Làm sao để né được những “mánh khóe” trong mua bán nhà đất?
Là câu chuyện không mới mẻ nhưng trên thị trường BĐS hiện nay, nhiều khách hàng, NĐT vẫn bị dính “mánh khóe” kinh doanh của các chủ đầu tư, môi giới. Làm thế nào để hạn chế điều này?
Đâu là những “mánh lừa” dễ nhận thấy nhất?
Không phải tất cả nhưng rõ ràng trên thị trường BĐS hiện nay, hiện tượng lừa đảo, nhà đầu tư mất tiền oan dường như có xu thế ngày càng tăng lên. Thậm chí, có những dự án NĐT đã tìm hiểu rất kỹ nhưng cũng không lường trước được rủi ro xảy ra sau đó. Khi đã xảy ra sự vụ, người mua BĐS dường như không biết kêu cứu ở đâu.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Asian Holding cho hay, phổ biến trên thị trường nhà đất hiện nay có mánh khoé như: Môi giới tư vấn đất một nơi nhưng dẫn khách đi xem đất một “nẻo”, chẳng hạn tư vấn đất Q.9 dẫn đi Đồng Nai, hoặc Bình Chánh đi Long An; bán hàng tập trung: cho người công ty hoặc người nhà đóng kịch người mua nhà, tạo thị trường, những khách hàng mới vào không biết dễ sập bẫy; gọi điện xưng danh là người của chủ đầu tư hoặc các website bán hàng giả dạng là web của chủ đầu tư để dụ khách mua…
Ngoài ra, theo ông Hậu, hiện tại tận dụng thị trường còn tốt các CĐT tranh thủ huy động vốn khi pháp lý dự án chưa xong. Điều này dẫn đến tình trạng có thể đất không ra được sổ, NĐT mất tiền cọc hoặc mất cả cục tiền.
Còn theo giới đầu tư nhà đất, một chiêu lừa khác mà khách hàng hay gặp phải trên thị trường BĐS đó là, CĐT giảm giá khi mua sỉ rồi ôm tiền của khách lặn tăm. Chiêu này chủ yếu rơi vào các DN không có dự án nhưng lại quảng cáo là có. Dự án mà khách hàng đi xem thực chất không phải của họ.
Bên cạnh đó, tình trạng bán đất theo hình thức đa cấp cũng nở rộ và khiến nhiều NĐT điêu đứng vì “mánh lừa” này. Cụ thể, thông qua các khóa học, nếu các học viên giới thiệu, bán được hàng cho các NĐT khác thì sẽ được chiết % giá trị sản phẩm. Nếu học viên không có tiền thì có thể cùng góp vốn vào một sản phẩm cùng rất nhiều người khác. “Chiêu thức” này đã khiến nhiều học viên không có tiềm lực tài chính nhưng muốn làm giàu nhanh tham gia mà không lường hết được hậu quả, rủi ro.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP HCM, thông thường, chủ đầu tư chỉ cam kết với những thông tin chính thống về pháp lý dự án, công trình dự án, tiện ích. Tuy nhiên, các môi giới đôi khi thêm thắt các thông tin về tiện ích của dự án nhằm mục đích dụ người mua chốt hợp đồng. Vấn đề này, chủ đầu tư luôn có quy định bên môi giới không được đưa thông tin không đúng về dự án, nhưng do nhân viên môi giới đưa ra bằng lời nói, nên chủ đầu tư cũng khó xử lý.
Video đang HOT
Ngoài ra, môi giới thường dùng những lời có cánh, mang tính chất thổi phồng, gắn thêm tiện ích vào dự án, thậm chí diễn giải sai quy định pháp luật về điều kiện giao dịch, thế chấp dự án, bảo lãnh ngân hàng… được quảng bá bằng miệng hoặc tờ rơi quảng cáo dự án do môi giới tự in, gửi đến từng người. Với những thông tin này, nếu người mua cả tin sẽ rơi vào tình trạng mù mờ và kí hợp đồng khi “chuyện đã rồi”.
Phải tỉnh táo khi “bỏ tiền” vào BĐS
Đó là cảnh báo của hầu hết các chuyên gia trong ngành đối với người mua BĐS hiện nay.
Luật sư Đỗ Đăng Khoa, Công ty Luật BĐS Hưng Vượng cho rằng, quy trình mua bán nhà đất có 7 bước mà khách hàng cần nắm rõ, đó là: xem dự án (xem thực tế dự án và kiểm tra pháp lý dự án); giữ chỗ; kí hợp đồng đặt cọc mua bán với CĐT; kí hợp đồng mua bán chính thức; thanh toán tiền; CĐT bàn giao nhà và nhận nhà; nhận sổ đỏ.
Trong đó, theo Luật sư Khoa, bước đi xem thực tế và kiểm tra pháp lý dự án là vô cùng quan trọng. Có rất nhiều CĐT bán nhà hình thành trong tương lai nhưng một thời gian dài vẫn không thấy triển khai gì, chỉ nằm bất động trên giấy.
“Pháp luật quy định rõ ràng điều kiện mua bán nhà trong tương lai là phải có văn bản chấp thuận của Sở xây dựng, có bảo lãnh ngân hàng, thanh toán cho khách hàng trong trường hợp CĐT không giao nhà đúng thời hạn cho khách…do đó, khâu kiểm tra pháp lý dự án là rất quan trọng”, Luật sư Khoa nhấn mạnh.
Theo Luật sư này, để mua BĐS hạn chế rủi ro, khách hàng cần lưu ý: Chọn đúng môi giới, đọc kỹ hợp đồng mua bán bởi rất nhiều tranh chấp xảy ra, khách hàng thua thiệt là do khách hàng không hiểu thấu hợp đồng; khi nộp tiền theo tiến độ dự án phải đến công trình để xem thực tế tiến độ vì có khá nhiều trường hợp đóng tiền hết rồi nhưng sau này mới tá hỏa, công trình còn dở dang hoặc nhà không như ý muốn của mình.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM khuyến cáo, người mua cần hết sức tỉnh táo trước những thông tin về dự án. Những người chưa có kinh nghiệm mua bán BĐS thì cần phải nhờ sự tư vấn của những người có kinh nghiệm và đáng tin.
Ngoài ra, khách hàng cũng nên tham khảo nhiều đầu mối bán hàng khác nhau của dự án trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi lẽ, ở một sàn giao dịch BĐS rất nhiều nhân viên bán hàng. Thông tin giữa các nhân viên bán hàng về dự án cũng có sự khác nhau. Nếu nhân viên bán hàng cần doanh số thì họ có thể sẽ thổi phồng thông tin về dự án lên để bán dễ hơn.
Còn theo ông Hậu, khách hàng nên xem kỹ càng pháp lý dự án như quyết định giao đất sổ đỏ dự án, phê duyệt 1/500; dự án đã đóng tiền sử dụng đất hay chưa. Đồng thời, nên đến xem thực tế dự án muốn mua; uy tín CĐT đã triển khai dự án nào chưa, nếu chưa thì tìm hiểu thêm trước khi ra quyết định.
Hạ Vy
Theo Nhịp sống kinh tế
Chủ đầu tư dự án Florence vì sao phải 'lách thuế'?
Cục Thuế Hà Nội vừa có quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế và truy thu thuế hơn 700 triệu đồng đối với chủ đầu tư dự án Florence (Mỹ Đình, Hà Nội).
Theo đó, Công ty Cổ phần xây dựng Phục Hưng Holding - Chủ đầu tư dự án Florence chịu mức phạt 20% trên số tiền thuế tăng thêm qua thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Khoản 33, Điều 1, Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 129/2013/NĐ-CP do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, với số tiền gần 60 triệu đồng.
Chủ đầu tư dự án Florence vì sao phải 'lách thuế'.
Ngoài ra, công ty còn bị phạt gần 169 triệu đồng do sử dụng hóa đơn bất hợp pháp căn cứ Điều 107 Luật quản lý thuế, Điều 11 Nghị định số 129/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Để khắc phục hậu quả, Cục Thuế Hà Nội sẽ truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng qua thanh tra, số tiền là hơn 468 triệu đồng; trong đó có hơn 56 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 412 triệu đồng. Cùng với đó là gần 19 triệu đồng tiền chậm nộp.
Như vậy, tổng số tiền mà đơn vị này phải nộp lên tới hơn 700 triệu đồng.
Riêng số tiền chậm nộp thuế nêu trên được tính đến hết ngày 20/9/2018. Phục Hưng Holdings sẽ phải tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ ngày 21/9/2018 đến ngày nộp đủ tiền thuế truy thu vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.
Phục Hưng Holdings tiền thân là Công ty TNHH xây dựng Phục Hưng được thành lập vào năm 2001. Phục Hưng Holdings chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tháng 11/2009 với mã cổ phiếu PHC.
Với số vốn pháp định 6 tỷ đồng, vốn điều lệ 208 tỷ đồng theo giấy chứng nhận cấp năm 2017, Phục Hưng Holdings không thực sự là doanh nghiệp được đánh giá cao về tiềm lực tài chính.
Nhưng công ty này khiến nhiều người phải ngỡ ngàng khi liên tiếp tham gia vào những gói thầu có giá trị lớn.
Một trong những gói thầu đáng chú ý là gói thầu Block C, D, K giá trị 1.300 tỷ đồng trong dự án Kenton Node tại TP.HCM, gói tổng thầu 1.300 tỷ đồng dự án CT1 Gamuda hay gói tổng thầu 630 tỷ đồng thi công "Tòa nhà trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng, nhà ở cao cấp - Dự án Golden Land (275 Nguyễn Trãi, Hà Nội).
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu của Phục Hưng Holdings trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.326 tỷ đồng, tăng 44,6% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 35,4 tỷ đồng và 28,6 tỷ đồng, hoàn thành 49,3% kế hoạch cả năm 2018.
Tuy nhiên, nợ tài chính Phục Hưng Holdings phải trả tới 758 tỷ đồng (gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu). Dự án Florence hiện cũng bị mang đi cầm cố cho khoản vay 150 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.
NGỌC VY
Theo vtc.vn
TP HCM chặn sốt đất: Công khai quy hoạch để chặn cò đất thổi giá Công khai, minh bạch chính sách, quy hoạch được xem là biện pháp căn cơ để ngăn chặn nạn đầu cơ, thổi giá gây sốt nhà đất Thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM thời gian qua liên tục ghi nhận những vụ lừa đảo trong mua bán nhà đất, cũng như hiện tượng cò đất, môi giới tung tin đồn "thổi"...