Lần đầu tiên phát hiện virus cúm A/H5N6 tại Việt Nam
Virus cúm A (H5N6) được phát hiện tại đàn gà nuôi ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và trên đàn vịt nuôi tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người, Bộ Y tế đã phát đi công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường giám sát, điều tra, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện ngăn chặn nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; thông báo kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm cho ngành Y tế để phối hợp giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A (H5N6) ở người.
Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng vi rút cúm độc lực cao, đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch.
Đồng thời, các tỉnh cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh cúm, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có các biểu hiện hoặc dấu hiệu của bệnh cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
Phát hiện một số trường hợp dương tính với cúm A/H5N6
Video đang HOT
Chủng vi rút này đã từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan. Kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gien của các mẫu vi rút cúm A(H5N6) phát hiện ở Việt Nam thấy có sự tương đồng đến 99% với chủng vi rút cúm A(H5N6) gây mắc và tử vong đầu tiên trên người tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào tháng 4 năm 2014 và trên đàn gia cầm ở khu vực bệnh nhân sinh sống. Đây là trường hợp duy nhất mắc cúm A(H5N6) ở người cho đến nay. Trước đó Trung Quốc chưa có báo cáo về nhiễm cúm A(H5N6) trên gia cầm. Tại Lào cũng đã phát hiện các mẫu gia cầm dương tính với vi rút cúm A/H5N6 vào tháng 7/2014.
Theo Tổ chức Thú y thế giới, đây là chủng vi rút có độc lực cao và chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người, nên việc theo dõi, giám sát diễn biến của chủng vi rút mới cần được thực hiện chặt chẽ để có ứng phó kịp thời khi dịch bùng phát trên gia cầm.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm A(H5N6) và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để chỉ đạo và triển khai các biện pháp cần thiết phòng chống hiệu quả đối với cúm A(H5N6) và các chủng cúm gia cầm khác.
Theo Khampha
Cúm H5N6 nối dài danh sách cúm gia cầm nguy hiểm cho người
Virus cúm A/H5N6 phát hiện trên gà vịt ở Việt Nam tương đồng với chủng gây tử vong người tại Trung Quốc hồi tháng 4, mở rộng danh mục cúm gia cầm nguy hiểm.
4/5 vừa qua, Trung Quốc thông báo ca nhiễm bệnh và tử vong đầu tiên do phân nhóm cúm gia cầm H5N6. Nạn nhân 49 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên cũng là bệnh nhân đầu tiên và duy nhất trên thế giới được ghi nhận tới nay. Trước khi tử vong, bệnh nhân trên đã tiếp xúc với gia cầm chết và được chẩn đoán viêm phổi, song các xét nghiêm sâu cho thấy ông nhiễm H5N6.
Gà vịt tại 2 tỉnh của Việt Nam là Lạng Sơn và Hà Tĩnh lần đầu tiên được phát hiện nhiễm virus cúm H5N6. Ảnh: Nguyên Anh.
Tờ scienceworldreport cho biết chủng H5N6 được xem là loại cúm gia cầm có khả năng gây bệnh thấp, từng được tìm thấy trên các loài chim hoang dã ở Đức, Thụy Điển và Mỹ. H5N6 từng sử dụng trong văcxin cho gia cầm và được tìm thấy trong những con chim di trú ở Đài Loan.
Chủng cúm này có thể gây ốm nặng cho người, nhưng chủ yếu nguy hiểm cho một vài nhóm có thể trạng yếu, như người bị hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim, HIV/AIDS, ung thư cũng như người trên 65 tuổi, thai phụ và trẻ em dưới 5 tuổi.
Hiệp hội quốc tế về bệnh truyền nhiễm ProMED-mail cho rằng ca tử vong vì H5N6 ở Trung Quốc là đơn lẻ và nguy cơ lây truyền từ người sang người là thấp. Những người từng tiếp xúc với bệnh nhân 49 tuổi trên đều không có triệu chứng nhiễm bệnh sau khi được xét nghiệm và theo dõi. Các chuyên gia vẫn đang theo dõi sự biến đổi và khả năng lây của loại virus này.
Vài năm gần đây, khu vực Đông Á giáp Việt Nam liên tiếp xuất hiện nhiều chủng cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người.
Tháng 3/2013, một chủng virus mới ở người, H7N9 được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc. Kể từ đó 115 người đã chết trong tổng số 367 ca bệnh được ghi nhận (chiếm 31%). Hầu hết bệnh nhân nhiễm loại virus này đều bị viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong, với những triệu chứng phổ biến là sốt, ho, khó thở.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, virus cúm gia cầm A(H7N9) thường gây bệnh cúm ở các loại gia cầm và các loài chim. Trước đó chưa có ca lây nhiễm H7N9 nào ở người được báo cáo. Đa số người mắc do tiếp xúc gia cầm ốm, chết. Rất ít trường hợp là do lây nhiễm từ người sang người.
Tháng 5/2013, một phụ nữ Đài Loan 20 tuổi trở thành người đầu tiên nhiễm một chủng cúm gia cầm khác có tên gọi H6N1. Cô này chưa hề tiếp xúc với gia cầm và đã hồi phục sau vài ngày điều trị bằng Tamiflu.
Tháng 12/2013, Trung Quốc thông báo trường hợp đầu tiên ở người nhiễm một chủng cúm khác có xuất xứ từ chim H10N8. Người phụ nữ 73 tuổi từ tỉnh Giang Tây đã tử vong sau khi viêm phổi, suy hô hấp. Bà có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống ở chợ. Ca nhiễm virus H10N8 thứ hai ở Trung Quốc được phát hiện hồi tháng 1 năm nay. Virus H10N8 được các nhà khoa học Trung Quốc đánh giá có thể nhiễm sâu vào những mô trong phổi và có khả năng lây lan giữa người với người.
Trước đó, cúm gia cầm A/H5N1 từng xuất hiện vào năm 2003 tại Việt Nam và rải rác xuất hiện đến tận ngày nay, với độc lực cao, có lúc tỷ lệ tử vong cho người là 100%. H5N1 cũng hoành hành đồng thời ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, bệnh lây trực tiếp chủ yếu do tiếp xúc gia cầm bệnh, chết. Một số có thể lây từ người sang người nhưng bệnh cảnh nhẹ.
Một số chủng virus cúm gia cầm khác cũng có thể lây sang người từng xuất hiện gồm: H7N3 tại Hàn Quốc, H7N8 tại Canada, H7N7 tại Hà Lan, H9N2 tại Hong Kong năm 2013.
Thuận An
Theo VNE
Độ nguy hiểm của virus Ebola so với các dịch lớn Dịch Ebola có số người chết cao hơn dịch SARS năm 2003, nhưng chưa là gì so với 18.500 ca tử vong trong dịch cúm H1N1 diễn ra trên toàn cầu năm 2008-2010. Đồ họa: Việt Chung Theo VNE