Làm rõ nguồn tiền bẩn đường dây rửa tiền xuyên quốc gia
Quá trình bóc gỡ tổ chức tội phạm có dấu hiệu rửa tiền xuyên quốc gia, có sự câu kết của đối tượng người Việt và nước ngoài, cảnh sát đã làm rõ được nguồn tiền bẩn.
Đối tượng Trang tại cơ quan công an.
Tiền bẩn từ Đài Loan
Cuối năm 2015, Phòng CSHS – Công an Hà Nội nhận được tin tố giác của một ngân hàng về việc một khách hàng có dấu hiệu sử dụng CMND giả để rút tiền… Sau một thời gian điều tra, Đội Cảnh sát đặc nhiệm – Phòng CSHS đã lần ra dấu vết đối tượng hiềm nghi và mai phục bắt quả tang Hoàng Anh Quang (SN 1992, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang dùng CMND giả rút 700 triệu đồng tại một chi nhánh ngân hàng.
Tại CQĐT, Quang khai được cậu ruột là Nguyễn Hồng Hải (SN 1972, ở quận Đống Đa) bày cách làm giàu với thủ đoạn ra ngân hàng rút tiền bằng CMND giả (ảnh của Quang nhưng tên người khác) và sẽ được chiết khấu 1% tổng số tiền rút được…
Mở rộng điều tra, Phòng CSHS lần lượt bắt giữ Hải, Lê Thị Huyền Trang (SN 1982, ở quận Long Biên); Hồ Ngọc Dương (SN 1974, ở quận Hai Bà Trưng); Nguyễn Đình Việt Anh (SN 1992, ở huyện Thanh Trì) và Lin Ren Feng (SN 1979, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, thuê trọ tại quận Hà Đông, Hà Nội).
Video đang HOT
Theo điều tra bước đầu, sau một thời gian đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Trang quen một người đàn ông người bản địa tên Trấn. Trước khi về nước, Trang được Trấn gạ tham gia vào hệ thống rửa tiền xuyên quốc gia. Theo kế hoạch, Trấn sẽ gửi tiền bẩn từ Đài Loan về Việt Nam cho Trang đi rút, rồi tiếp tục chuyển cho Lin Ren Feng. Nếu trót lọt, Trấn sẽ cắt hoa hồng cho Trang 23% trên tổng số tiền rút được tại các ngân hàng ở Việt Nam. Trang đồng ý tham gia và rủ thêm Hải, Quang, Việt Anh, Dương tham gia.
Theo hướng dẫn của Trấn, Trang cùng đồng bọn tìm mua CMND của người khác rồi bóc tách ảnh, dán ảnh của Quang vào để mở tải khoản ngân hàng và dùng để rút tiền. Từ ngày 9/11/2015 đến khi bị phát hiện, Trấn đã 4 lần chuyển tiền với tổng số hơn 2 tỷ đồng về Việt Nam và nhóm của Trang đã rút, giữ lại 23% chia nhau, số còn lại chuyển cho Feng.
Giả danh công an
Quá trình điều tra mở rộng, cảnh sát xác định, số tiền Trấn nói gửi từ nước ngoài về Việt Nam cho Trang đi rút thực chất là tiền của các nạn nhân trong nước bị Trấn và đồng bọn dùng thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt được. Nhóm của Trang khai chỉ thực hiện hành vi rửa tiền, còn hoạt động giả danh công an để gọi điện thoại đe dọa người bị hại, ép phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt đều do Trấn chỉ đạo một nhóm tay chân khác thực hiện.
Bước đầu, CQĐT xác định được một nạn nhân của băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia này là chị Nguyễn Thị T. (SN 1972, ở TPHCM). Cuối năm 2015, chị T. nhận được cuộc điện thoại, ở đầu dây bên kia đối tượng tự xưng là công an, muốn kiểm tra số tài khoản cá nhân của chị T. vì nghi liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật. Chị T. sợ hãi, chuyển thông tin tài khoản cá nhân theo sự hướng dẫn của người lạ.
Sau khi thực hiện những yêu cầu của “công an”, chị T. nghi ngờ đã kiểm tra tài khoản của mình tại ngân hàng X, ở TPHCM và phát hiện số tiền gần 1 tỷ đồng đã “bốc hơi”. Trong quá trình điều tra, các lực lượng chức năng còn được biết trong tháng các 10, 11/2015, nhóm tội phạm này đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ chiếm đoạt nhiều tỷ đồng, của nhiều người bị hại tại Hà Nội, TPHCM.
Lần theo những manh mối thu thập được, cảnh sát đã bắt giữ thêm một đối tượng người Trung Quốc là Xue Wen (SN 1980). Tương tự Lin Ren Feng, Xue Wen được cử sang Việt Nam để quay vòng những đồng tiền phi pháp thành tiền “sạch” thông qua việc rút tiền tại các cây ATM, rồi chuyển vào tài khoản cho “ông trùm”. Khám xét nơi ở của Lin Ren Feng và Xue Wen, cảnh sát thu giữ 43 thẻ ATM dùng để rút tiền của các bị hại ở Việt Nam và phần nhiều tại TPHCM.
Cơ quan CSĐT – Công an thành phố Hà Nội vừa khởi tố bị can, bắt giữ 9 đối tượng liên quan về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Theo Danviet
Lật tẩy thủ đoạn biến tiền phi pháp thành tiền "sạch"
Như An ninh Thủ đô đã thông tin, các lực lượng chức năng của CATP Hà Nội vừa chặt đứt đường dây "rửa tiền" xuyên quốc gia, bắt tạm giam 5 đối tượng, trong đó có Lin Reng Feng (SN 1979, quốc tịch Trung Quốc) và Lê Thị Huyền Trang (SN 1982, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội). Quá trình mở rộng điều tra cho thấy, đường dây tội phạm này còn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại ở Hà Nội, TP.HCM và liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy.
Các đối tượng tại cơ quan công an
Giả danh công an để rút tiền
Đầu tháng 10-2015, lực lượng trinh sát Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư phối hợp với Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng CSHS - CATP Hà Nội phát hiện trên địa bàn thành phố xuất hiện nhóm đối tượng giả danh công an gọi điện cho các bị hại yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chúng kiểm tra. Người nào tỏ thái độ bất hợp tác, liền bị nhóm này đe dọa tài khoản của họ có liên quan đến hoạt động "rửa tiền" hoặc "buôn bán ma túy"... và nếu không để công an kiểm tra sẽ gặp hậu quả không thể lường hết. Vì sợ bị liên lụy, dính dáng đến pháp luật, nhiều người không kiểm tra kỹ đã chuyển ngay thông tin tài khoản và bị bọn tội phạm rút tiền để chiếm đoạt.
Chị Nguyễn Thị T (SN 1972, ởTP.HCM) cho biết: Đầu tháng 11-2015, chị nhận được điện thoại có 3 số đuôi... 113 gọi vào máy điện thoại cá nhân của chị T. Ở đầu dây bên kia là giọng một nam giới, tự xưng là công an, muốn kiểm tra số tài khoản cá nhân của chị T vì nghi liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật. Chị T. hoảng sợ, chuyển thông tin tài khoản cá nhân theo sự hướng dẫn của người lạ.
Sau khi làm xong những yêu cầu của người giấu mặt, chị T nghi ngờ nên kiểm tra tài khoản của mình tại ngân hàng X, ở TP.HCM và ngã ngửa vì biết số tiền 700 triệu đồng trong tài khoản đã bị rút hết... Trong quá trình điều tra, các lực lượng chức năng được biết trong các tháng 10, 11-2015, nhóm tội phạm này đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhiều bị hại tại Hà Nội, TP.HCM và báo cáo Giám đốc CATP xin xác lập chuyên án 011P để đấu tranh.
Cuối năm 2015, lực lượng CATP Hà Nội đã làm rõ và lần lượt chặt đứt từng mắt xích trong đường dây tội phạm này, bắt tạm giam nhiều đối tượng liên quan trong đó có Lin Ren Feng và Xue Wen (SN 1980, quốc tịch Trung Quốc), hiện thuê trọ tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Đối tượng quan trọng nhất trong đường dây tội phạm xuyên quốc gia này là Lê Thị Huyền Trang, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, hiện ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp để làm rõ.
Tạo tài khoản bằng CMND giả
Quá trình đấu tranh, các đối tượng bị bắt giữ đều khai thực hiện hành vi "rửa tiền" cho ông "trùm" tên là Trấn (quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc). Toàn bộ hoạt động giả danh công an để gọi điện thoại đe dọa người bị hại, ép phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền đều do Trấn chỉ đạo đồng bọn thực hiện qua mạng internet "ảo" và quá trình thực hiện hoạt động này đều ở nước ngoài. Theo sự chỉ đạo của Trấn, Trang có nhiệm vụ tụ tập đồng bọn ở Việt Nam để thực hiện các hoạt động thu mua CMND bị chủ sở hữu bỏ quên tại các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ... rồi làm giả để đến các ngân hàng tạo tài khoản rút tiền.
Sau khi Trấn giả danh công an đe dọa để chiếm đoạt tiền của người bị hại, Trang cùng đồng bọn sẽ dùng CMND giả đến các ngân hàng rút tiền, rồi giao lại cho Lin Ren Feng, được Trấn cử sang Việt Nam để nhận tiền "sạch" rồi lại chuyển vào tài khoản cho Trấn ở nước ngoài. Tương tự, Xue Wen cũng được cử sang Việt Nam để quay vòng những đồng tiền phi pháp thành tiền "sạch" thông qua việc rút tiền tại các cây ATM, rồi chuyển vào tài khoản cho bọn tội phạm xuyên quốc gia. Khám xét nơi ở của Lin Ren Feng và Xue Wen, cơ quan công an đã phát hiện, thu giữ 43 thẻ ATM dùng để rút tiền của các bị hại ở Việt Nam và chủ yếu ở TP.HCM. Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã phối hợp với Công an TP. HCM bắt khẩn cấp Xue Wen và di lý vào TP.HCM để tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án.
Cũng trong quá trình điều tra, Phòng Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư và Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã làm rõ 6 ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM là những địa chỉ nhóm tội phạm do Trấn và Trang cầm đầu, sử dụng CMND giả đến rút tiền từ các tài khoản chiếm đoạt được của bị hại. Cơ quan công an đã làm rõ Lê Đức Anh (SN 1988, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), là tay chân đắc lực của Trang trong việc thu mua CMND bị bỏ quên tại các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ trên địa bàn thành phố, để làm CMND giả, rồi sử dụng đi rút tiền tại các ngân hàng.
Trong quá trình truy bắt Lê Đức Anh, cơ quan công an đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng này đang sử dụng ma túy tại nơi ở của Lý Hoa Nhi (SN 1977, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) và lập biên bản thu giữ 0.155 gam heroin. Khai thác Nhi, cơ quan điều tra đã tiếp tục thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Ngọc Linh (SN 1969, trú tại phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội), là đối tượng cung cấp ma túy cho Nhi và Đức Anh sử dụng. Khám xét nơi ở của Linh, cơ quan công an đã lập biên bản thu giữ 42,910 gam ma túy "đá" và 24,260 gam ketamin.
Theo_An ninh thủ đô
Bắt đối tượng người Trung Quốc giả công an lừa đảo Xue Wen, quốc tịch Trung Quốc, vừa bị bắt giữ là đối tượng nằm trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia do nhóm người Đài Loan, Trung Quốc cầm đầu. Nhóm của Xue Wen dùng thủ đoạn giả danh công an gọi tới máy điện thoại bàn của nạn nhân để lừa tiền. Theo đó, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm...