Lampard phá vỡ bầu im lặng sau khi mất việc
Lần đầu tiên sau khi bị Chelsea sa thải, HLV Frank Lampard chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc trên trang Instagram cá nhân.
Chỉ một ngày sau khi dẫn dắt Chelsea đánh bại Luton 3-1 ở vòng 4 FA Cup, Lampard nhận thông báo nghỉ việc từ lãnh đạo The Blues.
Lampard thừa nhận thất vọng khi không được tiếp tục đồng hành cùng Chelsea
Chuỗi kết quả bết bát gần đây ở Ngoại hạng Anh, khiến Chelsea tụt xuống vị trí thứ 9 trên BXH, cộng thêm mối bất đồng với nữ Giám đốc Marina Granovskaia buộc Lampard phải rời ghế nóng.
Frank Lampard viết trên trang Instagram cá nhân: “Thật là một đặc ân và vinh dự khi được dẫn dắt Chelsea – CLB đã trở thành phần quan trọng trong cuộc đời tôi suốt thời gian dài.
Đầu tiên, bản thân muốn cảm ơn người hâm mộ vì đã luôn ủng hộ tôi cùng Chelsea suốt 18 tháng qua. Họ biết điều đó mang ý nghĩa lớn với cá nhân tôi.
Khi đảm nhận vai trò thuyền trưởng, tôi hiểu những thách thức đặt ra và khó khăn mà đội bóng sẽ gặp phải.
Tôi tự hào về thành tích mà chúng tôi đã đạt được. Và tôi cũng tự hào về số cầu thủ trưởng thành từ học viện Chelsea đã có bước tiến dài lên đội một, thi đấu tốt. Họ chính là tương lai của Chelsea.
Quả thực rất thất vọng khi không thể tiếp tục cùng Chelsea chiến đấu ở mùa giải này, đưa CLB bước lên một tầm cao mới.
Video đang HOT
Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến ngài Abramovich, ban lãnh đạo, các cầu thủ, đội ngũ ban huấn luyện và mọi người ở CLB đã làm việc chăm chỉ, cống hiến hết mình, đặc biệt trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh hiện nay.
Tôi chúc Chelsea gặp hái được nhiều thành công trong tương lai…”
Chelsea buồn nhưng không thể nào khác khi sa thải Lampard
Trận thắng Luton ở FA Cup quá nhỏ nhoi để cứu Frank Lampard. Biểu tượng của Chelsea đã bị sa thải và trở thành HLV đầu tiên trong nhóm các ông lớn mất việc mùa này.
Sẽ rất nhiều CĐV Chelsea cảm thấy buồn và hụt hẫng. Với họ, Lampard chính là một phần lịch sử của đội bóng, là hiện thân của một thời kỳ chiến thắng, và nói ngắn gọn, chính là Chelsea. Họ từng mong mỏi Abramovich sẽ một lần sử dụng của hiếm của ông, vốn được cất giữ như một gia tài, để dành cho Lampard. Của hiếm ấy là sự kiên nhẫn. Và bây giờ, có khi, họ tự hỏi, không hiểu Abramovich có sở hữu thứ của hiếm ấy hay không?
Thực tế, bóng đá khắc nghiệt vô cùng khi nó là một loại hình kinh doanh dựa trên thành tích trên sân bóng. Với vị trí ở giữa bảng xếp hạng mà Chelsea loay hoay mãi không thoát ra nổi suốt một tháng rưỡi qua, và dấu hiệu có thể còn dậm chân tại chỗ ở đó thêm nữa, Abramovich đã đưa ra quyết định cuối cùng. Cay đắng thay, quyết định ấy được đưa ra chỉ sau một ngày trên khán đài CĐV còn giăng biểu ngữ "In Lampard We Trust".
Sa thải Lampard
Kinh khủng. Chúng ta chỉ có thể nói mọi việc diễn ra quá kinh khủng. Chỉ một tháng rưỡi, từ sau trận thua Everton ở vòng 13, Chelsea bắt đầu tụt dốc và tạo ra cảm giác họ khó có thể gượng dậy. Rồi áp lực truyền thông với mối liên hệ đến các hợp đồng chuyển nhượng đình đám mùa hè càng dày thêm.
Lampard bị đốn ngã bởi tất cả dồn dập diễn ra trong vòng một tháng rưỡi ấy. Chỉ một tháng rưỡi mà mọi niềm tin đều đỗ vỡ trước thách thức và những kỳ vọng tốt đẹp giữa các bên bị xóa sạch hoàn toàn.
Giữa dịch Covid-19, hẳn có những người trong chúng ta phải trải qua cảm giác bị cắt hợp đồng chỉ vì doanh nghiệp gặp khó khăn quá lớn. Cái cảm giác mất việc ấy nếu mang so sánh với cảm giác của Lampard lúc này sẽ như thế nào?
Tất nhiên, Lampard khác mọi người bình thường trong đời sống ở chỗ ông có một tài sản rất ổn, và khoản đền bù không nhỏ chút nào (lương của ông là 4 triệu bảng Anh/năm), nhưng ở đây không phải là câu chuyện về tiền. Nó là câu chuyện của những người bị bỏ lại chỉ vì họ bị đánh giá mình không còn có ích lợi nào cho tổ chức.
Chelsea đã đánh giá Lampard không còn mang lại lợi ích cho tổ chức theo cách ấy. Marina Granovskaia là một giám đốc sắt đá và chỉ quan tâm tới lợi ích, đặc biệt là tài chính nên với cô, chuyện sa thải một ai đó không mang lại kết quả đúng KPI là bình thường.
Granovskaia xuất thân từ khoa ngoại ngữ Đại học Quốc gia Moscow vốn dĩ là trợ lý riêng của Abramovich và sau bao nhiệm vụ ở các công ty khác nhau của ông chủ đã trở thành giám đốc của Chelsea. Granovskaia như một cánh tay nối dài của ông chủ, và nói không ngoa, đôi khi chính là avatar thể hiện đúng nhất những quyết tâm của ông chủ.
Lampard rời Chelsea sau 18 tháng cầm quân. Ảnh: Reuters.
Với những đánh giá đối với các HLV, từ Sarri cho tới Lampard, và cả những quyết định có sức nặng trong câu chuyện chuyển nhượng, chắc chắn Granovskaia sẽ còn là đề tài tranh cãi trong câu chuyện sa thải này. Đặc biệt, cái tên của Granovskaia không chỉ mới xuất hiện trong vụ Lampard hôm nay, mà nó cũng từng hiển lộ ở những cuộc tiễn đưa mang tên Mourinho, Ancelotti lừng lẫy. Một bên là sắt đá (của giới chủ), một bên là tình cảm (của người hâm mộ), đứng về phía nào là chuẩn xác đây? Tốt nhất, hãy đứng về phe của lý trí, để hiểu rằng dù buồn, nhưng đó là một quyết định không thể đừng.
Lampard trả giá cho sai lầm
Thực tế, nếu nhìn vào đội hình Chelsea ra sân từ đầu mùa tới giờ, chúng ta sẽ nhận ra rằng họ có vấn đề về sử dụng nhân sự. Đội hình được đá nhiều nhất (tính cả việc được tung từ băng ghế dự bị) của Chelsa là Mendy - Reece James, Silva, Zouma, Chilwell - Kovavic, Kante, Mount - Ziyech, Abraham, Werner. Trong những cái tên ấy, chỉ có đúng thủ thành, bộ tứ vệ, Kante, Mason Mount và Werner là thường xuyên được xuất phát từ đầu mà thôi.
Việc xoay tua đội hình không có gì là lạ lùng cả bởi với mật độ, cường độ thi đấu như hiện nay, xoay tua là đúng đắn. Tuy nhiên, chỉ xoay tua một vài cái tên thì lại là câu chuyện đáng bàn. Chúng ta đều thấy Kante xuống phong độ thế nào khi đã bắt đầu quá tải.
Trong khi đó, những cầu thủ có phong độ tốt như Giroud, Pulisic, Hudson-Odoi thì luôn phải chấp nhận việc chỉ là dự bị mà thôi. Điều đó sẽ làm họ mất hưng phấn thi đấu trong khi những người chính thức càng chơi lại càng thiếu tự tin hơn do phong độ đi xuống của mình.
Chính sự mất cân bằng tâm lý này đã tạo nên những phản ứng không cần thiết từ phía cầu thủ. Họ không chống lại Lampard. Tuy nhiên, họ không thể hiểu HLV của mình đang muốn gì, toan tính gì. Và khi kết quả thi đấu lại không tích cực, không khí trong đội bóng càng bị đè nặng hơn. Rõ ràng, Lampard đã sa lầy khi ông không thể tìm được lối thoát.
Cùng lúc ấy, ông cảm thấy mình chưa được ủng hộ tốt từ Granovskaia. Bà đầm thép người Nga vốn chỉ nghĩ đến các hạng mục đầu tư đã luôn băn khoăn về con số mà CLB chi ra cho Kepa. Sự băn khoăn ấy càng lớn hơn khi chính Granovskaia là người phê duyệt hạng mục bom tấn này. Rồi thêm vào đó là vụ muốn mua lại Declan Rice của Lampard. Với việc sợ mất thanh danh CLB khi phải mua lại giá cao một cầu thủ chính CLB cắt hợp đồng khi còn ở tuyến trẻ đã ngăn cản Granovskaia chấp thuận. Rạn nứt giữa họ chắc chắn là có, từ đó.
Trong lúc rối bời như thế, chiến thuật của Lampard bỗng trở nên ngây thơ bất thường so với chính ông ở mùa giải trước. Hình dạng đội hình của Chelsea trên sân luôn mất cân bằng một cách khó tả. Vị trí quân bình của họ thường xuyên gói gọn lại trong khoảng 30-40 m ở giữa sân, với hai biên giãn quá rộng, và hai hậu vệ biên thường có mặt ở khoảng vạch vôi giữa sân. Đây chính là sai lầm tai hại khiến Chelsea dễ thủng lưới, đặc biệt là trước các đội bóng chơi phản công tốt hoặc có các đường xẻ nách để khai thác khoảng trống sau lưng bộ tứ vệ.
Thêm nữa, việc Lampard quá cứng nhắc khi chỉ chơi một trụ duy nhất với một Kante mỏi mệt đã khiến tuyến giữa Chelsea luôn chơi như thiếu người. Sơ đồ 4-3-3 đòi hỏi tính kỷ luật vị trí chiến thuật của 3 tiền vệ rất cao, nhất là trong các tình huống tiền vệ trụ bị kéo khỏi chốt của mình. Để có thể chơi 4-3-3 tốt, ba tiền vệ phải hiểu nhau, ăn ý với nhau thực sự. Tuy nhiên, ở Chelsea hôm nay, không có sự ổn định trong bộ khung 3 tiền vệ này và từ đó dẫn đến Chelsea rất dễ mất quyền kiểm soát và thực hiện chuyển đổi trạng thái không nhuần nhuyễn.
Cũng chính vì một sơ đồ 4-3-3 mà trong đó hai hậu vệ biên thì để hổng sau lưng quá nhiều, 3 tiền vệ không có mối nối gắn kết, hàng công Chelsea mới trở nên mất tiếng nói bởi tiền đạo của họ luôn dễ dàng bị đối phương cô lập. Tuy nhiên, Lampard đã không có bất kỳ một điều chỉnh nào cả. Thứ duy nhất ông thực hiện chỉ là thay con người này bằng con người khác khi họ không mang lại kết quả mong muốn. Tâm lý bất ổn khởi nguồn cũng chính từ đây.
Chelsea có tốt hơn sau khi Lampard ra đi? Ảnh: Reuters.
Bây giờ, Chelsea sẽ có một HLV khác, và Abramovich lại mở một trang kỳ vọng khác. Lampard không còn ở đó nữa như người ta từng mong đợi ông sẽ tạo ra một kỷ nguyên của mình. Phải nói là rất buồn khi chúng ta không được chứng kiến một quá trình tiếp nối mang tính truyền thống cho CLB lẫy lừng ấy. Và sẽ càng buồn hơn nếu ai đó trong chúng ta xem Lampard như là một thần tượng đầu đời. Tuy nhiên, lẽ đời là thế, có trách Abramovich quá phũ phàng thì cũng đành phải chấp nhận thôi. Kết quả nói lên tất cả mà.
Năm ngoái, Lampard đã đưa Chelsea đến vé dự Champions League khi không được mua sắm bất kỳ ai. Ông kể rằng ông bị ám ảnh bởi bảng xếp hạng, và có ngày còn nhìn vào nó cả chục lần. Năm nay, thói quen ấy chắc vẫn còn. Nên khi ra đi, ông không buông một lời trách cứ nào. Mỗi ngày cả chục lần vẫn thấy mình ở đó, giữa bảng xếp hạng, ngày qua ngày, hẳn ông cũng hiểu sự sốt ruột của những nhà đầu tư là như thế nào.
Buồn mấy thì buồn, chúng ta cũng phải chấp nhận thôi và hãy nghĩ, người ra đi nhưng ở phía sau vẫn còn những người luôn nhắc về người ra đi ấy. Ở trường hợp của Lampard, chắc chắn Abramovich vẫn nhắc ông, cầu thủ vẫn nhắc ông, CĐV vẫn nhắc ông dù cho Granovskaia có thể là không.
NHM MU phát cuồng với màn trình diễn của Dean Henderson Dean Henderson chinh phục trái tim NHM MU Trong chiến thắng 3-0 của MU trước Luton ở vòng 3 cúp Liên đoàn Anh, thủ môn Dean Henderson được bắt chính và chơi ấn tượng. Phút 82, khi tỷ số vẫn đang là 1-0 nghiêng về phía MU. Tom Lockyer đã có một pha đánh đầu rất khó ở cự ly gần, song Dean...