Làm thế nào để có ‘mỡ nó rán nó’
Với các khu như Ba Vì, Bà Nà, Fansipan… nếu không biết cách dùng ‘mỡ nó rán nó’ thì chẳng những du lịch không phát triển, di tích sẽ hoang phế, mà rừng cũng bị phá.
Tôi đã lên khu Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Melĩa trên núi Ba Vì vài lần và luôn bị ám ảnh bởi những khu phế tích khổng lồ bao gồm biệt thự cho sĩ quan cao cấp, nhà thờ, sân bay trực thăng, câu lạc bộ sĩ quan và cả những ngôi nhà của người Việt…
Tất cả những công trình kiến trúc được xây dựng từ những đầu thập kỷ 30 của thế kỷ trước cho tới tận năm 1952 nay đã bị phá sạch, nhiều căn nhà chỉ còn trơ móng… Hơn 100 di tích nằm rải rác từ bình độ 400m, 600m, 700m nay hoang tàn thê thảm.
Hỏi ra mới biết người dân bản địa ở vùng rừng Quốc gia Ba Vì trong khoảng từ 1978-1988 đã đập bê tông lấy sắt thép, lấy gạch chở về xây nhà…
Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết là tất cả những “cây cao bóng cả” ở rừng Quốc gia Ba Vì hiện nay là được trồng mới từ năm 1991. Còn trước đó, gần như toàn bộ rừng nguyên sinh của Ba Vì từ cote 800 trở xuống đã bị phá hết. Bao phủ diện tích gần 10 ngàn ha là tre, cỏ tranh và các loại cây cộng sinh. Chim thú cũng bị săn bắt hết nhẵn, đến mức chuột, rắn cũng không còn… 80% rừng Ba Vì hiện nay là rừng mới trồng từ năm 1991.
Tại cuộc hội thảo Phát huy giá trị phế tích tại vườn Quốc gia Ba Vì được Hội Kiến trúc sư Việt Nam và tập đoàn Khách sạn Melĩa International tổ chức tại Hà Nội vừa qua, tôi thực sự kinh ngạc trước những gì mà người Pháp đã làm ở đây từ gần trăm năm trước.
Ba Vì đã sớm lọt vào mắt xanh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer như là một trong những địa điểm lý tưởng để quy hoạch thành khu nghỉ dưỡng cùng với Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt… Nhiều cuộc thám sát, khảo nghiệm được thực hành ở Ba Vì, đặc biệt là chuyến công tác kéo dài 4 năm của nhà thực vật học Benjamin Balansa với 5.600 mẫu thực vật được tìm thấy.
Đầu thế kỷ 20, ngôi biệt thự đầu tiên được xây dựng ở cote 400 Ba Vì thuộc sở hữu của Marius Borel, nhà tư sản sở hữu tới 13 đồn điền trồng trọt và chăn nuôi xung quanh chân núi. Sau đó, người Pháp đã cho quy hoạch một cách hoàn chỉnh các phân khu ở cao độ 400, 600, 1000 với đầy đủ các chức năng của một khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Vị thế địa lý ở độ cao gần 1.300m với những giá trị hiếm có của một thảm thực vật đa dạng, điều kiện khí hậu lý tưởng chỉ dao động từ 17-29 độ, phù hợp với một không gian nghỉ dưỡng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội đã được người Pháp phát hiện từ những năm đầu thế kỷ 20.
Khai phá và mở con đường đầu tiên đến với đỉnh núi – nơi phát hiện phế tích của ngôi đền cổ thờ vị Thánh chủ vùng đất Ba Vì vào năm 1902 là ông Muselier.
Video đang HOT
Việc xây dựng của những người Pháp ở Ba Vì trong khoảng 40 năm đã giữ cho nơi này một khu vườn nhiệt đới tuyệt vời, một khu du lịch – nghỉ dưỡng – văn hóa hấp dẫn. Cho đến năm 1945, khi cách mạng Tháng 8 nổ ra, rồi chiến tranh triền miên, việc xây dựng tại đây ngừng lại, nhiều dự định trong quy hoạch của người Pháp chưa được triển khai. Các công trình đã xây dựng dần trở thành hoang phế, lụi tàn.
Cơ may trở lại
Ngày nay, cơ may trở lại với Ba Vì khi Bộ NN&PTNT có quyết sách nhằm đưa vườn Quốc gia Ba Vì có thể phát huy những giá trị mà nó vốn có, đồng thời tạo cơ hội cho nó có thể gìn giữ và phát triển một cách bền vững.
Thiên nhiên đa dạng thu hút khách du lịch đến với Ba Vì
Một số khu vực và công trình được xây dựng, phục hồi như: Các đền thờ Đức Thánh Tản, đền thờ Bác Hồ… các khu nghỉ dưỡng trên cote 400m và 600m… để phục vụ du khách tham quan, nghỉ dưỡng và cảm thụ các giá trị của hệ sinh thái độc đáo đa dạng của nơi đây.
Quy hoạch phát triển của vườn Quốc gia Ba Vì cơ bản giữ nguyên theo quy hoạch của người Pháp. Chỉ có hơi khác là diện tích khu Du lịch, Dịch vụ, Hành chính mà người Pháp quy hoạch là hơn 200ha thì quy hoạch hiện nay chỉ dưới 200ha.
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, ngành du lịch đã có những bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ và đã trở thành một “ngành công nghiệp không khói” quan trọng bậc nhất của Việt Nam.
Những khu du lịch danh tiếng hiện nay ở Đà Nẵng; Nha Trang, Phú Quốc hay Ba Vì… đều do những tập đoàn kinh tế tư nhân xây dựng.
Sự phát triển của những khu du lịch này đã làm thay đổi diện mạo của du lịch Việt Nam, tạo sức hút lớn đối với quốc tế; tạo công ăn việc làm cho người bản địa và đóng góp cho ngân sách.
Không thể có đủ ngân sách chi cho đủ việc bảo vệ rừng. Khi giao cho doanh nghiệp, họ đầu tư phát triển du lịch trên cơ sở giữ gìn những giá trị cơ bản nhất của khu bảo tồn… Khi đã đầu tư, doanh nghiệp buộc phải có biện pháp giữ rừng một cách tốt nhất bởi với họ, giữ được rừng thì họ sẽ tồn tại.
Và với các khu như Ba Vì, Bà Nà, Fansipan… nếu không biết cách dùng “mỡ nó rán nó” thì chẳng những du lịch không phát triển, di tích sẽ hoang phế, mà rừng cũng bị phá.
Lắm chuyện nhiêu khê
Tuy nhiên, trước đó từ hơn chục năm, công ty THHH Phát triển công nghệ đã phải cùng với Ban quản lý vườn Quốc gia trồng lại toàn bộ rừng, làm lại những con đường có từ thời Pháp, và làm hệ thống cấp điện, nước; tôn tạo cảnh quan cho phù hợp, đồng thời tiến hành các biện pháp giữ gìn các phế tích.
Một công trình của khu nghỉ dưỡng Melia núi Ba Vì dựng lại trên nền, tường phế tích
Nhưng làm du lịch ở khu bảo tồn, quả là lắm chuyện nhiêu khê. Doanh nghiệp bỏ tiền ra nhưng có phải muốn làm gì cũng được đâu… Đặt một viên đá cũng phải xin phép; sửa vài mét đường bị sạt lở, cũng phải đi vài cửa. Đó là chưa kể chế độ thu thuế theo “doanh thu” – nghĩa là thu thuế 2% trên tổng doanh thu, còn bất biết doanh nghiệp phải chi phí thế nào trong số doanh thu đó.
3 năm trôi qua, dự án mới thực hiện gần hết giai đoạn 1. Nhà đầu tư đã làm hết các thủ tục để phát triển giai đoạn 2, cũng theo đúng quy hoạch của vườn. Các bộ như TN8MT, Xây dựng, chính quyền địa phương và các cơ quan có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT đã thẩm định và có ý kiến xong hết, giờ chỉ còn chờ lãnh đạo NN&PTNT ký.
Gần đây, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân, và Đảng cũng đã coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển của kinh tế… Tuy nhiên sự chuyển biến thực sự còn rất chậm, chưa đáp ứng thực tế của sự phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Bảo tồn và phát huy không gian văn hóa - tâm linh Ba Vì
Vườn Quốc gia Ba Vì là một tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại cho nhân dân thủ đô Hà Nội.
Ba Vì không chỉ là lá phối của vùng Thủ đô với khu rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới bảo vệ khí quyển và điều hòa không khí, mà quan trọng hơn nó mang trong mình nhiều giá trị, giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh.
Nhất cao là núi Ba Vì
Vườn Quốc gia Ba Vì cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km về phía Tây. Tổng diện tích của Vườn là 10,816.6 ha thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện của thành phố Hà Nội và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình, trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.
Cốt 700 trên đỉnh núi Ba Vì
Vườn Quốc gia Ba Vì mang giá trị khí hậu khi nhiệt độ trung bình quanh năm 23,4 độ C; ở cốt 400 là 20 độ C, cốt 1000 là 16 độ C. Ngoài ra, giá trị về cảnh quan rừng với tầm nhìn về Hà Nội, tầm nhìn về Sông Đà, với các điểm cao trong đó đỉnh Vua (1296m), đỉnh Tản Viên (1081m), đỉnh Ngọc Hoa (1131m), ngoài ra còn đỉnh Viên Nam, đỉnh Hang Hùm, đỉnh Gia Dê... Cảnh quan của rừng - khe suối, sườn dốc - sông - đồng bằng xen nhau dưới mây và tán rừng .... tạo ra bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Bên cạnh đó là giá trị về văn hóa, lịch sử đặc biệt sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng đã được hình thành trên 80 năm. Các công trình văn hóa, tâm linh như Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua, Tháp Báo Thiên, Đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với các địa danh như Ao Vua, Khoang xanh, K9, Suối Tiên ở chân núi làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn cho Thủ đô và vùng Thủ đô.
Tại tọa đàm "Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì" được tổ chức vừa qua, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, dù rằng đỉnh núi Ba Vì chỉ cao chưa đầy một ngàn ba trăm thước, nhưng trong tâm tưởng người Việt luôn "Nhất cao là núi Ba Vì". Bởi lẽ, trú ngụ trong danh xưng ấy là cả một kho huyền tích về một vùng đất thiêng gắn với Đức Thánh Tản Viên, một đấng thượng đẳng thần trong quan niệm "Tứ bất tử" về bốn vị thần uy linh nhất bảo trợ cho dân tộc ta. Địa thế Ba Vì là đỉnh kết nối chốn "kinh sư muôn đời" Thăng Long - Hà Nội với ngọn Nghĩa Lĩnh; cùng Tam Đảo làm tay ngai tả hữu vững chãi cho Đất Tổ của các Vua Hùng. Ba Vì soi dòng Sông Đà hùng vĩ nhưng thơ mộng tạo nên cảnh quan sinh thái để cộng đồng cư dân Kinh, Mường, Dao qua ngàn đời lao động tạo nên cái căn cốt của Văn minh Sông Hồng qua biểu tượng "Núi Tản - Sông Đà". Ba Vì là nơi có thể để chiêm ngưỡng dòng Đà Giang uốn lượn dưới chân và phóng tầm nhìn vươn xa tới miền Đất Tổ. Sự linh thiêng của Núi Tản khiến vùng đất Ba Vì trường kỳ giữ vẻ thâm u của một miền hương khói và tạo nên một sự yên bình cho cây cối và muông thú sinh sôi phát triển.
Cũng tại tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, ở nước ta, có nhiều Vườn Quốc gia tương tự Ba Vì như Tam Đảo, Sapa, Cát Bà, Pù mát, Bạch Mã, Bà Nà, núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo.... Chúng ta đã biến các nơi này thành điểm đến hấp dẫn cho đồng bào cả nước và quốc tế và thành khu du lịch đẹp, hiệu quả. Quay về Ba Vì, có lẽ chúng ta không thể không chạnh lòng đặt câu hỏi: "Tại sao cách Hà Nội chỉ 60km - 1 giờ đi ô tô mà 20 - 25 năm nay Ba Vì không có nhiều đổi thay để phục vụ nhân dân? Là người gắn bó với Ba Vì gần 20 năm, tôi tự thấy mình có lỗi với Thủ đô, để di sản, tài nguyên ấy ngủ yên, và ngày càng bị lãng quên. Do chúng ta không có năng lực, không có nhu cầu hay không có tài quản lý?. Đó là những câu hỏi đặt ra cho kho tài nguyên Ba Vì, mà chúng ta cần tìm lời giải" - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nhận định.
Cần phát huy, khai thác hiệu quả
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: Năm 2008, Hà Nội chính thức được mở rộng ranh giới hành chính, ngày ấy, tôi được giao nhiệm vụ chỉ đạo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia lập đề án mở rộng ranh giới Thủ đô Hà Nội. Trong bản vẽ về cơ cấu tổ chức không gian thành phố, có tuyến đường nối Hồ Tây- Ba Vì - là đại lộ rất quan trọng nối Hà Nội cũ và Hà Nội mở rộng. Là tuyến đường có ý nghĩa văn hóa, lịch sử nên được gọi tên là Đại lộ Thăng Long (tuy nhiên sau khi được phê duyệt, đường Láng - Hòa Lạc lại được đặt tên là Đại lộ Thăng Long, còn tuyến đường này vẫn đang được gọi là tuyến Hồ Tây- Ba Vì).
Như vậy có thể khẳng định rằng, Ba Vì là dãy núi rất quan trọng trong bố cục quy hoạch của Thủ đô Hà Nội. Việc kết nối không gian tâm linh (của núi Tản Viên) với không gian đô thị lịch sử Hà Nội nghìn năm là một việc có ý nghĩa trong việc tạo dựng trục không gian kết nối trung tâm Hà Nội với núi thiêng Tản Viên - Ba Vì hùng vĩ trong cảnh quan của Đồng bằng Bắc Bộ. Ba Vì - Tản Viên không còn là một địa danh của huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây nữa mà Ba Vì - Tản Viên đã trở thành một địa danh quan trọng trong tổng thể quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, với khoảng 1 giờ xe chạy trên trục đường huyền thoại từ trung tâm Hà Nội, chúng ta đã đến với cảnh quan hùng vĩ và được tiếp cận với thiên nhiên, khí hậu mát mẻ của núi Tản Viên - Ba Vì. Rõ ràng, giá trị của thiên nhiên, cảnh quan ở đây càng được nâng cao tầm giá trị và do vậy cần phải được phát huy, tôn tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Tại tọa đàm "Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì" đã tiếp nhận các ý kiến, đề xuất của nhiều chuyên gia quy hoạch nhưng quy tụ lại là phải khai thác đúng và hiệu quả các tài nguyên của Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ nhân dân vùng thủ đô Hà Nội và cả nước tương xứng với vị thế và tiềm năng của Vườn Quốc gia Ba Vì. Trong đó, nguyên tắc là khai thác song song với bảo vệ, tôn tạo để tài nguyên phát triển bền vững và làm tăng giá trị của tài nguyên. Luật không cấm khai thác tài nguyên rừng và đòi hỏi sự hợp lý, khoa học trong khai thác để cuối cùng phát triển bền vững rừng Quốc gia. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về khai thác tài nguyên tại Vườn Quốc gia Ba Vì, coi việc khai thác hiệu quả chính là bảo vệ, phát triển hiệu quả.
Đối với các phế tích nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì, các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp đề xuất phục dựng, chỉnh trang những không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ; tạo lập không gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ một cách hài hòa, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên; giữ nguyên những phế tích với cây cổ thụ ôm cuốn trên tường, xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ - hiện tại; đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có nội dung và có quy hoạch.
Cùng chia sẻ và ủng hộ quan điểm bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn theo kinh nghiệm trên thế giới đã làm, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: "Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp"./.
Ngỡ ngàng dấu tích biệt thự Pháp trên núi Ba Vì Núi Ba Vì không chỉ được biết đến là nơi linh thiêng mà còn ẩn chứa những phế tích của các biệt thự Pháp được xây dựng cách đây gần 100 năm. Núi Ba Vì nằm ở độ cao gần 1300m với những giá trị hiếm có của một thảm thực vật đa dạng, điều kiện khí hậu lý tưởng chỉ dao động...