầu tiên được báo cáo tại khu vực Đông – Nam Á.
Các bác sĩ sử dụng robot định vị để phục vụ ca phẫu thuật.
Bệnh nhân H. bị chấn thương cổ chân phải do tai nạn xe máy cách đây sáu năm. Hậu quả của vụ tai nạn này khiến xương sên (xương chính ở cổ chân) của chị bị gãy làm nhiều mảnh. Chị đã được phẫu thuật đóng đinh tuy nhiên ổ gãy không liền dẫn đến tình trạng xương cổ chân chị thoái hóa, biến dạng. Từ đó đến nay, cuộc sống của chị gắn liền với các loại thuốc giảm đau.
Chị đã thăm khám tại hầu hết các bệnh viện lớn nhưng đều được các bác sĩ chỉ định hướng điều trị duy nhất giúp chị hết đau đớn là phải mổ hàn cứng khớp cổ chân. Việc này đồng nghĩa rằng cổ chân của chị sẽ vĩnh viên không thể vận động được nữa.
Tới khám tại Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, các bác sĩ nhận thấy rằng đây là một trường hợp di chứng chấn thương vô cùng phức tạp. Bài toán cần giải quyết là làm sao vừa loại bỏ đau đớn vừa giúp cho bệnh nhân đi lại được như trước đây.
Video đang HOT
Theo BSCKII Vũ Tú Nam, Trưởng đơn vị Phẫu thuật khớp gối, cổ bàn chân và Y học thể thao cho biết, xương sên có nguồn máu nuôi dưỡng hạn chế nên xương rất khó liền khi bị tổn thương. Nếu người bệnh bị gãy xương sên, có nguy cơ cao xương sẽ bị hoại tử và mất chức năng chống đỡ. Điều này làm hạn chế khả năng lao động và suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
Trước đây, phương pháp điều trị khi bị hoại tử xương sên là lấy bỏ xương sên và hàn các khớp còn lại của cổ chân thành một khối duy nhất với mục đích giảm đau. Cái giá phải trả của phương pháp này là bệnh nhân sẽ mất đi hoàn toàn khả năng vận động cổ chân, không thể đi lại linh hoạt được nữa.
Bệnh nhân đi lại được 24 giờ sau mổ.
Đối với trường hợp của chị H., GS, TS Trần Trung Dũng, phụ trách chuyên môn Trung tâm phẫu thuật khớp và Y học thể thao cho biết: “Giải pháp chúng tôi đưa ra là sẽ lấy bỏ phần xương hỏng và thay thế hoàn toàn cho chị H. xương sên mới bằng vật liệu nhân tạo tương thích sinh học, đồng thời vẫn giữ nguyên được các cấu trúc vận động khác của cổ chân.
Xương sên nhân tạo này được chế tạo bằng công nghệ in 3D trên vật liệu hợp kim titan với mặt khớp bằng nhựa Polyethylen; xương được thiết kế riêng theo chỉ số giải phẫu của chị H nên giống hệt như xương lành. Ngoài ra, trong mổ chúng tôi sử dụng hệ thống định vị robot Artis Pheno để có thể đặt xương sên ở vị trí tối ưu”.
Không như những ca phẫu thuật thay thế khớp háng, khớp gối thường quy khác, việc thay thế xương sên nhân tạo khó khăn hơn rất nhiều do hình dạng xương sên rất phức tạp và phải bảo đảm được xương sên nhân tạo mới được đặt ở vị trí phù hợp hoàn toàn với các xương khác ở cổ chân. Chỉ một chút sai lệch nhỏ về vị trí đặt, có thể khiến mặt khớp bị lệch và bệnh nhân sẽ không thể đi lại được.
Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe này, nhóm chuyên gia đã phải dày công nghiên cứu, in thử nghiệm và điều chỉnh thông số nhiều lần mới có thể hoàn thiện được bản thiết kế xương sên nhân tạo hoàn hảo nhất cho ca phẫu thuật.
Chỉ sau ca mổ phức tạp kéo dài gần ba giờ, lần đầu tiên chị H. đã có thể cử động cổ chân mà không còn cảm thấy vướng víu hay đau đớn. Chị tập đi ngay sau khi mổ 24 giờ và dự kiến có thể xuất viện trong ba ngày tới.
Thành công của ca thay xương sên nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam là một bước tiến mới trong lĩnh vực điều trị cơ xương khớp, mở ra hy vọng cho những người bệnh thoái hoá, đau khớp cổ chân mạn tính có thể được chữa khỏi hoàn toàn, thoát khỏi cảnh đau đớn.
Cứu người đàn ông bị thanh sắt đâm xuyên mặt
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận trường hợp anh L.V.C. (20 tuổi, ở Lai Châu) nhập viện do tai nạn xe máy bị thanh sắt đâm xuyên mặt.
Người nhà người bệnh cho biết, khi anh L.V.C đang đi xe máy thì bất ngờ ngã vào thanh sắt của hàng rào bên đường. Anh C. phải giữ tư thế bất động vì mặt bị ghim vào hàng rào để chờ các bác sĩ bệnh viện địa phương mang cưa đến cưa thanh sắt sau đó chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Sau phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhân hiện đã ổn định.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Vũ Trung Trực, Phó Trưởng khoa Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết động ổn nhưng tinh thần hoảng loạn, chấn thương sọ não, tổn thương mắt (giãn đồng tử, liệt vận nhãn). Bệnh nhân được hội chẩn liên khoa để đánh giá vị trí của dị vật.
Sau khi thăm khám, chụp chiếu, các bác sĩ xác định thanh sắt đâm từ dưới mắt trái, xuyên qua mũi, xoang sàng, qua hốc mắt và đỉnh hốc mắt phải sau đó xuyên thủng tầng giữa nền sọ vào thùy thái dương bên phải của não. Nguy hiểm hơn, thanh sắt còn đâm xuyên qua tổ chức não chỉ cách động mạch cảnh trong là động mạch chính cấp máu cho não khoảng 5mm.
"Nếu động mạch cảnh trong bị tổn thương, thì người bệnh khó có thể duy trì được tính mạng. Ngoài ra, ở phần đầu của thanh sắt vị trí trong não có phần móc cạnh sắc, nguy cơ khi rút ra khỏi đầu bệnh nhân sẽ cắt vào mạch máu não gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc làm thế nào để có thể rút được dị vật ra đồng thời tránh được nguy cơ tổn thương mạch não là một thách thức không nhỏ đối với chúng tôi", bác sĩ Trực nói.
Bệnh nhân được đưa vào phòng can thiệp mạch kịp thời với sự tham gia phối hợp của kíp bác sĩ đa chuyên khoa: thần kinh, tạo hình hàm mặt, mắt, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức. Trải qua 2 giờ phẫu thuật, dị vật là thanh sắt được rút ra an toàn.
Quá trình mổ các chấn thương hàm mặt, vết thương phần ngoài của bệnh nhân đã được xử lý, nhưng vẫn cần theo dõi thêm phần xuyên qua xoang sàng, xoang hàm, hốc mũi. Khi rút dị vật ra bác sĩ tạo hình hàm mặt đã đưa meche mũi (bấc mũi) vào giúp cầm máu. Dự kiến 3-4 ngày sau mổ bệnh nhân sẽ được rút meche và tiếp tục theo dõi xử lý các biến chứng nếu có.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thời điểm trước khi phẫu thuật, các bác sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nếu mạch máu não bị tổn thương trong quá trình rút dị vật, ngay lập tức được tiến hành can thiệp cầm máu. Thậm chí, trường hợp can thiệp mạch thất bại, bệnh nhân sẽ ngay lập tức được đẩy thẳng vào phòng mổ để kíp phẫu thuật thần kinh mở hộp sọ kiểm soát.
Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân chưa xuất hiện biểu hiện rò dịch não tuỷ và đang tiếp tục được theo dõi, đồng thời điều trị kháng sinh để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng do thanh sắt. Hiện 2 mắt bệnh nhân đều nhìn rõ, mắt bên phải có tình trạng sụp mí và bị liệt vận nhãn. Dự định sau khi ổn định về hàm mặt và sọ não, bệnh nhân sẽ được chuyển viện mắt để tiếp tục điều trị.
Tai nạn giao thông đừng chủ quan khi chấn thương không chảy máu Bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương, BVĐK tỉnh Kon Tum đã phẫu thuật cho bệnh nhân A.X (31 tuổi, trú tại xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) bị tai nạn gãy xương cẳng chân, cẳng tay, đứt động mạch dưới đòn do tai nạn giao thông. Cụ thể, trưa ngày 14/01/2020 bệnh nhân A.X được chuyển đến khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện...