Lần đầu mua ô tô: Tôi suýt “dính” xe đâm đụng, tua km
Sau rất nhiều lần đi xem xe cũ, chiếc ô tô cuối cùng tôi “chốt” khác xa với dự tính ban đầu. Lựa chọn này giúp tôi tiết kiệm được 100 triệu đồng, tránh được xe đâm đụng, xe bị tua km.
LTS: Với nhiều người, chiếc ô tô không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là tài sản lớn sau bao nhiêu năm tích cóp. Do vậy, quyết định mua xe ô tô gì với khoảng tài chính bao nhiêu, mua xe mới hay xe cũ… luôn là những bài toán khó với nhiều lời giải.
Sau bài viết “Lần đầu mua ô tô, nên chọn xe cũ hay xe mới?”, rất nhiều độc giả đã quan tâm, chia sẻ ý kiến của mình với VietNamNet xung quanh vấn đề này.
Dưới đây là câu chuyện của anh Phạm Công Lưu – 36 tuổi, một công chức thường trú tại Thanh Trì, Hà Nội:
Sau khi đọc hai bài viết “Lần đầu mua ô tô, nên chọn xe cũ hay xe mới ” và ” Lần đầu mua ô tô, tôi sai lầm khi ham mua ngay xe mới “, tôi thấy rằng đối với những ai không quá dư dả về tài chính và ít am hiểu về xe thì việc sở hữu một chiếc xe ôtô đầu tiên cần sự cân nhắc, tính toán khá cẩn trọng, đối với tôi cũng vậy.
Hai vợ chồng tôi hiện đều là công chức làm việc tại Hà Nội. Năm nay, tôi 36 tuổi, đã có 2 con nhỏ đang học tiểu học và mầm non. Tổng lương của cả 2 vợ chồng khoảng 20 triệu/tháng, chưa kể các thu nhập từ làm thêm và kinh doanh nhỏ lẻ.
Từ lâu, tôi vẫn ấp ủ việc mua một chiếc xe ô tô để cả nhà thuận tiện đi lại và về quê. Cả quê nội và quê ngoại đều cách Hà Nội hơn 100km. Nhưng khi quyết định mua xe, nhiều vấn đề đặt ra như tài chính hạn hẹp, sở thích thì cao, nếu mua một chiếc xe ôtô thì chi phí nuôi xe tốn kém…Nhiều lần cân nhắc, nâng lên đặt xuống cuối cùng việc mua xe vẫn chưa chốt hạ được.
Anh Phạm Công Lưu lái xe hàng ngày đi làm (ảnh do nhân vật cung cấp)
Đến đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội, chúng tôi vội vã đưa 2 con về quê gửi ông bà để tránh dịch, lúc này tôi mới nhận thấy sự cần thiết của phương tiện ô tô cá nhân phục vụ đi lại và phòng dịch,. Nhiều lúc nhớ con, nhớ quê mà không dám đi xe khách về. Do vậy, với sự ấp ủ trước đó cùng lý do lần này đã tiếp thêm động lực, thúc đẩy vợ chồng tôi quyết tâm mua chiếc xe ôtô đầu tiên cho gia đình.
Sau khi tính toán tiền nong tiết kiệm và các kênh có thể vay mượn được, số tiền vợ chồng tôi có thể mua ôtô là hơn 500 triệu. Trong thời gian đầu, tôi cũng lên mạng xem ý kiến tư vấn của mọi người, chọn mua xe mới hay xe cũ? Trong khoảng tài chính đó, mua xe mới nếu đăng ký ở Hà Nội thì thường chỉ có phân khúc A, mua xe cũ thì cũng được một số xe phân khúc B hoặc C.
Sau khi tham khảo tư vấn của một số người bạn, tôi xác định mục tiêu là mua một chiếc Huyndai Elantra AT 1.6 đời 2015-2016 vì kiểu dáng khá trẻ trung, hiện đại lại nhiều options. Tôi bắt đầu tham khảo trên các trang mua bán ôtô như bonbanh, chotot… rồi lên mạng xem hướng dẫn cách kiểm tra xe cũ thế nào. Khi mình có lý thuyết rồi việc còn lại là tôi đi thực hành.
Tôi đã qua nhiều cửa hàng xe cũ ở đường Phạm Hùng, Trần Thái Tông, Thành Thái, Nguyễn Văn Huyên… Việc đi xem xe thực tế cho tôi rất nhiều trải nghiệm. Lúc này, tôi thật sự thấu hiểu việc chọn được một chiếc xe cũ ưng ý khó như thế nào.
Sau rất nhiều ngày đi xem, tôi cũng ưng được hai chiếc Elantra. Cửa hàng cam kết xe không đâm đụng, không ngập nước. Nhưng khi tôi cho vào hãng kiểm tra, thợ hãng đều báo xe đâm đụng đã sửa chữa. Cậu nhân viên của hãng còn nói nhỏ với tôi “nếu anh mua thì giá đó hơi đắt”.
Video đang HOT
Một thời gian chọn Hyundai Elantra không được, mục tiêu mới của tôi lại là chiếc Mazda 3 đời 2015-2016. Tôi cũng đi xem nhiều xe nhưng đến khi mình ưng được một chiếc vừa tầm tiền, hợp màu, đăng ký biển Hà Nội thì vào hãng kiểm tra, lại ra vấn đề khác. Các bạn nhân viên báo xe không đâm đụng, ngập nước nhưng xe chắc chắn đã tua km, nếu mua thì tôi phải tốn thêm gần 15 triệu nữa cho việc bảo dưỡng, thay lốp và lắp một số thứ trên xe.
Lúc đó, tôi có thỏa thuận lại giá với cửa hàng nhưng họ không đồng ý giảm, cộng thêm việc vợ tôi phàn nàn chiếc xe Mazda 3 đó nhìn tuy đẹp và dài xe nhưng ngồi bên trong không rộng rãi, trần xe thấp, hàng ghế sau hơi chật, tư thế ghế ngồi không thoải mái. Nếu về quê, đi đường xa sẽ mệt. Sau ý kiến của bà xã, tôi quyết định từ chối khéo và không mua chiếc xe đó nữa, dĩ nhiên tôi chịu phí kiểm tra xe, có hơn 500 nghìn thôi.
Vợ tôi sau vài lần đi xem xe cùng chồng thấy gian nan nên bảo “thôi anh cứ quyết, tài chính chỉ có vậy anh chọn xe nào cũng được, chỉ cần đi tốt và an toàn là được”. Thế là vợ tôi đẩy trách nhiệm hết cho tôi, tôi bắt đầu suy nghĩ lại lựa chọn của mình, không cần quan trọng yếu tố hình thức nữa mà tập trung vào công năng sử dụng.
Tôi vẫn giữ quan điểm không chọn mua xe mới vì xe mới mất giá nhanh. Mặc dù tôi đã có bằng lái xe được 10 năm, nhưng ít lái, di chuyển ở Hà Nội đường sá đông đúc, hay gặp va chạm, xước xát, do vậy chọn một chiếc xe cũ cho kinh tế sau này lái thành thục và có điều kiện sẽ đổi xe sau.
Tôi cũng không chọn một chiếc xe phân khúc cao mà đời quá sâu vì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa khá tốn kém. Cuối cùng, sự suy tính lại đó cùng việc đi xem xe, tôi gặp được một chiếc Toyota Vios phiên bản G đời 2019, chiếc xe này chủ cũ đi được gần 13.000 km. Sau khi thỏa thuận giá với cửa hàng, tôi cho xe vào hãng kiểm tra, thấy không có vấn đề gì lớn, chỉ va quệt nhẹ, có lịch sử bảo dưỡng và bảo hiểm của hãng, vậy là tôi chốt luôn.
Chiếc xe đầu tiên anh Phạm Công Lưu (Thanh Trì, Hà Nội) sở hữu sau nhiều lần xem xe cũ đời sâu (ảnh do nhân vật cung cấp)
Lần đầu mua ô tô, anh Phạm Công Lưu (Thanh Trì, Hà Nội) đã cẩn thận đưa xe vào chính hãng kiểm tra (ảnh do nhân vật cung cấp)
Kết quả chiếc xe cuối cùng lại khác hoàn toàn với dự tính ban đầu, mua chiếc xe này tôi tiết kiệm gần 100 triệu so với mua xe mới tại thời điểm đó.
Sau một năm sử dụng, tôi thấy với nhu cầu của gia đình thì chiếc xe mình mua khá ổn. Xe ngồi rộng rãi, mỗi lần về quê trở 3 người lớn và 2 đứa trẻ khá thoải mái, cốp xe rộng, để được nhiều đồ đạc. Bà xã cũng rất vui bảo xe này ngồi rộng hơn cả Mazda 3 lần trước đi xem.
Đợt Tết 2021 vừa rồi lại xuất hiện dịch Covid, vợ chồng tôi không phải lo lắng về việc di chuyển bằng phương tiện gì về quê nữa. Thứ hai, chi phí nhiên liệu khá tiết kiệm, do hai vợ chồng cơ quan gần nhau, nên sáng nào hai vợ chồng cũng chở con đi học rồi đi làm.
Nhà tôi ở gần khu vực Pháp Vân, cơ quan ở khu vực Cầu Giấy, tôi cứ lên đường trên cao đi, tính ra mỗi ngày đi khoảng 35km, mà một tháng chi phí tiền xăng chỉ quanh quanh 1 triệu đồng/tháng.
Thứ ba, con cái đi học cũng sạch sẽ, an toàn hơn. Còn về sức khỏe, tôi thấy thật sự cải thiện. Trước đây, tôi đi xe máy trên cung đường vành đai 3 phía dưới, thường xuyên tắc đường, lúc tắc thì làn xe máy thải ra khí còn ô nhiễm hơn cả ô tô. Đặc biệt những ngày trời mưa thì cảnh tưọng vừa tắc đường, vừa mưa ướt vừa ngửi khói xe đúng là đặc sản của thành phố, Lúc ấy, mới hiểu giá trị của xe ôtô.
Tiếp theo, với tôi chiếc xe phân khúc hạng B trang bị như vậy là đầy đủ những an toàn cần thiết như 7 túi khí, cân bằng điện, phanh đĩa bốn bánh… Hơn nữa tôi thấy chi phí bảo dưỡng của xe cũng khá phải chăng.
Tuy nhiên, có một nhược điểm là xe vỏ hơi mỏng. Một lần, tôi lùi xe không quan sát kỹ, thế là rách vỡ cản sau. Một lần khác, tôi bị một chiếc xe máy tông vào sau, khi xuống xe tôi phát hiện cản sau bị lõm, còn người đi xe máy đã phóng bỏ đi nhưng rất may xe tôi có bảo hiểm xe nên chi phí sửa chữa trong hãng cũng không quá đắt đỏ và dịch vụ làm khá nhanh.
Lần này, dịch Covid-19 đang trở lại, tôi vẫn thấy khá ưng ý với lựa chọn của mình. Cũng nhiều người hỏi tôi với tầm tiền đó sao không chọn xe cũ khác phân khúc C như Elantra, Cerato… thậm chí phân khúc D đời sâu hơn như Camry, Nissan Teana…? Nếu tôi am hiểu, có kinh nghiệm về xe thì tôi sẽ chọn những chiếc xe phân khúc cao đời sâu. Còn bản thân tôi ít am hiểu về xe, nhu cầu chỉ cần quan tâm yếu tố bền tốt, chi phí thấp, phù hợp với gia đình và bản thân là được. Do vậy, chiếc xe đầu tiên hoàn toàn hợp lý với gia đình tôi.
Qua bài viết, tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, mua một chiếc xe quyết định cuối cùng vẫn là ở chính các bạn nhưng việc đầu tiên là cân nhắc về tài chính và nhu cầu sử dụng xe cho mục đích là gì thì chúng ta sẽ sàng lọc được những mẫu xe phù hợp với mình.
Và tôi cho rằng đi mua một chiếc xe cũng là một cái duyên nữa. Chúc các bạn sẽ có lựa chọn thích hợp và tìm mua được chiếc xe như ý!
6 điều cần lưu ý trước khi xuống tiền mua ô tô
Để mua được chiếc ôtô đáp ứng đúng nhu cầu, có giá trị sử dụng lâu dài và phù hợp với điều kiện tài chính không phải là điều dễ dàng. Vì thế đừng bỏ qua các yếu tố quan trọng dưới đây.
Nghiên cứu
Khi chuẩn bị mua xe, bạn cần trả lời một số câu hỏi sau:
- Bạn đang "kết" thương hiệu, mẫu xe, kiểu dáng nào?
- Bạn định mua xe để chở bao nhiêu người, có thường xuyên vận chuyển thiết bị hay đồ đạc gì không?
- Bạn lái xe bao nhiêu km mỗi ngày, trên đường nội đô, đường cao tốc, hay địa hình khó? Bạn có cần một chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu do thường xuyên phải chạy đường dài hay không?
- Bạn sống ở đâu? Khí hậu/thời tiết có ảnh hưởng lớn đến loại xe bạn sẽ sở hữu không?
Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định rõ bản thân cần xe ô tô, xe tải, SUV hay... xe máy.
Tài chính
Nếu bạn định vay tiền mua ô tô thì phổ biến nhất là một trong hai lựa chọn: vay ngân hàng, hoặc cá nhân.
Hãy luôn ghi nhớ rằng giá xe không bao gồm các chi phí như lãi suất, phí dịch vụ, thuế phí, bảo hiểm, và một số trang bị không có sẵn trên xe nhưng luôn được coi là cần thiết, như dán phim cách nhiệt, camera hành trình, giá nóc...
Giấy tờ
Dù mua xe từ người bán tư nhân hay một đại lý có tên tuổi, điều quan trọng là chiếc xe phải có giấy tờ rõ ràng và có thể dễ dàng chuyển nhượng. Hãy đảm bảo rằng những yếu tố như giá cả đã được thương lượng, tiện ích bổ sung, các tùy chọn cao cấp... có trong thỏa thuận bằng văn bản. Thỏa thuận, hợp đồng phải cụ thể, rõ ràng, để tránh bị thiệt khi có vấn đề phát sinh.
Bảo hiểm
Mua bảo hiểm cho xe ô tô là một giải pháp giúp bảo vệ tài sản cho bạn. Việc liên hệ với các công ty bảo hiểm để nhận báo giá bảo hiểm ô tô toàn diện là vô cùng quan trọng. Giá, chế độ bảo hiểm, chính sách bồi thường... có thể rất khác nhau giữa các công ty. Sau khi tham khảo giá từ nhiều công ty, bạn nên cân nhắc và lựa chọn sản phẩm của công ty có mức giá và quyền lợi phù hợp với nhu cầu của mình.
Nếu không có điều kiện mua bảo hiểm xe toàn diện, hãy xem xét bộ phận nào của xe dễ bị hỏng hóc thì mua bảo hiểm.
Lái thử
Trước khi mua một chiếc xe ô tô, chắc chắn không thể bỏ qua một phần quan trọng đó là lái thử. Chỉ có trực tiếp lái thử, bạn mới có được những trải nghiệm chân thật, để từ đó đưa ra đánh giá chính xác nhất.
Đừng vội vàng quyết định mua một chiếc xe mà bạn chưa thực sự ưng. Nếu bạn chưa hài lòng với cảm giác lái trên chiếc xe đó, hoặc một tính năng nào bạn mong muốn mà chiếc xe chưa đáp ứng được, hãy trao đổi cụ thể với nhân viên bán hàng. Họ có thể giới thiệu một chiếc xe khác thực sự là "chân ái" của bạn.
Kiểm tra xe
Kiểm tra tình trạng xe là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần thực hiện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Việc này nên do người thợ lành nghề thực hiện nhằm kiểm tra tình trạng hoạt động và chế độ bảo dưỡng của tất cả các hệ thống.
Bạn có thể nhìn qua thấy chiếc xe kiểu dáng đẹp, số km xe đã đi ít, 1 chủ sở hữu, sạch sẽ... nhưng có thể người thợ cơ khí sẽ nói cho bạn chính xác động cơ có vấn đề do chủ trước không bảo dưỡng xe đúng cách, hoặc lốp xe nhìn trông khá mới nhưng các rôto phanh rất tã...
Dù mua xe mới hay xe cũ, hy vọng những lưu ý trên sẽ giúp bạn tìm mua được một chiếc xe ưng ý với giá cả hợp lý nhất. Bạn cũng có thể học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế từ những người bạn đã mua xe ô tô để có thể đưa ra những quyết định chính xác và lái xe an toàn.
Những lưu ý quan trọng khi mua ôtô trả góp bạn nên biết Việc mua ôtô trả góp không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi, bạn cần nắm rõ thủ tục, lãi suất mua ôtô trả góp... Mua xe ôtô trả góp là một khoản vay thế chấp tài sản (tài sản là chiếc xe dự định mua hoặc tài sản khác như sổ đỏ, sổ tiết kiệm...)....