Lạm thu – vô lý nhưng là…”cái lý có chân”
Ngoài các khoản thu chính đáng như học phí, như bảo hiểm y tế, các trường còn lạm thu. Đây mới là vấn đề nhức nhối bởi các khoản lạm thu nhiều khi vô tội vạ, vô lý đến mức hễ ai có lương tâm đều cảm thấy xấu hổ.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Lẽ thường thu tiền là để chi tiêu. Đầu năm học, giáo viên thu các khoản đóng góp là để chi tiêu? Như thế giáo viên sẽ có rất nhiều tiền? Đó là cách hiểu đơn giản của một bộ phận không ít người trong xã hội. Bởi vậy, có những phụ huynh ở quê tôi, do bức xúc không chịu được nên mới mắng con khi con xin tiền nộp: Nộp cho thầy cô… ăn hay sao mà nộp nhiều thế?
Thực tế, các khoản thu đầu năm học được qui định bởi các cấp chính quyền, bởi Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh và Ban Giám hiệu nhà trường. Giáo viên chỉ là người trực tiếp thu. Còn thu được bao nhiêu, để chi tiêu vào những việc gì thì chỉ có Hiệu trưởng mới biết.
Ngoài các khoản thu chính đáng như học phí, như bảo hiểm y tế, các trường còn lạm thu. Đây mới là vấn đề nhức nhối bởi các khoản lạm thu nhiều khi vô tội vạ, vô lý đến mức hễ ai có lương tâm đều cảm thấy xấu hổ.
Ví như năm học 2011-2012, Sở Giáo dục ĐT tỉnh tôi có công văn gửi tất cả các trường hướng dẫn thu các khoản đóng góp đầu năm học, trong đó qui định rõ: “Các trường không được tổ chức vận động để thu các khoản cho mục đích chi thường xuyên như điện, nước, văn phòng phẩm, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh học lực còn yếu…” Sau đó còn được ông Trưởng phòng Tài vụ của Sở nhắc lại: “Các khoản chi thường xuyên như điện, nước, bảo vệ… đều cấm vận động phụ huynh đóng góp, bởi các khoản này nhà nước đã cấp kinh phí. Năm học 2011-2012 ngân sách cho việc chi thường xuyên đã được nâng lên, do vậy về cơ bản, các trường sẽ chi đủ”.
Vậy nhưng, nhà trường vẫn thu. Và hội trưởng cha mẹ học sinh nhà trường còn nói rất hùng hồn: Chúng tôi tự nguyện đóng góp, chúng tôi còn muốn được đóng nhiều hơn thế nữa (!???) Đó là những hội trưởng chỉ như cái loa phát ngôn cho những việc làm sai trái của Hiệu trưởng. Thực ra vị này chỉ đại diện cho một số ít người – những người giàu có, chứ không phải đại diện cho toàn bộ phụ huynh. Và rồi, khi giáo viên thấy pháp luật không có hiệu lực, viết thư phản ánh với báo chí, Hiệu trưởng nhà trường đã ngang nhiên nặng lời ngay trước tập thể Hội đồng Sư phạm của nhà trường: “Đây là do có người thấy Hiệu trưởng mới mua xe ô tô nên nóng ruột chịu không nổi, do vậy mới viết thư phản ánh với báo chí. Tôi sẽ dùng quyền Hiệu trưởng để trả về Phòng, để Phòng bắt nghỉ hưu”.
Còn giáo viên? Họ có quyền lợi gì khi thu các khoản đóng góp? Họ được vài phần trăm của các khoản thu. Như vậy xong năm học, họ được khoảng một vài trăm ngàn đồng tiền phần trăm. Để được nhận từng đó, họ có nghĩa vụ thu triệt để, không bỏ sót trường hợp nào. Nếu cuối năm, lớp nào không hoàn thành các khoản đóng góp, danh hiệu của cô sẽ bị hạ xuống một vài bậc.
Có thầy cô vì lòng tự trọng nên đã bỏ tiền túi ra nộp cho học trò để khỏi bị hạ bậc danh hiệu thi đua cuối năm (?) Bởi vậy nên nhiều khi lên lớp chỉ vì học trò chưa có tiền nộp, trong khi nhà trường hối thúc, mà quan hệ giữa thầy cô và học trò có phần căng thẳng, giờ học ít hiệu quả.
Những lúc như thế, nhiều giáo viên chúng tôi ước ao: giá đừng có các khoản thu. Đặc biệt, với các giáo viên chủ nhiệm các lớp nghèo, nỗi lo canh cánh về các khoản thu nhiều khi còn khổ hơn cả bài dạy. Thương học trò nghèo và thương cả bản thân mình nhưng chẳng biết làm sao.
Video đang HOT
Vì vậy mới dẫn đến bức xúc. Bức xúc quá nên giáo viên viết thư gửi lên cấp trên những mong tìm chân lý cho học trò và cho cả bản thân mình. Thế nhưng, chân lý lại là “ cái lý có chân”. Giáo viên dám viết đơn thư tố cáo Hiệu trưởng trở thành kẻ xấu xa vô đạo đức. Vô đạo đức bởi những việc làm của Hiệu trưởng đã được cấp trên hợp lý hóa một cách tốt đẹp đến bất ngờ.
Mà giáo viên đã vô đạo đức tức là kẻ phá hoại nhà trường, kẻ thần kinh. Ai bảo dám đem chuyện nhà ra cho gà người bới! Mà đã vô đạo đức thì năng lực chuyên môn là đồ vứt bỏ, nhà trường không cần những người có năng lực nhưng… dám tố cáo Hiệu trưởng. Còn chất lượng, họ tuyên bố công khai: họ sẽ “gác cổng” từ Phòng tới Sở. Ai mà chẳng cần tiền! Mà tiền thì ngoài các khoản kinh phí trên cấp, còn thu được từ phụ huynh. Nhiều lắm.
Thế đấy. Nghề giáo viên những tưởng thanh thản nhưng không hẳn thế. Phụ huynh tưởng thầy cô thu tiền về để ăn, cho nên mới mắng con. Nhà trường coi việc giáo viên phản ánh các khoản lạm thu là thiếu đạo đức. Thu tiền nhiều nhưng chất lượng đang là tỉ lệ nghịch với các khoản thu là điều có thật. Tôi là người làm nghề giáo đã 30 năm nay, nhiều lúc phải khóc thầm vì thương mình, thương nghề.
Thương lắm cái nghề trồng người vốn thanh cao nhưng đang bị một bộ phận làm biến tướng, bị đồng tiền làm vẩn đục, để những giáo viên vô tội phải mang tiếng xấu.
Theo Dantri
"Thu ấn định mỗi cháu 500 ngàn đồng thì xã hội hóa chỗ nào?"
Cầm tờ giấy ghi các khoản đóng góp tại Trường Mầm non Bắc Sơn (P.Bắc Sơn, TX Bỉm Sơn, Thanh Hóa) của cháu, một phụ huynh cho biết: "Tất cả là 14 khoản đó, cái khoản ghi là xã hội hóa giáo dục mà lại ấn định mỗi cháu 500.000 đồng thì xã hội hóa chỗ nào?".
"Đến hẹn lại lên", cứ đầu năm học mới, dù Bộ GD-ĐT, các địa phương cũng như ngành giáo dục đã ra công văn chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, các đơn vị trường học thì vẫn cứ thu dưới nhiều hình thức.
Phụ huynh than thở
Chỉ thị số 25/CT-UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chống lạm thu trong các trường học và cơ sở giáo dục vừa ký chưa ráo mực, tiếp đó, Sở GD-ĐT Thanh Hóa có công văn về việc cấm lạm thu và hình thức xử lý, nhưng tại nhiều huyện, thị đã xảy ra tình trạng lạm thu dưới nhiều hình thức.
Trường tiểu học Bắc Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa - nơi học sinh phải đóng các khoản thu vô tội vạ.
Nhiều trường học và cơ sở giáo dục nghĩ ra đủ cách nhằm "móc túi" phụ huynh. Văn bản, công văn của các cấp, ngành và các địa phương chỉ đạo quyết liệt, nhưng xem ra vẫn tình trạng "bình mới, rượu cũ".
Một số phụ huynh có con đang theo học tại trường Mầm non Bắc Sơn và trường tiểu học Bắc Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa vô cùng bức xúc trước những khoản thu đầu năm học tại hai nhà trường này.
Một phụ huynh ở tiểu khu 5, phường Bắc Sơn có hai cháu đang theo học tại hai trường trên (xin được giấu tên) thở dài: "Nhà tôi có hai đứa cháu, đứa lớn học lớp 4, đứa nhỏ học mẫu giáo. Sau khi đi họp phụ huynh về con dâu tôi thông báo, cả nhà mới "giật mình" với khoản tiền lớn như thế. Tổng số tiền các con tôi phải đóng cho hai cháu lên đến gần 8 triệu đồng. Có nhiều khoản biết là vô lý nhưng vẫn phải đóng thôi, nhà trường đã ra quyết định thì chống làm sao được. Hơn nữa con mình còn học ở đó, mình ý kiến thì con mình lại khổ nên tặc lưỡi".
Năm học 2012 - 2013, Trường mầm non Bắc Sơn đã thu của các cháu lên đến 14 khoản, bao gồm: Xã hội hóa giáo dục 500.000đ, quỹ phụ huynh 70.000đ, quỹ khuyến học 50.000đ, Bảo Việt 40.000đ, điện 20.000đ/cháu/tháng =180.000đ/cháu/năm, học phí 90.000đ/cháu/tháng = 810.000đ/cháu/năm (gồm cả tiền dạy thêm thứ 7), nước 10.000đ = 90.000đ/cháu/năm, nước sạch 5.000đ/cháu/tháng = 45.000đ/cháu/năm, vệ sinh công cộng 7.000đ/tháng = 63.000đ/năm, đồ dùng học tập 81.000đ/cháu/năm, đồ dùng 5 góc 150.000đ/cháu/năm, đồ dùng cá nhân 52.000đ/năm, quỹ lớp 60.000đ, giấy vệ sinh 50.000đ.
Bà Tạ Thị Hoa, Hiệu trưởng trường mầm non Bắc Sơn.
Về việc này, bà Tạ Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Sơn phân trần: "Trước khi thu, chúng tôi cũng đã thông qua kỳ họp Hội đồng nhân dân, thông qua phụ huynh. Thấy phụ huynh nhất trí nên chúng tôi mới thu. Đây mới chỉ là tạm thu, sau đó chúng tôi sẽ họp bàn lại một lần nữa với phụ huynh thì mới thu chính thức".
Trước việc các khoản thu như xã hội hóa giáo dục đã được nhà trường ấn định chứ không phải kêu gọi sự hỗ trợ từ phía phụ huynh, tiền thu thêm học vào thứ 7, bà hiệu trưởng giải thích: "Trường đang định xây lại nhà bếp cho các cháu mà nếu trông chờ vào sự đóng góp từ phụ huynh thì không biết đến bao giờ nên phải ấn định con số 500.000đ, đây là mức thấp nhất có thể chấp nhận. Tiền thu thêm học vào thứ 7 vì để trả công cho các giáo viên trong ngày này, cùng với trích số tiền đó để trả cho các giáo viên dạy hợp đồng vì hiện tại trường có 32 giáo viên nhưng chỉ có 8 giáo viên biên chế còn lại là hợp đồng".
Sau khi phụ huynh phản ánh và lãnh đạo địa phương phát hiện thì trường lại ngụy biện là "tạm thu". Hiện nay, trường mầm non Bắc Sơn đã "tạm thu" được số tiền điện nước và vệ sinh công cộng là 11 triệu đồng, tiền học phí thu được 26 triệu đồng.
Tại trường tiểu học Bắc Sơn, theo phản ánh của nhiều bậc phụ huynh thì tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2012 - 2013, nhà trường có thông báo 21 khoản thu bao gồm: xã hội hóa 300.000đ, chữ thập đỏ 10.000đ, báo đội 20.000đ, quỹ đội 20.000đ, ủng hộ trống đội 10.000đ, nước máy 70.000đ, quỹ phụ huynh trường 15.000đ, Khuyến học 50.000đ, vệ sinh công cộng 100.000đ, bảo vệ 30.000đ, điện sáng 100.000đ, phục vụ bán trú 125.000đ/tháng, BHYT 265.000đ, Tiếng Anh 90.000đ, học tăng buổi bồi dưỡng 160.000đ, sổ liên lạc giấy thi học bạ 25.000đ, kế hoạch nhỏ 10.000đ, Bảo Việt 60.000đ, ủng hộ loa đài 100.000đ, lao động hằng ngày 60.000đ/năm, quỹ lớp nước uống trực nhật 280.000đ.
Tính ra, tổng số tiền mà các bậc phụ huynh phải đóng góp đầu năm học cho con là 4.325.000đ. Nhiều phụ huynh bức xúc, nhưng vì có con đang theo học tại trường nên cũng không giám phản đối.
Phòng Giáo dục bất ngờ với các khoản thu
Theo quy định, buổi chiều tăng ca, chủ yếu học thêm các môn phụ, luyện thực hành những kiến thức đã học buổi sáng. Giáo viên không phải tất cả đều phải dạy buổi chiều, chỉ những giáo viên môn phụ (nhạc họa, mỹ thuật....), hoặc giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành những lý thuyết đã học buổi sáng thì mới tham gia dạy buổi chiều. Nhưng nhà trường vẫn thu thêm khoản tiền "bồi dưỡng cho giáo viên dạy" là 100 ngàn đồng/học sinh là điều vô cùng khó hiểu?
Bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Bắc Sơn cho hay: "Chúng tôi mới chỉ đưa ra họp phụ huynh chứ chưa có kế hoạch cụ thể sẽ thu những khoản nào. Cũng chưa thu bất kỳ đồng tiền nào từ phía phụ huynh. Tôi đang làm văn bản gửi UBND phường để xin ý kiến chỉ đạo".
Trong khi đó, trao đổi với PV về vấn đề lạm thu trên của hai trường nằm trên địa bàn phường Bắc Sơn, ông Phan Công Trường - Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn khẳng định: "Tôi cũng mới nghe được thông tin phụ huynh của hai trường phản ánh. Trường mầm non Bắc Sơn và trường tiểu học Bắc Sơn đã thu những khoản trên của phụ huynh là có thật. Sau khi biết được những khoản nhà trường thu mà chưa thông qua Phường, chưa được sự đồng thuận, nhất trí trong nhân dân, tôi đã chỉ đạo cho lãnh đạo hai trường dừng ngay kế hoạch thu và làm biên bản giải trình sự việc. Ngay thứ 2 tuần tới, Phường sẽ làm việc với hai trường về vấn đề này".
"Cái sai ở hai trường này là không xây dựng phương án, kế hoạch thông qua Phòng GD, không thông qua UBND phường mà tự ý ra quyết định thu gây bức xúc cho phụ huynh. Ngay bản thân tôi cũng thấy những khoản thu trên là quá cao, không hợp lý", ông Trường cho biết thêm.
Ông Phan Công Trường - Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn cho biết đầu tuần tới, Phường sẽ làm việc với hai trường về vấn đề này.
Về phía Phòng GD-ĐT thị xã Bỉm Sơn, ông Phạm Xuân Duy - Trưởng phòng GD-ĐT cho biết: "Tôi bất ngờ khi nhìn các khoản mà hai trường này đề ra để thu. Việc thu tiền của học sinh phải được làm theo quy trình, đó là bàn bạc lập kế hoạch thu những khoản gì sau đó họp ban giám hiệu nhà trường, thông qua ban chấp hành Hội Cha mẹ Học sinh, rồi gửi văn bản lên Phòng, Phòng cho phép thu những khoản nào rồi mới tiến hành họp phụ huynh. Khi nào phụ huynh nhất trí mới bắt đầu thu. Tuy nhiên hai trường này đã tự ý thu mà chưa thông qua phía lãnh đạo, lại có những khoản thu vô lý và với mức quá cao. Sau buổi làm việc hôm nay, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại. Trường nào làm sai dứt khoát phải xử lý đến nơi".
Phạm Xuân Duy, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Bỉm Sơn: "Tôi thật bất ngờ khi nhìn các khoản mà hai trường này thu".
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên
Theo dân trí
Tiền trường: Khéo thu chi thì "ấm" Thuộc quận nội thành có mức sinh hoạt cao nhưng qua khảo sát thực tế, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy cho biết, các trường thuộc địa bàn đều thống nhất một mức thu chung với quỹ phụ huynh là khoảng 200.000 đồng/học sinh/học kỳ. Việc thu chi này đòi hỏi khả năng quản lý của nhà trường và phụ huynh trên...