Làm sao tránh bỏng hô hấp do ngạt khói?
Vụ cháy chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, Q.8, TP. HCM) ngoài 13 người thiệt mạng còn có hơn 60 người phải vào các BV Chợ Rẫy, BV Nguyễn Tri Phương, BV Triều An, BV Nhi Đồng 1 cấp cứu vì bỏng hô hấp.
Điều trị bỏng hô hấp tại BV 175
Đây cũng là tình trạng phổ biến của các cư dân sống trong các căn hộ chung cư, nhà cao tầng khi bị hỏa hoạn trong đó không ít người đã bị tử vong vì ngạt khói độc.
BS.Từ Quốc Tài – khoa Nội Soi (BV Chợ Rẫy) cho biết, sau khi nhập viện 10 người là nạn nhân của vụ cháy chung đều trong tình trạng hoảng loạn, khó thở dù không bị bỏng bên ngoài da nhưng do hít quá nhiều khói nên đã bị bỏng hô hấp.
Theo BS Tài, gần 100% nạn nhân bị ngộ độc khí CO. Trong đó, một bé 5 tuổi, một người bị bỏng hô hấp nặng được đặt nội khí quản, thở máy, 3 nạn nhân chỉ định nội soi khí quản. Đáng nói hơn, một vài BN dù còn trẻ khỏe nhưng nhập viện trong tình trạng hôn mê bắt buộc ê kíp BS phải đặt ống nội khí quản để trợ giúp hô hấp, sau đó được nội soi phế quản cấp cứu. Tuy nhiên sau khi nội soi, vì khí độc gây bỏng quá nặng các bệnh nhân này vẫn còn hôn mê nên được theo dõi chu đáo.
TS. Nguyễn Như Lâm – Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia lý giải, bỏng đường hô hấp rất nguy hiểm và vì nằm ẩn ở bên trong cơ thể nên khó quan sát, khó điều trị, dễ sinh ra biến chứng.
Theo TS. Lâm, khi nhiệt độ môi trường quá cao như trong đám cháy, con người hít vào cơ thể khí nóng gây tổn thương đường niêm mạc, đường thở gồm từ mũi đến phổi. Đầu tiên là tình trạng bỏng hô hấp gây phù nề, tiết dịch trong đường thở sau đó đường thở chít hẹp lại, ôxy vào cơ thể đang thiếu lại càng thiếu hơn nên càng gây phù nề, đến lúc nào đó sẽ dẫn đến cơ thể bị ngộ độc do thiếu ôxy.
Bên cạnh đó, các nạn nhân cũng có thể bị ngộ độc các loại khí hình thành trong quá trình cháy như CO và Cyanide, gây tử vong rất nhanh…
Các chuyên gia khuyến cáo, khi hít phải khói chúng ta không nên chủ quan mà cần đi khám vì có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến viêm phổi. Đặc biệt khi có biểu hiện ho, khó thở nhẹ, khạc ra đờm màu đen như bồ hóng, nhức đầu, buồn nôn, thở nhanh, mạch nhanh, thì phải đến viện ngay.
Khác với các căn hộ dưới mặt đất, khi xảy ra sự cố, công tác thoát hiểm của người sống trong các tòa nhà cao tầng khó khăn và nguy hiểm hơn. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại, mỗi người cần trang bị những kỹ năng nhất định để bảo vệ mình và người thân.
Thượng úy Lý Hoàng Hướng – Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.7 khuyên, khi có chuông báo cháy, nên đội mũ bảo hiểm loại trùm đầu có kính để thoát ra. Sau đó, cần nhanh chóng tìm cách thoát hiểm bằng cầu thang bộ, lưu ý đóng chặt cửa bảo hộ sau khi thoát ra.
Có thể dùng búa, vật cứng phá bỏ cửa sổ, cửa chính tạo lối thoát hiểm và phá bỏ nhanh tất cả cửa thông hơi đuổi khói. Thoát ra ban công chờ người cứu hoặc xuống cầu thang bộ; dùng khăn ướt che mũi, miệng để cản trở chất độc vào đường hô hấp.
Trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng chặt lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, cần dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí.
Trong mọi tình huống, người dân không nên thoát nạn bằng cách nhảy xuống từ tầng cao. Tìm cách di chuyển ra ban công, tầng thượng – nơi thoáng khí nhất có thể. Khi chúng ta xác định được nguyên nhân chính gây tử vong khi có hoả hoạn là khói thì điều cần làm trước tiên khi có cháy, cần di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt. Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người hoặc di chuyển bằng cách bò xuống sát dưới nền đất vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm tránh lượng khói hít vào thấp nhất có thể.
Nguyễn Hoàng Anh
Theo giaoducthoidai.vn
Cư dân Carina và City Gate phản ánh các lỗi thoát hiểm ở chung cư mới
Sau vụ cháy kinh hoàng xảy ra khiến 13 người thiệt mạng, cư dân chung cư Carina lại càng không thể lơ là, chủ quan trước những kỹ năng PCCC. Buổi tập huấn về các kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố hỏa hoạn được tổ chức tại nơi ở tạm thu hút hàng trăm người dân tham gia.
Clip mô phỏng 13 phút lửa bùng phát trong hầm chung cư Carina
Khác hẳn với những lần tập huấn vắng vẻ trước đây. Vụ cháy khiến cả người lớn và trẻ em đều quan tâm bảo vệ tính mạng mình hơn.
Sáng ngày 1/4, sau hơn một tuần xảy ra thảm họa cháy ở chung cư Carina Plaza (1648 Võ Văn Kiệt phường 16 quận 8 TP HCM) làm 13 người chết, khoảng gần 150 cư dân của chung cư City Gate (nằm đối diện chung cư Carina qua đường Võ Văn Kiệt) và cả cư dân Carina đang tạm trú đã cùng lực lượng PCCC và Ban quản lý chung cư thực hiện tập huấn chữa cháy và thoát hiểm ở chung cư.
Cư dân cho biết, trước đây cũng đã có các đợt diễn tập tương tự ở chung cư Carina nhưng số người tham gia khá ít ỏi do bận đi làm hoặc thờ ơ không quan tâm, chỉ lần này là đông nhất. Sau thảm họa, ý thức của người dân có vẻ tăng lên rõ rệt.
Chung cư City Gate có 4 block nhà cao 28 tầng, tổng cộng 1.094 căn hộ, vừa giao nhà vào tháng 8 năm ngoái và đã lấp gần kín. Cư dân hai chung cư có mối quan hệ gần gũi, nhiều gia đình có con ở bên này, cha mẹ hoặc anh em ở bên kia, hoặc là bạn bè thân thiết. Sau hỏa hoạn, nhiều gia đình bên City Gate đã lập tức chia sẻ chỗ ở cho bạn bè gặp hoạn nạn. Đến nay, tại lô C là lô ít bị ảnh hưởng nhất của chung cư Carina, một số gia đình đã rải rác về ở lại, mặc dù chưa có điện nhà (chỉ có điện thang máy và hành lang, còn nước phải xách từ bồn ở dưới đất lên).
Cả hai chung cư này đều thuộc khu phức hợp các dự án Carina Plaza - City Gate Towers - Diamond Riverside do Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy làm chủ đầu tư.
Anh Duy Khánh, 43 tuổi, cư dân Carina đang xem xét cách hoạt động của vòi xịt cứu hỏa. Anh cho biết gia đình anh sống trên tầng 12 block B, bản thân anh cũng có tập huấn về PCCC trước đây ở công ty, nhưng chưa thực sự quan tâm lắm. "Nhưng từ giờ phải lưu ý kỹ hơn các biện pháp an toàn" - anh Khánh cho biết.
Theo yêu cầu của cư dân, các cửa từ tầng hầm giữ xe lên lầu trước kia là các lồng kính, nay đang được bỏ đi và thay toàn bộ bằng cửa chống cháy. Tuy nhiên, các cửa thoát hiểm trên cầu thang vẫn có khe hở khá lớn phía dưới, nếu có sự cố khói có thể lọt vào. Hệ thống cầu thang thoát hiểm đều thông xuống dưới tầng hầm; hoàn toàn chưa có bảng ghi số tầng, đèn khẩn cấp và hệ thống bảng chỉ dẫn thoát hiểm. Người dân lo ngại nếu có sự cố tương tự Carina (phát cháy từ tầng hầm), người dân theo thang thoát hiểm sẽ có thể chạy thẳng xuống tầng hầm rất nguy hiểm.
Anh Hổ, Đội trưởng Đội bảo vệ chung cư City Gate cho biết sẽ lắng nghe hết ý kiến của cư dân và đề đạt với Ban quản lý để chỉnh sửa. Trước mắt sẽ đặt các bảng báo số tầng thật to và có dạ quang để người dân nhìn rõ số tầng khi có sự cố phải chạy xuống; sẽ đặt vật cản ở lối thoát hiểm từ tầng trệt xuống tầng hầm.
Những lý thuyết cơ bản về công tác PCCC trực quan, và được thực hành sinh động để người dân dễ nắm bắt.
Toàn bộ đội bảo vệ của chung cư City Gate cũng đã được thay kể từ hôm qua 31/2/2018. Đội bảo vệ mới có 28 người, thuộc công ty Thái Long Sài Gòn. Cư dân cho biết đây là lần thay bảo vệ thứ ba từ tháng 8/2017 đến nay, sau khi cư dân phản ánh bị mất xe.
Theo HOÀNG XUÂN - HỮU NGHĨA (Trí thức trẻ)
Clip mô phỏng 13 phút lửa bùng phát trong hầm chung cư Carina Lửa lớn dần từ xe Attila rồi cao ngang ống thông gió của tầng hầm và cháy lan sang các xe máy xung quanh, sau 13 phút, điện trong tầng hầm tắt. . Theo Khánh Hoàng (Vnexpress)