“Làm xiếc” với vàng, bạc
Tìm về Kiêu Kỵ, một xã ngoại thành thủ đô (Gia Lâm, Hà Nội) ngày cuối tuần, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay đến kỳ diệu của một làng quê thuần nông bao đời nay. Càng ấn tượng hơn, khi nơi đây còn lưu giữ được nghề độc nhất vô nhị: Nghề dát quỳ vàng, bạc.
Chỉ với một chỉ vàng, người ta có thể dát ra thành khoảng 1.000 lá vàng kích thước 4×4cm và mỏng đến nỗi chỉ chạm ngón tay là tan ra thành bụi!
Nghề lạ ở Kiêu Kỵ
Làng Kiêu Kỵ có tên nôm là Cầu Cậy, diễn nghĩa là “cưỡi ngựa”. Nơi đây được coi là một trong những làng giàu truyền thống văn hóa của xứ Kinh Bắc xưa, hiện còn lưu giữ nhiều di tích và phụng thờ Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa (thời Trần), đình thờ Thần Nông, nhà Tràng thờ Tổ sư nghề dát vàng, bạc quỳ…
Nói về nghề truyền thống của làng, Kiêu Kỵ từng tự hào rằng, trai làng chỉ cần một bó sắt và vài gói giấy giống, thì đi bất cứ nơi đâu cũng có thể tạo dựng cho mình một nghề mà nơi đó không làm được.
Lướt mực lên quỳ.
Theo truyền thuyết dân gian, vào thời nhà Lê, ở làng Kiêu Kỵ có cụ Nguyễn Quý Trị là người học rộng, tài cao, được nhà vua cử đi sứ sang Trung Quốc. Tại đây, cụ được nhìn thấy cung điện dát vàng lộng lẫy. Qua tìm hiểu, cụ Trị mới hay, đó là do bàn tay khéo léo của những người thợ sơn son, thếp vàng tạo ra.
Cụ đã tìm đến nơi sản xuất và học hỏi được nghề dát vàng, bạc quỳ. Trở về nước, cụ đem nghề về truyền lại cho dân làng Kiêu Kỵ… Ban đầu nghề này chỉ là một nghề phụ lúc nông nhàn sau đó do nhu cầu, sản phẩm được ưa chuộng, nghề này phát triển và trở nên nổi tiếng khắp vùng. Biết ơn cụ, sau khi cụ mất, dân làng đã xây miếu thờ và tôn vinh cụ làm Tổ sư nghề.
Khoảng những năm đầu thế kỷ 20, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, sau đó là ảnh hưởng của chiến tranh nên nghề dát quỳ bị gián đoạn, phải đến sau khi kháng chiến chống Pháp thành công (1954), nghề mới được khôi phục và phát triển. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay, ở Việt Nam chỉ có làng Kiêu Kỵ có bề dày hành nghề làm vàng, bạc quỳ.
Để hiểu hơn về thứ nghề “độc” này, chúng tôi đã tìm gặp ông Lê Bá Chung – Chủ nhiệm Hợp tác xã, Chủ tịch Hội Vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, một trong hai nghệ nhân hiện đang dìu dắt nghề tại Kiêu Kỵ.
Video đang HOT
Theo ông Chung, nói dát quỳ là nghề đặc biệt và “có một không hai” cũng không phải là quá, khi mà để hoàn thành được sản phẩm, người thợ nghề phải trải qua gần hai chục công đoạn, mà mỗi công đoạn khác nhau lại đòi hỏi người thợ phải có những sự tinh xảo riêng, chỉ cần kém một bước sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình.
Tuy nhiên, ông Chung cũng bật mí, bí quyết của nghề dát quỳ vàng, bạc là dùng những vật liệu và hóa chất dân gian như: Keo da trâu dùng quét lên bề mặt sản phẩm (lấy da trâu nấu thành keo, có thể dùng da trâu khô hoặc tươi đun với nước sạch trong khoảng 48 giờ, sau khi nước keo có màu vàng thì bỏ ra lọc và phơi trên lá chuối tươi).
Bồ hóng và nhựa thông sống trộn với mùn cưa, đun trong một ngày, mực mài và lướt quỳ mới (mỗi lần lướt xong lại phơi trên lá vả, sắm từng gói sấy lồng, cứ khô lại đập, lướt khoảng 3 lần), cùng với đức tính kiên nhẫn và bền bỉ ngồi cả ngày (người thợ ngồi quỳ hai chân và làm việc bên cạnh sản phẩm) sơn màu, sơn keo để dát miết vàng quỳ lên bề mặt sản phẩm, cho đến khi màu sắc lấp lánh hiện ra, bóng loáng thì mới hoàn thành công việc.
Tinh xảo nghề quỳ
Vừa bước chân vào cơ sở nghề của ông Chung, chúng tôi đã nghe những âm thanh chát chúa phát ra từ gian bếp. Hỏi ra mới hay, các thợ nghề đang giã quỳ. Hai chiếc búa (mỗi chiếc nặng khoảng 4kg) đều đặn nện từng nhát xuống thỏi quỳ nhỏ xíu. Trung bình để giã giập một quỳ mất khoảng 30-45 phút. Kể ra cũng thật tinh xảo, khi thỏi giấy quỳ thì quá nhỏ, người thợ phải dùng một tay giữ, tay kia vẫn nện búa. Song điều ngạc nhiên là không ai nện ra ngoài hay phải tay giữ. Tuy vậy, nhiều người tếu táo, nếu không có gan, chắc không thể làm nổi vì rất dễ nện phải tay.
Trong một căn phòng kín gió, nhiều phụ nữ đang lấy ngón tay chấm vào những lá vàng mỏng tang, nhỏ như vảy ốc đặt vào các vuông giấy dó đen. Theo ông Chung, đánh quỳ không khác gì người chơi đàn, cần phải hết sức tinh tế và chính xác, nếu không, người thợ quỳ có thể làm tổn thương chính mình.
Sau khi giã xong, người thợ gỡ vàng ra và dùng kéo cắt thành những miếng nhỏ, hình vuông có cạnh chừng 1cm. Tiếp theo là đến giai đoạn xếp vàng xen kẽ vào giữa lá quỳ (long quỳ). Một long quỳ có từ 400 – 500 lá. Tiếp đó, những thợ khác sẽ làm nhiệm vụ gói quỳ vào hai mảnh vải và giã tiếp cho vàng thật mỏng (giã khoảng hơn 1 tiếng). Công đoạn này rất quan trọng, quyết định đến chất lượng vàng dát lên tượng có màu sáng hay xỉn. Sau đó lá vàng sẽ được lấy ra và đặt xen kẽ lên giấy (trại quỳ)
Công đoạn cuối cùng chính là dát quỳ vàng lên sản phẩm
Theo ông Chung, trại quỳ là công đoạn rất khó, bởi phải lấy vàng sao cho lá vàng không bị rách hay dính vào tay. Đặc biệt, do quỳ rất nhẹ nên khi trại quỳ, người thợ cần hạn chế nói chuyện, cười, thở mạnh.
Sản phẩm sau cùng, mỗi quỳ gồm có 10 buộc giấy, mỗi buộc có 40 – 50 tờ giấy tương ứng với chừng ấy lá vàng. Từ một chỉ vàng, người thợ dát mỏng ra khoảng 1m2.
Hiện nay sản phẩm của làng nghề Kiêu Kỵ góp phần tu sửa nhiều công trình văn hóa lịch sử (cung đình vua chúa, đền thờ các vị vua quan, các cụm di tích đình, chùa…). Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm dát quỳ vàng, bạc tại Kiêu Kỵ còn được nhiều bạn hàng nước ngoài tìm đến và đặt hàng. Nhờ xác định được giá trị của nghề, nên người thợ nghề tại đây vô cùng trân trọng và luôn ý thức bảo tồn nghề quý.
Theo soha
600 năm bạc mặt vì bạc
Nghề chạm bạc từng một thời bị xếp vào "xó bếp" rồi cũng lận đận ngoi ngóp góp mặt trên thị trường kim hoàn.
Người trong nghề kim hoàn chạm bạc nước ta thực chẳng ai mà không biết Đồng Xâm ở Kiến Xương, Thái Bình. Đây không chỉ là cái nôi của nghề chạm bạc danh bất hư truyền mà còn là "linh hồn" của thứ nghề rất ít người biết đến. Nhưng, ai đã đa mang lấy nghề chạm bạc thì dù muốn bỏ, muốn rời xa cũng khó khi đã trót lấy nghiệp vào thân.
Đồng Xâm vốn là tên làng, một làng nhỏ chăm chú với nghề lúa nước thuộc xã Hồng Thái bây giờ. Nhưng thương hiệu bạc Đồng Xâm thì không chỉ gói gọn trong cái làng nhỏ ấy mà dàn trải sang cả làng và xã khác như Lê Lợi. "Nghề lành lan rộng nên người dân khu vực cũng thạo nghề lắm, nhà nào cũng biết nghề, đứa trẻ con cũng biết chạm bạc, thế nên đất lúa mà nông nghiệp chỉ là nghề phụ", lời ông Phạm Quang Ngừng, đương kim Chủ nhiệm HTX chạm bạc cho biết như vậy.
Thế nhưng, nếu chỉ nhìn qua sự phát triển hiện thời với những nhà tầng mái cao san sát nhau thì người ngoài dễ nhầm sự thịnh vượng của nghề chạm bạc. Tôi cũng từng nhầm khi xuýt xoa với ông chủ nhiệm. Nhưng thực tế không phải như vậy, dân Đồng Xâm đã 600 năm bạc mặt vì nghề chạm bạc. Ông Ngừng bảo, cái nghề này không làm ra thóc ra gạo, nó thuộc thứ nghề phục vụ người giàu nên lao đao lắm.
Phụ nữ cũng tham gia làm nghề
Từ khi ông tổ nghề tên là Nguyễn Kim Lâu học mót được nghề từ nước Đại Minh và đem về Đồng Xâm truyền dạy từ năm 1428 thì đã có biết bao biến động. "Nghề phục vụ vua chúa, người giàu có nhưng lại không giàu được. Thời vinh quang nhất thì cũng đã cách giờ quá lâu rồi. Thời ấy cụ Kim Lâu lập phường gồm 149 người tất thảy, trong đó có 1 trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ. Ngày trước để được học nghề cũng không đơn giản bởi các luật tục khắt khe đào tạo những người thực sự có tâm và tài để không làm ô danh nghề chạm bạc.
600 năm ấy cho đến bây giờ, cùng với những biến động lịch sử, những no đói của thời đại khiến thợ bạc Đồng Xâm không ít phen lao đao. Ông Ngừng bảo, nhiều lần nghề chạm bạc đi vào quên lãng, bếp lò các hộ làm nghề lạnh tanh, không có tiếng khò thổi lửa, không tiếng đục đẽo leng keng, tất cả như muốn quên đi thứ nghề đã khiến họ phải bạc mặt với đời.
Lửa lò nung bạc Đồng Xâm
Cầm tay chỉ việc
"Nghề chạm bạc dù bạc bẽo đến vậy nhưng cũng chẳng có sách vở nào dạy cách làm nghề. Những ai muốn học thì chỉ học mót bằng cách quan sát thợ lành nghề. Tất tần tật thợ chạm bạc Đồng Xâm từ xưa tới nay cũng chỉ được dạy bằng cách cầm tay chỉ việc, không có lý luận về nghề, càng không có khái niệm nghề chạm bạc là gì", khẳng định của ông Phạm Quang.
Hiện thời, 2 xã Hồng Thái và Lê Lợi là tập trung đông người làm nghề chạm bạc, một số HTX cũng được mở ra với mục đích duy trì nghề truyền thống và để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, số người gia nhập HTX là rất khiêm tốn, các thợ giỏi và người có vốn liếng thì họ tự mở xưởng tại gia, thu hút nhân lực và sản xuất theo đơn đặt hàng.
Một thợ chạm bạc đang tạo khuôn sản phẩm
Đồng Xâm cũng là thủ phủ lớn nhất nhì nước ta về kim hoàn chạm bạc với đủ mọi mặt hàng, từ nhẫn đeo tay đến đỉnh đồng mâm bạc. Đặc biệt, những chiếc dĩa bạc với cán cầm bằng sừng được chế tác rất công phu chỉ để xuất khẩu sang châu Âu với giá cao đang là mặt hàng được sản xuất nhiều nhất.
Những đứa trẻ chỉ 7 - 8 tuổi cũng lúi húi giúp bố mẹ bào sừng, cưa bạc hay đục đẽo những hoa văn họa tiết trên sản phẩm. Nhiều cụ già dù mắt mờ chân chậm vẫn hăng say vẽ mẫu và hướng dẫn con cháu cách nấu bạc, dập khuôn. Một số thanh niên đang học nghề được những người thợ cả chỉ dạy từ cách chọn bạc đến sự cách điệu trong tạo mẫu.
Ông Ngừng cho biết: "Cái nghề này đòi hỏi phải khéo tay, có óc thẩm mỹ cao độ và phải cực đam mê thì mới mong có những sản phẩm tuyệt đích. Nếu không có những yếu tố ấy, thứ làm ra chỉ rất bình thường, khô khan. Vì thế, để trở thành thợ chỉ mất 2 năm, nhưng nếu là thợ giỏi thì phải cả đời học hỏi không ngừng".
Đỉnh đồng với những hoa văn tinh tế nhất
Lửa bạc
"Nghề kim hoàn luôn gắn với lửa, lửa trong lò có cháy thì nghề chạm bạc mới có cơ may phát triển", ông Ngừng cho biết. Vậy là niềm vui của bạc Đồng Xâm lại có cơ hội không bị tụt lùi khi khách ta khách tây nườm nượp đặt hàng. Ông Ngừng nói văn vẻ: "Trong khi sự khủng hoảng kinh tế thế giới đẩy 60 doanh nghiệp làng nghề Việt Nam xuống hố thì làng chạm bạc Đồng Xâm vẫn sống khoẻ".
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan, Chủ tịch Hội chạm bạc Đồng Xâm cho biết: "Người thợ bạc phải tinh và ranh thì mới sống được, ngoài sự tinh tế về sản phẩm thì mình cũng phải đa dạng hoá thì mới có cơ hội tồn tại. Thợ chạm bạc của làng thu nhập cũng khá ổn định, từ 3 - 4 triệu đồng/tháng".
Khu trưng bày sản phẩm bạc Đồng Xâm
Chính sự khởi sắc làng nghề nên ở Đồng Xâm không lúc nào ngớt tiếp búa đập, tiếng đục đẽo kim hoàn. Lửa lò lúc nào cũng cháy đỏ rực, mùi ngai ngái của bạc tan chảy hoà vào những đam mê nghệ thuật. Thế nên, những đỉnh đồng, những quả cầu bạc được làm ra cũng như có hồn hơn.
Vậy mà, niềm vui ấy chỉ có được và giữ được ở Đồng Xâm, vì theo ông Phạm Quang Ngừng: "Bao nhiêu người tứ xứ đến đây học nghề thành thợ giỏi, thậm chí thành nghệ nhân rồi đem nghề chạm bạc đến nơi khác khởi nghiệp đều không thể tồn tại được. Các cụ tôi bảo, nghề chạm bạc muốn sống cũng phải có đất, khắp nước Nam cũng chỉ có Đồng Xâm là đất phát cho chạm bạc mà thôi".
"Hồn cốt của bạc Đồng Xâm ngoài tay nghề còn phải có "mẹo", tức là bí quyết. Đấy là điểm phân biệt tại sao người Đồng Xâm làm bạc bao giờ cũng đỉnh hơn người nơi khác. Đồng Xâm còn kết hợp với các làng nghề để sản xuất ra sản phẩm thương hiệu Made in Đồng Xâm như bức "tứ linh" đoạt giải Sao vàng Đất Việt và hàng loạt những công trình chạm bạc ở các chùa chiền. Thế giới cũng đang tìm về Đồng Xâm như một biểu tượng của tinh hoa chạm bạc".
Ông Phạm Quang Ngừng (Chủ nhiệm HTX chạm bạc Đồng Xâm)
Theo 24h
Đối đầu với tên lửa Việt Nam, B52 chỉ còn là đống sắt vụn Tung "con át chủ bài" (máy bay B52) cuối cùng ra Bắc, Mỹ toan tính tham vọng lớn. Thế nhưng chỉ sau 12 ngày đêm (18/12 - 29/12/1972), bầu trời Hà Nội đã biến thành tử địa chôn vùi B52. Những ngày này, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ trên không nằm trên đường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) thu hút...