Lạm thu tại khu nông thôn mới kiểu mẫu: “Thu như thế là… bình thường!
Liên quan đến việc thôn Tân An, xã Cẩm Xuyên trong quá trình xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu đã đặt ra nhiều khoản thu khiến nhiều hộ dân rơi vào “bi kịch”, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Trước đó báo Dân trí đã có loạt bài phản ánh về “bi kịch” tại khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, phản ánh việc thôn Tân An đã đề ra rất nhiều khoản thu, trong đó có những khoản thu hết sức “lạ lùng” khiến người dân nghèo lao đao.
Trung bình mỗi người dân nơi đây phải đóng cho thôn hơn 1 triệu đồng/năm. Trong đó, kể cả hộ nghèo cũng phải nài lưng ra đóng phí, quỹ cho thôn. Và điều này đã đẩy nhiều gia đình rơi vào bi kịch, nợ nần: thu nhập không đủ nộp tiền quỹ hay phải vay ngân hàng để mà lo liệu đóng nộp cho thôn.
Nhiều người dân nơi đây cho biết chiến dịch thu của thôn Tân An đã vượt quá sức dân
Người dân nơi đây cho rằng “chiến dịch” thu của thôn Tân An như hiện nay là quá nặng và đã quá sức dân.
“Nếu thôn cứ tiếp tục thu như thế này chắc gia đình tôi không sống nổi”, anh Nguyễn Trần Hùng đã phải thốt lên như thế với chúng tôi.
Khủng khiếp hơn, nếu gia đình nào nộp chậm khoản đóng góp xây dựng hội quán sẽ bị thôn thu lãi với lãi suất 1,1%.
Trong khi đó cả cán bộ thôn và xã đều cho rằng thu như thế này là hợp lý và tất cả đều trên tinh thần dân chủ.
Ông Nguyễn Xuân Tòng, Trưởng thôn Tân An và bà Nguyễn Thị Đat, Bí thư chi bộ thôn Tân An đều cho rằng mức thu như thế này là… bình thường, không quá sức dân (!?).
Trong khi đó ông Nguyễn Đình Quyền, Chủ tịch Mặt trận xã Cẩm Bình cho biết: thôn Tân An được chọn để xây dựng khu dân cư NTM của tỉnh. Tất cả đều thực hiện theo quy chế tự chủ, dân tự bàn bạc, thống nhất, dân tự giám sát.
“Dân rất đồng tình, chỉ một số hộ khó khăn thì chưa đồng tình. Nếu họ chưa đóng đủ thì có thể khất”, vị này cho biết.
Video đang HOT
Nguyễn Đình Quyền, Chủ tịch Mặt trận xã Cẩm Bình cho biết : Khoản thu như tiền làm giao thông nông thôn được thôn thu 3 lần với các kiểu thu khác nhau là để tạo sự công bằng
Ông Quyền cũng thừa nhận: “Từ năm 2012 là thời điểm bắt đầu làm hội quán thôn Tân An nên bắt đầu thu hơi cao vì lỡ làm hội quán như thế (vượt so với thống nhất của dân lúc ban đầu_PV). Có khoản thu làm đường bê tông và hội quán cao chứ còn các khoản khác không có gì”.
Khi phóng viên thắc mắc tại sao có khoản thu như tiền làm giao thông nông thôn được thôn thu 3 lần với các kiểu thu khác nhau (trong đó thu bằng lượng 3kg thóc/khẩu và thu bằng tiền 300 nghìn/khẩu, thu tiền làm GTNT theo hộ: hộ mặt tiền phải đóng 1 triệu đồng, hộ xa mặt tiền đóng 500 nghìn/năm); cả đại diện thôn và xã đều nói rằng thu như vậy để tạo ra sự… công bằng (tức là không một ai “thoát” được) (!).
“Khoản thu giao thông nông thôn này thôn là thu theo khẩu, theo hộ và theo lượng là để tạo ra sự công bằng”, ông Nguyễn Đình Quyền, Chủ tịch Mặt trận xã Cẩm Bình nói.
Trong khi đó ông Đặng Quốc Hải, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình thì không nêu quan điểm gì về các khoản thu này và cho biết, hiện nay phía tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra gồm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Phòng Tài chính huyện Cẩm Xuyên và xã Cẩm Bình đang tiến hành kiểm tra. Và sẽ có câu trả lời sớm đến báo Dân trí.
PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.
Xuân Sinh
Theo Dantri
"Hoa mắt" với những khoản thu "lạ"
Chưa kịp vui mừng khi được chọn để xây dựng khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu của tỉnh thì hàng trăm người dân thôn Tân An, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã rơi vào "bi kịch" vì nợ nần bởi các khoản thu "lạ".
Riêng về các khoản thu nộp cho thôn đã đến hàng chục khoản. Mỗi năm các hộ phải đóng 5 đến 6 triệu đồng. Sự việc này đã khiến chúng tôi khi về điều tra thực sự bị sốc.
Điểm mặt các khoản thu
Khi dư luận vẫn chưa hết bàn tán về câu chuyện sưu cao thuế nặng ở huyện Can Lộc, thì chúng tôi lại càng sốc hơn khi về với thôn Tân An, xã Cẩm Bình. Bởi số tiền người dân nơi đây phải nộp chỉ tính riêng cho thôn đã cao hơn cả chục lần so với huyện Can Lộc, có hộ phải đóng hơn 6 triệu đồng/năm cho thôn.
Một danh sách dài dằng dẵng các khoản thu mà thôn Tân An đưa ra
Nhận được những phản ánh của người dân nơi đây, chúng tôi đã vào cuộc điều tra ngọn nguồn sự việc. Và chúng tôi thật sự sốc khi người dân nơi đây đang phải cõng trên lưng cả chục thứ quỹ, phí với số tiền rất lớn.
Khi biết chúng tôi về thôn tìm hiểu về sự việc, ông Nguyễn Văn Vịnh (56 tuổi) đã chuẩn bị tất cả các giấy tờ, hóa đơn về các khoản thu.
"Năm nay, gia đình tôi phải đóng cho thôn hơn 5,3 triệu đồng. Tổng cả nợ cũ năm 2014 nữa là lên tới hơn 11 triệu đồng", câu nói mở đầu của ông Vịnh khiến chúng tôi giật mình.
Để chứng minh cho sự việc trên là có thật, ông Vịnh đã đưa ra một tờ giấy thông báo nộp tiền của thôn, trong đó là chi chít những khoản đóng đậu cho chúng tôi xem.
PV Dân trí làm việc với các hộ dân về các khoản thu thôn Tân An đưa ra
Theo đó năm 2014, riêng thôn Tân An đã thu đến 15 khoản, trong đó thu bằng lượng/năm gồm: Quỹ điều hành 1,3kg thóc/sào; Giao thông Nông thôn (GTNT) 3kg thóc/khẩu; Thóc vệ nông 4kg thóc /sào; Giao thông nội đồng 7kg thóc/sào; thu phương tiện máy móc (trâu bò, máy); quỹ khuyến học 5kg thóc /hộ; thiếu họp thôn 5kg thóc/buổi; quỹ điều hành 1,5kg thóc/sào. Còn các khoản thu bằng tiền gồm: Tiền xây dựng hội quán 750 nghìn/hộ; tiền làm GTNT 300 nghìn/khẩu; thu tiền làm GTNT theo hộ (hộ mặt tiền phải đóng 1 triệu đồng, hộ xa mặt tiền đóng 500 nghìn/năm); thu tiền hội họp, bảo vệ nghĩa trang 20 nghìn/hộ/năm; thu tiền điện thắp sáng 7 nghìn/tháng/hộ; thu làm thủy lợi.
Ông Nguyễn Văn Vịnh (56 tuổi, thôn Tân An) cho biết: "gia đình có 3 khẩu nhưng năm 2014 phải đóng cho thôn 6,4 triệu đồng, còn năm 2015 là hơn 5,3 triệu đồng. Nhưng tôi thấy nhiều vấn đề chưa hợp lý nên tôi chưa nộp và bây giờ tôi đã nợ thôn hơn 11 triệu đồng.
Đó cũng là thực tế chung của gần 200 hộ dân nơi đây.
"Trâu bò cũng đóng phí làm đường"
Trong số gần 20 khoản đóng nộp mà thôn Tân An đề ra có rất nhiều khoản thu vô lý.
Chẳng hạn khoản thu giao thông nông thôn bị thu đến 3 lần với các cách thu: theo lượng: 3kg thóc/khẩu, còn thu theo tiền là: 300 nghìn/khẩu và thu theo hộ. Trong đó phần thu theo hộ thì lại hộ mặt tiền phải đóng 1 triệu đồng, hộ xa mặt tiền đóng 500 nghìn/năm.
Ông Trần Xoan đọc cho PV nghe những khoản thu và cho biết có rất nhiều khoản thu vô lý
Hộ ông Trần Xoan (59 tuổi, thôn Tân An, xã Cẩm Bình) nhà chỉ có 2 ông bà nhưng mỗi năm cũng phải đóng gần 4 triệu đồng tiền quỹ, phí cho thôn.
"Tôi không hiểu tại sao thôn lại đưa ra nhiều khoản thu như thế. Trong đó rất nhiều khoản thu vô lý như thu giao thông nông thôn đến 3 lần", ông Xoan cho biết.
Rồi khoản thu tiền phương tiện máy móc như máy cày, máy xát lúa và đặc biệt là thu tiền trâu bò đi trên đường với mỗi con trâu bò bị thu 5kg thóc/con/năm.
"Từ trước đến năm 2014 thôn đề ra khoản thu phí đối với trâu bò. Họ nói trâu bò đi trên đường làm hư đường nên phải đóng phí để làm đường", ông Vinh nói.
Sự thật như đùa, nhưng nó đã xảy ra tại thôn Tân An này từ nhiều năm nay. Mãi đến giữa năm 2014, khi người dân quá bức xúc, phản đối nên xã Cẩm Bình đã yêu cầu ngừng thu kể từ năm 2015.
Hay còn có thứ quỹ gọi là quỹ điều hành 1,5kg thóc/sào. Tức là đây là thứ phí dùng để chi trả cho các cán bộ trong thôn xóm.
"Ở đây cái gì thôn cũng nghĩ ra để thu được. Rất vô lý. Chúng tôi thực sự rất bất bình", ông Nguyễn Văn Vịnh cho biết.
Cũng theo người dân, đó mới chỉ là các khoản thu cho thôn, ngoài ra còn phải đóng các khoản cho xã nữa. Tuy nhiên theo họ, các khoản thu của xã rất ít chỉ vài trăm nghìn/hộ/năm.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Bài 2: Bán lúa, vay tiền ngân hàng để đóng phí cho thôn! Trung bình mỗi người dân thôn Tân An, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh mỗi năm phải đóng cho thôn hơn 1 triệu đồng. Sự việc kéo dài nhiều năm liền thực sự khiến người dân... kiệt sức. Thu nhập không đủ nộp quỹ, phí Xã Cẩm Bình là một trong số 7 xã về đích Nông thôn mới (NTM) của...