Lạm thu cũng vì thưởng Tết?
Giáo viên hào hứng, khen hiệu trưởng giỏi tính toán, thanh liêm. Hiệu trưởng vừa có tiếng, có miếng vì cứ sau mỗi hợp đồng đi du lịch, ăn uống đều có hoa hồng
Lạm thu và thưởng Tết vốn dĩ chẳng liên quan gì đến nhau. Bởi, đã có quy định rất rõ ràng trong Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT không thể lấy tiền đóng góp cho quỹ hội phụ huynh làm tiền thưởng cho giáo viên.
Thưởng Tết giáo viên người cười nụ, người khóc thầm (Ảnh minh họa baogialai.com)
Thế nhưng trong thực tế, nạn lạm thu không thể chấm dứt một phần cũng do khoản tiền thưởng Tết cuối năm cho giáo viên ở không ít trường học.
Vì sao lại có chuyện này?
Theo nguyên tắc, giáo viên không có tiền thưởng Tết từ ngân sách. Số tiền được thưởng hàng năm, chính là khoản tiền được nhà trường tiết kiệm chi trong năm hoạt động ấy.
Vì thế, mới có chuyện trong cùng một địa bàn, cùng số lượng học sinh và giáo viên nhưng trường cuối năm thưởng ít, trường lại thưởng nhiều.
Trường thưởng ít là không có nhiều khoản thu bên ngoài, mọi khoản chi đều lấy từ tiền ngân sách.
Trường thưởng nhiều phần vì có được nhiều khoản thu nên mọi khoản chi đều lấy từ nguồn quỹ ấy chứ chưa hẳn là do hiệu trưởng biết “thắt lưng buộc bụng” mà có.
Trường bạn thưởng nhiều kèm theo uy tín của hiệu trưởng cũng được đề cao như biết chi tiêu hợp lý, biết thương giáo viên…
Trường thưởng ít thì ngược lại. Người ta nghi ngờ hiệu trưởng, kế toán có sự nhập nhèm, chấm mút gì đó đến “bầu sữa chung” nên chẳng còn tiền.
Thế nên, không ít hiệu trưởng đã học hỏi nhau cách để dành ngân sách làm tiền thưởng mà nhiều hoạt động trong nhà trường vẫn được hỗ trợ đều.
Và cách duy nhất đó là sự ủng hộ từ phụ huynh học sinh.
Video đang HOT
Nhiều trường học tiết kiệm tiền ngân sách bằng cách nào?
Những khoản chi thay vì nhà trường phải chi bằng tiền ngân sách như tiền hỗ trợ các phong trào giáo dục trong nhà trường, tiền chi phần thưởng, chi văn phòng phẩm cho các lớp, trang trí phòng học, mua đồ dùng học tập cho học sinh…
Những khoản tiền này sẽ được lấy trong tiền quỹ Hội cha mẹ học sinh và tiền quỹ lớp.
Một số trường học khác còn dùng tiền quỹ hội chi cho sửa chữa cơ sở vật chất nhỏ (nhưng tìm cách làm phiếu chi cho những khoản hợp lệ hơn).
Vận dụng kiểu chi được gọi là “linh hoạt” thế này, số tiền ngân sách cấp về sẽ dư khá nhiều.
Ngược lại, để đủ cho việc chi một số hoạt động kể trên, nhà trường phải kêu gọi, vận động phụ huynh đóng góp. Có trường lại đổ đồng mức thu lên đầu các em học sinh.
Ngoài khoản tiền phụ huynh đóng góp gọi là hội phí, từng lớp học lại “đẻ” ra quỹ lớp.
Thế là quỹ hội phụ huynh đóng, quỹ lớp thì học sinh đóng, chung quy đều từ túi tiền phụ huynh ra cả.
Những khoản tiền thưởng hấp dẫn và sự chung tay trong việc vận động thu
Nhờ dư tiền ngân sách, hiệu trưởng trích một phần làm tiền thưởng cuối năm vào dịp Tết Nguyên đán.
Những ngày lễ, ngày kỷ niệm như 20/11 giáo viên cũng có thưởng. Rồi những buổi liên hoan vào dịp 8.3; 20/10; cùng chuyến du lịch sau ngày kết thúc năm học.
Giáo viên hào hứng, hết lời ngợi khen hiệu trưởng trường mình giỏi tính toán, thanh liêm. Riêng hiệu trưởng vừa “có tiếng” mà vẫn “có miếng” vì cứ sau mỗi hợp đồng đi du lịch, ăn uống hay mua quà…đều có hoa hồng lót tay.
Nhưng điều được nhiều hơn nữa chính là sự hợp tác, chung sức của giáo viên trong việc vận động phụ huynh đóng góp các loại quỹ cho nhà trường vào đầu mỗi năm học mới.
Theo giaoduc.net.vn
Tiền thưởng, tiền lương và bài toán chi tiêu ngày Tết của giáo viên
Cuộc sống của đa phần giáo viên vốn dĩ đã khó khăn, nhất là những giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng lại càng chất chồng hơn nỗi lo ngày Tết.
Gần Tết Nguyên đán, câu chuyện thưởng Tết, chuyện thu nhập tăng thêm của giáo viên được rất nhiều thầy cô giáo ở các nhà trường bàn tán. Những lúc đầu giờ học, lúc ra chơi hay ngồi với nhau nhâm nhi ly cà phê sáng thì câu chuyện thưởng Tết vẫn được nói đến nhiều nhất.
Có người nói trường bên được thưởng nhiều, người nói trường mình được vậy là khá lắm rồi bởi trường nọ còn không có đồng nào thưởng Tết cho giáo viên. Và, cứ thế, câu chuyện thưởng Tết được giáo viên nói đến nhiều nhất. Âu cũng là lẽ thường tình bởi "đồng tiền là liền khúc ruột" mà.
Thưởng Tết vẫn là khái niệm xa xỉ với nhiều giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Trường thưởng hàng chục triệu, trường chẳng có một xu nào
Thông qua những trang báo thì chúng ta nắm được bức tranh thưởng Tết, tiền thu nhập tăng thêm cho giáo viên mỗi nơi, mỗi khác. Một số trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh được nhận đến mấy chục triệu đồng nhưng cũng ngay tại địa phương này thì một số trường chỉ có 500 ngàn đồng.
Thành phố lớn nhất nước thì vậy, các trường tỉnh lẻ có nhiều nơi không có khái niệm nhà trường thưởng Tết và chi thu nhập tăng thêm bởi theo lý giải của hiệu trưởng nhà trường thì cấp trên không có chủ trương chi thưởng các khoản tiền này cho giáo viên.
Nơi có chủ trương chi tiền dư trong năm cho giáo viên thì cũng trường có, trường không. Cùng một huyện với nhau, cùng một cấp học với nhau nhưng có trường chi từ 5-7 triệu/ giáo viên (tùy vào mức hoàn thành công việc trong năm) nhưng có trường lại chẳng có đồng nào.
Một đồng nghiệp của chúng tôi tâm sự: Kế toán trường tôi chi "khéo" lắm bởi 5 năm nay, kể từ ngày cô ấy về trường, năm nào kinh phí hoạt động của trường cũng không dư đồng nào.
Chính vì thế, giáo viên không có khái niệm thưởng Tết, không có thu nhập tăng thêm. Nhìn các trường khác mà "phát thèm" nhưng biết làm sao được. Nghiệp vụ kế toán là của kế toán, cuối năm bảo hết thì giáo viên biết vậy chứ có quyền gì, chứng cứ gì mà ý kiến, ý cò.
Một đồng nghiệp khác thì tâm sự: Năm nay, trường tôi thay Ban giám hiệu mới nên ngay từ ngày họp hội đồng sư phạm đầu năm học thì hiệu trưởng tuyên bố là trường không chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên như các năm trước.
Nếu có thừa kinh phí thì nhà trường sẽ mua sắm thêm một số trang thiết bị dạy học nhằm phục vụ cho việc giảng dạy của nhà trường. Hiệu trưởng nói vậy mà lại là lý do chính đáng nên giáo viên cũng chẳng thể có ý kiến nào khác được. Chính vì vậy, đến bây giờ vẫn thấy trường im lặng, chưa nghe thông tin nhà trường có chi thu nhập tăng thêm hay có món quà Tết nào cho giáo viên hay không?
Rõ ràng, bức tranh thưởng Tết, chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên mỗi trường mỗi khác, mỗi hiệu trưởng, kế toán nhà trường có cách tính và quản lý tài chính khác nhau.
Và, đương nhiên là giáo viên không có quyền quyết định và cũng chẳng có thể có ý kiến vì đây là tiền thu nhập tăng thêm, còn thì chi, không còn thì thôi. Nếu có mà hiệu trưởng không cho chi thì giáo viên cũng không thể bắt bẻ được điều gì.
Những lo toan ngày Tết
Thu nhập chính của giáo viên chỉ trừ những thầy cô dạy một số môn học có thể dạy thêm thì có thêm thu nhập ngoài lương. Những giáo viên không dạy thêm thì chỉ có đồng lương hàng tháng của mình.
Nhưng, đa phần sổ lương của giáo viên đều cắm ở các ngân hàng nên mỗi tháng chỉ còn vài triệu đồng để chi tiêu.
Ngày thường đã chật vật với các khoản chi tiêu trong ngày thì ngày Tết đương nhiên sẽ phải tính toán kỹ lưỡng để làm sao vẫn có Tết mà đến khi qua Tết rồi vẫn còn tiền để trang trải, chi tiêu cho gia đình. Bài toán khó này vẫn luôn khiến cho nhiều giáo viên đau đầu khi Tết đến, Xuân về.
Ngoài chuyện tính bài toán chi tiêu khi Tết đến, năm nào chuẩn bị vào dịp Tết thì trường nào cũng nở rộ phong trào vận động, quyên góp để hỗ trợ cho rất nhiều đối tượng.
Tiền vận động cho học sinh nghèo trong trường, vận động giúp đỡ giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn, xã (phường) nơi công tác thì phát động ủng hộ người nghèo trong xã, Phòng Giáo dục thì vận động đóng góp hỗ trợ cho giáo viên gặp hoạn nạn...
Về nhà, mấy đứa con nhỏ đưa thư ngỏ của nhà trường vận động khen thưởng cuối học kỳ I, đại diện khu phố đến vận động đóng góp để hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn...
Cuộc sống dù khó khăn nhưng là thầy, là cô mà không ủng hộ chính sách nhân văn này thì làm sao xem được. Thôi thì không có nhiều thì có ít, nhưng mỗi chỗ cũng 1-2 trăm nghìn chứ ít quá lại khó xử với những cá nhân, tổ chức đi vận động...Thành ra, tiền lương, tiền thưởng ngày Tết của giáo viên vốn đã ít lại càng còm cõi hơn.
Chúng ta đều biết, cuộc sống của đa phần giáo viên vốn dĩ đã khó khăn, nhất là những giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng có thu nhập thấp lại càng chất chồng hơn nỗi lo ngày Tết.
Thôi thì: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" nên lương ít, thưởng không có thì tiết kiệm chi tiêu, căng kéo cho nó qua nhanh ngày Tết.
Khó thì cũng khó chung của mọi ngành, mọi nghề chứ cũng đâu phải chỉ có mình giáo viên. Vì vậy, thầy cô cứ hy vọng, cứ lạc quan đón Tết thì Tết nhà mình dù đơn sơ, đạm bạc vẫn ấm áp nghĩa tình.
THANH AN
Theo giaoduc.net.vn
"Nhòm" 6 khoản chi tiêu Tết Nguyên Đán hết 84 triệu đồng của bà mẹ 2 con "chất lừ" ở Hà Nội Thông thường trước Tết 1 tháng, người vợ trẻ đẹp này đã lên kế hoạch chi tiêu. Và trước Tết khoảng 2-3 tuần, là thời điểm mà Nhung bắt đầu sắm sửa Tết dần. Cận Tết, câu chuyện chi tiêu bao nhiêu cho ngày Tết Nguyên Đán 2020 sắp tới luôn là chủ đề nóng bỏng của các mẹ bỉm sữa. Nhất là...