Làm giàu ở nông thôn: Ông Điền không… “điên”
Với những quyết định táo bạo không giống ai, nhiều người trong vùng bảo ông là kẻ điên. Rồi tất cả ngỡ ngàng, thán phục làm theo ông để thay đổi cuộc đời. Đỉnh cao của sự điên ấy là mô hình nuôi gà trên cát, doanh thu hơn 7 tỷ đồng mỗi năm. Và đây là 1 trong những mô hình làm giàu ở nông thôn.
Người khai sinh ra mô hình này là ông Hoàng Công Điền, thôn Đồng Mỹ, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Một thời lênh đênh
Bước xuống từ chiếc xe ô tô trị giá bạc tỷ, ông Điền lao ngay vào khu chăn nuôi để kiểm tra tình hình sức khỏe của những con gà. Cái chất nông dân của ông vẫn không thay đổi sau hơn 10 năm làm ông chủ trang trại. Thật thà, chất phác, cởi mở, ông Điền chia sẻ với chúng tôi: Có được ngày hôm nay là cái giá của nửa đời tôi phải phiêu dạt, kinh qua đủ nghề để kiếm sống.
Ông Điền kiểm tra sức khỏe và tốc độ sinh trưởng của đàn gà. Ảnh: Phan Lợi
Ngoài sự năng động, biết liên kết để sản xuất, ông Hoàng Công Điền còn là một nông dân ham học hỏi và làm chủ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng thành công vào chăn nuôi. Đến nay, mô hình nuôi gà trên cát đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trong huyện với tổng số 50 trang trại, gia trại cho giá trị kinh tế cao và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Duy -
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quỳnh Phụ
Lênh đênh là cụm từ được ông Điền nói nhiều khi nhắc về quá khứ. Năm 1991, quyết định lập nghiệp đầu tiên của ông Điền là rời quê hương, xa bố mẹ già đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Lý do ông ra đi phần vì kinh tế gia đình khó khăn, ruộng ít, thiếu việc làm, phần vì hoài bão chinh phục thử thách, nuôi hy vọng làm giàu luôn hối thúc trong ông.
Sau 15 năm gắn bó với mảnh đất mới, cuộc sống gia đình ông không còn cơ cực nhờ chuyên tâm cấy 1,5 mẫu lúa, trồng 2ha vải thiều trên đồi và vật lộn với nghề khai thác hải sản trên biển, xuôi ngược buôn bán lợn giống, gà thịt. Tuy nhiên, do chưa thỏa khát vọng làm giàu, lại xác định lá rụng về cội, ông quyết định trở về quê hương với vẻn vẹn 50 triệu đồng và 2 tấn thóc trong tay.
Một lần nữa, người thân và bà con trong xã bảo ông điên vì bỏ nơi không phải lo cái ăn, cái mặc để về vùng quê nghèo. Nhưng điên hơn là khi ông mua 280m2 đất làm nhà nhưng lại quyết định đưa vợ con đi thuê nhà ở, dành phần đất đó… làm chuồng nuôi gà. Thật may mắn, lứa gà đầu tiên xuất chuồng với 2.000 con đã mang về khoản tiền 90 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng. Những lứa tiếp theo tiếp tục thành công, chỉ sau hơn 1 năm, ông có trong tay 200 triệu đồng. Từ đây, ông chọn con gà làm bến đỗ cuối cùng để làm giàu.
Video đang HOT
Nhân lành, quả ngọt
Nói về ý tưởng nuôi gà trên cát, ông Điền chia sẻ: Từ thực tiễn hơn một năm nuôi gà, ông thấy đàn gà nuôi ở lán có cây xanh thường yếu và hay bị bệnh, trong khi gà nuôi ở lán không có cây xanh, nền sân chỉ có cát lại mạnh khỏe, nhanh lớn, ít bị bệnh. Quan sát kỹ hơn, ông phát hiện ra đặc tính của con gà ta có thói quen bới đất tìm mồi, chúng hay tạo ổ tắm cát để làm mát và vệ sinh cơ thể. Đây chính là mấu chốt khiến trong môi trường đất cát con gà thường khỏe và hạn chế dịch bệnh. Tìm ra cách làm mới, ông Điền vững tâm hơn và càng quyết tâm mở trang trại nuôi gà trên cát.
Tháng 6.2008, được chính quyền địa phương cho thuê 1,1ha đất bãi ven đê sông Luộc, ông bắt tay vào quy hoạch, mua 4.000m3 cát cải tạo mặt bằng, đồng thời viết dự án nuôi gà.
Do vốn ít, năm đầu tiên ông chỉ xây được 2 dãy lán nuôi 4.000 con gà. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, 3 năm sau, mỗi năm ông xây thêm được một dãy lán, đạt quy mô nuôi 10.000 con gà/lứa. Đầu tư cả bạc tỷ vào xây dựng chuồng trại, nhưng đến năm thứ 5, nhận thấy những bất cập của chuồng nuôi, ông lại phá bỏ, cải tạo lại chuồng trại.
Với những thành tích của mình, ông Hoàng Công Điền vừa được bình chọn 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2018, một hoạt động trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam chào mừng kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14.10.1930 – 14.10.2018).
Đến nay, ông Điền đã hoàn thiện 5 lán chăn nuôi với 60 ô chuồng, tổng diện tích 2.600m2, mỗi năm nuôi 3 lứa được 80.000 con gà. Để tránh gà bị dịch bệnh và phát triển tốt, màu sắc đẹp, ông Điền sử dụng trấu trộn với chế phẩm sinh học (men vi sinh EM) làm chất độn chuồng; lớp cát trên sân chơi cho gà cũng được xử lý bằng vôi bột kết hợp men vi sinh EM; tiêm vaccine đầy đủ và thường xuyên lấy mẫu kiểm tra phát hiện sớm bệnh trên đàn gà.
Nuôi gà trên sân cát có rất nhiều lợi ích. Do cát thoát nước nhanh nên mặt sân luôn khô ráo, sạch sẽ. Ngoài ra, khi phân gà thải ra, cát sẽ hút hết nước nên không gây mất vệ sinh. Vào mùa hè, cát nóng là điều kiện thuận lợi để tiêu diệt mọi mầm bệnh. Cát là sân chơi cho gà kiếm ăn và vận động, giúp cơ bắp, thịt của gà rắn chắc, ngon và được giá cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với các loại gà ta khác – ông Điền cho biết.
Ông Lê Đăng Điều – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Lâm cho biết: Mô hình trang trại nuôi gà trên cát của ông Hoàng Công Điền vừa có quy mô lớn, xa khu dân cư, vừa áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật nên cho thu nhập cao. Điều đáng nói, mô hình này đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của hộ chăn nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.
Không những áp dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Điền còn tích cực liên kết với các doanh nghiệp (công ty thức ăn chăn nuôi, công ty thuốc thú y), các nhà khoa học và các trang trại gia cầm lớn trong và ngoài nước nhằm trao đổi thông tin về dịch bệnh, phương pháp xử lý dịch bệnh, thông tin giá cả thị trường và chủ động đầu ra cho sản phẩm của trang trại.
Dù đã gặt hái được nhiều thành công, ở nhà lầu, đi xe sang nhờ nuôi gà, nhưng ông Điền vẫn chưa muốn dừng cái điên của mình. Ông cho biết: Tôi sẽ quyết tâm tìm ra giống gà đặc sản để xây dựng thành công thương hiệu Gà ông Điền cung cấp cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Để làm được điều này, tôi cần được hỗ trợ về vốn và mặt bằng.
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: U50 xây "biệt phủ" hoành tráng nhờ gà và cá
Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Văn Kiệt (48 tuổi) thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã làm giàu từ mô hình trang trại vườn-ao-chuồng (VAC). Trang trại VAC của anh Kiệt mỗi năm cho lãi hơn nửa tỷ đồng. Và đó là nguồn lực để anh xây được ngôi nhà lầu hoành tráng.
Lãi nữa tỷ/năm
Trao đổi với Dân Việt, anh Nguyễn Văn Kiệt cho biết: Xuất thân trong một gia đình thuần nông, ngoài mấy sào ruộng tôi còn làm thêm các công việc tự do khác để kiếm sống, tuy nhiên thu nhập khá bấp bênh. Năm 2003, tôi bắt đầu chọn mô hình trang trại theo hướng VAC làm bước đi khởi nghiệp cho gia đình mình.
Trang trại theo mô hình VAC của anh Nguyễn Văn Kiệt cho lãi hơn nửa tỷ đồng/năm. Ảnh: Trần Hậu
Với nguồn vốn vay 50 triệu từ ngân hàng Agribank Điện Bàn, cộng với số tiền tích cóp được, tôi quyết định thành lập trang trại theo mô hình VAC. Ban đầu, do vốn ít nên trang trại chỉ có quy mô khoảng 0,5ha (năm 2003), đến nay quy mô trang trại của tôi đã mở rộng lên hơn 1,5ha. Với 2 ao nuôi cá (gồm cá trắm, chép, rô phi), hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn cá các loại, trung bình mỗi tấn có giá từ 25-30 triệu, tùy vào loại cá. 3 chuồng nuôi gà, nuôi theo hình thức gối đầu (khoảng trên 7.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa), mỗi kg gà bán ra thị trường hiện nay có giá từ 40-45.000 đồng/kg, cùng đàn bò 5 con. Hiện trang trại của tôi cho doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi hơn nửa tỷ đồng... - anh Kiệt phấn khởi nói.
Với 7.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa, riêng gà hàng năm mang về nguồn doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng cho gia đình anh Kiệt. Ảnh: Trần Hậu
Anh Kiệt cho biết thêm, ban đầu khởi nghiệp cái khó khăn nhất là vốn và kinh nghiệm, nhưng với tính siêng năng, cần cù và ước muốn làm giàu từ kinh tế trang trại, anh Nguyễn Văn Kiệt đã bền bỉ, chịu khó học hỏi, nghiên cứu và từng bước phát triển kinh tế theo mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện trang trại đang giải quyết cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Kiệt bên ao nuôi cá của mình. Ảnh: Trần Hậu
Xây nhà lầu nhờ mô hình VAC
Chia sẻ về quá trình làm giàu đầy gian khó của mình, anh Kiệt cho hay: Trước đây diện tích của tôi chỉ có 0,5ha, chỉ để trồng lúa và một số cây hoa màu, nhưng hiệu quả không cao, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình VAC. Tôi đã cải tạo đất ruộng thành ao thả cá và chuồng trại để chăn nuôi gà. Sau một thời gian thấy có hiệu quả, với số tiền tích góp được, tôi mua thêm đất xung quanh và đến nay trang trại của tôi rộng hơn 1,5ha.
Nhờ phát triển kinh tế trang trại theo mô hình VAC mà anh Nguyễn Văn Kiệt xây được ngôi nhà lầu 2 tầng khang trang, có giá gần 2 tỷ đồng. Ảnh: Trần Hậu
Trang trại của tôi chia làm 2 khu: Khu nuôi gà và khu nuôi cá, nhằm tận dụng nguồn phân thải của gà làm thức ăn cho cá, tiết kiệm được chi phí. Ngoài ra, tôi còn nhận ruộng của bà con (hơn 10 mẫu) không có nhu cầu sử dụng để sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm làm thức ăn cho gà phục vụ cho trang trại. Nhờ mô hình VAC mà gia đình tôi vươn lên khá giả, xây được ngồi nhà mới khang trang, giá trị gần 2 tỷ đồng, nuôi 2 đứa con ăn học.
Hiện đầu ra của trang trại khá ổn định, thời gian tới, tôi đang có dự định mở rộng trang trại của mình, xây dựng thêm chuồng trại để nuôi thêm heo và trồng cỏ nuôi bò để nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình, cũng như giải quyết lao động cho địa phương, anh Kiệt chia sẻ.
Trang trại của anh Kiệt chia làm 2 khu, gồm khu nuôi gà và khu nuôi cá, nhằm tận dụng nguồn phân thải của gà làm thức ăn cho cá, tiết kiệm chi phí. Ảnh: Trần Hậu
Ông Mai Phước Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Thọ, cho biết: Mô hình VAC khép kín của anh Nguyễn Văn Kiệt đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho hộ gia đình. Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là trưởng thôn, anh Kiệt luôn gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; thường xuyên giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm giúp bà con trong xã phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mãnh đất quê hương mình.
Theo Danviet
Nuôi loài gà bé bằng nắm tay, được con nào lái "khuân" đi con đó Nuôi gà tre-loài gà đặc sản chỉ to bằng nắm tay người lớn là mô hình làm giàu ở nông thôn của gia đình anh Nguyễn Văn Đại (SN1978), ngụ ấp Bình Hiệp, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang). Mặc dù nuôi với số lượng gà tre lên đến hàng ngàn con, nhưng tới lứa được con nào thì thương...