Làm vườn đẹp chỉ để khách sờ cây, ngửi trái chín, chụp hình và trả tiền
Nông dân Hồ Tấn Phong, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc (An Giang) vui tính nói: “Tới vườn của tôi, ai cũng thích chụp hình. Vô tới nhà lưới trồng cà chua bi, dưa lưới…khách nào cũng chụp hình lia lịa. Họ đến đây theo lời giới thiệu truyền tai, hoặc xem hình ảnh bạn bè chụp, đăng lên Facebook, Zalo…Du khách rất thích được tận tay sờ cây, tận mũi ngửi mùi thơm của những trái dưa lưới, mít chín cây…
Với mong muốn góp phần cùng địa phương tạo ra sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn, “giữ chân” du khách. Những năm gần đây, không ít nông dân “chân lấm, tay bùn” quanh năm gắn bó với ruộng đồng…đã tận dụng diện tích canh tác của gia đình tạo một công việc khá mới mẻ, đó là làm du lịch.
Nông dân Hồ Tấn Phong (TP. Châu Đốc) với mô hình đa canh ứng dụng công nghệ cao, tạo cảnh quan phục vụ du lịch.
Mô hình đa canh, tạo cảnh quan phục vụ du lịch
Ít ai nghĩ, những công việc của nhà nông như: Bón phân, chăm sóc, trồng cây, bắt cá… lại là những sản phẩm phục vụ khách du lịch. Những công việc ruộng vườn này được nhiều du khách thích thú. Nông dân Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) tận dụng diện tích 2.400m2 đất để thực hiện dự án “Xây dựng mô hình đa canh ứng dụng công nghệ cao, tạo cảnh quan phục vụ du lịch tại TP. Châu Đốc”. Phía trước sân, chú Phong trồng các loại hoa lan, từ “dòng thường” dendro, vũ nữ… đến “dòng cao cấp” như: Lan hồ điệp, giả hạt, ngọc điểm… Bước khoảng 10m, tôi lại ấn tượng với cây xoài (giống Thái Lan) với những chùm quả nặng trĩu, thấp ngang vai…
Nông dân Hồ Tấn Phong vui tính nói: “Tới vườn của tôi, ai cũng thích chụp hình. Vô tới nhà lưới trồng cà chua bi, dưa lưới… khách nào cũng chụp hình lia lịa. Họ đến đây theo lời giới thiệu truyền tai, hoặc xem hình ảnh bạn bè chụp, đăng lên Facebook, Zalo… Một phần du khách đến vì muốn tìm hiểu thế nào là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nào là trồng rau, củ, quả trong nhà lưới, rồi họ xem chúng tôi chăm sóc. Du khách rất thích được tận tay sờ, tận mũi ngửi mùi thơm của những trái dưa lưới, mít chín cây”.
Theo nông dân Hồ Tấn Phong, du khách đa phần là khách nội địa, nhiều nhất là các địa phương lân cận (An Phú, TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên…) cũng có khách ngoài tỉnh (TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Đồng Tháp). Chị Thanh Nhàn (TP. Long Xuyên) cho biết: “Bữa trước được người bạn giới thiệu mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch của chú Phong. Hôm nay, nhà tôi đi cúng Bà Chúa Xứ núi Sam sẵn đi tham quan mô hình du lịch sinh thái. Vừa chụp hình, vừa tự tay hái, mua dưa lưới, hoa lan, hoa chuông tình yêu, tôi thấy khá thú vị. Không gian thoáng, chú Phong rất nhiệt tình, cởi mở. Khi về tôi sẽ đăng lên Facebook để quảng bá, giới thiệu cho bạn bè cùng biết.
Có thể nói, đây là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn để mọi người cùng trải nghiệm vào dịp cuối tuần”. Theo nông dân Hồ Tấn Phong, thông thường du khách đến nhiều vào ngày lễ, tết, cuối tuần (có khi lên đến 50 – 60 khách/ngày). Còn ngày thường thì khoảng 3-7 du khách. Khách đến tham quan không tốn phí vào cửa, được thoải mái chụp hình, quay phim, cũng không nhất thiết phải mua trái cây trong vườn. Có lẽ vì vậy mà du khách thấy thoải mái, thích thú. Giá dưa lưới sạch 50.000 đồng/kg, hoa lan từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn/cây (tùy loại).
Đến ruộng đậu bắp cũng kiếm ra tiền từ du lịch
Video đang HOT
Không chỉ ở TP. Châu Đốc, tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) cũng vừa triển khai mô hình “Nông nghiệp xanh, vườn rau sạch ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển nông nghiệp và du lịch” do Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Chi đoàn Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh thực hiện tại gia đình anh Trần Phước Nguyên (ngụ ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng).
Anh Trần Phước Nguyên bên vườn đậu bắp sạch tạo cảnh quan, phục vụ du khách.
Theo bạn Nguyễn Hoàn Đức, Bí thư Chi đoàn Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh (thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch): “Đây là đề tài nghiên cứu cấp tỉnh. Theo đó, khi tham gia mô hình này, nông dân được hỗ trợ giàn lưới trồng hoa lan, vườn rau (cải xanh, xà lách) trồng theo hướng an toàn, sạch, không dùng thuốc bảo vệ thực vật…
Qua đó, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng quê (trồng, chăm sóc, hái rau chế biến món ăn). Điều thú vị hơn cả là người hướng dẫn, trực tiếp tham gia trải nghiệm cùng du khách không ai khác chính là những người nông dân. Mục tiêu của mô hình này giúp người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa làm du lịch sinh thái. Đây là điều kiện để thu hút du khách ngoại và nội địa”.
“Trước đây, gia đình tôi làm ruộng. Từ năm 2012, gia đình tôi bắt đầu tham gia dự án “Du lịch homestay”. Mô hình này chủ yếu phục vụ khách nước ngoài (Bỉ, Hà Lan). Gần đây thì có thêm du khách đến từ Pháp, Đức. Số lượng khách đến đây khoảng 2-7 đoàn/tháng, mỗi đoàn từ 2-4 khách. Đa phần du khách là người lớn tuổi, họ đi theo dạng du lịch nghỉ dưỡng. Bởi không khí ở đây mát mẻ, trong lành. Họ có thể đạp xe đi vòng vòng cù lao, tìm hiểu văn hóa và cuộc sống (sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi…) của người dân nơi đây, học cách nấu và thưởng thức các món ăn Việt Nam”. Hiện nay, với tổng diện tích trên 7.000m2, phía trước anh Nguyên trồng hoa lan, cây cảnh; chính giữa là nhà ở và phòng phục vụ khách ở qua đêm. Phía sau anh thả trên 50 con gà; trồng bưởi da xanh, đậu bắp, vườn rau sạch (sử dụng hệ thống tưới tự động) và ao nuôi cá.
“Để chuyên nghiệp, tôi đã tham gia trên 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng như: Kỹ năng giao tiếp, bồi bàn, nấu ăn, quảng bá du lịch… Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tôi sẽ đầu tư thêm một số vật đụng, thiết bị trong nhà, như: Ghế gỗ, máy lạnh (nếu khách có nhu cầu sử dụng), đồ trang trí…”, anh Trần Phước Nguyên chia sẻ.
Anh Nguyên còn tận dụng những chỗ trống phía sau vườn trồng thêm các loại cây ăn trái (mãng cầu, nhãn, thanh long, xoài…); thả thêm cá để đáp ứng “thú vui” câu cá của du khách, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên, vừa đa dạng hóa các món ăn, cũng như có nông sản sạch phục vụ du khách. Những vườn, ruộng như của gia đình anh Nguyên dần trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước vào những dịp cuối tuần, lễ, tết. Qua đó, góp phần thu hút và “giữ chân” du khách đến với TP. Long Xuyên, đồng thời giúp gia đình tăng thêm nguồn thu nhập…
Theo Thu Thảo (Báo An Giang)
Có khùng không khi bỏ lương 20 triệu về nuôi vịt biển?
Vùng biển Quảng Trị sau sự cố môi trường gần như chết lặng nay đang dần hồi sinh. Nhiều nông dân đã mở các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, làm giàu trên vùng cát trắng khô cằn.
Vùng biển Quảng Trị sau sự cố môi trường gần như chết lặng nay đang dần hồi sinh. Nhiều nông dân đã mở các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, làm giàu trên vùng cát trắng khô cằn.
Bỏ nghề công khai nhưng "bí mật" nuôi vịt biển
Tháng 5, trời đất Quảng Trị nắng nóng như chảo rang. Chúng tôi tìm đến trang trại nằm giữa trảng cát cháy bỏng của nhà chàng trai 29 tuổi Nguyễn Hữu Giáp (trú thôn Tân Mạch, Vĩnh Thái, Vĩnh Linh).
Khi bỏ nghề kiến trúc sư ở TP. HCM về vùng cát trắng gió Lào Quảng Trị nuôi vịt biển, nhiều người đã mắng Nguyễn Hữu Giáp là khùng. Nhưng giờ thì nhiều người vững tin hơn ở chàng trai trẻ này. Ảnh: Ngọc Vũ.
Từng là sinh viên khoa Kiến trúc đô thị, trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, Giáp ra trường rồi làm việc ở Sài Gòn được 1 năm với nghề kiến trúc, mức thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giấc mộng làm giàu trên chính trảng cát quê hương đã thôi thúc chàng trai trẻ trở về Vĩnh Thái vào tháng 10.2014. Mãi đến tháng 7.2015 Giáp mới chấm dứt nghiệp kiến trúc, mưu toan kế làm giàu ở xứ gió Lào.
Thế nhưng, "cơn cuồng phong" ập đến bất chợt. Tháng 4.2016, sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra khiến làng chài Tân Mạch cũng như làng chài 4 tỉnh miền Trung tơi tả. Cá chết hàng loạt, tàu cá nằm bờ, hàng quán đóng cửa, ngư dân than ngắn thở dài rằng "biển chết".
Giữa lúc mọi người ủ rủ buồn chán thì Giáp lóe lên suy nghĩ phải xây dựng cho bằng được trang trại chăn nuôi trên trảng cát nóng bỏng này. Bị gia đình cấm cản, Giáp bí mật vay mượn tiền, thuê đất lập trang trại. Mô hình mới hiện nay là nuôi vịt biển được Giáp lựa chọn.
Được sự giúp đỡ của Ngân hàng chính sách xã hội và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh, Giáp nuôi 1.000 con vịt biển. Sức đề kháng của vịt biển tốt. Chúng có thể uống được nước mặn, ăn được đồ đạm (là cá tươi, các phể phẩm hải sản ở vùng biển, các tạp chất trong nước biển...) mà không bị đau bụng như vịt thường. Loài vịt này chỉ nuôi trong 8 tuần là có thể xuất bán với cân nặng trên dưới 2,7 kg/con, giá bán khoảng 45.000 đồng/kg.
Ngay lứa vịt đầu tiên Giáp lãi 30 triệu đồng và sắp tới sẽ nâng đàn lên 5.000 con. Cộng với đàn dê 35 con và 150 con lợn rừng, Giáp kỳ vọng sẽ được tạo điều kiện mở rộng trang trại, tiến tới hình thành điểm du lịch sinh thái biển trong tương lai...
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây
Đến thôn 9, xã Trung Giang (Gio Linh) hỏi chàng trai 8X Trần Tấn Phát ai cũng trầm trồ khen ngợi. Tuy nhiên, chúng tôi càng bất ngờ hơn khi bên ngoài Phát có làn da rám nắng thuần chất nông dân nhưng lại là cử nhân Khoa Luật - Đại học Huế.
Trần Tấn Giáp (trái) đã vững tin hơn khi quyết định bỏ nghề luật sư về nuôi gà giống Mic O2 ở vùng cát trắng ven biển Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 2009, Phát lang bạt nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng thu nhập ba cọc ba đồng, ở nhà trọ. Phát nghĩ, cuộc đời không thể mãi lênh đênh, khổ sở được, phải về quê lập nghiệp mới vững bền. Năm 2014, Phát trở về cánh đồng cát trắng ven biển quê nhà vay 200 triệu đồng nuôi 6.800 con gà giống Mic O2. Để tiết kiệm chi phí, anh Phát tự xây dựng chuồng trại, làm đường...Mới đây, anh Phát vay thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH Gio Linh để tăng quy mô đàn gà. Chàng trai sinh năm 1986 này cho biết, nhờ có kĩ thuật, lại liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định nên mỗi năm anh thu nhập trên 100 triệu đồng.
Vùng ven biển Quảng Trị còn rất nhiều mô hình nuôi trồng trên cát hiệu quả cao như trồng ném ở huyện Hải Lăng; nuôi lợn bản, lợn rừng ở Gio Linh...
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, sau sự cố môi trường biển, ngoài làm tốt công tác chi trả tiền đền bù thiệt hại, tỉnh còn hỗ trợ mỗi xã ven biển 300 triệu đồng và 1 kỹ sư nông nghiệp để xây dựng các mô hình nuôi, trồng phù hợp. Hiện nay, đơn vị này đang lập đề án chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển, sẽ hoàn thành và triển khai trong thời gian tới...
"Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"-đó là tinh thần vượt qua "bão tố" của nhiều nông dân. Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần vượt khó, sáng tạo của người dân vùng biển đã chinh phục cát trắng làm giàu trong thời khắc khó khăn. Sở khuyến khích và sẽ tạo mọi điều kiện có thể để giúp người dân mở trang trại, gia trại đồng thời nhân rộng những mô hình có hiệu quả" - ông Nguyễn Văn Huân.
Theo Danviet
Thanh tra phát hiện nhiều thiếu sót trong vụ 'resort ở vườn quốc gia Ba Vì' Nhiều tập thể, cá nhân thuộc Tổng cục lâm nghiệp bị đề nghị kiểm điểm liên quan đến việc xây dựng resort ở vườn quốc gia Ba Vì. Tổng cục lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có kết luận thanh tra về hoạt động liên kết tổ chức du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Ba Vì....