Làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã
Người dân tá hỏa khi phát hiện các lồng nuôi cá dọc sông Mã ở Thanh Hóa cá chết nổi hàng loạt.
Theo phản ánh của các hộ dân nuôi cá lồng dọc sông Mã ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa), hiện tượng cá chết bắt đầu xuất hiện từ khoảng đêm 14/3.
“Ban đầu những con cá ngoi lên mặt nước ngáp ngáp, sau đó chúng chết nổi trắng bè”, một chủ lồng nuôi ở thị trấn Cành Nàng nói.
Ban đầu cá chết rải rác ở một vài lồng nuôi, sau đó xảy ra hàng loạt trên địa bàn các xã Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại.
Các lồng nuôi cá ở huyện Bá Thước đều có tình trạng cá chết
Video đang HOT
Người dân nói rằng, gần đâu nước sông Mã có màu đen khác thường. Không chỉ cá nuôi lồng chết mà tôm, cua sống tự nhiên cũng có hiện tượng chết. Họ nghi ngờ tình trạng trên có thể do nước sông bị ô nhiễm từ các nhà máy đặt ở thượng nguồn xả thải ra sông.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, cho biết, tính đến ngày 20/3, toàn huyện có 93 hộ nuôi với hơn 150 lồng bè có cá bị chết với tổng khối lượng gần 4,2 tấn; tập trung tại thị trấn Cành Nàng 21 hộ, các xã Ái Thượng 49 hộ, Hạ Trung 5 hộ và Lương Ngoại 18 hộ.
Sau khi nhận được thông tin, UBND các xã, thị trấn và ngành nông nghiệp huyện đã cử cán bộ xuống ghi nhận thực tế.
Bước đầu kiểm tra lâm sàng, mổ khám cá nuôi tại chỗ cho thấy, cá không bị xuất huyết bên ngoài, mang và các cơ quan nội tạng bên trong bình thường, không có hiện tượng xuất huyết hay tụ huyết bất thường hay dấu hiệu bệnh khác.
Cá chết trắng được người dân vớt lên bờ
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã xuống địa bàn lấy mẫu nước, xác cá gửi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I phân tích, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây cá chết.
Nhà chức trách địa phương đang rà soát các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn, hướng dẫn người nuôi theo dõi và vệ sinh lồng bè, dùng máy sục khí, máy bơm nước để tăng hàm lượng oxy hòa tan, lưu thông dòng chảy.
Ngành chức năng cũng khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi chất lượng nước trên sông, khi thấy dấu hiệu tác động đến sức khỏe đàn cá cần di chuyển ngay lồng nuôi đến khu vực tốt hơn như ao, hồ, khe suối để giảm thiệt hại.
Dọc 2 bờ sông Mã thuộc các huyện Quan Hóa, Bá Thước có nhiều cơ sở chế biến lâm sản, ngâm ủ, chế biến tre luồng, bột giấy.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng trên, trước đó tháng 4/2020, cá nuôi lồng cũng chết hàng loạt trên sông Mã. Ngành chức năng sau đó phát hiện nhiều cơ sở chế biến lâm sản xả thải ra sông.
"Làn gió mới" trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Bá Thước
Chúng tôi có dịp về thôn Xuân Long, thị trấn Cành Nàng (Bá Thước), được tận mắt chứng kiến những quả dưa chín vàng trong nhà lưới của gia đình ông Vũ Văn Vang mới biết tinh thần vượt khó của những người dân vùng cao trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC).
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà lưới của gia đình ông Vũ Văn Vang, thôn Xuân Long, thị trấn Cành Nàng.
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của gia đình ông Vang được triển khai từ đầu năm 2020 với hệ thống nhà lưới rộng 1.000m2 nằm trong khu vườn 2.500m2 của gia đình. Ông Vang cho biết: Với khu đất vườn rộng rãi phía sau nhà, ông Vang và các thành viên trong gia đình đã tìm hiểu và quyết định đầu tư mô hình nông nghiệp CNC theo hình thức liên kết với một công ty ở huyện Thọ Xuân. Ông bỏ vốn ban đầu hơn 300 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, công ty liên kết cung cấp giống, phân bón và trực tiếp hướng dẫn gia đình quy trình chăm sóc cây trồng, thu hoạch sản phẩm. Mô hình đã đem lại hiệu quả bước đầu với các sản phẩm chủ yếu là dưa Kim Hoàng hậu, dưa chuột, cà chua... đạt năng suất, chất lượng. Riêng với 2 vụ dưa Kim Hoàng hậu, ông Vang phấn khởi bởi mỗi lứa dưa thu được khoảng 3 tấn, trừ các chi phí cho lãi khoảng hơn 100 triệu đồng. Với hiệu quả từ khu sản xuất nhà lưới, cùng với sự hỗ trợ 50 triệu đồng của Nhà nước sau 2 vụ đầu thu hoạch, ông Vang tiếp tục đầu tư thêm một khu nhà lưới 1.000m2 trên phần diện tích vườn còn lại để mở rộng sản xuất, quyết tâm thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng. Thị trấn có 576 ha đất sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên diện tích sản xuất áp dụng CNC chưa nhiều. Vì vậy, có thể nói các mô hình trồng trọt trong nhà lưới của các hộ gia đình như ông Vũ Văn Vang, Trương Văn Nghị, Ngô Văn Chiến được xem là những mô hình đi tiên phong theo hình thức này, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ mà còn tạo luồng gió mới thay đổi tư duy, để người dân vùng cao thấy rõ được tính hiệu quả của việc ứng dụng CNC vào trong sản xuất nông nghiệp, tạo được động lực thúc đẩy, nhân rộng những mô hình hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở thị trấn Cành Nàng chính là minh chứng sinh động nhất góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao Bá Thước, nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây cũng là những giải pháp góp phần thực hiện chương trình "Phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch" - một trong 2 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC của huyện đạt 1.720 ha.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước đánh giá: Phát triển nông nghiệp CNC là nhiệm vụ quan trọng mà huyện Bá Thước đặt ra trong giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, hiện nay, nông nghiệp CNC ở huyện Bá Thước mới đang manh nha, diện tích ít, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngoài những cây trồng chủ lực là các cây công nghiệp phục vụ sản xuất của các nhà máy (mía, sắn, gai với tổng diện tích khoảng 4.000 ha); các cây lâm nghiệp (luồng, keo, xoan, lát với tổng diện tích 26.000 ha) hay các loại cây lương thực, như: lúa (4.800 ha/năm), ngô (2.200 ha/năm) thì các cây trồng hàng hóa theo hướng nông nghiệp CNC mới phát triển manh nha ở một vài nơi, diện tích chỉ khiêm tốn với hơn 4.000m2 nhà màng, nhà lưới, tập trung ở khu vực trung tâm huyện. Chăn nuôi còn phát triển nhỏ lẻ, mới chỉ có 1 trang trại chăn nuôi lợn tập trung, dự kiến quý IV-2021 sẽ có thêm 3 trang trại lợn ở xã Lương Trung đi vào hoạt động...
Trước thực tế đó, để góp phần thực hiện thành công mục tiêu giá trị sản phẩm/1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện Bá Thước vào năm 2025 đạt 100 triệu đồng/năm, yêu cầu đặt ra là phải thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, CNC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, tích tụ tập trung đất đai, tùy theo lợi thế từng vùng, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Vận dụng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thúc đẩy, nâng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, chủ yếu là phát triển trồng trọt trong nhà lưới, nhà màng, phát triển vùng cây ăn quả mang thương hiệu Bá Thước, chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, phối hợp với các công ty, đơn vị để rà soát lại các vùng nguyên liệu có độ dốc trên 15 độ, trồng mía kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng các loại cây có múi, cho giá trị kinh tế cao.
Hơn 3 tấn cá nuôi lồng chết bất thường trên sông Mã Trong ít ngày, gần 3,4 tấn cá nuôi lồng của 71 hộ dân dọc sông Mã (đoạn qua huyện Bá Thước, Thanh Hóa) chết bất thường. Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Ngày 19/3, ông Lê Quang Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa), cho biết huyện đã có chỉ đạo về việc làm rõ hiện tượng...