Làm “lý lịch” cho nhãn chín muộn Thủ đô “bay” ra nước ngoài
Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc nhãn, đặc biệt là nhãn chín muộn, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng nhãn chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu… Không chỉ tạo hiệu quả kinh tế cho nông dân, nhãn an toàn còn mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Nhiều vùng nhãn chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
Tại vườn nhãn của gia đình anh Nguyễn Huy Hạnh ở xã Đại Thành ( huyện Quốc Oai), dù chưa vào chính vụ thu hoạch nhưng đã thấy dấu hiệu chất lượng nhãn tốt. Anh Hạnh cho biết: “Năm 2019, thời tiết diễn biến bất thường, sản lượng nhãn giảm so với mọi năm. Tuy nhiên, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, theo hướng dẫn của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội từ khâu bón phân, cắt tỉa, chăm sóc quá trình ra hoa, đậu quả… nên vườn nhãn vẫn sai quả và chất lượng tốt”.
Vườn nhãn chất lượng cao của gia đình anh Nguyễn Huy Hạnh (ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai đạt chất lượng xuất khẩu. Ảnh: N.N
Ngày 5/9/2018, Hà Nội đã xuất khẩu 19 tấn nhãn chín muộn đi Mỹ và châu Âu, trong đó vùng trồng nhãn ở Đại Thành, huyện Quốc Oai xuất khẩu 18 tấn sang Mỹ; vùng trồng nhãn xã Song Phương, huyện Hoài Đức xuất khẩu hơn 1 tấn nhãn chín muộn sang thị trường các nước châu Âu.
Trong khi đó chủ vườn nhãn chín muộn hơn 1ha, ông Trần Văn Bảy ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức) chia sẻ, 2 năm gần đây nhãn chín muộn của gia đình đều được thu mua để xuất khẩu. Năm nay tuy sản lượng giảm, song chất lượng nhãn vẫn rất tốt. Với hơn 1ha, nếu bán tại thị trường trong nước, gia đình dự kiến thu gần 1 tỷ đồng…
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho hay: Nhãn chín muộn Hà Nội chủ yếu gồm 2 giống: HTM1 và HTM2, có thời gian thu hoạch khoảng từ 20/8 đến 30/9, không trùng với khung thời vụ các loại nhãn khác.
Video đang HOT
Theo thống kê mới nhất, toàn thành phố có hơn 600ha nhãn chín muộn, sản lượng 8.000 – 10.000 tấn, bình quân đạt 300 – 400 triệu đồng/ha, nhiều nhà vườn đạt từ 700 đến 1 tỷ đồng/ha. So với nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, diện tích nhãn của Hà Nội không lớn, song những giống nhãn đang trồng đều cho chất lượng tốt, bán giá cao…
Biến nhãn chín muộn thành đặc sản Thủ đô
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, việc xuất khẩu những chuyến hàng đầu tiên đi Mỹ và châu Âu mở ra triển vọng mới cho thị trường cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, trong đó có nhãn chín muộn.
Với định hướng này, tới đây, vùng trồng nhãn chất lượng cao của Hà Nội sẽ tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, từ năm 2016, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật I cấp 2 mã vùng trồng nhãn chín muộn cho 2 xã: Song Phương, An Thượng (huyện Hoài Đức). Năm 2019 bổ sung mã vùng trồng cho xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Qua phân tích về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng nhãn được quy hoạch, 100% mẫu quả đạt chuẩn. Nhờ đó, năm 2016, 5 tấn nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội đã xuất khẩu thành công sang Malaysia; năm 2018, 18 tấn sang Mỹ, 1 tấn sang Ba Lan…
Theo quy hoạch đến năm 2020, vùng sản xuất nhãn chín muộn được xây dựng và mở rộng tại các vùng ven sông Đáy, gồm xã Đại Thành (Quốc Oai); xã An Thượng, Đông Lao, Song Phương, Vân Côn (Hoài Đức); xã Lam Điền, Thụy Hương (Chương Mỹ).
Hiện nay, Sở NNPTNT Hà Nội đã chứng nhận được hàng trăm cây nhãn chín muộn đầu dòng, cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép giống nhãn chín muộn cho các tỉnh bạn như: Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…
Theo nhận định của Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Nguyễn Quốc Hùng, tuy sản lượng nhãn xuất khẩu của Hà Nội chưa lớn song đã khẳng định vị thế, có thể chiếm lĩnh nhiều thị trường kỹ tính trên thế giới. Mặt khác, việc hình thành những vùng nhãn xuất khẩu đã góp phần chuyển biến nhận thức của các nhà vườn trong áp dụng các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ những nông sản an toàn, chất lượng cao.
Để nhãn chín muộn vượt qua được những hàng rào kỹ thuật thâm nhập vào thị trường quốc tế có sự đóng góp không nhỏ của các nhà quản lý, nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Theo Danviet
Quốc Oai "về đích" nhưng không dừng lại
Sau khi hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Quốc Oai (Hà Nội) tiếp tục duy trì thực hiện các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Về đích nhanh nhờ kịp thời nhận ra bất cập
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, do huyện Quốc Oai tổ chức mới đây, ông Đỗ Huy Chiến - Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Quốc Oai có xuất phát điểm thấp, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, một số tiêu chí đạt rất thấp... Từ năm 2011 - 2014, toàn huyện chỉ có 3 xã là: Nghĩa Hương, Phú Cát, Phượng Cách đạt chuẩn NTM.
Nhận thấy những bất cập, huyện đã quyết định đổi mới phương thức triển khai, không thực hiện dàn trải, mà ưu tiên tập trung cho những xã có điều kiện về đích sớm. Gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân các phòng ban, bí thư, chủ tịch UBND các xã, đồng thời rà soát, đánh giá từng tiêu chí cụ thể và đưa ra phương án tháo gỡ, kêu gọi xã hội hóa để có nguồn lực.
Nghề nuôi gà đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học đang mang lại thu nhập cao cho người dân tại một số xã của huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: H.Đ
"Nhờ đó, đến hết năm 2017, huyện đã có 20/20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 2 năm so với kế hoạch huyện đề ra" - ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, một số chỉ tiêu xây dựng NTM của huyện đạt kết quả cao như: 73,9% số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 100% số thôn có điểm sinh hoạt văn hóa; 82% số hộ dân được sử dụng nước sạch...
Ông Chiến cho biết thêm, đối với nhiệm vụ xây dựng huyện NTM, Quốc Oai đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Trung ương để xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018.
Cũng theo ông Chiến, về phát triển nông nghiệp, Quốc Oai đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phê duyệt cho 16 xã vùng quy hoạch chuyển đổi tổng diện tích 2.702,6ha; định hướng cho các xã ven sông Đáy tập trung phát triển vùng cây ăn quả, rau an toàn; các xã bán sơn địa phát triển trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ thế mà giá trị kinh tế năm 2018 đạt 138,8 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2010.
Trong giai đoạn tới, ông Chiến cho biết huyện sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2%/năm trở lên; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục nâng cao các tiêu chí
Tại hội nghị này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Quốc Oai tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với cơ cấu lao động, không ngừng nâng cao thu nhập cho nhân dân; duy trì phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả cao gắn với truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản...
Trong xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, Quốc Oai cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM; kịp thời khen thưởng, nhân rộng gương điển hình, mô hình hiệu quả, các tiêu chí NTM nâng cao/kiểu mẫu tại các thôn, khu dân cư, xã và huyện...
Về nâng cao đời sống nông dân, huyện cần tập trung chăm lo cả vật chất và tinh thần, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình về giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế. Huyện cần chú trọng gìn giữ và phát triển kinh tế làng nghề, thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách; duy trì cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, việc cưới, việc tang văn minh...
Theo Danviet
Vụ cháy công ty Rạng Đông: Bộ đội hóa học chuẩn bị phương án tẩy độc Liên quan đến vụ cháy công ty Rạng Đông, thiếu tướng Lê Mạnh Tiến cho biết binh chủng Hóa học đã chuẩn bị sẵn sàng để tẩy độc nhưng vẫn phải có đề nghị của UBND TP.Hà Nội, Công ty Rạng Đông đến Bộ Quốc phòng. Cán bộ Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) lấy mẫu phân tích...