Làm việc online mùa dịch: Chồng điểm danh thay để vợ ăn cơm
Kể từ khi thực hiện cách ly xã hội, rất nhiều ngành nghề kinh doanh đã phải chuyển đổi sang làm việc online, kéo theo đó là muôn vàn câu chuyện dở khóc dở cười.
Chồng thay vợ điểm danh khi học nghiệp vụ
Chị Trang ( Kim Chung, Hà Nội) vốn là chuyên viên tại một cơ quan nhà nước. Ngoài giờ làm việc, chị còn tham gia đứng lớp tại một trường đại học để kiếm thêm. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giống như bao người khác, chị Trang đã phải ở nhà và bắt đầu làm quen với môi trường làm việc online.
Chia sẻ với Pv , chị Trang cho biết, để giữ an toàn cho bản thân và gia đình, chị đã ở nhà kể từ khi bệnh nhân số 17 được phát hiện. Trong khoảng thời gian đó, chị vẫn làm công việc ở cơ quan và đi dạy học, thậm chí cả đi học thêm về nghiệp vụ, tất cả đều diễn ra dưới hình thức online.
Làm việc từ xa là sự lựa chọn của nhiều người trong mùa dịch Covid-19.
Trong suy nghĩ ban đầu của chị Trang, cách làm việc online không mấy mang lại những kết quả tích cực. Điển hình là với việc dạy học, các bài giảng sẽ khó hiệu quả do sự hạn chế tương tác giữa học sinh và giáo viên. Tuy nhiên sau một thời gian làm việc và dạy học online, dần dần chị cũng cảm thấy quen và nhận ra nó cũng có một số ưu điểm nhất định.
“Trường mình dạy học trên nền tảng Microsoft. Sinh viên sẽ đăng nhập bằng địa chỉ email do trường cấp. Với phần mềm này, mình có thể quản lý việc làm bài, nộp bài, chấm điểm của sinh viên rất tiện. Dạy cùng lúc 2 nền tảng khác nhau ở 2 trường đại học, thế nhưng mọi thứ đều rất ok.”, chị Trang chia sẻ.
Theo chị Trang, môi trường làm việc trực tuyến cũng giúp chị có thể vừa đứng lớp, vừa theo học các lớp nghiệp vụ mà không cần phải di chuyển nhiều.
Nói về một kỷ niệm vui, chị Trang cho biết, lớp học nghiệp vụ thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 6-8h tối. Thế nên thỉnh thoảng, chị lại phải nhờ chồng “trực chiến”, điểm danh hộ để còn đi ăn cơm tối.
Video đang HOT
Nhìn lại suốt cả quá trình, đối với bản thân chị Trang, làm việc trên môi trường online ban đầu tưởng chừng như một trở ngại, khó khăn, thế nhưng từ đó lại có thể nhìn ra được nhiều điều tích cực.
Quan ngại về bảo mật khi làm việc online
Không có nhiều kinh nghiệm như chị Trang, chị Thuỷ (Lĩnh Nam, Hà Nội) mới làm việc trên môi trường online 2 ngày kể từ thời điểm có “lệnh” cách ly xã hội.
Làm việc tại một văn phòng luật, công việc hàng ngày của chị Thủy là chăm sóc khách hàng, soạn công văn và liên hệ với Cục Sở Hữu trí Tuệ. Công việc mang tính chất văn phòng là chính, vậy nên chị Thuỷ cũng không quá khó khăn khi chuyển môi trường làm việc sang online.
Một buổi họp online, điều không thể thiếu khi làm việc từ xa.
Do công ty nhỏ không thể mua các phần mềm có chi phí cao, cơ quan đã cài phần mềm liên kết giữa máy tính cá nhân của chị Thuỷ và máy chủ đặt tại Sài Gòn. Nhờ vậy, dù ngồi ở nhà, chị Thuỷ vẫn có thể truy cập vào server công ty để lấy tài liệu làm việc.
Theo chị Thuỷ, vì mới làm online nên chưa biết hiệu quả làm việc sẽ ra sao, tuy nhiên chị cảm thấy khá ổn với cách vận hành này. Với vấn đề điểm danh, chị cho rằng cơ quan nên quản lý công việc theo KPI, cứ làm việc nhiều là tự khắc sẽ không trốn được.
“Trước giờ mình vẫn làm việc từ xa do trụ sở chính cơ quan ở TP.HCM, vậy nên làm việc ở nhà về cơ bản cũng chẳng khác mấy, chỉ khác là không được đến văn phòng”, chị Thuỷ chia sẻ.
Do đây chỉ là cảm xúc cá nhân, chị Thuỷ cho rằng, với cả công ty thực tế có thể sẽ khác. Điều mà chị quan tâm nhất là vấn đề bảo mật trong quá trình làm việc online. Thực tế cho thấy, vấn đề bảo mật khi làm việc từ xa cũng là mối quan tâm chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trọng Đạt
Bí quyết làm việc online mùa dịch "không quạo": Tôi đã làm việc tại nhà suốt 10 năm và đây là những điều giúp tôi thành công trong công việc
"Khi bạn làm việc tại nhà, khoảng thời gian bạn ngồi trước bàn làm việc chưa chắc đã quyết định hiệu quả công việc!" Đó là phương châm làm việc mà Natalie Zfat đã rút ra sau gần 10 năm làm việc tại nhà với tư cách một chuyên gia tư vấn truyền thông.
Diễn biến dịch bệnh phức tạp đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy toàn bộ xã hội nhanh chóng tiếp nhận một xu hướng mới: làm việc tại nhà. Các công ty buộc phải nhanh chóng chuyển đổi hình thức làm việc, các nhân viên phải nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Không ít người cảm thấy khó khăn khi chuyển đổi từ môi trường công sở quen thuộc sang môi trường làm việc biệt lập tại gia, khó thích nghi với việc dễ mất tập trung cũng như lúng túng khi thiếu đi sự tương tác với đồng nghiệp trong công việc nhóm. Natalie Zfat, một freelancer với hơn 10 năm kinh nghiệm, chia sẻ một vài điều cô rút ra được để làm việc hiệu quả tại nhà.
Làm việc tại nhà giúp bạn có thêm 3 ngày mỗi tháng - hãy tận dụng khoảng thời gian này một cách thông minh
Trung bình thời gian di chuyển đến chỗ làm của mỗi người là khoảng 1 tiếng mỗi ngày, hay 5 tiếng mỗi tuần. Khi bạn làm việc tại nhà, bạn tiết kiệm được gần 3 ngày làm việc mỗi tháng cũng như giảm chi phí xăng xe và không còn chịu sự mệt mỏi khi di chuyển trong giờ cao điểm. Nhưng làm thế nào để tận dụng khoảng thời gian này để tăng hiệu quả làm việc hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn sắp xếp lịch trình của mình.
Khi bạn làm việc nhà, bạn có thể bắt đầu công việc ngay khi bạn thức dậy, nhưng bạn cũng có thể trì hoãn đến khi nào bạn muốn. Hãy nghiêm khắc hơn với bản thân bằng cách đặt ra lịch trình với mốc thời gian cụ thể. Bạn có thể đặt nhắc nhở trên điện thoại hoặc máy tính để nhắc bản thân các nhiệm vụ cần làm, thời gian cần hoàn thành và khi nào cần chuyển sang công việc tiếp theo. Bằng cách này, bạn có thể tự xây dựng không khí chuyên nghiệp khi làm việc tại môi trường công sở.
Sử dụng những khoảng nghỉ giữa giờ để tăng hiệu suất làm việc
Nếu bạn muốn làm việc hiệu quả hơn, hãy cho bản thân nghỉ ngơi nhiều hơn. Làm việc liên tục trong một khoảng thời gian dài khiến cơ thể mệt mỏi và gia tăng stress. Do đó, hãy xen kẽ những khoảng nghỉ giữa giờ từ 10-15 phút. Trong khoảng thời gian đó, hãy đứng dậy và rời xa bàn làm việc để tâm trí được thả lỏng.
Khi bạn làm việc ở nhà, bạn có nhiều lựa chọn để thư giãn hơn, ví dụ như ra ban công hít thở, gọi điện hỏi thăm bạn bè người thân, làm một ít đồ ăn vặt hay dọn dẹp nhà cửa. Khi đến giờ ăn, hãy ra bàn ăn và ngồi thưởng thức bữa ăn một cách tử tế, tránh ăn uống ngay tại bàn làm việc hoặc vừa ăn vừa tranh thủ làm. Một vài phút tranh thủ không tiết kiệm được cho bạn bao nhiêu thời gian, trái lại chỉ làm gia tăng mệt mỏi và khiến bạn làm việc chậm chạp đi.
Hãy nhớ đóng cửa "văn phòng" của bạn vào cuối ngày
Làm việc tại nhà có nghĩa là ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng của bạn trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Nếu bạn không kiểm soát ranh giới này một cách cẩn thận, bạn có thể sẽ bị cuốn vào guồng quay của công việc và đánh mất cuộc sống riêng của mình. Đặc biệt khi bạn không thể ra ngoài gặp gỡ bạn bè hay tham gia các hoạt động giải trí, cuộc sống của bạn sẽ bị bao bọc trong công việc mọi lúc mọi nơi.
Để tránh áp lực làm việc gia tăng trong chính ngôi nhà của mình, Natalie gợi ý bạn hãy tự tạo ra một không gian làm việc riêng biệt trong nhà - một "văn phòng" của riêng bạn. Lý tưởng nhất là bạn có một phòng làm việc riêng, tách biệt với không gian sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu điều kiện không cho phép, bạn có thể sắp xếp một khu vực chỉ dành để làm việc. Đừng đem giấy tờ công việc theo bạn đến bàn ăn hay giường ngủ - nơi bạn đáng lẽ cần nghỉ ngơi, cũng đừng ngồi làm việc tại phòng khách hay khu vực giải trí - nơi bạn rất dễ bị phân tâm.
Vì không gian làm việc và không gian sống bị gộp chung, hãy đặt ra giới hạn thời gian cho mình để tách bạch giữa cuộc sống công việc và cuộc sống cá nhân. Khi bạn lên lịch trình, hãy thêm vào đó khoảng thời gian dành cho công việc chăm sóc nhà cửa, giải trí, thư giãn.
Làm việc tại nhà không phải lúc nào cũng dễ chịu hơn làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách, bạn sẽ luôn dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh để duy trì hiệu suất làm việc.
Minh Hiền
5 mẹo giúp tăng tốc độ Internet khi làm việc và học tập ở nhà mùa dịch Covid-19 Đây là 5 mẹo giúp tăng tốc độ Internet được Cơ quan Quản lý Internet của Vương quốc Anh (Ofcom) gợi ý cho những ai học tập và làm việc ở nhà trong mùa dịch Covid-19. Những ngày gần đây, cộng đồng mạng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng liên tục lên tiếng phàn nàn về chất lượng đường truyền...