Làm phim truyền hình thời “không có gì”
Nhân dịp 50 năm VTV phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên, khán giả yêu phim cùng khám phá những câu chuyện thú vị về “Công nghệ làm phim thời không có gì”.
Những giai điệu gần gũi, những bộ phim đi cùng năm tháng và cả những gương mặt thân quen…, tất cả góp phần tạo nên một ký ức không bao giờ quên – ký ức về phim truyền hình Việt Nam.
Năm 1982, bộ phim Người thành phố đã đánh dấu cho điểm xuất phát của phim truyền hình VTV, kỷ nguyên phim truyền hình bắt đầu với những thiết bị thô sơ. Những thiếu thốn về công nghệ sản xuất vẫn là những nỗi lo mà đến bây giờ đạo diễn Khải Hưng chưa bao giờ quên.
Đạo diễn, NSND Khải Hưng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình, Đài THVN cho biết: “Phim đầu tiên là phim Người thành phố. Chỉ có 3 người, chỉ có đúng một cái máy quay, chân máy không có, đèn không có. Lồng tiếng thì thời đó khổ lắm, chỉ có một cái mic, mấy người cùng thu, đến lượt ai ghé miệng vào rồi lại lùi ra”.
Những tác phẩm phim truyền hình đầu tiên gắn trong ký ức của những khán giả truyền hình là những thước hình đen trắng, nhập nhằng, còn với những nhà làm phim thời đó là những cuộn băng, băng từ, băng U-matic lowband, U- matic highband rồi betacam
Đạo diễn, NSND Khải Hưng nhớ lại: “Một cuộn băng quay cả chục lần thì nó phải rách. Ức nhất là quay một cảnh mà đạo diễn rất ưng nhưng sau đó thì băng lại rách. Phim Vụ án không khởi tố, đó là cảnh ở võ đường, tôi rất ưng ý, nhưng khi xem thì nó không ra hình”.
Cũng giống như các đạo diễn, các diễn viên đời đầu cũng có cho mình những kỷ niệm thú vị từ những thiếu thốn từ phục trang đến đồ trang điểm. Cũng từ những thiếu thốn đó đã hình thành nên những gương mặt không bao giờ quên, từ Ông Mộc đến người thổi tù và hàng tổng…, tất cả đã và sẽ luôn in sâu trong tâm trí của khán giả truyền hình.
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh chia sẻ về sự thay đổi trong sản xuất phim: “Nói về sự thay đổi thì quá nhanh, đội ngũ hùng hậu hơn rất nhiều. Thiết bị máy, thế giới có gì thì mình cũng có, máy quay 4k, rồi bàn dựng cũng thế”.
Video đang HOT
Một hành trình từ xuất phát đến hiện đại, phim của VTV đã trả qua biết bao nhiêu thăng trầm, mà ở đó những bộ phim sẽ không chỉ là ký ức, là một phần không quên mà còn là bước đệm cho sự phát triển rực rỡ như bây giờ.
Vũ trụ VFC: 40 năm không ngừng sáng tạo
Có một dòng chảy mạnh mẽ và bền bỉ của những người làm phim ở VFC trong suốt mấy chục năm qua, đó là niềm đam mê với nghề được truyền nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Dấu ấn thành công của mỗi thời kì khác nhau, cách thức làm phim có thể thay đổi nhưng họ đã cùng nhau tạo dựng một thương hiệu VFC uy tín, một tập thể gắn kết và không ngừng sáng tạo - đúng như tên gọi đầy trân trọng và tin yêu của nhiều nghệ sĩ: "Vũ trụ VFC".
40 năm gây dựng thương hiệu VFC
Ra đời cách đây 40 năm với tên gọi Công ty Nghe nhìn Việt Nam, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài THVN đã trải qua một quãng đường dài với nhiều dấu ấn. Năm 1982, bộ phim đầu tiên phát trên Đài THVN có tên Người thành phố và tiếp sau đó là sự ra đời của những tác phẩm nổi tiếng: Cánh diều nhỏ, Mặt trời bé con, Lời nguyền của dòng sông được làm theo kiểu phim ngắn tập, gần cách làm phim điện ảnh...
Chương trình Văn nghệ Chủ nhật đã là món ăn tinh thần của nhiều thế hệ khán giả
Dấu mốc quan trọng nhất, có ý nghĩa đặt nền móng cho hành trình gây dựng nên VFC ngày nay chính là chương trình Văn nghệ Chủ nhật (VNCN), ra đời vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước với những bộ phim như: Mẹ chồng tôi, Những người sống bên tôi, 12A&4H... giúp cho khán giả cảm nhận thêm về giá trị của phim truyện truyền hình với câu chuyện gần gũi với đời sống.
VNCN cũng ra đời trong tình yêu lớn của NSND Khải Hưng, một người tâm huyết với nghề, người đã vượt qua muôn vàn khó khăn để được làm phim.
NSDN Khải Hưng ôn lại ký ức về phim truyền hình trong chương trình Quán thanh xuân
Những năm đầu thập niên 2000, xu hướng xã hội hóa đã gần như chiếm lĩnh sóng truyền hình, nhất là mảng giải trí, phim truyền hình. Hoạt động đặt hàng xã hội hóa đã tác động rất mạnh đến mọi hoạt động và con người ở VFC thời điểm đó. Khó khăn đầu tiên là việc mất mát về nguồn lực sáng tác.
Các đơn vị xã hội hóa "lôi kéo" đội ngũ làm phim, trả tiền thù lao rất cao, trong khi cơ chế của đơn vị chịu sự quản lí, cách trả lương theo định mức quy định của Đài và cung cách làm phim có phần bị tư duy nặng bao cấp. Để đương đầu và chống đỡ là bài toán rất khó giải.
"Đến bây giờ tôi phải cảm ơn giai đoạn đó. Bởi vì VFC, trong đó có tôi, chịu ảnh hưởng của xu hướng xã hội hóa rất sớm, buộc phải cạnh tranh, va chạm thị trường, đồng nghĩa xác định mình phải đương đầu. Vấn đề đặt ra lúc đó, thúc đẩy nhanh sự thay đổi thì cần phải biết người biết ta, đánh giá xem trong tay mình có gì? Tôi bắt đầu bằng bài toán nhân lực", "thuyền trưởng" Đỗ Thanh Hải nhớ lại.
Ngay sau đó, một cuộc cải tổ, cơ cấu lại toàn bộ các hoạt động VFC trước đây, làm thế nào để thu hút được những người giỏi nghề, tài năng cùng gắn bó phát triển trong ngôi nhà VFC. Thay đổi tư duy về quản trị nhân sự, cách chi trả lương gắn với hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng và tìm kiếm cơ hội hợp tác làm phim với nước ngoài học hỏi kiến thức mới... đã mang đến công cuộc chuyển mình rõ nét tại VFC.
Bộ phim Những ngày không quên được chiếu đúng ngày cả nước chống dịch COVID-19
Nhìn lại thành công trong 4 - 5 năm lại đây, VFC đã đi đầu trong việc đề xuất xây dựng những cơ chế mới, chuyển đổi công nghệ làm phim mới. Nhiều dự án phim do VFC sản xuất vừa đa dạng đề tài, vừa tiếp cận nhanh thị hiếu khán giả, bung ra là tạo xu hướng và nhiều đơn vị làm nội dung ăn theo. Dẫn dắt, tạo ra xu hướng chính là thể hiện tính chuyên nghiệp, tầm vóc của đơn vị. Từ thành công của các bộ phim đó, đơn vị tạo ra nguồn doanh thu chứ không phấn đấu làm phim chỉ để có nguồn thu.
Hai năm gần đây, phim trên VTV không còn ranh giới rạch ròi phim miền Bắc hay miền Nam sản xuất. VFC đã tạo ra một môi trường làm nghề chất lượng cho các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, được gắn kết, phối hợp với nhau và cũng là tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Nhiều dự án có sự góp mặt của nghệ sĩ hai miền Bắc - Nam tạo ra sự cộng hưởng sáng tạo mang đến những bộ phim thành công vang dội, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa các vùng miền đến khán giả cả nước.
Nhiều năm gần đây, VFC tiếp tục gây ảnh hưởng về vị thế khi sản xuất toàn bộ phim cho khung giờ phim Việt trên cả 2 kênh VTV1 và VTV3. Liên tiếp các bộ phim không chỉ đảm bảo về chất lượng nghệ thuật, nội dung thu hút sự quan tâm của khán giả, đạt rating cao mà còn đạt hiệu quả về kinh doanh quảng cáo.
Nhiều xu hướng nội dung, tên các bộ phim do VFC sản xuất đều là những từ khóa được quan tâm, tìm kiếm xem nhiều nhất trong mục tra cứu google, chứng tỏ sự thu hút của phim Việt trên VTV đã và đang gây hiệu ứng tích cực với đông đảo công chúng. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, sự đa dạng của các nền tảng phát sóng, yếu tố chuyển dịch của khán giả đòi hỏi tư duy làm phim của đội ngũ VFC cũng phải thay đổi.
"Chúng tôi làm phim không chỉ để gây ảnh hưởng với công chúng, xã hội mà đồng thời cũng định vị thương hiệu của VFC xuất hiện trên các nền tảng số của những nhà cung cấp nội dung đa quốc gia, đó là một thách thức mới mà VFC phải kiên định giữ chất lượng nội dung", Giám đốc Đỗ Thanh Hải cho biết.
Tập thể gắn kết và truyền lửa sáng tạo
Đặc thù của công việc ở VFC là làm việc tập thể, luôn phải có nhiều bộ phận, mắt xích trong quy trình sản xuất một bộ phim. Vì thế, sự gắn kết, tương tác trong các thành phần sản xuất để chuỗi hoạt động hiệu quả là vô cùng quan trọng.
Đặc thù đó tạo nên bản sắc của những người làm việc ở VFC. Tuy nhiên, cái khó là làm sao để gắn kết nhưng vẫn phát huy khả năng sáng tạo của từng cá tính nghệ sĩ. Muốn đạt được điều đó, các khâu hoạt động phải đồng bộ, mỗi vị trí làm việc phải hiểu rõ chức năng vai trò của mình.
Nếu trước đây, đạo diễn là người tổng chỉ huy quyết định gần như tất cả thì bây giờ, một dự án phim có thêm nhiều vị trí quan trọng để đồng hành sáng tạo, kết nối, hỗ trợ như: Giám đốc sản xuất, Tổ chức sản xuất, phụ trách truyền thông, kinh doanh marketing...Trong tập thể đơn vị, giám đốc là người vạch ra chiến lược thì ở mỗi đoàn làm phim, đạo diễn là người chỉ huy, tạo cảm hứng sáng tạo, dẫn dắt anh em làm nghề theo mục tiêu rõ ràng, hoàn thành bộ phim với chất lượng tốt nhất.
Lãnh đạo VFC cũng đề ra quy chế rõ ràng: Để phát triển, phải luôn sáng tạo, vượt lên phía trước, nếu đạo diễn không làm phim hiệu quả sẽ không được giao phim. Mỗi cá nhân phải khẳng định năng lực bằng chất lượng sản phẩm. Hiệu quả công việc luôn gắn với thu nhập.
Cú chuyển mình mạnh mẽ đó đã tạo nên một thế hệ trẻ làm phim truyền hình ở VFC với sự trưởng thành vượt bậc.
Giám đốc Đỗ Thanh Hải chia sẻ, "Bây giờ cho tôi làm phim, chưa chắc tôi đã làm được như các bạn trẻ ấy. Thế hệ sau bao giờ cũng giỏi hơn thế hệ trước, đó là quy luật. Điều quan trọng là phải biết trao cho các bạn ấy những cơ hội làm việc phù hợp và khích lệ, tạo động lực để duy trì sự đam mê".
Thế hệ trẻ ở VFC như các đạo diễn: Mai Hiền, Bùi Tiến Huy, Nguyễn Khải Anh, Bùi Quốc Việt... cùng các thành phần làm phim khác đang tạo ra những sản phẩm phim truyền hình đúng nghĩa, tạo ra làn gió mới trong hoạt động sáng tác bằng tư duy hiện đại, trẻ trung, chuyên nghiệp. "Thuyền trưởng" Đỗ Thanh Hải cho rằng, luôn có cuộc "rượt đuổi", phấn đấu giữa các thế hệ làm phim ở VFC vừa để khẳng định chính mình, vừa hướng tới chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Các nghệ sĩ đã, đang gắn bó với guồng sản xuất phim ở VFC vẫn thường gọi tên "Vũ trụ VFC". Hiểu một cách đơn giản, đó chính là khát vọng tạo ra môi trường làm nghề chuyên nghiệp, tập hợp những tên tuổi tài năng, đam mê sáng tạo, cùng gắn kết trong các dự án phim mang thương hiệu VFC. Điều đó cũng chứng tỏ, đội ngũ ấy tin cậy và mong muốn được cống hiến, tiếp nối tính truyền thống, sự tự hào về 50 năm phát triển lớn mạnh của VTV.
Khi xây dựng được sự tin tưởng, một tập thể đồng lòng gắn kết cùng với khẩu hiệu "không ngừng sáng tạo", VFC chắc chắn sẽ luôn là một thương hiệu mạnh trong sản xuất phim truyền hình.
Phim truyền hình VTV: Từ số 0 tới "Vũ trụ phim ảnh" quốc dân Những năm 90 của thế kỷ trước, khán giả đã chứng kiến kỷ nguyên vàng của những bộ phim truyền hình Việt Nam. Đơn vị đầu tiên sản xuất ra các bộ phim truyền hình khi ấy là Công ty Nghe nhìn Việt Nam hay Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình (VFC), Đài THVN. Chúng ta đã từng có một thế hệ...